Thơ lục bát – từ lịch sử đến hiện tại

Thơ lục bát đậm tính dân tộc. Điều đó dường như đã trở thành một tiên đề trong nhận thức của cộng đồng người Việt.

Tính dân tộc không phải là những giá trị bất biến, ngưng đọng, di truyền từ đời này sang đời khác. Nói đến tính dân tộc trong thơ thực chất là đi tìm những “mẫu gốc” của tinh thần dân tộc được thể hiện trong hình thức thơ ca, trong thi cách, thi điệu. Nếu nhìn từ sự đúc kết của Đào Duy Anh, Trần Đình Hượu, Trần Ngọc Thêm… sự hài hòa, trọng âm, lấy tình làm bản vị hay tính linh hoạt có thể được nhận ra trong thể lục bát. Tuy nhiên, lục bát không phải thời nào cũng giống nhau. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra có điểm khác biệt giữa lục bát truyền thống với lục bát trong Thơ mới (1932 – 1945). Và hiển nhiên, trong cái nhìn lịch sử, lục bát đương đại cũng có những vận động cho thấy tính linh hoạt, thích nghi của nó với cấu trúc tinh thần mới của con người, thời đại.

“Sức sống mãnh liệt của lục bát” (Chu Văn Sơn) xét cho cùng cũng chính ở khả năng thích ứng một cách mềm dẻo, linh hoạt ấy. Suy rộng ra, trên bình diện văn hóa, căn tính dân tộc, sự mềm dẻo hay linh hoạt là hóa thân của một cơ nền văn hóa lúa nước, trọng tình cảm, gắn kết, hòa ái, giàu khả năng dung hợp. Có lẽ đó chính là cơ sở để lục bát thu nhận và chuyển hóa trong nó mọi sắc thái tình cảm, mọi diễn biến tinh vi của lòng người, dù là thời trung đại, cận hiện đại hay đương đại.

Có thể nói, lục bát là một “huyền thoại” (R.Barthes). Huyền thoại đó cất giữ và lưu truyền điệu tâm hồn, nhịp tự tình của dân tộc. Chẳng thế mà, người dân Việt Nam, ai ai cũng có thể thuộc và đọc được đôi vần lục bát. Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, người ta cũng rất dễ thốt lên những ví von vần điệu kiểu lục bát. Không một thể thơ nào lại có đời sống sâu, rộng, bền bỉ và phổ biến, quen thuộc như lục bát. Cũng chính từ sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ ấy, trong những thực hành sáng tạo thơ, lục bát có thể là sinh địa nhưng cũng có thể là… tử địa của nhiều cây bút.

Lục bát là miền đất hứa của người làm thơ bởi chính khả năng kì diệu của nó. Nhà phê bình Chu Văn Sơn, trong một bài viết tâm huyết về thơ lục bát, thể hiện tấm lòng tri âm với thể loại, đã nhận thấy: lục bát “dư sức trần thuật”, “dồi dào năng lực trữ tình”, “dôi dả năng lực triết luận”, “đáp ứng mọi yêu cầu trào tiếu”, “biến hóa vô chừng”. Với những dẫn chứng xác đáng và phân tích thấu đáo, Chu Văn Sơn cho rằng: “Tiềm năng hình thức của lục bát là vô cùng” (Sức sống mãnh liệt của lục bát). Tiềm năng này trao cho người làm thơ cơ hội bước vào miền đất hứa. Bên cạnh những câu ca dao sáu tám vẫn bền bỉ đi cùng dân gian, nhiều nhà thơ đã chọn lục bát như là một phương thức để tỏ bày suy tư, nhịp điệu, xúc cảm của lòng mình.

Nhìn lại hành trình lục bát trong di sản thi ca dân tộc, chúng ta cảm nhận được một lối lục bát mẫu mực, tinh hoa của Nguyễn Du (Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng); nhuần nhị, xa xót mà thấm đẫm hồn quê nẻo phố trong thơ Nguyễn Bính (Bao giờ bến mới gặp đò/ Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau); một Bùi Giáng hồn nhiên thoát tục, triết luận sâu xa, rong chơi bồng bênh cõi thế (Em về rũ áo đười ươi/ Trút quần phong nhụy cho người phụ nhau); cỏ rả, rơm rạ mà bền bỉ kiêu hãnh trong lục bát “thảo dân” của Nguyễn Duy (Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru); ngang tàng, bất cần pha chút giang hồ phiêu bạt như Đồng Đức Bốn (Trở về với mẹ ta thôi/ Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ); tinh ngạo mà lang bang kiểu Văn Thùy (Kể từ đêm ấy về sau/ Áo ru tôi ngủ nát nhàu tương tư); trào tiếu, nghịch dị mà thấm thía minh triết trong thơ Bảo Sinh (Khi mê bùn chỉ là bùn/ Ngộ ra mới biết trong bùn có sen); thuần hậu, khiêm nhường như lục bát Đỗ Trọng Khơi (Ngõ nhà non lại màu rêu/ Vườn nhà chim ngỏ đủ điều ngây ngơ); thao thiết hoài nhớ như Nguyễn Phúc Lộc Thành (Tôi về chèo khúc sông Thương/ Câu quan họ tắt trên đường đò đưa); sắc vỡ, cắt cứa như Miên Di (con đường không biết nhớ nhung/ đôi chân tiếc những hành tung của mình); tươi rói, lém lỉnh, tếu táo như Nguyễn Thế Hoàng Linh (hiểu gì về một cuộc chơi/ đằng sau thinh lặng máu rơi xanh rì)…

Còn có thể dẫn thêm ra những câu, những bài lục bát hay của Mai Văn Phấn, Nguyễn Việt Chiến, Trúc Thông, Phạm Công Trứ, Lê Đình Cánh, Nguyễn Minh Khiêm… Nhưng, như thế cũng đủ thấy rằng lục bát đã tỏa cành, đâm rễ, phủ bóng lên thi ca Việt Nam thế nào. Dường như, mỗi nhà thơ xứ Việt đều dắt lưng đôi bài lục bát trong gia tài của mình. Có phải vì lục bát dễ làm nên nhiều người đã lựa chọn? Có phải cứ tuân thủ sáu – tám, gieo vần bằng, hiệp vần chân – lưng, nhịp chẵn là sẽ thành lục bát? Không phải như thế. Nhiều người chọn lục bát có lẽ vì sự tương hợp với nhịp điệu tâm tư, cảm xúc của họ. Ấy là điệu hồn dân tộc, là phẩm tính dung hòa, nhuần nhị, khiêm cung của con người trong không gian văn hóa nông nghiệp Việt Nam. A.Pazzj (người Ý) trong cuốn sách Việt Nam kì diệu đã chỉ ra, lục bát trường tồn vì chính nhịp ôn hòa, thong thả của nó. Cơ chế vận hành của lục bát chính là cơ chế tinh thần người Việt.

Lục bát dễ làm, nhưng hễ ai thấy dễ lập tức hỏng. Cái dễ dãi, dễ dàng bao giờ cũng song hành cùng sự tầm thường, rẻ rúng. Bởi vậy mà, khi nhăm nhăm lục bát dễ làm tức là anh đã sa chân vào tử địa. Đâu đó có người cho rằng, lục bát dở, thơ gì mà như vè. Nói vậy, chẳng phải đã làm thiệt thòi, oan uổng cho vè lắm sao?

Nếu Nguyễn Du sống lại ở thời này cũng chẳng thể giữ mãi hình thức lục bát thuở xưa. Những cố gắng mô phỏng, nom cho thật giống với lục bát của các bậc danh gia, kết cục chỉ mang lại cái xác kiều diễm, mà hồn vía lục bát thì đã phiêu tán nơi nào. Sáng tạo là làm ra cái mới, và, ở lục bát, khái niệm này càng phải được ý thức một cách sống còn. Lịch sử mĩ học sâu dày của lục bát là móng nền nhưng cũng là trở lực, thách thức các nhà thơ đương đại. Có lẽ vì thế, người làm thơ lục bát thì nhiều mà tuổi tên đọng lại trong kí ức người đời chỉ điểm trên đầu ngón tay. Lục bát là huyền thoại, nhưng thần phục huyền thoại để sản sinh những hình hài cũ lại không phải là con đường sáng của thi sĩ. Brodsky đã từng nói rằng: thi sĩ không có mẫu số chung. Quả là như vậy, bởi thi sĩ luôn luôn là những cá tính riêng biệt, chất chứa năng lực kiến tạo bản sắc và giá trị. Chỉ trong sự khác biệt người ta mới tồn tại.

Để có được sự khác biệt đó, thi sĩ phải can đảm để vượt thoát, để vi phạm, kháng cự và phủ định những hệ giá trị, mĩ học đã cũ. Lục bát, về nguyên lí là một hình thức đã cũ, một cái khung rỗng nghĩa. Nhưng, lục bát luôn sống động, tươi mới bởi nó luôn được làm đầy, làm dư bởi những sáng tạo mới. Cũng chỉ đôi dòng sáu tám ấy thôi, nhưng những kết hợp mới, những gieo tách mới, những nhịp điệu, mô thức mới sẽ làm lục bát tái sinh. Thời đại nào cũng có hình thức của nó, bởi vậy, lục bát của thời hiện đại, của thời công nghệ và toàn cầu hóa, hẳn sẽ mang dáng hình tân kì hơn, hợp modern hơn khăn đóng, áo the, guốc mộc của các cụ xưa:

thằng bé ngoan?
thằng bé hư?
chẳng ai biết nữa
hình như nó buồn
hình như thằng bé ấy luôn
tìm trong đau khổ
những nguồn thương yêu
đôi khi trốn khỏi buổi chiều
trầm ngâm ngồi nghĩ
những điều
hồn nhiên
(Thằng bé – Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Hiếm có một thể loại thơ nào có được khả năng tuyệt diệu như lục bát. Đó là loại thơ có thể rất truyền thống, cổ điển; rất dân gian hồn nhiên, minh triết; rất tân kì hiện đại hợp thời; vừa có thể chỉn chu, mô thức, lại vừa có thể biến cách ngẫu hứng mà vẫn giữ được hồn vía lục bát. Thậm chí, ngay trong những biến tấu hiện đại, kiểu như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Miên Di, Nguyễn Phúc Lộc Thành, người ta vẫn nhận ra một cách đủ đầy chất lục bát vọng từ ngọn nguồn mĩ học của thể loại. Sức sống của lục bát chính là ở chỗ ấy. Nó vừa vi phạm, bứt phá, đoạn tuyệt, vừa thật thà, trân trọng giữ lại trong lòng mình điệu thức ngàn đời của tâm hồn dân tộc:

Rằng: Trăm năm cũng từ đây
Của tin còn một chút này làm ghi
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Theo LÊ PHONG / VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI

Tags: ,