⠀
Cáp ngầm ở Biển Đông: Cạnh tranh nước lớn và phản ứng của các nước Đông Nam Á
Hiện nay, khoảng 486 tuyến cáp quang biển mang từ 97% – 99% lưu lượng truy cập Internet quốc tế (chỉ 3% còn lại được dự phòng qua vệ tinh).[1] Chính vì tầm quan trọng này, cáp ngầm dưới biển trở thành một mặt trận cạnh tranh chiến lược mới giữa Mỹ và Trung Quốc, với hệ luỵ sâu sắc tới an ninh và phát triển của Việt Nam, nhất là trong thời đại chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở khu vực, cạnh tranh nước lớn có thể dẫn đến thay đổi đối với hệ thống cáp ngầm và tương quan lực lượng giữa các nước khu vực. Một số nước Đông Nam Á có thể trở thành trung tâm của các mạng lưới mới xuyên Thái Bình Dương trong khi một số nước khác có nguy cơ bị gạt ra ngoài, không thể kết nối với các hệ thống cáp lớn. Trước những phát triển này, bài viết sẽ phân tích: (i) cạnh tranh nước lớn trong vấn đề cáp ngầm cùng một số tác động tới khu vực, (ii) phản ứng chính sách của một số nước Đông Nam Á và (iii) đề xuất chính sách cho Việt Nam.
Cáp ngầm – mặt trận cạnh tranh mới ở Biển Đông
Cáp ngầm đang trở thành một quan tâm lớn của Mỹ và Trung Quốc bên cạnh chip silicon, đất hiếm, 5G, AI, không gian, lực lượng hải quân và không quân.
Chiến lược của Mỹ
Mỹ coi lắp đặt, vận hành các tuyến cáp dưới biển là vấn đề “an ninh quốc gia”.[2] Trong bối cảnh phân tách công nghệ Mỹ – Trung, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã công bố chương trình Mạng lưới sạch (Clean Network) nhằm ngăn chặn các dự án cáp ngầm Mỹ sử dụng công nghệ Trung Quốc, đồng thời ngăn các đối thủ nước ngoài tiếp cận hàng hóa và công nghệ của Mỹ để phát triển cáp biển.[3] Đây cũng là một bước đi nhằm giảm khả năng Trung Quốc lợi dụng cáp ngầm để thu thập dữ liệu hay phá vỡ các tài sản chiến lược trong trường hợp xung đột. Ở cấp độ chiến lược, đây là nỗ lực kiềm chế Trung Quốc trở thành nhà sản xuất công nghệ tiên tiến thống trị thế giới trong lĩnh vực cáp ngầm.
Tiếp đến, Mỹ can thiệp vào các dự án cáp tư nhân để ngăn các công ty viễn thông của Trung Quốc không giành được hợp đồng xây dựng cáp buộc phải tái định tuyến, hoặc loại bỏ các tuyến cáp có thể kết nối trực tiếp giữa lãnh thổ hai nước.[4] Ví dụ, chính phủ Mỹ đã gây áp lực thành công buộc công ty HMN Technologies Co Ltd (HMN Tech) của Trung Quốc từ bỏ dự án cáp SeaMeWe-6 (Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu – 6) để thay bằng SubCom, một công ty của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ đã chặn 4 dự án cáp xuyên Thái Bình Dương do Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft lên kế hoạch hạ đặt tại Hồng Kông, Trung Quốc do lo ngại nguy cơ bị lộ dữ liệu quốc gia và bị Trung Quốc đánh chặn.[5]
Thay vào đó, Facebook và Google đang xây dựng Apricot, tuyến cáp ngầm xuyên biển nội Á (intra-Asia) đầu tiên tránh Hồng Kông, bỏ qua Trung Quốc và Việt Nam.[6][7] Tuyến cáp ngầm dài 12.000 km sẽ kết nối Nhật Bản, Đài Loan, đảo Guam, Philippines, Indonesia và Singapore nhưng không bao gồm Malaysia và được cho là một trụ cột của Mỹ để cạnh tranh để thống trị Internet toàn cầu.[8]
Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc thông qua tập hợp lực lượng với đồng minh, đối tác. Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Quad) vào tháng 5/2023, các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ đã công bố “Quan hệ đối tác Quad mới về kết nối và khả năng phục hồi cáp” để tăng cường hệ thống cáp khu vực dựa trên thế mạnh của từng nước thành viên trong sản xuất, cung cấp và bảo trì cơ sở hạ tầng cáp.[9]
Chiến lược của Trung Quốc
Từ những năm 1990, PLA và Bộ Công nghiệp Thông tin Trung Quốc đã tập trung phát triển công nghệ cáp ngầm. Năm 2002, PLA lần đầu sử dụng hệ thống đặt cáp ngầm dưới biển của nước này và triển khai tàu đặt cáp quang vào năm 2015, sau đó dần tham gia vào thị trường quốc tế.[10] Nỗ lực đẩy mạnh mạng lưới cáp ngầm dưới biển Trung Quốc nằm trong khuôn khổ (i) Sáng kiến “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” nhằm tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và hơn 130 quốc gia tham gia và (ii) Kế hoạch “Made in China 2025” nhằm tìm kiếm thị phần trong các lĩnh vực chiến lược, bao gồm chiếm 60% thị trường toàn cầu cho thiết bị truyền dẫn quang.[11]
Nổi bật trong đó là công ty HMN Tech có khách hàng gồm hàng chục công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông toàn cầu, trong đó có cả Microsoft của Mỹ và Orange của Pháp.[12] HMN Tech trở thành một mô hình “kết hợp quân sự-dân sự”,[13] hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quốc phòng, giúp Trung Quốc “tiến vào thị trường quốc tế.”[14] Sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy quá trình mở rộng của HMN Tech, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển. Các hoạt động này được cho là đã gây ra phản ứng từ chính phủ Mỹ khi Mỹ tăng cường giám sát sự tham gia của nước ngoài vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Đứng trước các áp lực và chính sách cạnh tranh từ Mỹ, Trung Quốc tìm cách thích nghi bằng một loạt các biện pháp như sau:
Trung Quốc yêu cầu các thủ tục mới, trì hoãn cấp phép hoạt động xây dựng, sửa chữa cáp ngầm của các nước khác trong vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc yêu cầu phê duyệt dự án lắp đặt cáp mới lấy lý do an ninh quốc gia, làm trì hoãn đáng kể việc triển khai hai dự án SJC2 (Southeast Asia Japan Cable) và ADC (Asia Direct Cable). Sự chậm hoàn này có thể là phản ứng trả đũa của Trung Quốc đối với các nỗ lực đánh bật các công ty viễn thông Trung Quốc khỏi kiến trúc kỹ thuật số của Mỹ.[15]
Kiểm soát Hồng Kông: Các chính sách của Trung Quốc hiện đang cắt giảm tiềm năng của Hồng Kông như một trung tâm hạ đặt cáp xuyên Thái Bình Dương, buộc Mỹ và đồng minh phải tìm cách tránh Hồng Kông vì lý do an ninh quốc gia. Vào tháng 6/2020, Luật An ninh Quốc gia đã ban hành văn bản nhằm hạn chế quyền tự trị pháp lý của Hồng Kông. Sau động thái này, một số nhà đầu tư lớn đang tìm kiếm các lựa chọn khác để xây dựng các tuyến cáp mới do lo ngại sự cản trở của Trung Quốc cùng các lý do an ninh khác.[16]
Xây dựng các tuyến cáp thay thế: Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng một mạng cáp internet dưới biển EMA trị giá 500 triệu đô la để kết nối châu Á với Trung Đông và châu Âu. Dự án này được cho là để cạnh tranh với dự án SeaMeWe-6 của Mỹ.[17] Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Trung Quốc, Pakistan, Ả Rập Saudi và Nga đã công khai tham vọng tạo ra một cơ sở hạ tầng Internet tập trung hơn dưới sự kiểm soát của chính phủ. Các nước này cũng cho biết sẵn sàng và có thể tắt quyền truy cập vào một số trang web nhất định, thậm chí toàn bộ Internet trong thời kỳ bất ổn chính trị.[18]
Nhìn chung, Trung Quốc được cho là đang sử dụng cáp ngầm như một công cụ chính sách để vẽ lại bản đồ kỹ thuật số ở châu Á. Đồng thời, Trung Quốc sử dụng hoạt động hạ đặt cáp để khẳng định hiện diện ở vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền khi việc lập bản đồ, nghiên cứu mức độ khả thi và khảo sát đáy biển hỗ trợ Trung Quốc xác định các tuyến cáp tốt nhất.[19]
Xu hướng các nước, tập đoàn lớn xây cáp tránh Biển Đông
Khi các tuyến cáp ngầm dưới biển đang trở thành một mặt trận cạnh tranh Mỹ – Trung, các công ty công nghệ và viễn thông lớn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro cùng sự chậm trễ trong xây dựng các tuyến cáp dọc theo đáy Biển Đông.[20] Trong 2-3 năm qua, các công ty này gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy phép, đặc biệt là đối với các vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Theo đó, vấn đề giảm thiểu rủi ro đó đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các dự án mới.[21]
Vì vậy, các nhà đầu tư đang ngày càng chú ý tới khả năng xây dựng các tuyến cáp mới, tránh Biển Đông, nối Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Singapore…, đồng thời tận dụng các tuyến cáp nội Á hiện có để kết nối với Trung Quốc.[22] Cụ thể là các tuyến: (i) Echo của Meta và Google, nối California với Singapore qua đảo Guam và Indonesia vào năm 2024; (ii) Bifrost của Meta và Keppel Viễn thông & Vận tải của Singapore, tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương đầu tiên băng qua Biển Java thay vì Biển Đông, theo đó Indonesia và Philippines trở thành trung tâm kết nối thay vì Hồng Kông; (iii) Apricot của Meta, Google, NTT và một số công ty khác cũng đi qua vùng biển phía Đông của Philippines và Indonesia, qua Biển Java.[23][24]
Phản ứng chính sách của các nước Đông Nam Á
Những phân tích trên cho thấy các nước Đông Nam Á đang đối mặt với hai trở lực. Một mặt, Mỹ ngăn chặn một cách có hệ thống các dự án cáp kết nối Mỹ sang Trung Quốc qua Hồng Kông. Mặt khác, chính sách hạn chế đặt cáp ở Biển Đông của Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lớn đang cố gắng xác định các tuyến đường mới để vượt qua “vấn đề Trung Quốc” và kết nối Bắc Mỹ trực tiếp đến Đông Nam Á mà không đi qua Trung Quốc hoặc Biển Đông.[25] Trong bối cảnh đó, nghiên cứu khảo sát phản ứng chính sách của Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia. Lập luận chung là các nước cố gắng duy trì chính sách mở để có cơ hội hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời ưu tiên phát triển hệ thống cáp ngầm, cải thiện chính sách pháp lý, hướng tới tăng cường kết nối, số hoá đất nước.
Singapore
Nhìn tổng thể, Singapore vẫn cố gắng tìm được điểm cân bằng, tìm kiếm cơ hội, giảm thiểu rủi ro trong cạnh tranh nước lớn về cáp ngầm ở Biển Đông, đồng thời đa dạng hoá quan hệ hợp tác về cáp với các nước phát triển khác. Singapore xem sự leo thang cạnh tranh Mỹ – Trung mang đến nhiều thách thức hơn là cơ hội.[26] Từ góc độ cơ hội, Singapore nhìn nhận Mỹ tăng cường đầu tư về kinh tế và ngoại giao như một đối trọng với Trung Quốc, mang đến những khoản hời cho Singapore. Chẳng hạn, hai dự án Apricot và Echo kết nối California và Guam (Mỹ) với Singapore[27] được kỳ vọng sẽ giúp Singapore củng cố vị thế là trung tâm dữ liệu quan trọng của Google và Meta. Nhìn từ góc độ thách thức, cuộc cạnh tranh và sự phân tách về công nghệ sẽ đặt Singapore vào thế khó. Một trong hai cường quốc có thể tìm cách tách Singapore ra khỏi bên còn lại, bất chấp nhu cầu thiết thân của Singapore, quốc gia tồn tại nhờ vị trí trung chuyển, khả năng tiếp cận và kết nối với các phần còn lại của thế giới.
Chủ trương chung trong chính sách đối ngoại của Singapore được xây dựng theo 3 trụ cột: (i) tăng cường quan hệ với Mỹ, (ii) hạn chế căng thẳng với Trung Quốc và (iii) nâng cao quan hệ với các quốc gia khác (trong đó có ASEAN, Úc).[28] Lĩnh vực cáp ngầm không nằm ngoài khuôn khổ đó. Một mặt, Singapore đón nhận các dòng dịch chuyển cáp ngầm của Mỹ; mặt khác lại là một trong những điểm dừng trên lộ trình của tuyến cáp EMA của các nhà mạng Trung Quốc.[29] Theo phương châm “duy trì dòng chảy thương mại, nguồn vốn và con người rộng mở”, Singapore không chọn bên mà chọn dự án phù hợp với lợi ích quốc gia.
Singapore không tự giới hạn tiềm lực quốc gia trong bức tranh Mỹ – Trung, mà tự tìm cách mở rộng sang các địa hạt khác theo hướng đa dạng hóa về đối tác và lĩnh vực. Đơn cử, từ năm 2018, tập đoàn Singtel của Singapore bắt đầu hợp tác với KDDI của Nhật Bản (cùng với Meta) để thực hiện dự án đặt cáp ngầm nối giữa Nhật Bản và Singapore.[30] Ngoài phục vụ viễn thông, cáp ngầm còn được Singapore sử dụng như một phương tiện truyền dẫn điện năng từ các đối tác năng lượng. Singapore đã ký kết biên bản ghi nhớ với Indonesia và lên kế hoạch nhập khẩu năng lượng từ Úc và ASEAN.[31][32]
Indonesia
Indonesia được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc kỹ thuật số ở Thái Bình Dương.[33] Tính đến năm 2022, Indonesia có 217 cáp ngầm và 42 đường ống dưới nước. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, Indonesia tìm cách hưởng lợi từ cả Mỹ và Trung Quốc.
Đối với Mỹ, Indonesia là nước hưởng lợi chính từ tuyến cáp viễn thông sợi quang dài nhất thế giới nối bán đảo Đông Nam Á trực tiếp với Mỹ. Mạng lưới xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Networks – TPN) là tuyến đường cáp ngầm đầu tiên kết nối trực tiếp Singapore, Indonesia và Mỹ, được dự báo có khả năng phục vụ một số thị trường ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Tuyến cáp dài 16.000 km được coi là công cụ phát triển kỹ thuật số do Mỹ hậu thuẫn chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) toàn cầu của Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc: Trung Quốc và Indonesia sớm có những dự án hợp tác trong lĩnh vực viễn thông và cáp ngầm, song hiện đang gặp khó khăn trong quá trình vận hành và triển khai. Tập đoàn ZTE là nhà cung cấp thiết bị chính cho các công ty viễn thông của Indonesia trong xây dựng mạng 3G và 4G/LTE.[34] Tuy nhiên vào những năm gần đây, các vấn đề thủ tục phức tạp liên quan đến Hồng Kông và cạnh tranh Mỹ – Trung đã cản trở tiến trình hợp tác Trung Quốc – Indonesia trong lĩnh vực này.
Ngoài ra việc Trung Quốc thoái vốn khỏi các dự án cáp ngầm (Dự án Pacific Link Cable Network – PLCN và dự án Sea-Me-We 6) đã gây mất lòng tin cho các đối tác khu vực trong đó có Indonesia, từ đó tạo cơ hội cho Indonesia cùng các đối tác Đông Nam Á hợp với Mỹ. Dù vậy, bất chấp mức độ thiếu tin tưởng này, Huawei và ZTE vẫn nhận được sự ủng hộ từ chính phủ và người dân Indonesia, chủ yếu là do mối liên kết lâu năm và lợi ích mà các doanh nghiệp này mang lại cho hệ thống viễn thông Indonesia.[35]
Trong bối cảnh đó, Indonesia triển khai các chính sách để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời đa dạng hóa hợp tác như sau: Cải thiện tính rõ ràng, minh bạch về pháp lý, chính sách: Vào tháng 3/2021, chính phủ Indonesia đã ban hành Quyết định cấp Bộ trưởng số 14/2021 về chính sách “Luồng/Dòng của đường ống và cáp ngầm” (Flow of Pipelines and Submarine Cables Policy).[36] Quy định này cho thấy Indonesia đang từng bước cải thiện quản lý cơ sở hạ tầng dưới nước, với sự đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông tư nhân. Indonesia cũng tích cực quảng bá hình ảnh về trung tâm công nghệ của khu vực trong tương lai: Vào tháng 4 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia đã công bố lộ trình “Making Indonesia 4.0”, nhấn mạnh thúc đẩy sức mạnh công nghệ và khả năng kết nối của đất nước, củng cố một mạng lưới cáp ngầm tân tiến.[37]
Indonesia cũng thúc đẩy hợp tác phát triển hệ thống cáp ngầm để da dạng hoá đối tác: Trong quan hệ song phương, Singapore được đánh giá là đối tác thân cận và có tính ràng buộc cao nhất với Indonesia trong hợp tác phát triển cáp ngầm. Hai nước có hợp tác với Hệ thống cáp ma trận (Matrix Cable System – MCS) kéo dài 1055 km từ Singapore đến Indonesia, với một nhánh đang hoạt động ở đảo Batam (Indonesia).[38] Đối với hợp tác đa phương, Indonesia tham gia vào Tuyến cáp Đông Nam Á – Nhật Bản (Southeast Asia-Japan Cable – SJC) cung cấp đường dẫn thông tin dung lượng cao giữa Singapore và Nhật Bản, tới Hồng Kông, Philippines, Brunei và Thái Lan. Các dự án mới gồm cáp Hawaiki Nui và Cáp kết nối châu Á (ACC-1) cũng sắp đi vào hoạt động.[39]
Malaysia
Malaysia bị kẹt trong cạnh tranh nước lớn và cố gắng duy trì vị hợp tác cả với Mỹ và Trung Quốc: Sau khi Malaysia đưa ra các quy định về Luật Vận tải không thuận lợi cho các tàu hạt đặt và sửa chữa nước ngoài hoạt động trong vùng biển của Malaysia, nước này bị loại khỏi tuyến cáp Apricot, Echo và Bifrost xuyên Biển Đông của Facebook và Google. Thực tế này không chỉ làm giảm chất lượng kết nối Internet mà còn cản trở đầu tư vào trung tâm dữ liệu của cả các công ty địa phương và toàn cầu.[40]
Đổi lại, Malaysia đã tham gia Hệ thống cáp cao tốc Hải Nam – Hồng Kông (SEA-H2X) dài 5000km do Trung Quốc hậu thuẫn nối liền Hồng Kông, Trung Quốc, Philippines và Thái Lan với phía đông Malaysia và Singapore vào năm 2022. Malaysia chịu nhiều áp lực từ Trung Quốc khi China Telecom và China Mobile liên tục đe dọa từ bỏ dự án.[41] Tuy nhiên, hợp tác với Trung Quốc vẫn được Malaysia ưu tiên lúc này bởi những rào cản trong hợp tác với Mỹ. Cách tiếp cận thực dụng của các công ty công nghệ Mỹ có khả năng gián tiếp khuyến khích Malaysia tiến gần hơn với Trung Quốc.[42]
Trong khi đó, Malaysia duy trì kênh liên lạc và thảo luận với các nhà đầu tư Mỹ như Google, Facebook và Microsoft Corp trong các dự án cáp hợp tác tương lai. Tháng 5/2023, Bộ trưởng Vận tải Malaysia đã có cuộc gặp với Facebook, Google để thảo luận thêm về chính sách cabotage, mục tiêu là tạo ra sự chắc chắn và rõ ràng về chính sách và quy định pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài.[43]
Đa dạng hóa hợp tác để phát triển hệ thống cáp ngầm: Malaysia tham gia vào Mạng cáp châu Á-Thái Bình Dương (APCN), một hệ thống cáp viễn thông dưới biển nối 9 quốc gia châu Á. Ngoài ra phải kể đến Tuyến cáp ngầm châu Á (Asia Submarine Cable Express – ASE), một hệ thống cáp ngầm dài 7200 km được đưa vào sử dụng vào năm 2012, kết nối Nhật Bản, Hồng Kông, Philippines, Malaysia và Singapore.[44] Malaysia cũng tham gia vào Cổng Vịnh Bengal (Bay of Bengal Gateway – BBG), tạo ra một cầu nối tốc độ cao giữa Châu Âu, Trung Đông, Trung Á và Viễn Đông, với Singapore là trung tâm cáp chính kết nối với Viễn Đông và Barka ở Oman với các kết nối dưới biển và trên mặt đất tới Châu Âu, Châu Phi và GCC.[45]
Philippines
Philippines tìm cách đa dạng hệ thống cáp ngầm, đồng thời thúc đẩy quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc. Nếu vào năm 2006, hệ thống Internet của Philippines chỉ kết nối với thế giới từ một điểm duy nhất, trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung xấu đi, nguồn vốn lắp đặt cáp của Philippines được điều hướng để tăng cường mạng lưới với các quốc gia thân thiện hơn. Hiện nay, Philippines có kết nối với 11 hệ thống cáp ngầm quốc tế, 6 hệ thống cáp ngầm xuyên Thái Bình Dương và nội Á khác đang được xây dựng.
Philippines đang trở thành một nước quan trọng trong chiến lược cáp ngầm của Washington. Do lo ngại về nguy cơ gián điệp Trung Quốc, Mỹ không cấp phép cho 4 dự án cáp ngầm kết nối trực tiếp Hồng Kông và Mỹ. Với lợi thế là một đồng minh hiệp ước cùng vị trí tương đối gần Đài Loan, Philippines đã được chọn làm điểm hạ đặt mới của 2/4 tuyến cáp Mỹ không cấp phép để kết nối trực tiếp Hồng Kông và Mỹ (gồm PLCN và TPU).[46][47] Sau khi tái định tuyến và đưa vào hoạt động, hệ thống cáp biển TPU sẽ cạnh tranh trực tiếp (theo hướng tích cực) với các hệ thống khác, góp phần đa dạng hoá, tăng cường khả năng phục hồi của viễn thông xuyên Thái Bình Dương.[48] Dự kiến đến năm 2024, sẽ có 7 tuyến cáp ngầm xuyên Thái Bình Dương kết nối Philippines với Mỹ.[49] Không dừng lại ở các dự án hợp tác lắp đặt, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Vụ Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông Philippines (DICT) còn tiến hành chia sẻ kinh nghiệm giúp Manila tăng cường năng lực cho hệ sinh thái kỹ thuật số quốc gia trong xây dựng kế hoạch đến triển khai các chương trình cụ thể.[50]
Trong quan hệ với Trung Quốc, trước kia, theo chủ trương chính sách thân thiện với Bắc Kinh, cựu Tổng thống Duterte đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào ngành viễn thông của Manila, giúp công ty Telecom của Trung Quốc trở thành nhà vận hành viễn thông lớn thứ 3 tại Philippines. Philippines cũng trao quyền vận hành mạng di động thứ 3 cho DITO Telecommunity – công ty thuộc sở hữu một phần của nhà nước Trung Quốc vào năm 2021.[51][52] Dưới thời Tổng thống Marcos, chính sách ưu ái Bắc Kinh có phần bị hạn chế hơn theo chủ trương “làm bạn với tất cả và không kết thù với một ai”[53] đồng thời thắt chặt lại quan hệ với Mỹ.[54] Từ tháng 5/2022, quan hệ Philippines – Trung Quốc có nhiều diễn biến căng thẳng, một phần liên quan đến tình hình Biển Đông.[55] Đến nay, chưa có dự án cáp ngầm mới nào kết nối hai nước được công bố.
Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam
Các tác giả cho rằng những phát triển mới trong bức tranh cáp ngầm hiện nay có thể mang lại cho Việt Nam cả tác động tích cực và tiêu cực. Ở khía cạnh tích cực, xu hướng này mở ra cơ hội để Việt Nam hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, giúp đa dạng hóa các tuyến đường cáp ở Thái Bình Dương, bù đắp hạn chế của những tuyến đường truyền thống và vượt qua “vấn đề Trung Quốc”. Các loại cáp và tuyến cáp mới cho phép tạo các kết nối trực tiếp, độ trễ thấp và tăng 70% khả năng truyền dẫn giữa Bắc Mỹ và Đông Nam Á.[56]
Ở khía cạnh tiêu cực, khi Mỹ và Trung Quốc ngày càng ưu tiên an ninh quốc gia, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư bằng cách loại trừ hoàn toàn các nhà cung cấp không đáng tin cậy khỏi hệ sinh thái công nghệ thông tin – truyền thông,[57] Việt Nam có khả năng rơi vào tình thế “lưỡng nan”. Một mặt, Việt Nam có thể bị cắt khỏi hệ thống cáp ngầm của Mỹ và phương Tây do các tập đoàn viễn thông lớn của thế giới đang tìm cách tránh Biển Đông. Mặt khác, nếu phụ thuộc vào tuyến cáp kết nối với Hồng Kông hay tuyến Huawei của Trung Quốc, ta có thể bị ngắt kết nối với các nhà cung cấp từ Mỹ. Trong trường hợp cạnh tranh, phân cực ngày càng sâu sắc đến chiến tranh, Việt Nam có thể bị ngắt kết nối hoàn toàn khỏi hệ thống mạng của các nước lớn. Theo đó, Việt Nam ngày càng khó có thể sử dụng chiến lược đi với cả bên. Ví dụ, tuyến cáp SJC 2 (South East Asia – Japan 2 Cable System), do VNPT xây dựng dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023, kết nối với Hồng Kông có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng kết nối với hệ thống cáp của Mỹ. Ngược lại, nếu muốn hợp tác với Google, Meta, Microsoft, các nước này khó có thể sử dụng các thiết bị từ Trung Quốc.[58]
Trên cơ sở phân tích thực tiễn cáp ngầm ở Biển Đông và phản ứng chính sách của một số nước khu vực, bài viết đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần nhìn nhận cáp ngầm là “cơ sở hạ tầng thiết yếu” do tầm quan trọng của cáp ngầm đối với an ninh và phát triển quốc gia. Các phân tích trên cho thấy, một số nước ASEAN đang ngày càng chú trọng xây dựng hệ thống cáp ngầm, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cáp khu vực cũng như thúc đẩy nền công nghiệp kỹ thuật số, phát triển kinh tế biển.
Thứ hai, Việt Nam có thể hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm cáp ngầm dưới biển. Hiện Singapore gặp hạn chế về không gian nên đã đạt đến độ bão hòa và lợi nhuận cận biên giảm dần trong xây dựng cáp mới. Hơn nữa, Singapore đang trì hoãn việc xây dựng các trung tâm dữ liệu mới và các trạm hạ cáp do mức độ tiêu thụ điện năng quá lớn. Do vậy, thế giới đang tìm kiếm các trung tâm khu vực thay thế, trong đó có Việt Nam. Đây là một cơ hội mà ta nên tận dụng.
Thứ ba, ta cần đảm bảo quy định, thủ tục pháp lý rõ ràng, có khả năng dự đoán được. Trường hợp của Indonesia, Philippines và Malaysia chỉ ra rằng sự rõ ràng về quy định, thủ tục cấp phép, sự phối hợp giữa các cơ quan ra quyết sách là một nhân tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo tính dự đoán được về pháp lý, tránh các chồng chéo, tạo sự yên tâm để các tập đoàn quốc tế đầu tư, xây dựng cáp ngầm tại các nước khu vực.
Thứ tư, chính phủ cần quan tâm tới bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước và an ninh mạng, bố trí cáp ngầm tránh các tác động tiêu cực của tự nhiên, sự cố từ con người, các hoạt động tàu thuyền. Ở cấp độ rộng hơn, Việt Nam cần nâng cao nhận thức biển (MDA) để tăng cường khả năng cảm biến, phân tích và điều chỉnh, lập bản đồ cảnh quan địa vật lý dưới nước để tìm hiểu và tránh các mối đe dọa tiềm ẩn đối với hệ thống cáp ngầm. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục bảo vệ dữ liệu, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong quá trình phát triển kỹ thuật số quốc gia.
Thứ năm, Việt Nam có thể tham khảo mô hình sửa chữa cáp ngầm của Malaysia vì hiện số lượng tàu bảo trì còn thiếu so với nhu cầu ở Biển Đông, nên tiềm năng của ngành này là rất lớn. Ở khía cạnh này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ công ty sửa chữa cáp quang biển Optic Marine Repair (OMS) ở Malaysia. Trong quá trình này, ta có thể tham khảo kinh nghiệm một số công ty như SubCom của Mỹ, NEC của Nhật Bản hay Orange của Pháp do các đối tác này sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với Việt Nam.
Thứ sáu, ta cần chú trọng lựa chọn đối tác tin cậy và đa dạng hoá đối tác. Singapore, Philippines và Indonesia hợp tác theo phương châm không chọn bên mà chọn những dự án phù hợp với lợi ích quốc gia. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, ta cũng có thể cân nhắc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cáp ngầm với một số nước khác như Nhật Bản, Pháp. Mục tiêu của đa dạng hóa đối tác là để giảm sự gián đoạn, tăng cường khả năng phục hồi và giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ một bên nào trong phát triển cáp ngầm.[59]
————————–
Chú thích:
[1] https://www.euractiv.com/section/china/opinion/south-china-sea-tensions-conceal-a-secret-war-to-control-the-worlds-internet/
[2]https://www.usni.org/magazines/proceedings/2023/may/information-warfare-depths-analysis-global-undersea-cable-networks
[3] https://www.nytimes.com/2022/01/27/technology/fcc-china-unicom.html
[4] https://www.sggp.org.vn/cap-ngam-trung-tam-cuoc-chien-cong-nghe-my-trung-post683438.html
[5]https://www.reuters.com/world/china/china-plans-500-mln-subsea-internet-cable-rival-us-backed-project-2023-04-06/
[6]https://www.reuters.com/world/china/china-plans-500-mln-subsea-internet-cable-rival-us-backed-project-2023-04-06/
[7]https://www.ifri.org/sites/default/files/atoms/files/morel_geopolitics_submarine_cables_oceania_2022.pdf
[8]https://www.euractiv.com/section/china/opinion/south-china-sea-tensions-conceal-a-secret-war-to-control-the-worlds-internet/
[9] https://www.indianarrative.com/world-news/quad-summit-makes-bold-statement-on-undersea-internet-cables-in-blow-to-china-143384.html
[10] https://www.aspistrategist.org.au/chinas-cable-strategy-exploring-global-undersea-dominance/.
[11] https://www.sggp.org.vn/cap-ngam-trung-tam-cuoc-chien-cong-nghe-my-trung-post683438.html
[12] https://www.sggp.org.vn/cap-ngam-trung-tam-cuoc-chien-cong-nghe-my-trung-post683438.html
[13] https://www.axios.com/2019/06/04/sale-of-huaweis-underseas-cables-could-leave-risks-unaddressed
[14] https://www.csis.org/analysis/securing-subsea-network-primer-policymakers
[15]https://asia.nikkei.com/Business/Business-Spotlight/Asia-s-internet-cable-projects-delayed-by-South-China-Sea-tensions
[16] https://www.csis.org/analysis/securing-asias-subsea-network-us-interests-and-strategic-options
[17]https://www.reuters.com/world/china/china-plans-500-mln-subsea-internet-cable-rival-us-backed-project-2023-04-06/
[18] https://ig.ft.com/subsea-cables/
[19]https://www.ifri.org/sites/default/files/atoms/files/morel_geopolitics_submarine_cables_oceania_2022.pdf
[20] https://asia.nikkei.com/Business/Business-Spotlight/Asia-s-internet-cable-projects-delayed-by-South-China-Sea-tensions
[21] https://asia.nikkei.com/Business/Business-Spotlight/Asia-s-internet-cable-projects-delayed-by-South-China-Sea-tensions
[22] https://asia.nikkei.com/Business/Business-Spotlight/Asia-s-internet-cable-projects-delayed-by-South-China-Sea-tensions
[23] https://asia.nikkei.com/Business/Business-Spotlight/Asia-s-internet-cable-projects-delayed-by-South-China-Sea-tensions
[24] https://www.csis.org/analysis/securing-asias-subsea-network-us-interests-and-strategic-options
[25] C. Morel, Telephone interview with a representative of Alcatel Submarine Networks, December 16, 2021
[26]https://www.rand.org/content/dam/rand/pubs/research_reports/RR4400/RR4412z5/RAND_RR4412z5.pdf
[27] https://foreignpolicy.com/2023/05/24/china-subsea-cables-internet-decoupling-biden/
https://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/3145253/google-facebook-unveil-new-asia-undersea-data-cable-plan
https://www.datacenterdynamics.com/en/news/google-and-facebook-announce-apricot-submarine-cable-for-apac/
[28]https://www.rand.org/content/dam/rand/pubs/research_reports/RR4400/RR4412z5/RAND_RR4412z5.pdf
[29] https://www.reuters.com/world/china/china-plans-500-mln-subsea-internet-cable-rival-us-backed-project-2023-04-06/
[30] https://asia.nikkei.com/Business/Business-Spotlight/Asia-s-internet-cable-projects-delayed-by-South-China-Sea-tensions
[31] https://en.vietnamplus.vn/singapore-undersea-cable-to-facilitate-power-import-from-indonesia/209654.vnp
[32] https://newatlas.com/energy/sun-cable-australia-singapore-solar-undersea-powerlink/
[33]https://www.ifri.org/sites/default/files/atoms/files/morel_geopolitics_submarine_cables_oceania_2022.pdf
[34] https://www.indotelko.com/read/1439949857/zte-makassar-smart-city-solution
[35] https://carnegieendowment.org/2022/07/11/localization-and-china-s-tech-success-in-indonesia-pub-87477
[36] https://thediplomat.com/2021/06/the-security-challenges-facing-indonesias-submarine-cable-communication-system/
[37] https://thediplomat.com/2021/06/the-security-challenges-facing-indonesias-submarine-cable-communication-system/
[38] https://dokumen.tips/technology/indonesia-submarine-cables.html?page=35
[39] https://www.ifri.org/sites/default/files/atoms/files/morel_geopolitics_submarine_cables_oceania_2022.pdf
[40] https://themalaysianreserve.com/2021/08/30/subsea-cable-exclusion-a-loss-to-digital-malaysias-future/
[41] https://www.reuters.com/investigates/special-report/us-china-tech-cables/
[42] https://www.euractiv.com/section/china/opinion/south-china-sea-tensions-conceal-a-secret-war-to-control-the-worlds-internet/
[43]https://dig.watch/updates/the-malaysian-transport-ministry-will-hold-a-meeting-with-tech-giants-to-discuss-the-repair-of-subsea-cables
[44] https://www.submarinenetworks.com/systems/intra-asia/ase
[45] http://sg.finance.yahoo.com/news/tm-joins-bay-bengal-gateway-104503930.html
[46] https://foreignpolicy.com/2023/05/24/china-subsea-cables-internet-decoupling-biden/
[47] https://crsreports.congress.gov/product/pdf/R/R47237
[48] https://dgtlinfra.com/tpu-subsea-cable/
[49] https://opinion.inquirer.net/163033/underwater-cable-contest
[50]https://www.nathaninc.com/usaid-enhances-philippine-department-of-information-communications-technology-in-planning-and-procuring-ict-infrastructure-programs/
[51] https://mobile-magazine.com/connectivity/facebook-amazon-operate-philippines-usa-sub-cable
[52] https://www.scmp.com/business/article/2123794/china-telecom-picked-become-philippines-third-telecoms-player
https://asia.nikkei.com/Spotlight/Belt-and-Road/China-stages-comeback-in-Philippine-telecoms-and-rail-sectors
[53] https://www.philstar.com/headlines/2023/05/05/2264041/washington-forum-marcos-stresses-friend-all-enemy-none-policy
[54] https://www.dw.com/en/how-is-the-philippines-balancing-ties-with-china-and-the-us/a-64777259
[55] https://www.dw.com/en/how-is-the-philippines-balancing-ties-with-china-and-the-us/a-64777259
[56] https://www.ifri.org/sites/default/files/atoms/files/morel_geopolitics_submarine_cables_oceania_2022.pdf
[57] https://ig.ft.com/subsea-cables/
[58] https://ig.ft.com/subsea-cables/
[59] https://archive.ph/34Jpn#selection-1423.0-1426.0
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags: Trung Quốc, Mỹ, Đông Nam Á, Việt Nam và quốc tế, Cơ sở hạ tầng, Nghiên cứu quốc tế