Cái chết của vỉa hè – góc nhìn từ một người nước ngoài ở Việt Nam

Khi tôi đang đi bộ trên vỉa hè quận 5, vài người lái xe máy đã nổi khùng với tôi.

Cái chết của vỉa hè – góc nhìn từ một người nước ngoài ở Việt Nam

Tác giả: Jesse Peterson, giáo viên. Nguyên tác tiếng Việt.

Họ bấm còi inh ỏi yêu cầu tôi phải tránh đường để họ phi lên vỉa hè. Thay vì chờ đợi kiên nhẫn và rồi ai cũng sẽ được đi, một đàn ông hung hăng xua tay, cáu kỉnh kêu to “đi đi, đi đi”. Ông nhìn tôi với ánh mắt sắc nhọn.

Họ cũng chỉ nhanh hơn được 3 đến 5 giây, nhưng thực sự đã hủy hoại xã hội, làm những người xung quanh khó chịu và càng làm tồi tệ thêm tình trạng kẹt xe.

Tôi không đi xe máy vì tôi nhận ra kiểu lái xe rất bon chen ở Việt Nam, điều này thật sự không hợp tính cách tôi. Vì thế, tôi chọn đi làm bằng xe đạp, xe bus hoặc taxi.

Tuy nhiên, khi đi bộ ra xe bus, tôi bị “bắt nạt” trên vỉa hè. Đi làm bằng xe đạp, tôi nhức hết cả đầu vì tiếng còi xe máy, ô tô inh ỏi bên tai. Tệ hơn nữa là tôi không thể nghĩ được gì trong đầu ngoài việc phải tập trung cao độ để đạp xe, chú ý những chiếc xe máy khác hay chướng ngại vật bên lề đường. Rồi khí thải, không khí bụi và nóng, lại chẳng có tí màu xanh nào hai bên đường… Nó lấy luôn của tôi cả ý chí, năng lượng để làm việc.

Nếu bạn có thể đi bộ chậm rãi và an toàn trên vỉa hè trong một thành phố náo nhiệt như Sài Gòn, bạn sẽ cảm nhận được nhịp đập của cuộc sống. Giá mà tôi có thể đi bộ trên vỉa hè khắp thành phố này mà không bao giờ bị xe máy nào quấy rầy hay các biển báo, những chiếc xe khác chắn ngang vỉa hè, những bàn ghế với người ngồi ăn và những đống đồ đạc cản đường.

Năm 1999, khi còn ở Canada, mỗi sáng đi làm, tôi thường bỏ đôi giày trượt băng vào túi, đi bộ đến con sông Rideau đã đóng băng và trượt trên sông băng đến chỗ làm. Rất nhiều người có thói quen như vậy vào mùa đông, chỉ cần áo ấm sáng màu, áo len, khăn quàng cổ và găng tay.

Giày trượt băng giúp tôi lướt đi với tốc độ nhanh, mang lại cảm giác mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng. Tôi còn có thể hít hà mùi hương của cây hai bên đường, những lớp thông xanh vẫn lấp ló dưới tuyết trắng, vài con vật. Một không gian vô cùng thoáng đãng và yên bình mang lại cho tôi cơ hội chìm vào mạch suy nghĩ xuyên suốt không bị gián đoạn.

Trong không gian thanh tĩnh, không hề có khí thải hay tiếng còi xe ồn ào, chỉ dòng suy nghĩ nối tiếp trong tâm trí tôi. Tôi bật ra rất nhiều ý tưởng sâu sắc trên đường đi làm. Và tôi nhận ra mọi thứ đều có thể, chỉ cần mình tập trung toàn tâm, ý vào nó. Đây giống như là bài tập thiền cho trí não của tôi. Nó khiến sự sáng tạo không bao giờ ngưng nghỉ. Đây cũng là khoảng thời gian tốt nhất để tôi nhìn về phía trước, nghĩ về những dự định tương lai.

Sau đó tôi chuyển đến Edmonton, một thành phố lớn khác ở Canada. Và ở đây vẫn luôn có các công viên xuyên thành phố để mọi người đều có thể đi bộ, đi xe đạp hoặc đi làm từ đầu này sang đầu kia đô thị một cách an toàn và thư giãn trong màu xanh. Cảm giác có thể chạy bộ đi làm trong không khí buổi sáng trong lành, đẹp đẽ thực sự mang lại sự lạc quan và hạnh phúc cho mỗi ngày.

Nhưng sức mạnh ấy hình như bị lãng quên ở đây, ở Việt Nam.

Lúc tôi ở nội thành Hà Nội, tôi đã thấy mọi người khổ sở với nhau thế nào. Đi bộ ở trung tâm Hà Nội nghĩa là đi dưới lòng đường, sát vỉa hè đã được trưng dụng để kinh doanh và giải trí. Vỉa hè quá lộn xộn và thực sự không hề an toàn để tôi có thể thực hiện ước mơ đi bộ hay chạy bộ đi làm.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc dọn dẹp vỉa hè ở Hà Nội trước kia hay Sài Gòn bây giờ. Nó gần như không thể.

Và tôi đã hiểu ra rằng, vấn đề vỉa hè dành cho người đi bộ ở Việt Nam liên quan đến nhiều cơ quan. Nó đang thiếu một khả năng nhìn nhận và khởi động những biện pháp cấp thiết. Và vẫn còn những người nghĩ đến lợi ích cá nhân của họ hơn là nghĩ về sự hài hòa lâu dài của quốc gia.

Tin vui là tôi bắt đầu thấy những khu đi bộ nho nhỏ. Những không gian đi bộ đang bắt đầu được mở ra ở Việt Nam. Phố đi bộ Nguyễn Huệ chính là một khởi đầu tốt đẹp. Phố đi bộ Bùi Viện cũng được mở vào cuối tuần và thêm những dự án phố đi bộ mới khác, cả ở Hà Nội nữa. Đây thực sự là bắt đầu mới mẻ.

Nếu có nhiều con đường trở thành phố đi bộ ở khắp nơi trong thành phố, ở nhiều thành phố trong cả nước, mọi người đều có thể kết hợp tập thể dục, suy nghĩ sáng tạo và đi làm. Nó thực sự tốt. Tôi đã trải nghiệm sâu sắc điều này.

Sài Gòn có công viên Thống Nhất rất đẹp, một nơi lý tưởng để chạy bộ. Nhưng tôi vẫn phải nói rằng, có rất nhiều người chưa tôn trọng thiên nhiên và quy định của công viên, bảo vệ công viên chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Tôi thấy nhiều người ngang nhiên câu cá bên cạnh biển “cấm câu cá”, vệ sinh ở nơi có chữ “cấm vệ sinh”, xả rác trong công viên.

Cây là tài nguyên quý giá nhưng rất nhiều người quên mất điều này. Cây là nguồn gốc của chúng ta. Thiếu thiên nhiên, không đủ không gian để sống, nội tiết tố cơ thể bị giảm, sức khỏe giảm sút và chúng ta chắc chắn phải chiến đấu với nhau nhiều hơn. Khi chúng ta càng tách khỏi thiên nhiên, ta càng trở nên khô héo, yếu ớt và xấu tính.

Tôi cũng biết rằng sáng kiến dọn dẹp vỉa hè cho người đi bộ đã thất bại thảm hại. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi biết rằng được đi bộ thoải mái trên vỉa hè chính là điều mọi người dân ao ước. Bạn tôi nói: “Jess, không được đâu, nhiều người sống bằng vỉa hè mà”.

Để các thành phố Việt Nam tốt hơn, tôi mong người quản lý thành phố sẽ quay về câu hỏi mà có thể vì bận quá họ đã quên mất: điều gì đơn giản nhất nhưng cần nhất cho tất cả mọi người?

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,