Bàn về tâm linh và huyền bí sắc dục trong văn chương

Khi nhận ra nơi nhục thể ẩn chứa tất cả vẻ đẹp và huyền bí tâm linh, văn chương sẽ có thể bước vào một thời Phục hưng mới.

Bàn về tâm linh và huyền bí sắc dục trong văn chương

Hỡi Thượng đế!

Người nhìn xem, Người đã cho thân thể
Bình thịt xương để đựng chứa linh hồn.

Đó là mấy vần thơ của Huy Cận trong tập Lửa Thiêng (1940)

Cái nhìn nhị đối ấy về con người, về bản ngã ấy tất nhiên có trước Huy Cận từ rất lâu trong truyền thống phương Tây: thân thể là cái bình chứa linh hồn.

Chính vì thế mà văn hào D.H.Lawrence vào khoảng năm 1925 đã viết:

Chúng ta thường có những ý tưởng kỳ lạ về bản ngã. Ta cho rằng bản ngã như một thân thể với linh hồn trong đó,… Năm tháng nốc cạn rượu, thế là ném vứt cái bình đi, và dĩ nhiên thân thể là cái bình”. [5,tr.533]

Và Lawrence nhận thấy đó là “một loại mê tín buồn cười” (a funny sort of superstition) [5,tr.533]

Cái nhìn nhị đối xác/hồn ấy thường đưa đến một nhát cắt tai ương, rằng hồn linh thuộc về một thế giới khác, nhẹ và thanh trong khi thân xác thì thuộc về trần tục, nặng nề và ô trọc. Hơn nữa, nếu linh hồn phạm tội và sa đọa, đó là vì thân xác kéo lôi nó, như Huy Cận diễn tả trong bài thơ Thân thể:

A! Thân thể! Một cái bình tội lỗi!
Đất sơ sinh đã hóa lại bùn lầy.
Thân quá nặng nên hồn sa xuống thấp,
Chớ giận chi những kẻ mất thiên đường!

Và thế là, thân thể hay xác thịt bị tôn giáo lên án. Hiện hữu trần thế bản nguyên ấy bị lên án. Sự khỏa thân bị lên án. Tình dục bị lên án. Từ đó ra đời bao nhiêu điều cấm kỵ, kiểm duyệt, trừng phạt, thậm chí khủng bố nhân danh thuần phong mỹ tục, nhân danh kinh sách, nhân danh thánh thần và thánh hiền. Họ tấn công vào thân xác, đóng đinh thân xác vào những xác ướp ý niệm (những concept-mummies như chữ dùng của Nietzsche).

Đồng thời họ ca tụng linh hồn, một linh hồn dẫu sao đi nữa cuối cùng sẽ được cứu rỗi nếu biết sám hối và hướng vọng Thượng đế, mặc cho thân xác tiêu ma. Họ ca ngợi sự khổ hạnh thân xác và một thứ tiết hạnh khả phong đặc biệt dành cho phụ nữ.

Từ đó, khuynh hướng sắc dục (eroticism) bị nhiều tôn giáo và thể chế chính trị trấn áp trong đời sống cũng như trong văn chương nghệ thuật.

Trong nhiều thời đại và xứ sở, có quyền thể hiện tình yêu nhưng không có quyền thể hiện sắc dục. Như thể tình yêu và sắc dục là hai điều khác biệt. Như thể tình yêu thuộc về “sự trong sáng của tinh thần” và sắc dục thuộc về “tội lỗi của thân xác”. Như thể tình yêu có thể là thiêng liêng còn sắc dục thì không. Như thể tinh thần có thể hiền minh còn cảm quan của nhục thể thì không.

Nhưng linh hồn là gì? Nó khác biệt thân xác lắm sao? Hãy nghe nhà thơ Octavio Paz nói trong một cuốn sách về tình yêu và sắc dục Ngọn lửa đôi (The Double Flame) vào năm 1993:

Linh hồn, hay bất kỳ từ gì dùng để gọi tâm linh con người, không chỉ là lý trí và trí tuệ, mà nó còn là cảm thức. Linh hồn là nhục tính: cảm giác, chuyển thành xúc động, tình tự, đam mê.” [7,tr.211]

Đối với Octavio Paz, tình yêu và sắc dục (love and eroticism) là ngọn lửa đôi của đời sống. Lửa thiêng và lửa trần hòa vào nhau làm một dù vẫn gọi là đôi.

Và cũng theo Octavio Paz, không chỉ có sự hiểu biết trí lự, mà còn có sự hiểu biết nhục thể: “sự hiền minh của cảm giác” (wisdom of the senses).

Từ cuối thời văn minh Hy-La, sự chia tách tâm linh và thân xác đã khởi sự. Rồi đến thời Tân ước và giáo hội, ngọn lửa đôi ấy càng chia tách hơn.

Nhưng nữ sĩ Marguerite Yourcenar còn cho biết ở Tây Âu trước thời của Chúa, người Celt và German đã thiêu sống và nhấn chìm những tình nhân phá luật. [11,tr.111]

Trong khi đó, ở Ấn Độ cổ đại, tôn giáo và tình dục, tâm linh và nhục thể đều có thể thắp chung ngọn lửa thiêng.

Hợp tuyển Erotica của Ch.Hill và W.Wallace viết như sau:

Phúc cho ai là trai gái Ấn Độ đương xuân vào 2.000 năm trước đây! Tình dục không phải là chuyện tội lỗi, thường công khai thảo luận, và hiền giả Vatsyayana vừa hoàn thành Kinh Kama… Ông viết bộ kinh này vào cuối đời như một bổn phận tôn giáo.” [2,tr.10]

Chẳng những thế, hành động tính dục còn có thể mang màu sắc huyền bí, trở thành biểu tượng cho sự hợp nhất linh hồn con người với Thượng đế. Như trò chơi tình ái của Thượng đế Krishna với các nàng mục tử, trong rừng đêm trăng.

Nghệ thuật Ấn Độ đầy táo bạo gợi tình, đầy huyền bí sắc dục vẫn còn phơi bày lồ lộ ở Ajanta, Kailasa, Khajuraho,… tràn dâng nhựa sống, phát tiết nhựa tình…

Đi cùng với nghệ thuật tạo hình của huyền bí nhục thể ấy là tụng ca trữ tình thiêng liêng Gita-Govinda(Mục tử ca) của nhà thơ Jayadeva thuộc thế kỷ mười hai. Đề tài là trò chơi tình ái của Krishna gọi là rasa-lila khi vui đùa với các nàng mục tử (gopi) nhưng chủ yếu là hợp hoan với riêng nàng Radha.

Theo triết lý – thần thoại Ấn Độ, trong sáng tạo Thượng đế hóa thân vào người nam thành purusha, vào người nữ thành prakriti. Khi hai yếu tố này hợp nhất thì sẽ phát sinh ananda (hoan lạc).

Krishna chính là hóa thân thứ tám của Thượng đế Vishnu (thần Bảo tồn) và Radha được xem là âm thể của Krishna, người tình vĩnh cửu và tận hiến của ngài.

Cuộc tình đam mê nồng nhiệt và vô tận Radha-Krishna tượng trưng cho quan hệ con người với thần linh, phàm tục với thiêng liêng trong một huyền bí sắc dục mà thơ ca Ấn Độ xưa nay không ngừng thể hiện.

Trò chơi tình ái rasa-lila vừa linh thánh vừa tràn đầy sắc dục là tưởng tượng diễm tuyệt nhất trong văn chương mà Ấn Độ đã sáng tạo ra.

Trong thần tích cổ xưa Bhagavata Purana, trò chơi này (rasa-lila) đã được diễn tả sống động trong năm chương thuộc quyển mười.

Câu chuyện ấy còn được kể lại trong nhiều kinh sách khác nhưng phải đợi đến thế kỷ mười hai nó mới thật sự tìm thấy nhà thơ thần diệu của mình là Jayadeva.

Với mười hai ca khúc bất hủ, nhà thơ tán tụng cuộc ái ân với mọi vẻ đẹp sắc dục của Radha và Krishna không chút ngại ngùng. Đến tận ngày hôm nay, các đền thờ vẫn còn vang ngân tiếng tụng ca hoan lạc ái ân này. Jayadeva mở ra thời đại mới trong văn chương Ấn Độ, làm dấy lên một sóng triều thơ ca, hát tụng trò chơi tình ái linh thiêng khắp Ấn Độ, tạo nên ý nghĩa sâu thẳm trong tâm thức người dân về huyền thoại Radha-Krishna.

Truyền thuyết kể rằng khi soạn ca khúc thứ mười, đến đoạn nàng Radha sắp đặt bàn chân hồng lên đầu thần Krishna, nhà thơ do dự bỏ ra sông tắm. Chính lúc đó, Krishna giáng bút, hoàn tất khổ thơ. Cớ gì mà ngại gót sen đáp xuống đầu thần!

Nàng Radha còn bảo thần vẽ hoa lá lên mình trần của nàng, trang hoàng vóc thể của nàng như thể nàng là một đền thiêng.

Hãy vẽ một chiếc lá
Lên bầu ngực em đi
Đánh phấn hồng lên má
Tháo dây lưng bên đùi

Kết tóc em óng ả
Bằng những hoa thơm đi
Đeo chân em xuyến ngọc
Vòng tay em lưu ly

Và người tình tối thượng
Lộng lẫy với hoàng y
Nghe Radha chủ xướng
Nghe Radha thầm thì… [6,tr.73]

Không phải Radha được yêu đang ngạo mạn “vượt cấp” mà là tình yêu đang siêu việt cả thiêng và tục!

Đọc Gita-Govinda, khó mà không liên tưởng đến Nhã ca (Song of Songs) trong Cựu ước.

Nhã ca được Hội đồng Jamnia chọn đưa vào Thánh kinh vào năm 100. Các tình nhân hồn nhiên tán tụng vẻ đẹp thân xác và niềm vui ân ái bên nhau trong Kinh Thánh đã đưa đến nhiều lý giải và phản ứng khác biệt. Như đó là tình yêu của Chúa Trời đối với dân Do Thái hay của Đức Kitô đối với giáo hội. Như đó là khúc hoan ca hôn lễ. Như đó là thơ ca của khoái lạc nhục thể. Nhiều nỗ lực đưa Nhã ca ra khỏi Thánh kinh hoặc hạn chế nó trong vòng tín đồ “trưởng thành”. Có người, như giáo sư Luis de Leon ở Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 vì dịch Nhã ca ra tiếng Tây Ban Nha mà bị lôi ra khỏi lớp học và cầm tù bốn năm. [10,tr.734]

Vì nằm trong Kinh Thánh, tìm đọc toàn văn Nhã ca là điều quá dễ dàng. Chỉ xin dẫn mấy câu gần cuối khúc ca:

Em cao như bức tường thành
Ngực như đang dựng tháp canh đôi đồi
Vào trong ánh mắt ai thôi
Cho em được đến như người được yêu.
(Nhã ca 8:10) [1,tr.374]

Và dù Kinh Thánh cũng với văn chương Hy-La là nguồn chính của văn học phương Tây, trong suốt thời trung đại, Nhã ca không tạo ra một ngọn triều thơ của huyền bí sắc dục theo giọng điệu của mình như Gita-Govinda đã làm được ở Ấn Độ.

Ở Nam Á cũng như nhiều xứ phương Đông, không có nguyên tội. Và tính dục chưa bao giờ được xem là tội lỗi trong tư tưởng triết lý và văn chương.

Ngay cả Phật giáo cũng có Kim Cương thừa (Phật giáo Tantra, Mật tông, Chân ngôn tông) xem hòa hợp tính dục là siêu việt. Nhưng trạng thái hoan lạc mê ly trong Phật giáo Tantra vẫn khác xa tính dục thông thường. Nó đi vào tâm linh hơn là thể xác, tượng trưng hơn là thực dụng, trải nghiệm siêu hình hơn là vật dục.

Đó là sự phối kết thượng thừa giữa thân thể và tâm linh. Như vậy, sự hòa hợp tính dục trong Kim Cương thừa luôn mang ý nghĩa huyền bí, mật truyền. Đó là điều mà ta có thể nhìn thấy trong văn chương, nghệ thuật và các nghi thức Tantra ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Tây Tạng, Mông Cổ,… cũng như Chân ngôn tông ở Nhật.

Có thể cảm nhận phần nào bí ẩn đó khi ta đọc Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới thứ 39 cũng là phẩm cuối cùng.

Trên đường cầu đạo, Thiện Tài đồng tử đi đến xứ Hiểm Nạn, thành Bảo Trang Nghiên tìm Bà Tu Mật Đa nữ đang ở tại chợ Bắc. Vì cô gái ấy rất đẹp nên có người khuyên đồng tử chớ nên bị nữ sắc cám dỗ. Kinh viết:

Thiện Tài thấy Bà Tu Mật Đa nữ nhan mạo đoan nghiêm, sắc tướng viên mãn. Da màu chân kim. Tóc và mắt xanh biếc,…

Bà Tu Mật Đa nữ nói:

Này thiện nam tử! Ta được Bồ Tát giải thoát môn tên là “Ly tham dục tế”, tùy chỗ sở thích của chúng sinh mà hiện thân…

Nếu có chúng sinh tạm thấy ta thời lìa tham dục mà được Bồ Tát hoan hỷ tam muội.

Nếu có chúng sinh tạm cầm tay ta thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội đến khắp tất cả cõi Phật.

Nếu có chúng sinh tạm lên chỗ ngồi của ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát giải thoát quang minh tam muội…

Nếu có chúng sinh ôm ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội nhiếp tất cả chúng sinh hằng chẳng bỏ lìa.

Nếu có chúng sinh nút môi ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội tăng trưởng phước đức tạng cho tất cả chúng sinh.

Phàm có chúng sinh nào thân cận ta, tất cả đều lìa tham dục mà được nhập Bồ Tát nhất thiết trí hiện tiền giải thoát vô ngại.” [8,tr.307-309]

Những hình ảnh trong câu chuyện Bà Tu Mật Đa nữ này không thể chỉ nhìn qua đôi mắt phàm mà cần phải thấy bằng đôi mắt tâm linh khi gặp những cầm tay, ôm ấp, thân cận,…

Và khi nhìn bằng đôi mắt tâm linh thì cũng không cần phải gọi đó là mật truyền.

Tâm linh hòa lẫn sắc dục cũng là điều ta thường bắt gặp trong công án và thơ thiền, đặc biệt là Zen ở Nhật với trường hợp thiền sư Ikkyu thế kỷ mười lăm.

Ikkyu (Nhất Hưu) tìm thấy trong Thiền “cuộc tái sinh của tinh hoa sự sống và xác định lại ý nghĩa của hiện hữu con người”, theo sự nhận xét của văn hào Kawabata Yasunari.

Ikkyu tự gọi mình là Kyoun (Cuồng Vân) và để lại tập thơ tứ tuyệt chữ Hán với nhân đề là Kyounshu(Cuồng Vân tập), gồm hơn ngàn bài, trong đó nổi bật nhiều bài thơ thể hiện tình yêu nhục thể vô cùng táo bạo.

Trong Cuồng Vân tập, Thiền và tình yêu chỉ là một, theo lời nhận định của nhà phê bình S.Kato.

Thử đọc một bài thơ của thiền sư Ikkyu:

Khi khát hay khi lạnh
nước và lửa ước ao
Còn tôi, bầu ngực nàng nóng
và nước nàng khát khao!” [3,tr.33]

Tương đương với Thiền bên Phật giáo là huyền phái Sufi trong thế giới Hồi giáo. Từ rất sớm, sau cái chết của nhà tiên tri Muhammad đã xuất hiện nhà thơ nữ của huyền linh Sufi rất nổi tiếng là Rabia. Nàng sinh năm 717 ở Basra (Iraq).

Rabia là người đẹp, hát hay, thường múa hát trong các lễ cưới mà nhận thù lao. Rồi một ngày, bỗng dưng nàng tìm ra một điệu hát riêng. Từ đó, nàng từ bỏ tất cả, chỉ múa hát cho Thượng đế.

Một bài ca của Rabia:

Dựng nhà cho Người trong tim tôi
để trò chuyện như Bạn đời.
Tấm thân này dẫu trao ai khác
cho kẻ nào muốn ấp ôm tôi.

Tấm thân này xứng đáng
được thương yêu, hẳn rồi.
Nhưng trong nhà tôi vẫn ngụ Bạn đời
là Người tình của trái tim tôi.” [9,tr.3]

Sau Rabia, thơ ca Sufi càng ngày càng mở rộng ảnh hưởng với những tên tuổi quen thuộc trên thế giới như Attar, Rumi, Sadi, Hafiz,…

Thơ ca tâm linh với huyền bí sắc dục mà ta vừa chiêm ngưỡng không phải dễ dàng xuất hiện trong bất kỳ thời đại nào, xứ sở nào. Có những nơi, những thời không bao giờ biết có một dòng thơ như vậy.

Người ta có thể chọn một hướng đi khác mà ở đó, tâm linh và nhục thể bị chia tách phũ phàng. Và có khi chỉ còn lại một thứ nghệ thuật thiếu vắng tâm linh mà cũng thiếu vắng nhục thể, không tinh thần mà cũng không tình dịch. Chỉ còn lại một thứ nghệ thuật lờ mờ nhân ảnh hoặc một thứ nghệ thuật đậm đặc tinh thần Thanh giáo.

Khi nhận ra nơi nhục thể ẩn chứa tất cả vẻ đẹp và huyền bí tâm linh, văn chương sẽ có thể bước vào một thời Phục hưng mới.

Và ta có thể nói như Hafiz, thi hào Ba Tư (thế kỷ 14):

Nhìn đi bạn ơi
Nụ cười sáng nay trên bờ môi trái đất,
Trái đất là cô gái
Đêm qua nàng ngủ bên tôi.” [4,tr.1]

Không thể không trích dẫn thêm Hafiz:

Bởi vì Thượng đế đã
cùng với mi làm tình
Thế nên toàn vũ trụ
qua lòng mi sơ sinh”.

Theo NHẬT CHIÊU / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: , , ,