⠀
Cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Myanmar
Với vị trí chiến lược quan trọng, trong nhiều thập kỷ qua, Myanmar đã trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều nước lớn có lợi ích ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc. Bên cạnh vai trò bảo đảm an ninh biên giới và thị trường kinh tế, Myanmar còn là cầu nối giữa Ấn Độ với Đông Nam Á và giữa Trung Quốc với Ấn Độ Dương.
Tác giả: TS Võ Xuân Vinh & PGS-TSKH Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021.
1. Lợi ích chiến lược của Ấn Độ và Trung Quốc ở Myanmar
Lợi ích chiến lược của Ấn Độ
Myanmar là nước có vị trí chiến lược đối với an ninh và phát triển của Ấn Độ; là quốc gia duy nhất trong ASEAN có cả biên giới trên đất liền và trên biển với Ấn Độ. Bốn bang kém phát triển và phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh ở vùng Đông Bắc Ấn Độ (Arunachal Pradesh,
Nagaland, Manipur và Mizoram) đều có biên giới chung với đất nước chùa vàng. Quần đảo chiến lược của Ấn Độ ở vịnh Bengal là Andaman và Nicobar chỉ cách các đảo ngoài khơi của Myanmar khoảng 30km.
Tiến sĩ S.D.Pradhan – nguyên Chủ tịch Hội đồng Tình báo hỗn hợp, nguyên Phó Cố vấn An ninh Quốc gia và Chủ tịch Lực lượng đặc trách cơ quan tình báo Ấn Độ (2008-2010) – cho rằng, hiện vẫn còn một số nhóm nổi dậy chống lại Ấn Độ ẩn náu ở biên giới Myanmar – Trung Quốc và từ những khu vực này, nguồn vũ khí bất hợp pháp được vận chuyển trái phép vào Ấn Độ(1).
Trên góc độ chính trị – an ninh, Myanmar có ý nghĩa chiến lược trong các nỗ lực thúc đẩy dân chủ và giải quyết vấn đề người Rohingya. Đây là mục tiêu quan trọng của Ấn Độ sau khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính và lên nắm quyền điều hành đất nước từ năm 1988, bao gồm việc hỗ trợ và cung cấp địa bàn an toàn cho phong trào dân chủ chống lại chính quyền quân sự. Việc Bộ Ngoại giao Ấn Độ “quan tâm sâu sắc” và “kiên định ủng hộ tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar”(2) sau đảo chính quân sự ngày 01-2-2021 càng khẳng định rõ quan điểm này.
Vấn đề người Rohingya bùng phát ở Myanmar sau khi chính quyền bán dân sự do Tổng thống Thein Sein đứng đầu lên cầm quyền vào cuối tháng 3-2011 khiến Ấn Độ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, với khoảng 40 nghìn người Rohingya tị nạn trên lãnh thổ. Với tư cách là quốc gia có nền dân chủ lớn trên thế giới, Ấn Độ có trách nhiệm bảo vệ nhóm người này, mặt khác phải ứng phó với các thách thức an ninh khi chính quyền Narendra Modi khẳng định họ có chứng cứ về mối liên hệ khủng bố giữa một số người Rohingya ở Ấn Độ với các nhóm cực đoan như Nhà nước Islam giáo tự xưng(3).
Về kinh tế, Myanmar là quốc gia giàu có về tài nguyên thiên nhiên với trữ lượng vàng, bạc, đồng, thiếc, vonfram, kẽm và niken phong phú, đa dạng; là nước sản xuất đá quý lớn nhất thế giới. Tổ chức HIS Global Insights ước tính, Myanmar sở hữu 3,2 tỷ thùng dầu và 18 nghìn tỷ feet khối khí đốt(4). Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn của Myanmar ở Vịnh Bengal có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng. Các dự án khai thác ở đây sẽ giúp Ấn Độ kiểm soát tốt hơn việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương qua con đường Myanmar tới vùng biển vốn được nhìn nhận là có vai trò rất quan trọng đối với an ninh của Ấn Độ. Ngoài ra, Myanmar cũng rất giàu có về tài nguyên rừng.
Trên góc độ kết nối, Myanmar là trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ từ ít nhất hai cấp độ. Ở cấp độ chính sách quốc gia, Myanmar vừa là cầu nối trên bộ, vừa là cầu nối trên biển để Ấn Độ hướng tới Đông Nam Á nói riêng cũng như châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Ở cấp độ kết nối vùng, Myanmar là con đường chiến lược quan trọng, là “cánh cổng”(5) để khu vực Đông Bắc Ấn Độ vốn bất ổn, kém phát triển và bị cô lập có thể kết nối với thế giới bên ngoài, do con đường qua Trung Quốc rất hiểm trở và bị ảnh hưởng bởi những vấn đề biên giới giữa hai nước. Tháng 4-2008, Ấn Độ và Myanmar đã thống nhất xây dựng “Dự án giao thông đa năng Kaladan” kết nối bang Mizoram (Ấn Độ) và cảng Sittwe của Myanmar ở Vịnh Bengal. Dự án này đang ở giai đoạn hoàn thành.
Lợi ích chiến lược của Trung Quốc
Trung Quốc có lợi ích chiến lược lớn ở Myanmar, bao gồm việc ổn định biên giới, phát triển kinh tế, kết nối và cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn. Hai nước đang có những mâu thuẫn nhất định chung quanh vấn đề biên giới khi Bắc Kinh một mặt hỗ trợ chính phủ Myanmar và ủng hộ tiến trình hòa bình giữa chính phủ và các nhóm sắc tộc có vũ trang, mặt khác bị nghi ngờ là bên cung cấp vũ khí, nơi trú ẩn và các hỗ trợ khác cho một số tổ chức(6). Tuy nhiên, duy trì hòa bình và ổn định dọc theo tuyến biên giới với Myanmar vẫn là mục tiêu quan trọng mà Trung Quốc theo đuổi. Trong nhiều thập kỷ qua, dòng người tị nạn chạy trốn các cuộc xung đột từ Myanmar sang Trung Quốc do các cuộc xung đột giữa chính phủ, quân đội (Tatmadaw) và một số nhóm sắc tộc vũ trang ở Myanmar đã gây ra những thách thức an ninh biên giới đối với Trung Quốc.
Việc duy trì đường biên giới chung ổn định với Myanmar giúp bảo đảm thương mại biên giới vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Vân Nam – tỉnh nghèo thứ hai của Trung Quốc. Myanmar là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh này, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu và 32% kim ngạch nhập khẩu(7). Các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Myanmar là những lĩnh vực đầu tư đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc. Quan trọng hơn, các đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt nối cảng nước sâu Kyaukpyu của Myanmar ở Vịnh Bengal với Côn Minh, Trung Quốc đã đi vào hoạt động từ năm 2015 (đường ống dẫn khí) và năm 2017 (đường ống dẫn dầu) giúp Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới tiếp cận nguồn cung nhanh hơn từ Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, kết nối giữa Vân Nam với Vịnh Bengal qua Myanmar đã giúp Trung Quốc có phương án “tránh phải đi qua eo biển Malacca, nơi chịu chi phối của hải quân Mỹ và các nước láng giềng châu Á khác là đồng minh của nước này”.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc muốn “giảm bớt sự ảnh hưởng của các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ dọc biên giới với Myanmar”(8), bởi quốc gia này luôn cảm thấy không thoải mái với hoạt động của phương Tây ở quanh khu vực biên giới(9). Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Hồng Lỗi đã cảnh báo Chủ tịch Đảng Dân chủ Kachin và Chủ tịch Đảng Kachin Baptist Convention rằng, họ sẽ đối mặt với những hậu quả khó lường nếu còn thường xuyên giao tiếp với các nước phương Tây(10). Đại sứ Hồng Lỗi cũng được cho là đã đề nghị Đại sứ Mỹ tại Myanmar không tới Kachin hoặc các vùng phía đông bang Shan(11).
Myanmar đóng vai trò chiến lược trong tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương (IOR). Việc duy trì vị thế ở Myanmar giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại đây, góp phần quan trọng hiện thực hóa Chiến lược “Hai đại dương” được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra vào năm 2005(12). Để gia tăng ảnh hưởng ở IOR, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” từ giữa những năm 2000 khi bắt đầu đàm phán đầu tư và sử dụng các cảng ở Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Seychelles và Maldives(13). Kể từ cuối năm 2013, Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển (MSR) nhằm thay thế cho Chiến lược Chuỗi Ngọc trai với việc xây dựng một loạt thỏa thuận tiếp cận các cảng ở Đông Nam Á và Bắc Ấn Độ Dương(14). Ngoài ra, trong bối cảnh Trung Quốc triển khai BRI, với tư cách là nước láng giềng nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương, Myanmar được đánh giá là đóng vai trò chiến lược, thậm chí là một trong những trọng điểm của chiến lược này(15).
2. Cạnh tranh chiến lược về chính trị – an ninh, quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Myanmar
Về chính trị – an ninh, cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra từ thập niên 90 thế kỷ XXI sau khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính (năm 1988) và từ chối trao quyền cho đảng thắng cử trong cuộc bầu cử năm 1990. Nếu như Ấn Độ trong suốt giai đoạn từ Indira Gandhi đến Rajiv Gandhi cầm quyền đều cổ vũ, thậm chí cam kết ủng hộ các giá trị dân chủ trong chính sách với Myanmar(16), thì Trung Quốc tận dụng vai trò Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ Myanmar khỏi sự lên án và trừng phạt của quốc tế(17). Tuy nhiên, khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi Thượng tướng Saw Maung – Chủ tịch Hội đồng Khôi phục trật tự và luật pháp nhà nước (SLORC) – mô tả quan hệ Myanmar-Trung Quốc là “mối quan hệ huynh đệ” (Pauk Phaw)(18) thì Ấn Độ bắt đầu có cách tiếp cận thực tế hơn đối với Myanmar. Ấn Độ chủ trương “can dự mang tính xây dựng”, tức là không can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar(19). Sự thống nhất về quan điểm giữa hai bên đã giúp quốc gia Nam Á này một mặt phát triển và thúc đẩy quan hệ với chính quyền quân sự, mặt khác vẫn tiếp tục cam kết ủng hộ tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar.
Kể từ khi Myanmar bước sang giai đoạn bán dân chủ (sau ngày 30-3-2011) đến trước khi vụ đảo chính quân sự ngày 01-02-2021 diễn ra, Ấn Độ và Myanmar có cách tiếp cận khá giống nhau trong việc tiếp xúc hai lực lượng chính trị chủ đạo ở Myanmar. Trong giai đoạn này, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các lực lượng chính trị chính này. Khi Myanmar tuyên bố trao quyền lãnh đạo đất nước cho chính phủ bán dân sự vào năm 2011, Ấn Độ ngay lập tức ủng hộ động thái này, đồng thời lên tiếng sát cánh cùng Myanmar thúc đẩy tiến trình dân chủ. Manmohan Singh là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên thăm Myanmar vào tháng 5-2012, chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Myanmar sau 25 năm (kể từ năm 1987). Năm 2013, Thủ tướng Manmohan Singh tiếp tục thăm Myanmar. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có hai chuyến thăm chính thức Myanmar vào các năm 2014 và 2017. Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cũng đã có chuyến thăm Myanmar vào năm 2020.
Ấn Độ cũng chủ động trở thành bên tham vấn cho các lực lượng ủng hộ dân chủ ở Myanmar. Sau sự kiện chuyển giao quyền lực ngày 31-3-2011, hàng chục cuộc tham vấn chính trị đã được tổ chức giữa Chính phủ Ấn Độ với nhiều đảng phái chính trị ở Myanmar(20).
Về phía Trung Quốc, dù chính phủ của Tổng thống Thein Sein quyết định cho dừng nhiều dự án đầu tư quan trọng của Trung Quốc ở Myanmar, trong đó có dự án thủy điện Myitsone có trị giá 3,6 tỷ USD, nhưng quan hệ Trung Quốc-Myanmar vẫn được nâng lên tầm đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2013. Sau khi Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) lên nắm quyền lãnh đạo ở Myanmar vào đầu năm 2016, Trung Quốc nhanh chóng thiết lập quan hệ chặt chẽ với chính phủ dân sự ở Myanmar. Các chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi tới Trung Quốc đều được đích thân Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón trọng thị. Sau khi NLD giành chiến thắng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị là chính khách nước ngoài đầu tiên viếng thăm Myanmar và được bà Aung San Suu Kyi tiếp đón. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Myanmar vào tháng 01-2020. Đặc biệt, bà Aung San Suu Kyi đã tham dự Diễn đàn đối thoại giữa các chính đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 11-2017; nhiều thành viên cấp cao của NLD cũng được mời sang Trung Quốc. Từ chỗ không có thiện cảm với Trung Quốc, nhiều đảng viên NLD thể hiện quan điểm thân thiện hơn với nước này sau chuyến thăm(21).
Sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar ngày 01-02-2021, Trung Quốc với tư cách là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên tiếng coi đây là vấn đề nội bộ của Myanmar. Phía Ấn Độ mặc dù “bày tỏ quan ngại sâu sắc” với sự việc, nhưng vẫn giữ quan điểm “kiên định ủng hộ tiến trình chuyển đổi dân chủ” của
Myanmar. Trên thực tế, quan điểm này của Ấn Độ hoàn toàn phù hợp với nhận thức chung giữa Ấn Độ và quân đội Myanmar ngay từ các cuộc tham vấn giữa chính phủ Ấn Độ và quân đội Myanmar từ năm 1992. Nói cách khác, xuất phát từ vai trò chiến lược của Myanmar, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không lên tiếng phản đối vụ đảo chính. Điều này cho thấy, lợi ích ở Myanmar đã chi phối quan điểm chính trị của cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Đối với vấn đề Rohingya, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tận dụng tình hình để tăng cường ảnh hưởng đối với Myanmar. Trong bối cảnh nhiều nước phương Tây lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của quân đội và cảnh sát nhằm vào cộng đồng Rohingya theo Islam giáo ở bang Rakhine, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ các nỗ lực bảo đảm hòa bình và ổn định bang Rakhine của chính phủ Myanmar(22). Đặc biệt, Trung Quốc coi vấn đề Rohingya là vấn đề nội bộ của Myanmar, ủng hộ các hành động của chính phủ Myanmar trong việc chống lại các hoạt động khủng bố ly khai(23). Tại Liên hợp quốc, với quan điểm không mở rộng hay quốc tế hóa vấn đề Rohingya, Trung Quốc đã bỏ phiếu chống lại nỗ lực của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc trong việc kêu gọi mở cuộc điều tra về vấn đề Rohingya(24). Trung Quốc cũng đã cùng Nga chống lại việc thảo luận nghị quyết do Vương quốc Anh soạn thảo nhằm hối thúc Myanmar hợp tác với Liên hợp quốc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya(25).
Đặc biệt, vào tháng 11-2017, Trung Quốc đã đề xuất giải pháp 3 bước nhằm giải quyết vấn đề Rohingya: (1) ngừng bắn; (2) đối thoại song phương giữa Bangladesh và Myanmar nhằm đưa ra giải pháp khả thi; (3) xóa nghèo đói để giải quyết nguồn cơn của khủng hoảng(26). Khi đề xuất này không mang lại kết quả, vào tháng 4-2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ký với Đảng Liên đoàn Nhân dân Bangladesh – đảng cầm quyền Bangladesh – bản ghi nhớ khẳng định vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc trong việc hồi hương người tị nạn Rohingya(27). Tuy vậy, Trung Quốc cũng bị phía Myanmar nghi ngờ là đã cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố Islam giáo chống lại quân đội Myanmar như Quân đội Arakan (AA) và Quân đội Cứu nguy Rohingya Arakan (ARSA)(28).
Về phần mình, với chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Myanmar vào năm 2017, Ấn Độ thể hiện sự ủng hộ đối với Myanmar thông qua việc không sử dụng thuật ngữ Rohingya (theo chủ trương của Myanmar), chia sẻ về tình hình an ninh ở bang Rakhine, đặc biệt là quan ngại về những vụ khủng bố ở bang này(29). Ấn Độ đã ký với Myanmar Biên bản ghi nhớ (MoU) về Chương trình phát triển bang Rakhine (RSDP) vào tháng 12-2017 và 4 MoU khác về việc hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội bang này trong chuyến thăm của Tổng thống U Win Myint tới Ấn Độ vào tháng 2-2020(30).
Về quân sự, tận dụng việc từ năm 1989 đến nay, Myanmar bị Mỹ và phương Tây cấm vận vũ khí, Ấn Độ và Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường hợp tác với quân đội – một trong hai trụ cột chính trị quan trọng nhất của đất nước chùa vàng. Quân đội Myanmar coi cả hai nước là những đối tác chủ chốt, thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo quân đội nước này. Trong thời gian cầm quyền, Thống tướng Than Shwe đã tiến hành các chuyến thăm tới Ấn Độ (các năm 2004, 2010) và Trung Quốc (các năm 1996, 2003, 2010). Sau khi Myanmar bước vào giai đoạn chuyển đổi, Tư lệnh các lực lượng vũ trang
Myanmar – Tướng Min Aung Hlaing đã thực hiện các chuyến thăm tới Ấn Độ (2012, 2015, 2017, 2019) và Trung Quốc (hằng năm, có năm có trên một chuyến kể từ năm 2011). Đi cùng với các chuyến thăm thường là các thỏa thuận quân sự. Nhờ đó, ảnh hưởng quân sự của Ấn Độ và Trung Quốc ở Myanmar là đáng kể. Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những đối tác quốc phòng lớn của Myanmar khi nằm trong số 4 nước cung cấp trang thiết bị quân sự cho quân đội Myanmar những năm gần đây(31). Trong đó, Trung Quốc là đối tác cung cấp vũ khí lớn nhất, chiếm tới 68% lượng vũ khí nhập khẩu của quốc gia này giai đoạn 2013-2017(32) và giảm xuống còn khoảng 50% giai đoạn 2014-2019(33).
Đối với Ấn Độ, Myanmar là đối tác nhập khẩu vũ khí lớn nhất (chiếm 46% tổng xuất khẩu trang thiết bị quân sự của Ấn Độ năm 2019)(34). Trong những năm qua, Ấn Độ đã cung cấp xe tăng, bệ phóng tên lửa, súng cối, súng trường, radar, thiết bị nhìn ban đêm, xe quân sự Gypsies, hệ thống thông tin liên lạc và thiết bị vệ tinh địa tĩnh
(Inmarsat) cũng như các thiết bị xây dựng đường sá như máy ủi, máy xới đất và máy đầm đất. Đặc biệt, Ấn Độ được coi là đối tác chủ chốt trong việc hiện đại hóa hải quân Myanmar khi cung cấp cho Myanmar chiếc tàu ngầm đầu tiên vào tháng 10-2020. Trước đó, Ấn Độ cũng đã bắt đầu cung cấp ngư lôi hạng nhẹ cho Myanmar kể từ năm 2017(35).
Tóm lại, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước đang trỗi dậy mạnh mẽ, có lợi ích chiến lược ở Myanmar và có nhu cầu mở rộng không gian phát triển; do đó, cạnh tranh và xung đột lợi ích ở nước láng giềng chung có vị trí địa chính trị quan trọng như Myanmar là điều khó tránh khỏi. Với quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức: trình độ kinh tế kém phát triển, xung đột sắc tộc – tôn giáo dai dẳng cùng vai trò lớn của quân đội trong an ninh và phát triển đất nước như Myanmar, Trung Quốc có lợi thế lớn khi gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia này. Tuy nhiên, việc Myanmar nói chung và quân đội nước này nói riêng không muốn phụ thuộc sâu vào Trung Quốc là điều kiện cốt yếu cho sự can dự của Ấn Độ vào quốc gia Đông Nam Á này. Ấn Độ và Trung Quốc đều có cách tiếp cận riêng của mình và đều đạt được những mục đích nhất định dù rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar là vượt trội trong bối cảnh quân đội là nhân tố có vai trò quyết định nhất trong nền chính trị đất nước chùa vàng trong gần ba thập niên qua.
————————
Chú thích:
(1), (5) SD Pradhan: India’s option in Myanmar post-military takeover: Primacy of strategic interests, The Times of India, February 5, 2021.
(2) Ministry of External Affairs (Government of India): Press Statement on developments in Myanmar, February 01, 2021.
(3) Nyshka Chandran: The refugee crisis gripping Asia is make-or-break for Indian leadership, CNBC, September 20, 2017.
(4) The Natural Resource Governance Institute: Myanmar: Country Strategy Note, June 2016, p.2.
(6), (8), (9), (11), (17) USIP Senior Study Group: China’s Role in Myanmar’s Internal Conflict, USIP Senior Study Group Final Report, 2018, p.24, 21, 3, 21, 12.
(7) Toshihiro Kudo: Myanmar’s Border Trade with China: Situation, Challenge and Prospects, in Mitsuhiro Kagami ed., Japan and Korea with the Mekong River Basin Countries, BRC Research Report, No.3, Bangkok Research Center, IDE-JETRO, 2010, p.277.
(10) Nan Lwin: Analysis: Behind the Threats and Warnings of Chinese Ambassador’s Kachin Visit, The Irrawaddy, January 9, 2019.
(12) Tom Sun (Guorui), Alex Payette: China’s Two Ocean Strategy: Controlling waterways and the new silk road, IRIS Asia Focus: he Frend Institute for International and Strategic Affairs, May 2017, No.31, p.2.
(13) E. Pejsova: Scrambling for the Indian Ocean, EUISS Brief Issue: European Union Institute for Security Studies, February 2016, p.2.
(14) David Brewster: An Indian Sphere of Influence in the Indian Ocean?. Security Challenges, Vol. 6, No. 3, 2010, p.5 (pp.1-20).
(15) Axel Harneit-Sievers: Talking about China in Myanmar, Heinrich Boll Stiftung (The Green Political Foundation), July 23, 2019.
(16), (19) Bibhu Prasad Routray: India-Myanmar Relations: Triumph of Pragmatism, Jindal Journal of International Affairs, Vol.1, Issue.1. October 2011, p.302, 302-305.
(18) David I. Steinberg, Fan Hongwei: Modern China-Myanmar Relations: Dilemmas of Mutual Independence, Copenhagen: Nordic Institute of Asian Studies Press, 2012, p.7.
(20) Võ Xuân Vinh (chủ biến): Biến đổi chính trị, kinh tế ở Myanmar từ 2011 đến nay: Bối cảnh, nội dung & tác động, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, tr.132.
(21) Shoon Naing and Simon Lewis: Myanmar politicians take advantage of China’s junket tours, The Japan Times, August 11, 2019.
(22) Charlotte Gao: On Rohingya Issue, Both China and India Back Myanmar Government, The Diplomat, September 13, 2017.
(23) Rakhine issue is an internal affair: Chinese Ambassador, The Global New Light of Myanmar, September 14, 2017.
(24) Rohingya issue is between Myanmar and Bangladesh, says China diplomat at UN summit meeting, South China Morning Post, September 28, 2018.
(25) Michelle Nichols: U.N. Security Council mulls Myanmar action; Russia, China boycott talks, Reuters, December 18, 2018.
(26), (27) Chinese govt to play mediator in sending back Rohingyas refugees from Bangladesh to Myanmar, The Economic Times, April 09, 2019.
(28) Shishir Gupta: Myanmar calls out China for arming terror groups, asks world to help, Hindustan Times, July 02, 2020.
(29) Ministry of External Affairs (Government of India): India-Myanmar Joint Statement issued on the occasion of the State Visit of Prime Minister of India to Myanmar, September 06, 2017.
(30) Business Standard: Four of 10 MoUs signed between India, Myanmar focus on socio-economic development of Rakhine: MEA, February 27, 2020.
(31) Shibani Mahtani: North Korea, China and Russia are arming Myanmar’s military despite genocide accusations, U.N. report finds, The Washington Post, August 5, 2019.
(32) Armed and Dangerous: Myanmar’s military goes shopping, France 24, May 29, 2019.
(33) Marwaan Macan-Markar: Myanmar embraces Russian arms to offset China’s influence, Nikkei Asia, February 9, 2021.
(34) Manu Pubby: In a first, India figures on arms exporters list, The Economic Times, March 10, 2020.
(35) Rajat Pandit: India steps up supply of military equipment to Myanmar to counter China, The Times of India, March 24, 2017.
Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Tags: Myanmar, Quan hệ Trung - Ấn, Nghiên cứu quốc tế, Trung Quốc, Ấn Độ