Bàn về chức năng giáo dục thẩm mỹ của nghệ thuật

Giáo dục thẩm mỹ là vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong việc hình thành nhân cách của trẻ em. Thông qua giáo dục thẩm mỹ, học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của tác phẩm và cuộc sống, đồng thời có cách ứng xử tốt với người thân trong gia đình, với thầy cô, bạn bè và cộng đồng.

Bàn về chức năng giáo dục thẩm mỹ của nghệ thuật

Tác giả: ThS.Lê Thị Thanh Huyền, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hải Phòng.

Nguồn: Tham luận Hội thảo Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống.

1. Nghệ thuật là cầu nối giữa con người và thế giới cái đẹp

Chúng ta biết rằng chất liệu của nghệ thuật chính là cuộc sống. Trong cuộc sống, cái đẹp là một bộ phận của các sự vật hiện tượng trong đời sống tự nhiên và xã hội. nhu cầu về tinh thần trong cảm xúc thẩm mỹ là một trong những nhu cầu quan trọng của con người. Trong các môn học ở nhà trường phổ thông thì bộ môn nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành niềm tin của con người, ảnh hưởng đến hành vi của con người và đạt tới sự khoái cảm thẩm mỹ của tinh thần.

Đối với học sinh, trong lĩnh vực thẩm mỹ học sinh trau dồi cho mình những khái niệm chung về cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài… bắt đầu từ những hành vi, những hành động, từ trang phục và trong cả nghệ thuật.

Mặt khác, từ giáo dục thẩm mỹ cho học sinh cũng giúp học sinh nhận thức được giá trị đạo đức trong thẩm mỹ. Trẻ em đến với đạo đức cũng thông qua cái đẹp. Vì vậy, phải phát triển ở trẻ nhu cầu quan hệ thẩm mỹ với mọi người, với xã hội, với lao động. Nói chung nghệ thuật tạo cho con người khả năng nhận thức, hiểu được cái đẹp trong đời sống tự nhiên và có tác động mạnh mẽ tích cực đến đời sống xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần và là điều kiện để giữ gìn phẩm giá con người, là phương tiện để đấu tranh tích cực vì tư tưởng tốt đẹp của nhân loại.

Trong quá trình sống và hoạt động xã hội, con người đã hình thành quan niệm, niềm tin và muốn thể hiện tư tưởng ấy ở cái đẹp và tìm cách phản ánh cái đẹp ấy trong nghệ thuật. Ngược lại, những tư tưởng đúng đắn của nghệ thuật dẫn dắt con người đến những niềm tin trong hành vi và trong hoạt động, sinh ra một năng lượng mới trong cuộc sống. Hình tượng nghệ thuật được lĩnh hội bằng một sự thông cảm sâu sắc có tác động mạnh mẽ đến thế giới chủ quan của nhân cách và sinh ra những cảm xúc phức tạp hơn.

Quá trình cảm xúc như thế không đơn thuần là một quá trình hoạt động trí tuệ mà còn đem lại những cảm xúc thẩm mỹ những niềm vui, nỗi buồn, khâm phục, thán phục v.v.. Con người không chỉ nhận thức mà còn cảm nhận sâu sắc tư duy khách quan trong sự khái quát nghệ thuật riêng của cá nhân.

2. Nghệ thuật cung cấp cho người học những kiến thức tổng hợp

Nghệ thuật luôn phản ánh mối quan hệ thực tại, có khi là trực tiếp, có khi là ngụ ý, có khi là hoang đường thất thiệt nhưng trong tác phẩm bao giờ cũng phản ánh cuộc sống, trước hết là cuộc sống hiện tại. Ví dụ: cùng một bài hát nhưng mỗi ca sĩ ở mỗi thời đại khác nhau đều có cách thể hiện ở phong cách khác nhau và ngay cả những thưởng thức ở mỗi thời đại cảm nhận bài hát ấy không phải ở một không gian nào xa xôi mà chính bằng thực tại.

Mỗi một loại hình nghệ thuật đều phản ánh cuộc sống theo cách riêng của mình và theo thời đại của mình. Thời Trung cổ thế giới quan của tư tưởng tôn giáo thống trị, do đó ý tưởng của cái đẹp của các nhà hoạ sĩ vẽ những bức tranh thần thánh, kiến trúc theo kiểu gothic thể hiện tư tưởng cao xa. Âm nhạc, thời trung cổ cũng chỉ là những thánh ca vang lên đều đều, tránh sự xáo động.

Ngôn ngữ của các ngành nghệ thuật chính là các phương tiện biểu hiện nghệ thuật. Đối với nghệ thuật âm nhạc, các phương tiện biểu hiện chính là nhịp điệu, tiết tấu, giai điệu, hoà âm. Hình tượng âm nhạc bao giờ cũng được biểu hiện bằng những phương tiện (hay còn gọi là ngôn ngữ) của nó.

Nghệ thuật cũng khám phá ra những ý nghĩa khoa học (Ví dụ: Chuyện Hai vạn dặm dưới biển), mở mang tầm hiểu biết về thế giới về con người. Đổi mới những cái đã quá quen thuộc, thông thường trong cuộc sống, nhận thấy ở đó cái mới, cái bất ngờ.

Nghệ thuật cũng giúp con người sáng tạo ra những giá trị tinh thần vô giá. Các phát minh khoa học không mang dấu ấn của nhà khoa học, chỉ có con đường khám phá mà nhà khoa học đi qua mới mang cá tính. Còn nghệ thuật, các tác phẩm của người nghệ sĩ mang dấu ấn tâm lý cá nhân của người nghệ sĩ đó. Các tác phẩm nghệ thuật chính là sự khái quát cao nhất các giá trị tinh thần của nhân loại, tư tưởng tình cảm, nền văn hóa xã hội của loài người trong thời kỳ đó. Chính vì vậy, tác phẩm của mỗi người đều mang cá tính và là sản phẩm có một không hai.

3. Nghệ thuật phát triển năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho học sinh

Giáo dục nghệ thuật cho học sinh đòi hỏi phải giúp học sinh tự tiếp nhận học vấn nghệ thuật, nhận biết, cảm thụ, hiểu cái đẹp trong nghệ thuật và trong đời sống. Bản chất của giáo dục thẩm mỹ trong dạy học và phát triển nghệ thuật cho học sinh là một quá trình phức tạp, nhiều giai đoạn, từ chỗ cho học sinh làm quen với nghệ thuật đến lúc tự sáng tạo trong nghệ thuật.

Qua quá trình tiếp xúc với cái đẹp trong nghệ thuật học sinh sẽ dần dần tích luỹ những ấn tượng của cái đẹp trong tác phẩm trên cơ sở cảm thụ, tri giác thẩm mỹ. Những ấn tượng đó sẽ khác nhau theo mức độ hoàn thiện nghệ thuật và thẩm mỹ nói chung của học sinh. Kinh nghiệm sống của học sinh ở các độ tuổi khác nhau và còn bị hạn chế bởi nhiều học sinh chưa đủ sức để học phân tích, phân loại những ấn tượng về thẩm mỹ chưa đủ sức đánh giá và phê phán chất lượng nghệ thuật nên quá trình lĩnh hội nghệ thuật ở học sinh phải qua một quá trình tổ chức sư phạm mới có kết quả.

Muốn thâm nhập, lĩnh hội tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi con người phải có một trình độ văn hoá, có sự cảm xúc tinh tế vì thế mà cần phải đưa học sinh vào thế giới nghệ thuật với cái đẹp chân chính với nhiều lĩnh vực rộng rãi để dạy cho trẻ ý thức thẩm mỹ trong các hình tượng nghệ thuật.

Việc phát triển năng lực cảm thụ thẩm mỹ của học sinh là rất quan trọng bởi vì:

– Phát triển thính giác nảy sinh nhu cầu tập nghe, bằng con đường cảm thụ và phát hiện âm thanh đó là ngôn ngữ ban đầu của âm nhạc.
– Phát triển tư duy học sinh nhằm phát hiện ra nhu cầu cảm thụ thẩm mỹ giúp học sinh hình thành tư duy hình tượng cụ thể, từ đó phát triển trí tưởng tượng của học sinh, đó cũng là một trong những yếu tố cơ bản của nghệ thuật.

Tóm lại: Vai trò giáo dục thẩm mỹ rất quan trọng, nhất là trong tiến trình hội nhập. Nhưng để công tác giáo dục thẩm mỹ thực hiện tốt chức năng của mình là vấn đề không hề đơn giản. Nó không phải chỉ là trách nhiệm của riêng bộ môn giáo dục nghệ thuật hay của ngành giáo dục mà đòi hỏi sự toàn tâm, toàn ý chung tay, góp sức của gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội.

——————–

Tài liệu tham khảo:

1. Giáo trình Giáo dục học – Trần Tuyết Oanh – NXBĐHSP – 2007
2. Giáo dục thẩm mỹ (Nhạc viện Hà Nội)
3. http://vietbao.vn/Van-hoa/Nam-loai-hinh-giao-duc/40175501/184
4. http://baoquangngai.com.vn/channel/2027/200912/Cong-tac-giao-duc-tham-my-trong-truong-hoc-o-tinh-ta-1918964

Theo SPNTTW.EDU.VN

Tags: , ,