⠀
Các vấn đề lớn về môi trường sinh thái ở Việt Nam hiện nay
Môi trường sống ở Việt Nam đã hứng chịu những chấn thương nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân.
Môi trường là gỉ ? Nó bao gồm các yếu tố tự nhiên (như đất, nước, không khí..) và yếu tố vật chất nhân tạo (như nhà máy, đập nưóc, cơ xưởng..) ở xung quanh sinh vật, có tác dộng trực tiếp, gián tiếp hoặc tác động qua lại tới sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của sinh vật. Những vấn đề cấp bách về môi trường cần phải đối phó hàng ngày như ô nhiễm nưóc, ô nhiễm tiếng động, ô nhiễm không khí, trong một khung cảnh đất hẹp, người đông đã tạo nên sức ép trên tài nguyên thiên nhiên. Khung cảnh sống thay đổi .. Những danh từ mới về khoa học môi trường đua nhau xuất hiện như sinh khối (biomass), kiểu sinh học (biotype), sinh cảnh (biotope), quần xã sinh vật (biome), hệ sinh thái (ecosystem), ổ sinh thái (ecological niche), đa dạng sinh học (biodiversity), bền vững (sustainability), lỗ hổng ozon (ozone hole), sự sưởi ấm toàn cầu (global warming), tái chế biến(recycling).Các vấn nạn môi trường có tính cách chung cho toàn thế giới: các nưóc giàu có thì tiếng động, mưa acit, khí nhà kiếng; các nước nghèo, chậm phát triển thì phá rừng, nhân mãn; tóm lại với hành tinh càng ngày càng nhỏ bé và không còn hành tinh nào khác ngoài Trái Đất có điều kiện sinh sống nữa, con người nhận ra là bảo vệ môi trường là việc chung của nhân loại. Vào năm 1992, tại Rio, nhiều xứ họp lại để ký bản thoả ước về bảo vệ tài nguyên trên trái đất, sau đó tại Kyoto lại họp bàn về giới hạn các sự phát thải các khí độc trên bầu trời..
Các tổ chức bảo vệ môi trường ra đời, đặc biệt nhất là tổ chức phi chính phủ Green Peace. Rồi ngày Earth Day xuất hiện, trong đó nhiều công dân đứng ra tổ chức vận động các chính phủ khuyến cáo các nhà lãnh đạo về năng lượng sạch (mặt trời, gió ..), tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững. Phát triển bền vững trong môi sinh là một vấn đề liên ngành vì nó liên quan đến nhiều thông số của trái đất: giáo dục, kinh tế, dân số, an toàn lương thực, bảo vệ môi sinh; do đó tiếp cận nhiều chiều kích nhằm tìm toàn bộ các khía cạnh văn hoá, môi sinh, kiến thức bản địa, kinh tế .. để cứu xét vấn đề, ngày nay đã trở nên thông thường.
Các hệ sinh thái
Hệ sinh thái bao gồm cả quần thể với môi trường quanh ta
– như đất : đất phù sa ven sông, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển..,
– như nước : lụt lội, hạn hán, chất lượng của nước như nưóc mặn, nước lợ, nước ngọt,
– như không khí ta thở :không khí trong lành, không khí ô nhiễm.
Cả ba yếu tố nước, đất, không khí có tác động hỗ tương lên nhau.
Các sinh vật trên đất gồm giới thực vật rừng dày, rừng thưa, thảo nguyên, giới động vật chim muông cầm thú ăn cỏ và ăn thịt và một giới khác ít người nói đến nhưng rất quan trọng là giới vi cơ thể nó tái chế biến các phế thải động vật và thực vật. Cả ba giới thực vật, động vật, phân hủy cũng có tương quan và tác động lên nhau .
Ví dụ:
a/ rừng bị chặt phá trên thượng nguồn đều tác động trên nước (nước mặn xâm nhập, lụt lội), trên đất ( xói mòn đất, chuồi đất, đất màu bị mất đi ); đất nghèo cằn cỗi thì sản xuất nông nghiệp cũng kém đi.
b/ khói nhà máy, khói xe cộ chứa nhiều chất lưu huỳnh, chất chì .. gây ô nhiễm trên khí quyển, gây nhiều bệnh hô hấp cho con người, tạo nên mưa axít làm đãt đai bị axít hoá và nước làm hồ ao bị axit nên cá bị chết. Như vậy rõ ràng là mọi thực tại đều phụ thuộc lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau.
Các chu kỳ lớn trên trái đất
Có nhiều tương quan giữa các yếu tố trong các hệ sinh thái : năng lượng mặt trời , một phần đến được trái đất, nhưng phần khác lại bị phản chiếu lên trời lại; riêng ở trên trái đất thì nhiều chu kỳ cùng xẩy ra như chu kì nước, chu kì cacbon, chu kì nitơ, chu kì lưu huỳnh.
Chu kỳ Cacbon
Rừng cây,nhờ diệp lục trong lá cây và nhờ ánh sáng nên hút được các chất dioxit cacbon trong không khí để tạo nên các hydrat cacbon (đường, tinh bột..) và phóng ra trong không khí chất oxỵ Ngược lại, các động vật phải hút chất oxy qua sự hô hấp và nhả ra chất dioxit cacbon để dùng lại cho sự quang hợp. Các phế thải đông vật và thực vật lại được tái chế biến bởi vi cơ thể. Trong nước ( nước sông, nước biển), cacbon ở dạng cacbonat và bicacbonat cũng là nguồn cung cấp cacbon cho qúa trình quang hợp.
Chu kỳ như vậy cũng nhịp nhàng qua 4 mùa :mùa xuân cây lá nhởn nhơ, ong bướm chập chờn,..mùa hè, nắng nhiều, cường độ quang hợp mạnh, lá cây hút mạnh chất dioxit cacbon; mùa thu với ‘rừng phong thu đã nhuốm màu quan san’ và mùa đông, khí trời lạnh lẽo, nên lá rơi lả tả mục dần, tạo thành thảm chất hữu cơ, chất này sẽ cho lại các chất khoáng chứa các chất Ca, Mg, K bồi dưỡng lại cho cây. Như vậy, ta thấy hữu cơ đi liền với vô cơ.
Chu kỳ nước
Nước luân lưu từ mưa, mưa rơi xuống, nuôi cây cối, giúp tái tạo nước ngầm, một phần nước chảy tràn xuống suối, sông đổ ra biển, biển bốc hơi gặp lạnh, ngưng lại tạo thành mây; mây trôi gặp lạnh tạo ra mưa:
Nước trôi ra biển lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Chu kỳ đạm
Chất đạm liên quan đến cacbon; chất đạm trong bầu trời bị khoáng hoá thành đạm vô cơ như nitrat và ammonium; đạm vô cơ do rễ cây hút để nuôi cây và khi cây chết sẽ tạo ra chất mùn. Chất mùn chứa đạm hữu cơ rồi bị đổi thành đạm vô cơ và cứ tiếp tục như vậy. Đất thoáng khí có các vi khuẩn Nitrobacter hoặc Nitrosomonas, nhờ vậy, các ion ammonium được biến thành nitrat nuôi cây cối ; đất yếm khí (như đất trồng lúa nước) thì vì không có không khí nên nitrat bị các vi khuẩn khử nitrat biến chúng thành các hợp chất như N2O (nitrous oxide), chất này bay lên không trung, gặp mưa tạo thành mưa acid. Sấm sét trên trời cũng phóng ra chất đạm trong không khí
Chu kỳ lưu huỳnh
Lưu huỳnh có trong đất dưới dạng hữu cơ ; bị khoáng hoá thành dạng vô cơ nuôi cây; cây chết đi, tạo lại lưu huỳnh hữu cơ. Nhiều nhà máy chạy bằng than đá hay dầu cặn khi phun khói lên nhả ra SO2, chất này gặp mưa thành acid sulfuaric. Đất phèn chứa nhiều lưu hùynh, đất trở nên chua (‘Quê hương em đất mặn đồng chua’)
Khi ta phân loại ra các chu kỳ cacbon, đạm, lưu huỳnh như trên là cũng chỉ để phân tích ra cho dễ hiểu mà thôi vì trên trời đất này, mọi chu kỳ trên đều ảnh hưởng tương tác lên nhau. Hãy đọc Bà Huyện Thanh Quan:
Dừng chân đứng lại :trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta
Chỉ có hai câu thơ cổ điển trên mà bao gồm mọi yếu tố môi sinh: nào là dừng chân trên đất (thổ quyển), nhìn trời tức mây trôi, gió thổi (khí quyển), nhìn non tức là núi có đá là căn nguyên của đất (thạch quyển), nhìn nước tức sông suối, biển (thủy quyển) và sinh vật, tức tác giả bài thơ (sinh quyển)
Khí hậu như một yếu tố môi sinh
Khí hậu là gió, mưa, giông bão, nó tác động lên nhiều yếu tố môi sinh khác như đất đai, hoa màu, nước, sông ngòi, xói mòn, sập lở. Trong văn học dân gian, có vô vàn những câu tục ngữ, ca dao đúc kết các kinh nghiệm của nông dân vì nông dân phụ thuộc nhiều nhất vào khí hậu trong công việc đồng áng:
Trông trời trông đãt trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Xưa kia, chưa có những công trình thủy lợi nên nông dân không chủ động được nước, do đó, người dân kinh nghiệm rằng:
Mồng chín tháng chín có mưa
Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn
Mồng chín tháng chín không mưa
Thì con bán cả cày bừa đi buôn
Thời gian chiếu sáng của mặt trời, nghĩa là bức xạ cũng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng: mùa hè, ngày dài hơn mùa đông, do đó, sự quang hợp mạnh hơn, cây cối nẩy nở mạnh hơn:
Tháng năm chưa nằm dã dậy
Tháng mười chưa cười đã tối
Mùa đông thì ‘hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm’ (Xuân Diệu)
Nước như một yếu tố môi sinh
Tục ngữ ta có câu: ‘Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’ đủ thấy ngay tầm quan trọng của yếu tố nước .
Văn hoá nước ta là một nền văn hoá lúa nước; trồng lúa thì phải có nước và ngay từ đời thượng cổ, tổ tiên ta đã biết lợi dụng nước thủy triều lên xuống để cấy lúa. Đất nước quyện vào nhau mới trồng lúa nước được mà nhờ lúa nước đòi hỏi một dân số đông đảo, dân Việt mới Nam tiến được, khai phá cả các vùng sình lầy ở Thủy Chân Lạp trong khi người Miên chỉ sống trên dất giồng cao ráo. Cây lúa đòi hỏi nhiều nhân công .
Nhiều lễ hội cổ truyền đã phản ánh cách làm ăn, cày cấy, ước mơ mùa màng tươi tốt. Nào là lễ rước nước, lễ cầu mưa ..Các vua nhà Lý cũng như nhà Trần với tinh thần trọng nông còn tổ chức lễ tịch điền trong đó nhà vua đích thân cầm cày xuống ruộng.
Chất lượng của nước tạo ra nhiều khung cảnh môi sinh khác nhau: ùng đất có nưóc ngọt, vùng đất có nưóc lợ, vùng đất có nước phèn, vùng đất có nước mặn.
Thảo mộc như một yếu tố môi sinh
Đồng bằng châu thổ sông Hồng trưóc kia toàn là rừng với đầm lầy; vì chỉ mới lồi ra khỏi biển chừng 7000 năm về trước, nên với sự trầm tích của các phù sa, lúc đó châu thổ mới có nhiều rừng ngập mặn hoặc rừng đầm lầy (swamp forest). Thực vậy, sách Hậu Hán Thư mô tả như sau: ‘dưới thì nước, trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt’, với sự xuất hiện của rừng giúp sự trầm tích phù sa được lắng tụ dần, tạo nên một nền nông nghiệp phồn thịnh, kinh tế trù phú khiến văn hoá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát sinh. Rừng Trường Sơn giữ đất chống xói mòn, bớt ngập lụt ở hạ lưu, nhưng nay chỉ còn ‘những đồi hoa sim, những đồi hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt’; các vùng có núi đá vôi như ở Ninh Bình với nhiều hình dáng kì vĩ với
‘Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương’
Thảo mộc thiên nhiên khác xa, tùy theo điều kiện môi trường; thực vậy, cây cối phụ thuộc nhiều vào đất và nước. Các đỉnh đồi thì nước trong đất không nhiều nên thảo mộc phải chịu đựng các điều kiện khô khan: loài thông có lá hình kim nên ít thoát hơi thường thích nghi với các khó khăn về ẩm độ đất (soil moisture)
Núi như một yếu tố môi sinh
Các khối núi có ảnh hưởng lớn đến khí hậu: dãy Trường Sơn ảnh hưởng đến khí hậu miền Trung, dãy Hoàng Liên Sơn tác động trên khí hậu miền Bắc .
Tuy nhiên ngày nay, ở Viet Nam, không phải trên núi là có rừng như xưa vì nạn làm rẫy, du canh, nạn phá rừng làm núi đồi trọc càng nhiều
Tài nguyên và các vấn nạn ô nhiễm môi trường
Các vấn nạn môi trường có thể kể : phá rừng; thoái hoá đất; thiếu nước ngọt vào mùa nắng; lạm thác các tài nguyên sinh học; đe doạ các hệ sinh thái
Phá rừng:
Rừng Viet Nam bị đốn phá qúa mức do nhiều yếu tố như dân đông, du canh, lạm thác rừng. Rừng là nơi cản bớt sự xói mòn đất, giúp làm chậm giòng chảy nước tràn, giúp điều hoà nguồn nưóc, bảo toàn đa dạng sinh học, cải tạo môi trường đất, có tác dụng nâng cao độ phì nhiêu của đất . Với sự phá rừng, các nơi trú ẩn của các loài động vật hoang dã càng ngày càng nhỏ dần nên chim muông, thú hoang càng ngày càng hiếm..Đồi trọc càng ngày càng nhiều:
Khổ chi phận em cha chả là cam phận khổ
Lên non đốn củi, đụng chỗ đốn rồi !
Xuống sông gánh nước
Đụng chỗ cát bồi, khe khô!
Phá rừng nên chim không còn nơi trú ẩn, vắng hẳn tiếng hát líu lo của chim; nhiều loài thực vật biến hẳn do phá rừng và nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như cọp, nai, voi.
Hiện nay, nhiều vùng như vùng Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu) rừng chỉ còn khoảng 10% tổng diện tích đất đai tự nhiên, trong khi tỷ lệ che phủ các vùng núi cao đầu nguồn phải cao (50-70%) mới bớt được lụt lội . Tại miền Trung, các dòng sông thường ngắn và có một lưu vực hẹp. Do đó, nước sông lên rất nhanh. Mùa lụt đi sát với mùa mưa lớn, vào tháng 11, cùng với các trận bão nhiệt đới thổi từ Thái Bình Dương.
Câu tục ngữ của dân gian cũng nói lên điều ấy:
‘Ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt 23 tháng mười ‘.
Vì lưu vực các dòng sông thường nhỏ và độ dốc lưu vực rất lớn nên mưa xuống làm nước mưa dâng cao rất nhanh. Lũ lụt thường đến bất thình lình và thay đổi tùy năm.. Có lúc mưa bão gây ra một lượng mưa rất lớn, có thể vài trăm mm trong 24 giờ . Ảnh hưởng của giãy núi cũng gây ảnh hưởng. Một phần thì rặng núi gần đồng bằng, mặt khác, núi có triền dốc rất lớn, nên vận tốc của dòng chảy cũng rất mạnh.
Vậy để giảm thiểu, cần kết hợp giữa việc xây dựng các công trình chống lũ với việc trồng rừng để làm chậm nuớc lụt. Có thể kết hợp trồng rừng và cây ăn qủa ở nơi đất tốt để vừa có hiệu qủa kinh tế nhanh, cao và không làm hại môi trường. Trồng rừng bạch đàn (Eucalyptus) thuần loại sẽ làm suy thoái môi trường đất . Bảo vệ rừng có nghĩa tăng cường giáo duc về môi sinh, trồng cây gây rừng, chống nạn cháy rừng, trồng ở các thung lũng để giảm bớt sức ép trên các đất dốc, đó là chưa kể giáo dục nâng cao dân trí để chương trình kế hoạch hoá sinh đẻ
Thoái hoá đất
Dưới danh từ thoái hoá đất, có thể gom lại các vấn nạn như sa mạc hoá, bờ biển bị xâm thực, đất dốc bị xói mòn, sụp lở bờ sông
Sa mạc hoá (desertification). Nhìn các đồi cát trắng mênh mông ở các duyên hải miền Trung tại Bình Trị Thiên (Hải Lăng, Phong Điền, Quảng Điền ), tưởng chừng ta đang ở Mauritanie! Thực vậy, cát bay đã khiến nhiều ruộng vườn bị cát che lấp ,gây tai hại đến môi trường sinh thái các làng duyên hải . Chính vì cát bay, nên diện tích đất nông nghiệp bị giảm đi mỗi ngày và chi phối đến cảnh nghèo đói các làng duyên hải.
Bờ biển bị xâm thực : bờ biển Thừa Thiên bị ít đi từng ngày: với chỉ một trận lụt cuối 1999 và các trận lũ trong năm 2000 đã làm hàng chục cột đèn điện, hàng trăm mét đường dọc bờ biển Thuận An bị nhận chìm và cuốn trôi ra biển. Bãi cát trên bờ trước kia rộng 300-400m, nhưng ngày nay, sau một thời gian bị xâm thực, bờ biển gần như bị xoá sổ trên bản đồ; nhiều nhà trước đây xa mép nước biển hàng trăm mét thì nay nước biển đã mấp mé chân tường.
Đất dốc bị xói mòn: Vì nuớc ta nhiều đồi núi hơn đồng bằng và hơn nữa, phần lớn núi đồi lại là đồi trọc ít cây cối, thêm vào đó là vũ lượng rất lớn nên xói mòn nặng nề, do đó mất phì nhiêu Xói mòn phụ thuộc vào nhiều thông số như chiều dài của độ dốc, độ dốc nhẹ hay nặng, độ che phủ thực vật. Xói mòn trên các lưu vực sẽ làm các hồ chứa nước bị lắng tụ rất nhanh và làm lòng sông cạn dần, khiến lưu lưọng nước chảy ít đi. Nên có nông lâm kết hợp, nghĩa là trồng cây lương thực với cây rừng hoặc với cây công nghệp lâu năm như chè, cà phê, cao su, hoặc các cây che phủ đất để chống khô hạn . Nếu cọng thêm các biện pháp công trình (bực thềm, hố ), xây dựng các hồ chứa nưóc để điều tiết lượng nước tưới thì đất đai sẽ bớt bị thoái hoá .
Sụp lở bờ sông: nạo vét sạn cát qúa sức lòng sông với những phương pháp máy nổ sẽ làm cho lòng sông sâu xuống, tạo thành nhiều vực nguy hiểm và gây cảnh sụp lở nghiêm trọng làm cho nhiều vườn tược ven sông sẽ đổ xuống dòng sông. Chân bến bị khoét nên nhiều bến nước bên bờ sông là chỗ người dân sinh hoạt sẽ không sử dụng được. Như vậy nhiều đập chắn cũng có thể bị vỡ, nguy hiểm tính mạng dân chúng.
Thiếu nước ngọt vào mùa nắng
Mùa nắng, lưu lượng các dòng sông miền Trung không nhiều và thêm tưới nước ruộng đồng cho hoa màu nên nước biển xâm nhập sâu lên thượng nguồn, làm nước sông bị nhiễm mặn, gây trở ngại cho sinh hoạt vì dân không có nước ngọt. Thêm vào đó, đất phù sa ven sông cũng bị nhiễm mặn không trồng trọt được. Riêng tại Saigon thì theo báo trong nước:
Tình trạng nhiễm mặn, ô nhiễm và giảm trữ lượng nước tại 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai – những con sông cung cấp lượng nước thô chính cho việc sản xuất nước sạch tại TPHCM đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Thế nhưng, trong vòng 3 năm trở lại đây, chưa bao giờ nguồn nước này lại bị nhiễm mặn, ô nhiễm và giảm trữ lượng trầm trọng như hiện nay. (trích Thanh Niên,ngày 18/2/ 2011 )
Lạm thác các tài nguyên sinh học
Hiện nay nước ta tập trung qúa nhiều vào đánh cá ven bờ, không có ngư thuyền đánh cá xa bờ nên tài nguyên cá dễ bị cạn kiệt. Ngoài ra, phải xác định mức độ khai thác, chọn vùng khai thác để bảo tồn các sinh vật biển có giá trị đang là đối tượng khai thác như rùa biển.
San hô, đồi mồi cũng bị tàn phá. Diệt rắn diệt chim làm chuột và côn trùng sinh sôi nẩy nở thêm .
Tại miền châu thổ sông Hồng, con cà cuống càng ngày càng ít đi vì sử dụng nhiều thuốc sát trùng quá liều lượng, ngay cả ‘chuồn chuồn có cánh thì bay’ cũng hiếm đi
Ô nhiễm tăng lên
Các nguồn ô nhiễm dất bao gồm phân hoá học, thuốc trừ sâu, chất thải công, nông nghiệp. Trong nông nhiệp, có thể kể sản phẩm thải bỏ các nhà máy thực phẩm đóng hộp, lò sát sanh, sản phẩm bài tiết của các trại chăn nuôi lớn. Trong công nghiệp, ngoài những rác thải thông thường như bao nilông, cao su, thủy tinh, ve chai, đồ kim loại, còn phải kể các rác thải nguy hiểm (hazardous wastes) như các chất dễ cháy, phóng xạ, chất nổ
Phân hoá học càng ngày càng được sử dụng nhiều để đảm bảo an toàn lương thực và xuất cảng. Nhưng muốn giảm thiểu tác động lên môi trường, phải sử dụng cân đối, đúng lượng, đúng kỳ, hạn chế các tổn thất do bay hơi, rửa trôi.
Thuốc bảo vệ thực vật cũng giúp tăng sản lượng nông nghiệp nhưng nếu sử dụng qúa liều lượng sẽ gây nên nhiều hậu qủa: cá, tôm, tép trong ruộng bị giảm hẳn, cua, ốc, ếch, nhái, rắn cũng càng ngày càng hiếm.
Với sự đô thị hoá, rác thải càng ngày càng trở nên trầm trọng vì bãi rác còn phát sinh ra NP, H2S, CH4 chưa kể nơi sinh đẻ ruồi muỗi.. Nước mưa ngấm vào bãi rác tạo thành nước rò rỉ chứa các yếu tố độc hại gây ô nhiễm môi trường nước ngầm và đất.
Do khói bụi các nhà máy công nghiệp sắt thép, than đá, ximăng v.v., do hàng vạn xe gắn máy chạy bằng xăng có pha chì, ô nhiễm không khí càng ngày càng trầm trọng khiến trẻ em suy nhược cơ thể. Các nhà máy không có thiết bị lọc bụi. Kèm theo bụi là khí SO2 gây tác động xấu đến sức khoẻ con người, gây các bệnh viêm kết mạc, co thắt phế quản, viêm mũi, viêm họng ..Dân cư sống ở những khu vực ô nhiễm nặng đều mắc các bệnh về đường hô hấp. Muốn bảo vệ môi trường không khí thì phải trồng nhiều cây xanh ven đường, sân chơi, phải có nhiều công viên trong thành phố, quanh các khu kỷ nghệ, giảm bớt hút thuốc lá trong nhà hay tại các khu công cọng; sử dụng phương tiện công cọng chuyên chở . Các biện pháp vật lý như sử dụng các thiết bị lọc và làm sạch khí thải từ các nhà máy (thiết bị lọc bụi, thu khí xoáy, lắng tĩnh điện..). Các năng lượng mới như năng lượng sức nước, sức gió, Mặt Trời cũng là các năng lượng ít ô nhiễm.
Ô nhiễm nước do nước thải sinh hoạt con người tại các khu dân cư và nước thải từ các cơ sở công nghiệp chưa dược xử lý thường được đổ thẳng vào kinh rạch, sông ngòi. Do đó, sự đa dạng sinh học giảm đi nhiều, nhiều loài thủy sinh vật đã không thể sống được. Nguồn nước bị ô nhiễm là nguồn gốc nhiều bệnh như thương hàn, dịch tả, lị.
Kết luận
Môi trường sống của nước ta bị nhiều chấn thương nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân: cơ chế pháp lý còn lỏng lẻo nên mới có lâm tặc, sa tặc, thạch tặc; dân đông nên diện tích đất nông nghiệp càng ngày càng giảm.
Đất hẹp, người đông mà nếu đất không được sử dụng hợp lý thì con ngưòi tự làm hại đến mình: đất thoái hoá thêm, nghèo thêm , gây ảnh hưởng dây chuyền đến an toàn lương thực.
Từ những nền văn hoá cổ truyền có gốc văn hoá nông nghiệp, ngày nay, nẩy sinh ra, theo đà đô thị hoá, những cuộc sống máy móc, xa rời thiên nhiên; nạn phá rừng, cuộc sống xô bồ với tiếng xe hàng vạn xe gắn máy điếc tai nhức óc suốt ngày càng làm cho con người xa lìa sự cảm thông với vũ trụ, không còn được nghe tiếng sáo diều trong đồng vắng, không còn thấy trăng lên với cảnh ‘đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn, trông sao sao mờ’, không còn cảm nhận các cảnh ‘sông dài trời rộng bến cô liêu’ và cuộc sống đô thị, thì nhà nào biết nhà đó, chỉ lo bon chen, tiêu thụ quá sá, mà không nhận ra cái kiếp mong manh của kiếp người, cái mong manh của hạnh phúc thoáng qua ‘đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, người về soi bóng mình, giữa tường vắng lặng câm’, do đó chúng ta nên tỉnh thức để sống, sống trong giây phút hiện tại, tận hưởng cuộc sống trong ngày hôm nay.
Qua các thơ văn trong văn học Việt, ta thấy luôn luôn đề cao vai trò của môi sinh, từ tạo hoá, sông núi, thác nước.. Ngày nay, giáo dục môi sinh trong học đường rất cần thiết; những thơ văn, ca dao, tục ngữ giúp trẻ em học sinh hiểu nhanh hơn vai trò của con người trong các hệ sinh thái nhằm bảo vệ chung trái đất. Trái đất này là của chung, mọi việc đều liên quan đến nhau: khí dioxyt cacbon trên khí quyển là một khí không biên giới; bầu không khí O3 (ozone) là không biên cương. Nó không tuân thủ các ranh giới hành chính của các chính phủ .
Môi sinh có thể nhìn dưới dạng vĩ mô hay vi mô. Trên cương vị vĩ mô, đó là trái đất, là một xứ, trên phạm vi vi mô đó là một quả đồi, một thung lũng, một dòng sông, một cái hồ. Giáo dục cho mọi người về sự cần thiết của niềm đồng cảm giữa người và vũ trụ, tình gắn bó giữa con người với thiên nhiên để con người yêu thêm thiên nhiên, tạo vật, tìm lại mây trời hiền hoà, màu xanh của nước và của núi rừng, nói theo danh từ thời đại là green awareness. Giáo dục cho mọi người các vấn đề nóng bỏng của thời đại, các vấn nạn môi sinh, sự bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ qũy gen (gene pool), phát triển bền vững. Cũng có thể sử dụng mô hình các hệ sinh thái để giúp sinh viên hiểu và suy nghĩ theo tư duy hệ thống các ảnh hưởng qua lại của các yếu tố môi sinh và từ đó thấy sự cần thiết có một sự hài hoà giữa dân số và thiên nhiên, hài hoà giữa thiên nhiên và phát triển kinh tế, một sự hài hoà mà chính hệ thống triết học Á Đông luôn luôn đề cao.
Theo THÁI CÔNG TỤNG / VIET ECOLOGY
Tags: Ô nhiễm môi trường, Bảo vệ môi trường, Tài nguyên thiên nhiên, Bảo vệ rừng, Sinh thái học