⠀
Ảnh hưởng của mỹ thuật truyền thống trong mỹ thuật hiện đại Việt Nam
Có nhiều quan điểm nhận định khác nhau đối với sự ảnh hưởng của mỹ thuật truyền thống đối với mỹ thuật hiện đại Việt Nam (1). Với mỗi một phương thức tiếp cận khác nhau, giới nghiên cứu lại có thể tìm thấy một yếu tố mới để lý giải các vấn đề giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong mỹ thuật.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 357, tháng 3/2014.
Tác giả: Phạm Văn Tuyến.
Ở đây, chúng tôi mong muốn tìm hiểu về ảnh hưởng của mỹ thuật truyền thống trong mỹ thuật hiện đại Việt Nam bằng việc liên kết các dữ liệu tin cậy từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, để đi đến một kết luận rằng, mỹ thuật truyền thống Việt đã và vẫn luôn là tài sản bất biến của mỗi họa sĩ Việt Nam cho dù ai đó có thể không thừa nhận điều này.
Bản thân mỹ thuật truyền thống Việt chủ yếu là thành tựu mỹ thuật dân gian, không thực sự có mỹ thuật cung đình như các quốc gia khác. Mãi cho đến thời cận đại (thời Nguyễn ở Huế) chúng ta mới thấy mô hình trọn vẹn của mỹ thuật cung đình.
Mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang thực sự bối rối trong thời hội nhập quốc tế. Các giá trị mỹ thuật truyền thống ngày nay đôi khi bị nhận thức sai lệch khiến cho nhiều người nhầm lẫn, không hiểu đúng vai trò của nó. Tuy nhiên, bất cứ người Việt Nam nào cũng mặc nhiên chịu ảnh hưởng nền văn hóa Việt từ ngàn đời. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân đã viết: “…nghệ thuật không có chuyện cái này xóa sạch cái kia, như người ta có thể xóa mất tích một băng ghi âm để ghi chồng lên đấy những âm thanh khác. Trái lại, những kỷ niệm tạo hình bao giờ cũng như còn quanh quẩn, lảng vảng trên khuôn mặt của hình dáng, đường nét, màu sắc một tác phẩm” (2). Để khẳng định thêm sự ảnh hưởng của mỹ thuật truyền thống tới các sáng tác mỹ thuật về sau này, trong một bài viết về danh họa Nguyễn Phan Chánh, họa sĩ Trần Huy Oánh cho rằng: “Bản thân họa sĩ Nguyễn Phan Chánh không nghĩ ngợi nhiều đến vấn đề khai thác bản sắc dân tộc mà văn hóa dân tộc dần dần thẩm thấu vào con người ông, cộng với một tư tưởng sáng tạo mới của chính ông để rồi tất cả được chuyển hóa vào trong những bức tranh mang đậm dân tộc tính. Nói cách khác, bản sắc dân tộc trong tranh của ông là một sự trung thực từ chính con người ông, là một sáng tạo được đi từ vô thức chứ không phải cố tình”(3). Trong trường hợp này, họa sĩ Trần Huy Oánh đã đề cập đến khía cạnh ảnh hưởng vô thức của truyền thống.
Lịch sử mỹ thuật cho thấy, dù có giỏi kỹ thuật sơn dầu của phương Tây đến cỡ nào đi nữa thì họa sĩ Việt Nam vẫn cứ là “người Việt vẽ sơn dầu”, không bao giờ khác được. Và cũng chẳng riêng gì mỹ thuật, các loại hình nghệ thuật khác cũng như vậy cả, bởi lẽ, nghệ thuật trong sâu thẳm là phản ánh cái tôi chủ quan, cái tiềm thức, chẳng bao giờ phản ánh một cái gì khác ngoài chính con người nghệ sĩ đó (4). Chúng tôi cũng bắt gặp quan điểm nhận định của nghệ sĩ Trần Lương rằng: “Trong máu mình đã là Việt, mình lại không sống ở đâu khác ngoài Việt Nam nên không thể lại là một ông tây được. Cái gì chảy ra từ con người mình trong sáng tạo thì đã là thuộc vào người Việt rồi”. Nói ngược lại, nghệ sĩ tạo hình Việt mà không có tâm hồn Việt trong tác phẩm thì coi như không thành công về nghệ thuật.
Tượng La Hán chùa Tây Phương.
Lần đầu tiên đi thăm Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, tôi đặc biệt ấn tượng với nhóm tượng La hán được trưng bày ở một dãy hành lang. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khâm phục và khó hiểu vì sự điêu luyện và độ hoàn mỹ của mỗi pho tượng. Tôi đã nghiệm lại điều đó ở những lần thăm sau cũng như bao chuyến viếng thăm chùa Tây Phương, và không lần nào cảm giác đó không xâm lấn bản thân. Vấn đề ở chỗ, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã để ý so sánh một số tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới như các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp, tượng của Rodin, cả bức tượng Dê của Picasso, và của những nhà điêu khắc Việt Nam nổi tiếng, tỷ dụ bức Người con gái Việt (1929) còn được gọi với tên Em bé cài lược của Vũ Cao Đàm. Chúng tôi cho rằng, sự khác biệt lớn nhất về mặt tạo hình giữa các bức tượng của người Việt Nam với các tượng của người châu Âu nằm ở quan niệm: cái cốt là thần thái, không nệ vào tỷ lệ, không hướng đến tính chất học thuật mà toát lên tính dân gian, dân dã trong tạo hình. Đó cũng chính là cái cốt cách cơ bản của điêu khắc truyền thống Việt.
Người con gái Việt – Vũ Cao Đàm.
Cũng tương tự, qua quá trình tìm hiểu những tác phẩm hội họa về Chân dung mẹ họa sĩ (sơn dầu, 1923 của Nam Sơn), Mẹ ông Đức Minh (phấn màu của Nguyễn Sáng), các bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh với những bức chân dung nổi tiếng của L.D Vinci, Van Gogh, chúng tôi mạo muội rút ra hai vấn đề: thứ nhất, mỹ thuật hiện đại Việt Nam vẫn còn nguyên hơi thở, cái tình Việt trong nó; thứ hai, chủ đề tư tưởng của tác phẩm mỹ thuật hiện đại Việt Nam vẫn phản ánh đúng tư duy nông nghiệp, nông dân.
Nếu để ý kỹ, bức Chân dung mẹ họa sĩ, dù có sử dụng kỹ thuật sơn dầu phương Tây và phong cách ấn tượng Pháp cùng với kỹ thuật tả thực điêu luyện thì vẫn thấy trong đó có sự mặn mòi của cảm thức bề mặt sơn không hướng tới kỹ thuật hiện đại, sạch bóng như cách vẽ của một “ông Tây” mà đầy đủ chất hồn Việt. Đặc biệt, không gian của bức tranh là không gian đầy mờ ảo biến chuyển chứ không phải thứ không gian viễn cận theo châu Âu. Các độ chuyển từ trang phục sang nền tranh dường như là của tranh dân gian, dàn trải và ước lệ. Rõ ràng, bức tranh này không bắt đầu bằng sự phô diễn kỹ thuật mà có lẽ họa sĩ vẫn muốn một cái gì đó khác cái chất Tây học có đủ trong ông. Học thuật, kỹ thuật tạo hình Tây học của ông có thể nói đã không thắng nổi hồn Việt trong ông.
So sánh bức tranh Phong cảnh nông thôn của Lưu Văn Sìn để thấy những tàu lá chuối ở đó khác hẳn với cái ánh nắng trên tàu lá chuối ở bức tranh Trong làng của Joseph Inguimberty. Ta dễ nhận thấy rằng, màu lá chuối của Việt Nam được ông Tây vẽ không có hình ảnh màu xanh của bánh chưng hay màu xanh của lá chuối trong cây giò lụa, dưới đế oản xôi trong đồ lễ rằm Trung thu. Đúng là ông Tây không có ký ức về lá chuối như người Việt. Trong khi đó, màu xanh lá chuối của Lưu Văn Sìn có đủ các độ xanh, xanh biếc ở lá chuối bên phải, xanh non vừa mới nhú của những cái lá phản ánh nắng ngược, xanh bánh tẻ rất ngọt ngào bên phía trái. Ta cũng thấy cái màu áo nâu của nhân vật trong tranh của Lưu Văn Sìn đậm đà và đằm thắm hơn hẳn so với nhân vật áo nâu ngồi giữa trong tranh của J.Inguimberty. Xét một cách tổng thể, bức tranh của Lưu Văn Sìn cho dù có chất hiện thực rõ nét nhưng lại được xử lý bằng biểu hiện khối tự thân mà không hiện thực kiểu Ấn tượng Pháp. Nhân vật trong tranh tuy có bóng đổ trong phối cảnh ngược sáng nhưng ta không thấy họa sĩ bị trói vào lối diễn tả theo ánh sáng, thay vào đó là một chủ trương giải quyết các tương quan tạo hình bằng thủ pháp khối và ánh sáng tự thân. Đây là một quan niệm có biểu hiện của triết lý phương Đông trong tạo hình truyền thống Việt.
Chơi ô ăn quan – Nguyễn Phan Chánh.
Sau đây, chúng ta xét đến những bức tranh vẽ bằng lụa Việt Nam của Nguyễn Phan Chánh. Khỏi phải nói về cảm giác đậm chất Việt trên màu áo nâu, quần lụa đen trong những bức tranh này nhờ vài chục lớp màu vẽ nhuộm từ tốn từng lượt. Bất kể một tác phẩm nào của ông đều như một cuốn tiểu thuyết về người phụ nữ Việt Nam, từ cảm giác độ mềm dịu của da thịt cho đến sự mát lạnh của cảm giác đụng chạm lên tấm áo của người trong tranh đều đúng như chất chân quê dân dã Việt Nam. Nhân cách người Việt được chứng minh ở đây bằng sự kế thừa truyền thống dân tộc, hình thành nên sự giác ngộ thẩm mỹ. Chúng tôi cho rằng chất Nho học và tâm thế của người Việt hoài cổ trong Nguyễn Phan Chánh đã nhuốm màu cho các độ nâu sồng đượm trên nền lụa. Vì vậy, dù bắt đầu từ học thuật hiện đại của nhà trường thuộc địa, nhưng dường như họa sĩ đã được Việt hóa đúng như truyền thống cha ông ta xưa. Có một câu chuyện thú vị mà giới nghiên cứu đã cho rằng, chính sự bị coi thường chất quê mùa của Nguyễn Phan Chánh mà ông đã từng bị bỏ ngồi một mình nơi góc lớp (5), nhưng cũng chính vì chất quê mùa đó mà ông trở thành một trong những danh họa Việt Nam. Có lẽ cái người Pháp gọi là quê mùa ở Nguyễn Phan Chánh chính là tâm hồn Việt, tình Việt và chất Nho học của ông mà thời đó, ít họa sĩ có được. Và cũng chính cái quê mùa đó đi vào tranh lụa với Chơi ô ăn quan, Rửa rau cầu ao, Mẹ con… Thực sự “nghệ thuật chưa bao giờ là do những bài học kỹ thuật làm nên cả. Nghệ thuật là con người, và, ta nói thêm, con người xã hội” vậy.
Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ – Nguyễn Sáng.
Khi xem những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Sáng, chúng ta có thể nhận thấy mối liên hệ với mỹ thuật truyền thống? Để giải quyết câu hỏi này, chúng tôi xin dẫn ra đây tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (sơn mài, 1963) với một lối tạo hình được cho là tạo cú sốc với mỹ thuật đương thời bởi sự đi trước thời đại của nó. Tác phẩm này từng bị chê là vẽ bộ đội vai u thịt bắp, nhưng rõ ràng nếu không như thế thì lấy đâu ra sức khỏe và sự dẻo dai trong trận chiến ác liệt, đâu còn hình ảnh “người nông dân mặc áo lính” – một hình ảnh rất đỗi Việt Nam khi đó. Về mặt nghệ thuật, phải chăng ở trong các chuyển động của hình dáng kia có sự cách tân từ phong cách Đông Hồ? Đó là các mảng phẳng tạo chất bằng điệp đã được chuyển thể một cách tinh tế sang sơn mài truyền thống với kỹ thuật dát vàng, bạc, hay những cảm thức ở các mảng vàng sáng đã chịu dư âm từ sự lấp lánh của vỏ điệp trên nền giấy dó thô? Dù không hẳn được quyền gán ghép, nhưng chúng ta vẫn có quyền được liên tưởng tới những gì truyền thống vọng lại.
Kế tiếp, chúng ta có thể nói về họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm với biệt tài vẽ nghé, đến mức trẻ con cũng có thể nhận ra đâu là con nghé nhà mình. Nhưng rồi họa sĩ cũng đã tự cho rằng thời kỳ đó chưa phải là “Nguyễn Tư Nghiêm”. Có lẽ một số tác phẩm ở đó không những còn đang nặng về học thuật mà còn dang dở tình Việt chăng? Và có phải vì thế mà họa sĩ đã đi một bước xa đến Thánh Gióng và các bức Điệu múa cổ, những tác phẩm nổi tiếng khiến nhiều nhà nghiên cứu đang còn tốn giấy mực bình phẩm về cái tinh thần Việt cổ trong đó. Đúng là từ Con nghé quả thực đến Điệu múa cổ là cả một cuộc cách tân quyết liệt như một sự quay về với bản thể Việt. Chúng tôi cũng ngỡ rằng, phải chăng cảm hứng sáng tác của Nguyễn Tư Nghiêm không hẳn chỉ là từ vốn cổ như nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập, có thể còn là một nhân cách đậm đà Việt Nam, tự tại, bảo thủ đến triệt để?
Cũng theo cách tiếp cận này chúng tôi muốn trở lại bức tượng Người con gái Việt của Vũ Cao Đàm. Bức tượng cho thấy một sự lược giản tinh tế trong xử lý khối hình với cái mũi hếch chuyển nhẹ vuốt xuống bình diện khối mặt, khối mắt có độ giản thiểu về chi tiết mà vẫn đầy đủ khối hình trong tổng thể, chứ không đặc tả theo hiện thực. Chúng ta gặp lại phong cách này được hiện thực hóa hơn một chút ở bức tượng Chân dung Hồ Chí Minh (1946) của cùng tác giả. Lối tạo hình của Vũ Cao Đàm có thể thấy gần với kỹ thuật tạo tác tượng Phật dân gian trong các kỹ thuật xử lý nét mặt có tính khái quát hay nếp áo được tạc nông và nhẹ. Khi lược bỏ màu và chi tiết gắn thêm (chẳng hạn như lông mày) của tượng cổ thì sẽ thấy sự trùng hợp thú vị. Về cơ bản, chúng ta thấy phong cách tạo hình của người Việt không xoáy vào chi tiết cụ thể mà có phần khái lược, mơ hồ, biến ảo. Sự tả thực ở đây thiên về thần thái hơn là dáng hình, không nhờ vào giải phẫu học mà nhờ nhiều vào cảm hứng của tâm thức.
Chân dung Hồ Chí Minh – Vũ Cao Đàm.
Đối với chủ đề tư tưởng trong tác phẩm mỹ thuật, điều mà chúng ta dễ thấy nhất là ở vấn đề cảm hứng sáng tác, nhất là trong hội họa đương đại. Chúng ta đang thấy gì từ các họa sĩ trẻ. Họ đang thật sự nghĩ gì khi tiếp nhận sự hội nhập đầy đủ với một gánh hành trang thuần Việt (vì chưa hẳn có mấy họa sĩ học một cách bài bản theo phương Tây). Nói đúng hơn là, cho dù có cố gắng đến đâu thì chúng ta vẫn là người Việt Nam vẽ sơn dầu, cũng như là người Việt Nam làm khoa học vậy. Chẳng có mấy họa sĩ Việt hiểu thấu được chất liệu sơn dầu vì họ quen ứng xử bằng kinh nghiệm, vì thế tư duy cũng là từ kinh nghiệm – thứ mà truyền thống đã ăn sâu bám rễ trong dòng máu họ. Thị giác của chúng ta từ khi sinh ra, lớn lên, học hành trong môi trường đầy mâu thuẫn xã hội giữa một bên là truyền thống (có ít phần khoa học mà nhiều về tình cảm, triết lý) với một bên là khoa học hiện đại (có phần khó hiểu).
Truyền thống Việt, tính khái lược dân dã trong chủ đề tư tưởng vẫn là cái gì đó quanh quẩn bên đời sống, rất đời như Gánh con trong điêu khắc đình làng thì nay là Ao làng của Lưu Quang Lâm, cùng lắm cũng đến triết lý trong Ngũ hổ tranh dân gian Hàng Trống thì nay là Người giấy của Nguyễn Quốc Huy. Có thể một hai tác phẩm không đem lại một lý giải thuyết phục, nhưng rõ ràng là các tác phẩm mỹ thuật đương đại nay cũng chưa hé lộ tư tưởng lớn lao. Mọi chủ đề tư tưởng vẫn men theo ao làng và văn hóa của cư dân lúa nước.
Vậy là cái dân dã của truyền thống mỹ thuật Việt vẫn hiện diện ở trong mỹ thuật đương đại. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân viết: “Vậy, khi có một thế hệ người Việt, sống ngay trên đất Việt, mà có những biểu hiện nghệ thuật như ở châu Âu, lại nhuần nhuyễn thành đạt, thì phải hiểu chính là bởi xã hội Việt Nam đã có cơ sở cho cái nhìn đó trong cấu trúc của mình chứ không phải vì vậy mà tách số thanh niên hăng hái, tài hoa kia ra khỏi gốc rễ của họ” (6).
Trong một bài viết về hội họa mới thập kỷ 1990, khi nói đến sự đổi mới về ngôn ngữ và quan niệm nghệ thuật, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương cho rằng: “…các ảnh hưởng này trong nhiều trường hợp đã ánh xạ qua lối tư duy thị giác độc đáo và thẩm mỹ riêng biệt của một dân tộc chưa trải qua văn minh công nghiệp, mới chập chững bước vào đô thị hóa, vẫn còn cảm xúc gắn với làng mạc, thiên nhiên, và một đời sống văn hóa đậm chất dân gian và tín ngưỡng” (7). Như vậy, ít nhất thì lòng tin vào tính chất dân gian Việt ở trong giới mỹ thuật cũng còn đang hiện hữu đậm đà. Việc chúng ta chưa trải qua nền công nghiệp có thể là một thiệt thòi cho xã hội Việt Nam về mặt kinh tế và khoa học, nhưng về mặt nghệ thuật thì nó thậm chí lại đã và đang là thế mạnh, là đặc trưng khó lẫn trong thời hội nhập quốc tế. Chúng ta có thể dễ nhận ra trong giai đoạn mở cửa và phát hiện ra Việt Nam ở thập kỷ 1990 ấy, các họa sĩ như Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hoàng Hồng Cẩm, cũng đã thành công nhất định từ lối tạo hình có chất họa đậm đà dân gian mà bỏ xa học thuật phương Tây. Các bức tranh của họ dường như có chất bản năng, có thể nói là có sự tiếp nối truyền thống cho nên nó mang chất quê mộc mạc và thật thà. Cũng có thể nhận ra một Lê Thiết Cương với những câu chuyện đồng dao rất Việt từ chủ đề, lối tạo hình được tối giản để quy tụ các hình trở về với cấu trúc cơ bản, mà nói quá một chút thì nó mang cảm thức dân gian từ sự dí dỏm tựa như ta từng thấy trong điêu khắc đình làng vậy.
Giai đoạn từ thập kỷ 1990 cho đến nay, rất nhiều họa sĩ đã kịp ghi dấu ấn của họ vào làng hội họa khu vực, và thậm chí, đã có nhiều tác phẩm của họ đến được với thế giới với tư cách là hội họa Việt Nam. Phải nói rằng, người châu Âu đến Việt Nam không phải để mua tranh trừu tượng hay ấn tượng, cũng không tìm xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa mà họ cần một dấu ấn Việt Nam. Vì thế, dường như số đông họa sĩ đều thành công về mặt thị trường nghệ thuật bằng chất liệu dân gian, bằng việc tìm về bản sắc dân tộc Việt, tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên, ngây thơ, đậm chất làng xã.
Đến đây, qua nhiều kiểm chứng từ các phân tích và dẫn chứng, chúng tôi hy vọng đã có thể làm sáng tỏ một chút về ảnh hưởng của mỹ thuật truyền thống đối với mỹ thuật đương đại. Các cứ liệu về tác giả, tác phẩm bởi cần sự kiểm chứng qua thời gian nên đã dừng lại ở giai đoạn cuối của thế kỷ 20 XX. Từ đầu thế kỷ 21 trở đi, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ nên chúng tôi xin sẽ đề cập ở một nghiên cứu khác.
Theo Thái Bá Vân, chúng ta chắc tin rằng truyền thống chẳng thể mất đi đâu được, vì thế mà chằng phải kêu gọi làm gì. Mọi giá trị của hiện đại cho dù có đi xa đến đâu thì cũng bắt nguồn từ truyền thống.
———————–
Chú thích:
1. Bài viết giới hạn trong lĩnh vực hội họa và một chút về điêu khắc bởi vì với các lĩnh vực khác, chúng tôi không có điều kiện nghiên cứu.
2, 6. Thái Bá Vân, trong Tìm về bản sắc dân tộc của văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1993, tr.194, 205.
3, 7. Nhiều tác giả, Trước hết là giá trị con người, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008, tr.148, 133.
4. Một người bạn nhạc sĩ của người viết có nói, đại ý, chỉ cần nghe tiếng đàn guitar là có thể biết ngay nhạc công là Việt hay là Tây, châu Âu hay Mỹ Latin. Các nghệ thuật khác chắc cũng vậy?
5. Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật Việt Nam, 1998, tr.206.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Tags: Hội họa, Lý luận nghệ thuật, Điêu khắc, Văn hóa Việt