⠀
Các vấn nạn môi trường: Từ thế giới đến Việt Nam
Xã hội loài người phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử, cả về dân số, trình độ khoa học, công nghệ và số lượng tài sản làm ra trong một năm. Để phục vụ cho nhu cầu không ngừng gia tăng của con người, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác ào ạt hơn, đẩy nhân loại đối mặt với hiểm hoạ môi trường đang lớn dần.
Vô tình, con người vừa nổ lực cải thiện cuộc sống, vừa huỷ hoại môi trường sống của chính mình, với mức độ chưa từng có. Tất cả những tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất như đất, nước, khí quyển, sinh quyển, khí hậu đều đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc về đánh giá nguồn nước ngọt trên thế giới cảnh báo: Hiện tại 40% dân số thế giới thuộc 80 nước đang đứng trước nguy cơ thiếu nước; đến năm 2025, khoảng 2/3 dân số thế giới sẽ bị thiếu nước với những mức độ khác nhau. Đã thế, mức độ ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Số liệu của Tổ chức sức khoẻ thế giới [WHO] cảnh báo, hàng ngày có khoảng 6.000 người chết liên quan đến nước nhiễm bẩn. Mỗi năm có hơn 3,4 triệu người bệnh chết mà căn nguyên là sự ô nhiễm không khí. Nguy cơ đe dọa sức khoẻ con người đang lớn dần do sự xuất hiện những dòng virus và vi khuẩn độc hại mới.
Trong khoảng thời gian 1981 – 1990, đã có 16,3 triệu ha rừng bị triệt phá, trong đó 15,4 triệu ha là rừng nhiệt đới và rừng ngập mặn, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người. Riêng trong thập kỷ 1990, mỗi năm 2,4% diện tích rừng trên trái đất bị tàn phá. Chandrasekharan [1996] ước tính các nước đang phát triển bị thiệt hại hàng năm khoảng 45 tỷ USD, do sự suy thoái của rừng.
Số liệu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Chính sách Nông nghiệp [IFPRI] thống kê một tỷ lệ rất lớn đất canh tác bị thoái hoá nghiêm trọng: 75% ở Trung Mỹ, 20% ở châu Phi, 11% ở châu Á, trong khi dân số của thế giới tiếp tục tăng nhanh, chủ yếu ở các khu vực này. Trong vòng 40 năm trở lại đây, khoảng 1/3 đất canh tác trên thế giới đã không còn có thể trồng trọt được, do bị khai thác không hợp lý đến mức cạn kiệt. Hiện tượng sa mạc hoá đất đai ngày càng trở nên nghiêm trọng với khoảng 6 triệu ha đất bị sa mạc hoá hàng năm, gây ra tổn thất trên 40 tỷ USD. Hiện tượng sa mạc hoá làm ảnh hưởng đến đời sống của 850 triệu người trên thế giới.
Ngày càng có nhiều loài động thực vật bị tuyệt chủng hay đang trên bờ vực tuyệt chủng. Nghiên cứu của Ramade F. [1993] cho biết: sau kỷ Thứ Ba, tốc độ tuyệt chủng của sinh vật tối đa là 150 loài trong 1 triệu năm, tức là trong khoảng thời gian 50 đến 100 năm, cùng lắm chỉ có một loài bị diệt vong; vậy mà ngày nay, ước tính hàng năm có khoảng 10.000 loài bị tuyệt chủng; nếu nhịp độ này kéo dài, thì chỉ 20 – 30 năm nữa, ¼ loài sinh vật trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng. Đó là một tốc độ tuyệt chủng gấp 1.000 đến 10.000 lần so với các đợt tuyệt chủng hàng loạt lớn khác trong thời tiền sử.
Một lượng khổng lồ các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính tích luỹ trong khí quyển làm khí hậu địa cầu đang nóng dần lên, với biểu hiện rõ rệt nhất là khí hậu trên toàn cầu thay đổi bất thường, các tảng băng ở hai cực địa cầu tan nhanh và mực nước biển đang trong chiều hướng dâng cao, đe doạ nhấn chìm nhiều hòn đảo ở Thái Bình Dương và các vùng đất thấp ven biển. Kèm theo đó là sự gia tăng lượng mưa axit, lỗ hỏng tầng ozon đang lớn dần, cùng những tác hại chưa lường hết được trong tương lai. Trong thế kỷ XX trái đất đã nóng lên 0,5 độ, và mực nước biển đã tăng khoảng từ 10 đến 25 cm. Nhóm công tác liên chính phủ về sự thay đổi khí hậu [IPCC] dự đoán trong thế kỷ XXI, nhiệt độ trái đất sẽ tăng 2 – 2,5 độ và mực nước của các đại dương sẽ tăng lên từ 0,5 đến 1m. Nhiệt độ tăng còn làm cho năng suất cây trồng ở vùng nhiệt đới, nhất là lúa giảm. Theo kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của các nhà khoa học, nhiệt độ không khí tăng 1oC sẽ làm giảm năng suất lúa 10%. Như vậy nếu dự đoán về sự thay đổi khí hậu là đúng thí khoảng cuối thế kỷ này năng suất lúa sẽ giảm từ 20-40%.
Hiệu ứng nhà kính do các loại khí thảy gây ra (riêng khí CO2 đã là 18 tỷ tấn vào năm 1992) làm khí hậu thay đổi trên quy mô toàn cầu. Một số vùng trở nên khô hạn hơn và ngược lại một số vùng khác sẽ bị bão lụt hoành hành dữ dội hơn.
Con người ngày càng ý thức rõ hơn: Trái đất là tài sản chung và bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại. Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển (với sự có mặt của hơn 100 nguyên thủ quốc gia, tại Rio de Janeiro, Brazil, 1992) đã chỉ rõ tính dễ tổn thương của các nguồn tài nguyên thiên nhiên; sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nhân tố trước các nguồn tài nguyên này và trách nhiệm gìn giữ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau. Nghị trình 21 (chương trình hành động cho thế kỷ XXI) được hội nghị đề ra như một cẩm nang cho quá trình phát triển bền vững, chỉ rõ cách tiếp cận mới đối với các vấn đề của nhân loại và quy định các nguyên tắc hành động chung cho tất cả các nước. Công ước về sự thay đổi khí hậu, ra đời từ hội nghị nói trên, quy định các nước phát triển phải giảm 5% lượng khí thải của mình so với mức 1990, vào năm 2008 – 2012. Công ước cũng xác định nguyên tắc: Người gây ô nhiễm (công ty, quốc gia) phải có trách nhiệm tài chính về ô nhiễm do họ gây ra. Trước tình hình những quy định rất hợp tình, hợp lý nói trên không được thực thi, hội nghị lần thứ ba về sự thay đổi khí hậu tại Kyoto, Nhật Bản, 1997, đã ra Nghi định thư Kyoto, nhắc lại nhưng điều ước nói trên. Nghị định thư Kyoto có hiệu lực với hai điều kiện: 1- Có từ 100 quốc gia trở lên phê chuẩn; 2- Lượng khí thải của các nước phê chuẩn Nghi định thư phải chiếm trên 55% tổng lượng khí thải. Cho tới nay, đã có 161 nước phê chuẩn Nghị định thư (trong đó có 39 nước công nghiệp phát triển) với 61% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngày 16/2/2005 Nghị định thư đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên Mỹ, với số dân chiếm chưa đến 5% dân số thế giới, thải ra hơn 25% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, lại là nước đầu tiên từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và đến nay vẫn không chịu công nhận hiệu lực của Nghi định.
Theo báo cáo mật của Lầu Năm Góc: Trong 20 năm tới, quá trình khí hậu ấm dần sẽ dẫn tới lũ lụt lớn, xung đột quân sự và những thảm họa nhân đạo cấp độ toàn cầu. Nguồn năng lượng, lương thực và nước ngọt sẽ khan hiếm đến mức chính phủ nhiều nước có thể sử dụng tới vũ khí hủy diệt hàng loạt để bảo vệ chúng. Hai mươi năm, chỉ như một thoáng quá ngắn ngủi so với cả tiến trình phát triển của nền văn minh nhân loại!
Những thách thức về môi trường đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của cả hành tinh, cũng như sư ổn định chính trị trên thế giới. Với nhu cầu tiêu dùng năng lượng hàng năm tăng 10%, thì các dự báo đều cho rằng khoảng 20 năm nữa, cuộc khủng hoảng năng lượng tất yếu trên thế giới sẽ đưa loài người đối mặt với thảm họa môi trường và chiến tranh đánh chiếm tài nguyên năng lượng.
Thay cho lời kết, xin trích dẫn lời của Albert Einstein, nhà bác học lỗi lạc nhất của thế kỷ XX: “Chúng ta cần phải có một kiểu tư duy mới, nếu nhân loại muốn tồn tại”.
Theo TÂM SÁNG (2013)
Tags: Biến đổi khí hậu, Ô nhiễm môi trường, Tài nguyên thiên nhiên