Ý nghĩa tâm linh của ‘Ngũ hổ’ trong tranh dân gian Hàng Trống

Trong tiềm thức dân gian, “ông ba mươi” là tên gọi đầy uy linh, quyền kính trong những gian thờ, đình, chùa, miếu mạo. Cũng chính vì thế, không chỉ dừng lại ở một tác phẩm hội họa “Ngũ hổ” – bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống – ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông.

Không trưng trên bàn thờ gia tiên như những bức tranh ngũ quả, tranh ngũ hổ thường treo ở bàn thờ dành riêng cho “ông Ba mươi”, dưới ban thờ thần thánh hoặc thờ Phật.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ này bắt nguồn từ một cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp, hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi và là tai họa đối với con người. Do đó, con người thờ hổ.

Không chỉ người Việt, một số đồng bào dân tộc thiểu số cũng có tục thờ hổ, trong đó có người Khơ mú sống ở Tây Bắc và miền Tây Nghệ An. Một tập quán ăn sâu vào tình cảm và tiềm thức của người Khơ mú thuộc họ Rvai (hổ) đó là nghi lễ cúng ma nhà (Hrôigang). Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ mú thuộc họ hổ đã diễn lại các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ. Với quan niệm hổ là tổ tiên của mình, người Khơ mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt hổ, không giết hổ và không ăn thịt hổ. Trong các hội hè, các nghi lễ người hóa trang giống như hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ mú phải khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp hổ. Khi còn sống, người ta kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông hổ, khi chết, người ta đắp cho chiếc chăn khác màu lông hổ và đặt chiếc chăn giống màu lông hổ bên cạnh người chết, để hồn được siêu thoát và trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên.

Ở tranh Hàng trống, hình tượng của 5 con hổ được bố cục cân đối trên mặt giấy. Mỗi con một dáng vẻ: Con thì đứng, con thì ngồi, con cưỡi mây lướt gió…Từ những dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ cưỡi mây đến những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt, cùng khí thế toàn thân đều toát lên sức sống mãnh liệt của loài “chúa sơn lâm”.

Để thổi hồn cho bức tranh, các nghệ nhân đặc biệt chú ý phối màu khi vẽ tranh ngũ hổ.Màu sắc trong tranh cũng phải lộng lẫy, uy linh, giống với những bức tranh khác của dòng tranh Hàng Trống, ngũ hổ được tạo bởi bản in những nét màu đen, sau đó người thợ sẽ dùng bút lông để tô màu. 5 con hổ với những màu sắc khu biệt, rõ ràng nhưng lại rất uyển chuyển. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân đã vờn chuyển màu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối khác nhau. Vì vậy khi nhìn bức tranh ngũ hổ, người xem sẽ cảm nhận được những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong đặc biệt, những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất mà bật chồm lên của những chúa sơn lâm. Những con mắt hổ như hừng hực nội lực của loài mãnh chúa.

Bằng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng, qua ngũ hổ, các nghệ nhân muốn phản ánh những thông điệp huyền bí mang tín ngưỡng dân gian. Từ ánh mắt, hướng quay mặt, từ cách đặt chân của 5 con hổ trong tranh đều mang những thông điệp theo thuyết ngũ hành.

Bức tranh hội đủ 5 sắc màu tượng trưng của ngũ hành, tương ứng với từng thế, dáng của hổ. Ngồi uy nghi giữa tranh là ông hổ màu vàng, xung quanh là 4 ông với 4 màu sắc khác nhau, đỏ, xanh, trắng, đen. Theo thuyết Âm dương Ngũ hành thì hành thổ là sự quy tàng của bốn hành kia trong chu kỳ vận động của Ngũ hành. Đó là nguyên nhân cho việc tạo màu trong tranh thờ ngũ hổ, là nguyên nhân để hổ vàng đứng giữa và lớn hơn cả. Việc bố trí màu sắc của từng con hổ xung quanh hổ vàng cũng không phải là vô tình. Nếu như trong tranh ngũ hổ của làng tranh Đông Hồ, màu sắc của 5 con hổ được bố trí theo quan hệ tương khắc, thì ngũ hổ của Hàng Trống lại thể hiện sự tương sinh giữa các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Trên đầu hổ vàng, dưới mặt trời đỏ rực rỡ có 7 chấm trắng là hình tượng của chòm đại hùng tinh. Chân hổ vàng trấn lên một miếng phù có ghi “pháp đại uy nỗ”. Hai bên hổ vàng: bên phải có 5 thanh kiếm, bên trái có 5 lá cờ lệnh. Hình ảnh của cờ lệnh và kiếm trong tranh ngũ hổ thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vũ trụ và sự tương tác với trái đất. Hỗ trợ cho khí phách của ngũ hổ là những đám mây vần vũ huyền ảo được vẽ ở phía trên và phía dưới là 2 tảng núi cách điệu đối xứng cho 2 ngài hổ đứng.

Nhiều người còn cho rằng: nhìn 5 “ông Ba mươi”, gợi cho người xem cảm giác về một lá bùa chú. Cũng có ý kiến cho rằng “ngũ hổ” thể hiện sự xum vầy đầy đủ vì thế treo tranh ngũ hổ cảm thấy yên tâm vì được che chở.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, có lẽ dòng tranh Hàng Trống xuất hiện từ khoảng 400 năm trước và chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo giữa các vùng miền. Có lúc “ngũ hổ” là đặc sản của dòng tranh này nhưng đến nay tranh Ngũ hổ nổi tiếng chỉ được biết đến qua bảo tàng, sách báo.

Theo NHÂN DÂN ONLINE 

Tags: , , ,