Ảnh hưởng của văn học Xô viết đến văn xuôi cách mạng Việt Nam

Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 có vai trò quan trọng trong lịch sử loài người. Nó đã mở ra nền văn hóa XHCN, không chỉ có ở Liên Xô mà còn ảnh hưởng lớn đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Văn học Xô viết đã ảnh hưởng lớn đến văn học Việt Nam, nhất là đối với văn xuôi cách mạng thời chiến tranh.

Trước 1945, văn học Liên Xô đã du nhập vào Việt Nam theo hai hình thức công khai hoặc bí mật, qua những ấn phẩm của NXB E.S.I của Đảng Cộng sản Pháp và NXB Tam Liên (Thượng Hải)… Tính đến thời kỳ Mặt trận dân chủ, độc giả Việt Nam đã được đọc Thép đã tôi thế đấy, Đất vỡ hoang, Sapaev, Không kịp lấy lại hơi thở, Chiến bại, Xi-măng, thơ Mayakovski v.v…

Nền văn học anh hùng ca đó đã thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ vào xã hội Việt Nam đang tù đọng ngột ngạt lúc bấy giờ, bởi vậy, được nhiều thanh niên hồ hởi đón đọc. Tố Hữu cho rằng: “Những tác phẩm lớn ấy đã làm cho tôi sáng mắt sáng lòng và thúc đẩy tôi đi vào con đường cách mạng và văn chương cách mạng”.

Sau 1945, văn học Xô viết càng có điều kiện tốt du nhập vào Việt Nam. Tác phẩm đầu tiên được dịch in trong chế độ mới là truyện Người độc giả kỳ lạ của M. Gorki (1945). Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã dịch và viết lời tựa cho cuốn Tỉnh ủy bí mật (A. Fedorov). Bài thơ Đợi anh về của K. Simonov do Tố Hữu dịch, bộ phim Đội cận vệ thanh niên của A. Fadeev cũng được bộ đội háo hức đón nhận.

Nhà văn Vũ Tú Nam cho biết: “Tôi có ý muốn viết về những người bình thường, viết về đám đông. Tác giả Suối thép của Serafimovich do Ngô Tất Tố dịch đã ảnh hưởng nhiều đến tôi”. Các nhân vật góc cạnh trong Suối thép, Sapaev, Chiến bại… có ảnh hưởng đến nhiều nhà văn khi xây dựng các chiến binh dũng cảm, ngang tàng buổi đầu chống Pháp. Cuốn Thép đã tôi thế ấy được đánh máy, chép tay phổ biến khắp nơi. Những người Xô viết chúng tôi tồn tại nhiều bản dịch khác nhau, được in ở cả miền Bắc và khu V. Cuốn Ngôi sao (F. Kadakevich) được in ở khu V, nó có ảnh hưởng đến Lê Khâm khi viết Trước giờ nổ súng.

Nguyễn Thành Long đã viết cuốn Kể một số tiểu thuyết Liên Xô. Ngoài ra, còn phải kể đến các tác phẩm khác như: Những người bất khuất (Gorbatov), Bão táp, Thời gian ủng hộ chúng ta (I.Erenburg), Con người chân chính (B. Polevoy), Ngày và đêm ở Stalingrad (K. Simonov), Thanh vệ (Fadeev)… Ở chiến trường Nam Bộ, có người đã dịch vở kịch Vấn đề Nga (Simonov)…

Năm 1953, Trung ương Cục ủy ban kháng chiến Nam Bộ tổ chức “Tháng hữu nghị Việt-Xô-Trung” với hình thức triển lãm, chiếu bóng, diễn thuyết…Tạp chí Việt Xô do Trần Bạch Đằng làm chủ bút cũng góp phần phổ biến văn hóa Xô viết ở miền Nam.

Sau 1954, văn học Liên Xô được dịch sang miền Bắc Việt Nam với số lượng áp đảo so với sách từ các nước khác. Trong thời gian từ 1954 đến 1967, miền Bắc đã xuất bản trên 300 tác phẩm văn học Nga Xô viết. Còn tính đến tháng 5/1985, con số này lên tới 739 tác phẩm. Ngoài những nhà văn Xô viết đã biết đến từ trước 1954, độc giả còn biết thêm: V.Korelenko, Santykov, Sedrin, Paustovsky, A.Tolstoi, Iu. Bondarev, V. Rasputin, A. Dumbatde, Bykov… Đó là chưa kể đến các tác giả thơ, kịch, phim, lý luận phê bình…

Hai nhà văn Liên Xô có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam là M.Gorki và M. Solokhov. Từ thời Mặt trận dân chủ, độc giả Việt Nam đã biết đến Gorki qua các bài giới thiệu của Hải Triều, các truyện ngắn, kịch Dưới đáy, bộ ba Tự truyện, Cuộc đời Klim Xamghin, Người mẹ… Sau 1954, cuốn Người mẹ được tái bản nhiều lần. Theo Nguyễn Hải Hà: “Tiểu thuyết Người mẹ của M.Gor-ki có một tác động đặc biệt mạnh mẽ đối với thanh niên cách mạng Việt Nam. Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Đặng Thai Mai, Hải Triều, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu, Học Phi, Nguyễn Đình Thi v.v… cả một thế hệ các nhà văn tiến bộ Việt Nam đã say mê đọc Người mẹ của M. Gorki. Những ngày thơ ấu, Người đàn bà Tàu của Nguyên Hồng có cái gì thật gần gũi với Thời thơ ấu, Người mẹ của Gor-ki”.

Tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của Solokhov có ảnh hưởng lớn đến các nhà văn Việt Nam trong việc xây dựng những nhân vật anh hùng đa diện trong Trên mảnh đất này, Sống mãi với thủ đô, Đất lửa, Phá vây, Bên kia biên giới… Tiểu thuyết Đất vỡ hoang được in năm 1959, có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều tác phẩm viết về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp như Xung đột, Bão biển, Cái sân gạch, Hòn đá cõi… Ta có thể thấy bóng dáng của Davydov, Nagunnov qua các nhân vật Tiệp, Thất. Nhiều người cũng cho rằng lão Suka là nguyên mẫu của lão Ba Bơ trong Bão biển. Năm 1956, M. Solokhov công bố truyện Số phận con người mở đầu cho phong trào viết về những mất mát của người lính thời hậu chiến. “Ảnh hưởng của thiên truyện này đối với sự phát triển của văn xuôi Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa về đề tài chiến tranh thật vô cùng to lớn” (Huy Liên).

Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã có trong văn chương dân tộc, các nhà văn Việt Nam còn học hỏi thêm phương pháp sáng tác hiện thực XHCN trên nhiều phương diện như: cách thức phản ánh hiện thực, cảm hứng thẩm mỹ, kết cấu cốt truyện, cách giải quyết các mâu thuẫn, và đặc biệt là cách xây dựng nhân vật

Theo PHẠM NGỌC HIỀN / BÁO PHÚ YÊN

Tags: , ,