Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô: Lưỡi dao ‘Diễn biến hòa bình’ từ phương Tây

Nhận thấy thời cơ đã đến, thế lực chống Cộng ở phương Tây liền triển khai toàn diện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Và Gorbachev, với tư cách Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, lại mở toang cánh cửa để đón chúng vào.

Khi chính quyền Xô Viết ra đời, các thế lực thù địch phương Tây đã âm mưu bóp chết nó ngay từ trứng nước. Dưới sự lãnh đạo của Lenin, những người cộng sản Nga đã cùng các dân tộc khắc phục khó khăn, anh dũng chiến đấu bảo vệ chính quyền nhân dân đầu tiên trên thế giới do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Lenin qua đời, Stalin tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô vượt qua nhiều thử thách để ngọn cờ XHCN luôn bay cao trên lãnh thổ Liên Xô. Vì không thể chiến thắng Liên Xô bằng vũ lực, phương Tây đã chuyển sang chiến lược “diễn biến hòa bình” – khái niệm được Kennan, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô, đề cập lần đầu tiên vào tháng 7/1947. Ông ta cho rằng, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” cuối cùng sẽ dẫn đến sự tan rã của chính quyền Xô Viết.

Dưới thời Khrushchev, các thế lực chống cộng và chính quyền phương Tây căn cứ vào tình hình đã tăng cường thực thi “diễn biến hòa bình”, âm mưu phương Tây hóa, phân hóa Liên Xô.

Từ khi nắm quyền, Reagan chủ trương ngoại giao cân bằng, thẩm thấu tư tưởng, văn hóa với Liên Xô và các nước Đông Âu qua truyền bá quan điểm phương Tây về tự do, nhân quyền với hạt nhân là lợi ích cá nhân. Reagan cho rằng, trong cuộc đấu tranh giữa CNTB và CNXH, nhân tố quyết định cuối cùng không phải là đọ sức đạn hạt nhân và tên lửa mà là cuộc đọ sức của ý chí và tư tưởng.

Trong khi đó, Gorbachev lại ra sức cổ súy cho cái gọi là tư duy mới chính trị quốc tế. Ông ta tuyên bố, sự sinh tồn và lợi ích toàn nhân loại cao hơn tất cả; Liên Xô và Hoa Kỳ ngoài việc lĩnh hội đạo lý vĩ đại cùng nhau sinh tồn thì không có một lựa chọn nào khác. Điều này về cơ bản là xóa bỏ một sự thật hiển nhiên: giữa CNXH và CNTB, giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản vẫn tồn tại một cuộc đấu tranh quyết liệt.

Thế lực chống Cộng ở phương Tây nhận thấy thời cơ đã đến, liền triển khai toàn diện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Và Gorbachev, với tư cách Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, lại mở toang cánh cửa để đón chúng vào.

Thủ đoạn thứ nhất trong âm mưu phương Tây hóa, phân hóa Liên Xô là sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để thẩm thấu ý thức hệ. Hai đài phát thanh được thành lập ở Tây Âu nhằm vào Liên Xô, là đài Châu Âu tự do và đài Tự do, hằng ngày phát thanh bằng sáu thứ tiếng, đưa tin về các sự kiện quốc tế, các sự kiện tại Liên Xô và các nước Đông Âu; tuyên truyền thành tựu, lối sống và giá trị quan của xã hội phương Tây.

Bên cạnh đó là đài BBC phát bằng 40 thứ tiếng, rồi đài Sóng điện Đức bằng 35 thứ tiếng. Bốn đài phát thanh này hằng ngày chĩa vào Liên Xô và Đông Âu, với trọng điểm là phủ định lịch sử cách mạng Liên Xô, phóng đại, thổi phồng những vấn đề xã hội của Liên Xô và các nước Đông Âu, kích động tâm lý bất mãn, hướng sự bất mãn này vào Đảng Cộng sản và chế độ XHCN.

Người ta tài trợ cho một số cơ quan nghiên cứu lập phương án đánh vào những tình cảm nhân dân Liên Xô dành cho Lenin và Stalin. Các tác phẩm chống Lenin, Stalin xuất hiện đầy rẫy trên các báo, đài phát thanh, đài truyền hình, phim ảnh,… Họ kích động nhân dân Liên Xô đề nghị mai táng thi hài Lenin. Phương Tây còn ca tụng tư duy cải tổ của Gorbachev, nhằm làm suy yếu và hủy bỏ uy tín của Đảng Cộng sản Liên Xô, của chế độ XHCN, tuyên truyền cho cái gọi là cuộc sống tươi đẹp ở phương Tây và tính ưu việt của chế độ tư bản.

Phương Tây rất chú trọng dùng lối sống và sự tiêu dùng của nó để tác động và ảnh hưởng đến đông đảo khán giả Liên Xô, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên. Gorbachev không những mất cảnh giác, mà còn cổ vũ việc tiếp nhận ảnh hưởng từ phương Tây. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị năm 1985, Gorbachev đã nói: “Người Liên Xô phải tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài, đừng sợ, rồi mọi người sẽ thấy thế giới thật bao la, muôn mầu muôn vẻ”.

Tháng 12/1988, Liên Xô ngừng gây nhiễu những đài phát thanh phương Tây vốn được coi là đài phản động, đồng thời chi bốn triệu rúp nhập khẩu báo chí của phương Tây về bán công khai, điều này đã tiếp thêm sức tiến công của phương Tây vào Liên Xô. Trước và sau những năm 1990, trào lưu tư tưởng vứt bỏ CNXH trong xã hội Liên Xô lên đến cao trào. Và không ít thế lực chính trị quyết định quay lưng với CNXH, đi thẳng đến CNTB.

Điều này hoàn toàn phù hợp với một định nghĩa của phương Tây về cuộc tuyên truyền hữu hiệu nhất là “tuyên truyền để đối tượng đi theo hướng mà ta chỉ định nhưng lại làm cho đối tượng lầm tưởng rằng hướng đó là do đối tượng tự quyết định”.

Thủ đoạn thứ hai mà người ta đã áp dụng là viện trợ kinh tế, thương mại, kỹ thuật để dẫn dụ công cuộc cải tổ của Liên Xô theo hướng phương Tây mong muốn. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ đã lợi dụng Ủy ban tổng trù bị Paris bí mật thành lập tháng 11/1949 để phong tỏa cấm vận và hạn chế thương mại với các nước XHCN, coi đây là thủ đoạn để dụ và ép các nước CNXH nhượng bộ chính trị.

Từ năm 1989, Gorbachev bắt đầu cải tổ cơ bản về thể chế chính trị, dẫn đến động loạn xã hội và mâu thuẫn dân tộc. Tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, Gorbachev liền cong lưng, quỳ gối xin cầu viện từ phương Tây. Phương Tây thấy rằng, công cuộc cải tổ Gorbachev thực hiện tại Liên Xô phù hợp với yêu cầu của mình, liền ra sức bày tỏ sẵn sàng viện trợ. Gorbachev cũng hy vọng vào sự thành công của cuộc cải tổ, vào sự bố thí của phương Tây.

Tháng 5/1991, Gorbachev cử nhà kinh tế học Yalinski đi Hoa Kỳ cùng các chuyên gia Đại học Harvard lập kế hoạch Harvard. Theo đó, mỗi năm phương Tây viện trợ cho Liên Xô từ 30 tỷ – 50 tỷ USD, tổng cộng trong 5 năm là 150 -200 tỷ USD, nhưng Liên Xô phải thực hiện tư hữu hóa, dân chủ hóa triệt để, đồng thời cho các dân tộc quyền tự quyết… Chương trình này kèm theo cả điều kiện gắn với tình hình cải tổ của Liên Xô, cứ nửa năm xem xét một lần.

Theo cách nói của phương Tây thì cải tổ nhiều viện trợ nhiều, cải tổ ít viện trợ ít, không cải tổ không viện trợ. Tuy nhiên, viện trợ của phương Tây chỉ là mồi nhử. Tổng thống Nixon khi đó đã nói: Lợi ích chiến lược lúc này không phải là cứu vớt Moskva về kinh tế mà là phá hủy chế độ XHCN ở Liên Xô.

Ngày 16/7/1991, Gorbachev mang các văn kiện, trong đó có kế hoạch Harvard, đến London gặp gỡ bảy nguyên thủ phương Tây xin viện trợ. Nhưng kết quả lại làm ông ta vô cùng thất vọng, bảy nước phương Tây không hề cam kết bất cứ một khoản viện trợ nào. Dù vậy, Gorbachev vẫn làm theo kế hoạch Harvard, đưa công cuộc cải tổ ở Liên Xô vào con đường theo hướng phương Tây dẫn dụ. Nhờ đó, Gorbachev nhận được danh hiệu mỹ miều do phương Tây ban tặng là “nhà cải tổ vĩ đại”, đồng thời nhận được giải Nobel hòa bình năm 1990.

Các tập đoàn tư bản ở các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Anh, Đức,… còn cung cấp cho Gorbachev rất nhiều tiền dưới hình thức nhuận bút và hình thức khác. Tác phẩm đầu tiên của vợ ông là Raisa xuất bản tại Hoa Kỳ, lập tức được trả ba triệu USD tiền nhuận bút.

Thủ đoạn thứ ba mà người ta áp dụng là lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ của Liên Xô. Lâu nay, phương Tây vẫn lợi dụng vấn đề nhân quyền để công kích và bôi nhọ chế độ XHCN, rêu rao rằng chế độ XHCN chà đạp quyền công dân. Họ kết hợp giữa ngoại giao nhân quyền với thẩm thấu ý thức hệ và chính trị, lợi dụng cái gọi là nhân quyền nhằm gây sức ép với các nước XHCN.

Sau khi Hiệp định Helsinki được ký kết năm 1975, các nước phương Tây đã hỗ trợ cho các phần tử chống đối ở Liên Xô rất mạnh mẽ. Sự hỗ trợ này gồm cả vật chất, tiền bạc, trong đó có cả những vinh dự hão.

Năm 1977, Tổng thống Carter đã tiếp A.I Solzhenitsyn, tác giả cuốn Quần đảo Gulag. Ông ta còn đích thân gửi thư cho một nhân vật khác là Sakharov, bày tỏ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lời hứa là thúc đẩy nhân quyền tại nước ngoài.

Tháng 4/1979, Hoa Kỳ dùng hai điệp viên Liên Xô bị bắt tại Hoa Kỳ để trao đổi với năm người vốn đối đầu với Đảng Cộng sản và chính quyền Xô Viết, nhằm ủng hộ những người này.

Tháng 12/1979, chính phủ Carter tổ chức Tuần nhân quyền để gây sức ép với Liên Xô, tạo thanh thế cho các phần tử chống đối. Năm 1989, riêng khoản ngân sách QH Hoa Kỳ dành cho thúc đẩy cái gọi là dân chủ đã lên 25 triệu USD. Số tiền này chủ yếu để phát triển và ủng hộ những phần tử chống đối tại các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô.

Đầu những năm 1980, hoạt động chống đối tại Liên Xô dần suy yếu. Nhưng, với việc Gorbachev thực hiện công khai và dân chủ hóa, các tổ chức phi chính thức và các ấn phẩm tuyên truyền cho tự do hóa tư sản dưới nhiều hình thức đã phát triển như nấm sau mưa. Gorbachev đã hoàn toàn bị khuất phục trước cuộc tiến công về nhân quyền, cũng như sức ép từ phương Tây, trong đó nổi bật là việc khôi phục quyền cho Sakharov, cha đẻ bom H của Liên Xô.

Hoa Kỳ ra sức ủng hộ ông ta chống đối chế độ XHCN. Đầu năm 1980, ông ta bị cưỡng chế đến sống ở thành phố Gorky. Nhưng ngày 16/12/1986, Gorbachev đích thân gọi điện thoại mời ông ta trở lại Moskva, cấp biệt thự và khuyến khích tham gia hoạt động chính trị. Sau đó, chính quyền còn chấp thuận ý kiến của Sakharov, trả tự do cho 140 nhân vật chống đối khác.

Tháng 3/1989, Sakharov tranh cử đại biểu nhân dân Liên Xô nhưng thất bại. Lập tức, Gorbachev tăng chỉ tiêu cho Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, giúp ông ta đắc cử. Sau đó Sakharov trở thành một trong các nhân vật lãnh đạo đoàn nghị sĩ liên khu vực chống đối Đảng Cộng sản Liên Xô hung hãn nhất. Tháng 12/1989, Sakharov qua đời vì bệnh tật, Gorbachev bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn tuyên bố: “Đây là tổn thất lớn lao”.

Do thái độ này của Gorbachev, ngày càng có nhiều phong trào chống đối được công khai hóa, hợp pháp hóa. Đảng Cộng sản Liên Xô bất lực, để cho phe chống Cộng, chống CNXH tiến công điên cuồng hơn. Gorbachev không những cho phép các tổ chức phi chính thức tồn tại mà còn đồng ý cho thành lập các đảng dựa trên các tổ chức phi chính thức, tiến tới thực hiện chế độ đa đảng. Để rồi đảng đối lập đã giành chính quyền tại một loạt địa phương dưới cái gọi là bầu cử tự do.

Ngày 28/12/1987, xã luận đăng trên báo Sự thật cho biết, Liên Xô khi đó đã có hơn 30.000 tổ chức, đoàn thể phi chính thức. Những tổ chức này ngang nhiên hô hào chống Xô Viết, chống Cộng, tuyên truyền thành lập các tổ chức đảng và công đoàn độc lập.

Thủ đoạn thứ tư trong chiến lược phương Tây hóa, phân hóa Liên Xô mà người ta tiến hành là thò tay vào vấn đề dân tộc, phá hoại quan hệ dân tộc, tạo động loạn trong nội bộ Liên Xô.

Trên thực tế, từ lâu ở Liên Xô đã tồn tại một số vấn đề dân tộc, việc Gorbachev thực hiện chính sách dân chủ hóa giữa các dân tộc khiến các vấn đề này ngày càng phức tạp, từ đó làm cho xung đột dân tộc nghiêm trọng hơn. Các nước phương Tây đã tranh thủ cơ hội, đổ dầu vào lửa.

Ngay sau khi Liên Xô thực hiện chương trình cải tổ, một số nghị sĩ Hoa Kỳ đã tới Latvia kích động vấn đề dân tộc ở Liên Xô, công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ thừa nhận vị trí của Liên Xô với các nước vùng biển Baltic, và nhân dân vùng biển Baltic có quyền quyết định độc lập hay không!

Mùa xuân năm 1989, khi phong trào ly khai diễn ra sôi sục tại ba nước cộng hòa vùng ven biển Baltic, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô đã gặp gỡ các thế lực ly khai tại địa phương, tìm hiểu ý đồ, chương trình hành động của họ rồi bày tỏ sự ủng hộ. Từ đó tiếp tục đẩy lên thành “Phong trào con đường biển Baltic” với sự tham gia của hai triệu người dân, thể hiện quyết tâm ly khai. Trong thời gian này, họ công khai nêu khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản Liên Xô” và đòi tách khỏi Liên Xô.

Ngày 1/12/1989, nguyên thủ hai nước Hoa Kỳ và Liên Xô gặp nhau tại Malta. Bush gây áp lực với Gorbachev: không được dùng vũ lực với ba nước ven biển Baltic, nếu không làn sóng chống Xô sẽ tràn khắp Hoa Kỳ. Bush còn nhiều lần gặp lãnh đạo phong trào ly khai vùng Baltic bày tỏ sự ủng hộ đối với họ.

Tháng 1/1991, tình hình Lithuatania trở nên căng thẳng, Mỹ lập tức lên án quân đội Liên Xô khiêu khích, đòi Liên Xô quay về bàn đàm phán, đồng thời thông qua các kênh ngoại giao bày tỏ lập trường cứng rắn với Liên Xô. Đích thân Bush gọi điện cho Gorbachev yêu cầu ông ta thực hiện lời cam kết không sử dụng vũ lực với các nước cộng hòa vùng Baltic, nếu không sẽ ngừng viện trợ cho Liên Xô.

Dưới sức ép của Hoa Kỳ, ngày 30/1, Gorbachev ra lệnh cho lực lượng quân nhảy dù và bộ binh đã được phái đến kiểm soát tình hình ở Lithuatania rút lui, đồng thời cam kết với Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy tiến trình chính trị theo con đường “kiên trì Hiến pháp”, mong muốn đối thoại cùng lực lượng ly khai ven biển Baltic. Kể từ đó, chính quyền Trung ương Liên Xô mất đi quyền kiểm soát với ba nước cộng hòa này. Sự thắng thế của lực lượng ly khai ba nước vùng Baltic đã dẫn đến hiệu ứng domino đòi giải thể Liên Xô.

Thủ đoạn thứ năm, cũng là thủ đoạn chí tử nhất mà Hoa Kỳ và phương Tây áp dụng trong chiến lược phương Tây hóa và phân hóa với Liên Xô, là dùng trăm phương nghìn kế hỗ trợ thế lực chống đối trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô, ra sức nâng đỡ những kẻ rắp tâm phá hủy Đảng Cộng sản Liên Xô và chính quyền Xô Viết.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô đã tiếp xúc với Yeltsin. Sự hăng hái của Yeltsin trong những hoạt động chống cộng, chống CNXH đã để lại cho Đại sứ Hoa Kỳ ấn tượng sâu sắc. Hoa Kỳ coi Yeltsin là đối tượng vận động trọng điểm, dồn toàn lực ủng hộ mọi hành động của ông ta nhằm chống lại T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô, chống lại chính quyền Liên bang, chia rẽ Đảng Cộng sản Liên Xô và chia rẽ Liên Xô.

Sau khi Yeltsin bắt đầu có xung đột với Gorbachev, bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị, họ tìm cách lợi dụng mọi cơ hội để tiếp xúc mật thiết hơn với ông ta. Năm 1989, Yeltsin được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô và vào Xô Viết tối cao. Tháng 9 năm đó, Yeltsin thăm Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ phá lệ thông thường, tiếp đón “trọng thể” nhân vật này trong một chuyến thăm phi chính thức. Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, cựu Tổng thống Reagan đều lần lượt gặp gỡ Yeltsin.

Về nước, Yeltsin tăng cường các hoạt động chống Cộng. Ông ta vận động thay đổi Hiến pháp để xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Bên trong Đảng, ông ta lãnh đạo phe cương lĩnh dân chủ âm mưu phá hoại triệt để Đảng Cộng sản Liên Xô, giành lấy quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô. Hoa Kỳ đứng ngoài can thiệp, thúc đẩy Yeltsin và Gorbachev bắt tay hợp tác. Đây thực chất là hành động can thiệp trực tiếp vào hoạt động đấu tranh chính trị ở Liên Xô.

Năm 1991, Yeltsin đắc cử Tổng thống Liên bang Nga. Ngay lập tức, Hoa Kỳ vội mời Yeltsin sang thăm và dành cho ông ta nghi lễ đón tiếp đối với một nguyên thủ quốc gia (lúc đó Yeltsin vẫn chưa nhậm chức). Không chỉ Tổng thống Bush có cuộc hội đàm rất dài với Yeltsin mà cả Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Thương mại, lãnh đạo Thượng Nghị viện cũng như lãnh đạo Liên đoàn lao động, Liên đoàn sản xuất, những ông chủ của các tập đoàn lớn, lãnh đạo các đoàn thể lần lượt hội kiến Yeltsin.

Yeltsin đã báo đáp “ân huệ” mà Hoa Kỳ dành cho mình. Tháng 12/1991, trước khi mật bàn với lãnh đạo Ukraine về việc giải thể Liên Xô, ông ta đã thông báo việc này với Hoa Kỳ và được Hoa Kỳ ủng hộ.

Đêm trước cuộc chính biến ngày 19/8, một nhân sĩ ở Liên Xô là Popov đã mật báo với Đại sứ Hoa Kỳ rằng, có người đang hoạch định một âm mưu lớn. Sau sự kiện 19/8, Tổng thống Hoa Kỳ hai lần điện thoại cho Yeltsin để lên dây cót tinh thần và cổ vũ ông ta. Các nước phương Tây cũng tỏ rõ ràng lập trường ủng hộ Yeltsin. Thủ tướng Tây Ban Nha tuyên bố phong tỏa 200 triệu USD viện trợ dành cho Liên Xô, chỉ trích Liên Xô có nguy cơ quay lại thời chiến tranh lạnh. Nhật Bản lên án Ủy ban tình trạng khẩn cấp của Liên Xô là không hợp pháp và tuyên bố dừng viện trợ. Lãnh đạo Đức bày tỏ sự ủng hộ với Yeltsin về việc “khôi phục trật tự Hiến pháp”. Lãnh đạo Pháp công kích mạnh mẽ Ủy ban tình trạng khẩn cấp của Liên Xô, yêu cầu Cộng đồng châu Âu tổ chức cuộc họp cấp cao về tình hình Liên Xô. Ngân hàng Thế giới tuyên bố tạm dừng thảo luận kiến nghị về viện trợ kỹ thuật cho Liên Xô.

Lúc này, Gorbachev sát cánh cùng Yeltsin để đối phó Ủy ban tình trạng khẩn cấp khi đó đang muốn cứu Liên Xô. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đứng đầu là Gorbachev từ chỗ khuất phục đến chào đón chiến lược phương Tây hóa, phân hóa, cộng thêm nội công ngoại kích của lực lượng chống đối Đảng Cộng sản Liên Xô, đã đẩy Đảng Cộng sản Liên Xô đi vào cảnh cùng đường trong cuộc chiến không có khói súng.

Đảng Cộng sản Liên Xô từ hưng thịnh đến bại vong, đất nước Liên Xô từ lớn mạnh đến tan vỡ. Sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô, sự chấm dứt của chế độ XHCN ở Liên Xô, sự giải thể của Liên Xô với tư cách là một quốc gia thống nhất đa dân tộc là sự kiện chính trị phức tạp do nhiều nguyên nhân tổng hợp gây nên. Bao gồm nhân tố trong và ngoài nước, trong và ngoài Đảng, nhân tố lịch sử và hiện thực, nhân tố kinh tế, nhân tố chính trị, nhân tố văn hóa, tư tưởng và cả nhân tố xã hội…

Thế nhưng, là rường cột của đất nước và nhân dân Liên Xô, là cốt thép của sự nghiệp XHCN ở Liên Xô, sự thoái hóa và biến chất trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô chính là một nhân tố chủ yếu bên trong dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của tòa lâu đài kiên cố này.

Cuối năm 2005, kết quả một cuộc điều tra dư luận của hai cơ quan mang tính trung lập nổi tiếng ở Nga cho thấy: 66% người Nga ngày nay cảm thấy nuối tiếc cho sự sụp đổ của Liên Xô; 76% số người cho rằng Liên Xô có rất nhiều điểm đáng để tự hào; 72% và 80% số người được hỏi lần lượt cho rằng Gorbachev và Yeltsin đã đi con đường sai lầm; chỉ có 1% số người được hỏi mong muốn sống dưới thời Yeltsin.

Sau khi nhậm chức tổng thống Nga vào năm 2001, Putin từng nhiều lần chỉ thị cần phải chấm dứt tình trạng hỗn loạn trong sách giáo khoa lịch sử, cần phải bồi đắp niềm tự hào của thế hệ thanh niên với Tổ quốc và lịch sử.

Tháng 7/2004, Bộ Giáo dục Nga xuất bản lại bộ giáo trình tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô Bolshevik. Gần đây, giới lý luận Nga dấy lên một cuộc tranh luận rầm rộ, trong đó tuyệt đại đa số đều phê phán chủ nghĩa tự do mới đã gây nên thảm họa khôn cùng cho nước Nga, và khẳng định di sản của Marx ngày nay vẫn còn giá trị rất quan trọng.

Ngày 8/12/2004, trong bài viết dài kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Stalin, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga Zuganov nói: Những năm gần đây trong bối cảnh đất nước suy tàn, hỗn loạn và khủng hoảng liên tiếp, sự quan tâm của mọi người trong việc suy xét đánh giá lại Stalin ngày càng tăng. Đó là sự thật ai cũng rõ.

Zinoviev là người gần như cả đời chỉ có biết đến việc phê phán Stalin và Liên Xô. Những năm 1930, ông còn là thành viên trong một nhóm âm mưu ám sát Stalin. Thế nhưng gần đây khi suy ngẫm lại ông đã nói rằng: Liên Xô có được những thành tựu vĩ đại là nhờ có được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Cần phải đánh giá lại những hoạt động trấn áp của Stalin những năm 30, dù rằng trong đó có rất nhiều hành vi quá mức, nhưng xây dựng chế độ mới thường đi kèm với cuộc đấu tranh với các thế lực chống phá. Sự trấn áp của Stalin trên thực tế đã tiêu diệt những kẻ biến chất thực tế và ẩn giấu tiềm tàng.

Đến cả Solzhenitsyn, tác giả đã từng kịch liệt phủ định Stalin khi suy ngẫm lại cũng phải thừa nhận “Tôi đã hại Tổ quốc Nga”. Còn cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk, một trong ba nhân vật hàng đầu tham gia ký kết hiệp định giải thể Liên Xô sau này cũng nói: “Nếu như năm 1991, tôi biết được cục diện đất nước sẽ phát triển như hôm nay thì khi đó tôi đã nhất quyết chặt đứt cánh tay mình chứ không ký vào Hiệp định”.

*

Bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô thật đau đớn, phong phú và sâu sắc. Tư liệu trên đây chỉ là một tài liệu tham khảo. Cần phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu để rút ra những kết luận khách quan, khoa học, có ý nghĩa cảnh báo nhằm xây dựng các Đảng Cộng sản Marxist – Leninist vững mạnh, đủ bản lĩnh để đập tan những âm mưu và thủ đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội; đủ năng lực lãnh đạo cách mạng không ngừng tiến lên.

Theo NHÂN DÂN ONLINE (2010)

Tags: , , ,