Vụ kiện phơi bày thảm trạng tấn công tình dục ở Nhật Bản

Vào buổi tối mãi mãi làm thay đổi cuộc đời của nữ phóng viên Shiori Ito, cô đi cùng nhà báo Noriyuki Yamaguchi tại một nhà hàng sushi ở Tokyo, Nhật Bản.

Vụ kiện phơi bày thảm trạng tấn công tình dục ở Nhật Bản

Yamaguchi khá nổi tiếng ở Nhật Bản. Ông là người đã phỏng vấn các chính trị gia cấp cao và viết tiểu sử của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ito và Yamaguchi chỉ có mối quan hệ quen biết bình thường. Cô phóng viên 25 tuổi Ito đang tìm việc và Yamaguchi đã đề nghị thảo luận về các cơ hội với cô trong bữa tối.

Đang dùng bữa, Ito thấy chóng mặt. Cô cẩn thận đi vào nhà vệ sinh. Khi đó, Ito mất hết sức lực. Cô không thể đứng vững phải ngồi xuống bệ xí. “Tôi dựa đầu vào bể nước. Đó là điều cuối cùng tôi có thể nhớ”, cô nói. Đó là ngày 3/4/2015.

Khi tỉnh lại, Ito cảm thấy đau ở bụng dưới. Cô mở mắt ra và thấy Yamaguchi đang trần như nhộng đè lên người mình. Ito nhận ra rằng cô cũng đang không mặc gì.

Cô cầu xin Yamaguchi dừng lại, nhưng ông ta không phản ứng. Ito giả vờ cần sử dụng nhà vệ sinh và vùng dậy. Đến lúc đó, Ito nhận ra rằng cô đang ở trong phòng khách sạn của Yamaguchi, người đã hứa tìm việc giúp cô.

Làm cách nào mà Shiori Ito đến căn phòng này và tại sao cô lại ở đây? Hơn bốn năm sau, những câu hỏi này không chỉ khiến một nhóm luật sư đau đầu, nó cũng chia rẽ xã hội Nhật Bản.

Hệ thống pháp luật kỳ lạ

Nhật Bản là một trong những quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới. Hơn một nửa dân số Nhật Bản có bằng đại học, tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, có một chỉ số quốc gia này nằm ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng.

Mỗi năm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xem xét tình trạng bình đẳng giới ở các quốc gia khác nhau. Theo báo cáo này, không có quốc gia phát triển nào có sự chênh lệch giới lớn như Nhật Bản. Trong bảng xếp hạng toàn cầu, Nhật Bản xếp hạng 110 trên 149 quốc gia, thấp hơn các quốc gia như Ghana, Armenia và Myanmar. Tuy vậy, không có số liệu nào nêu ra những thách thức mà phụ nữ ở Nhật Bản phải đối mặt rõ ràng như câu chuyện của Shiori Ito.

Ito có khuôn mặt thanh tú và trông cô rất mong manh, nhưng giọng nói của cô rất mạnh mẽ. Khi đi vào quán cà phê ở phía tây Tokyo để trả lời phỏng vấn của tờ Der Spiegel, Ito đội một chiếc mũ lưỡi trai sụp xuống che mặt. Hầu như mọi người ở Nhật Bản đều nhận ra Ito, vì vậy cô luôn cố gắng tránh những nơi công cộng.

“Nhưng tôi không nên trốn tránh”, cô nói. “Tôi nên được ủng hộ”.

Ito đã kiện Yamaguchi và hy vọng ông phải bồi thường cho nỗi đau bị hãm hiếp của cô. Ở nhiều quốc gia khác, một vụ kiện như vậy là vô cùng bình thường nhưng ở Nhật Bản, vụ kiện này gây xôn xao dư luận.

Hệ thống tư pháp của Nhật Bản khá bất thường: Hơn 99% các phiên tòa hình sự đều kết thúc với một bản án được đưa ra. Tòa án Nhật Bản chỉ xét xử những vụ án mà người bị xét xử gần như chắc chắn có tội.

Rất khó để chứng minh tội hiếp dâm một cách thuyết phục. Thông thường, các vụ hiếp dâm không có nhân chứng và cũng không có bằng chứng quyết định. Do đó, nó trở thành tình huống mà chỉ có hai bên biết chuyện gì xảy ra. Kết quả là chỉ có khoảng một nửa các vụ hãm hiếp được trình báo được đưa ra xét xử ở Nhật Bản. Ngay cả khi được đưa ra xét xử, một bản án hiếm khi được đưa ra trong các vụ xử hiếp dâm.

Tình trạng này là kết quả của hệ thống pháp luật Nhật Bản. Theo đó, hành vi tấn công tình dục chỉ được coi là cưỡng hiếp khi chứng minh được hành vi bạo lực thể xác. Nạn nhân phải chứng minh rằng họ đã làm tất cả những gì có thể để tự vệ. Nếu không, hành vi quan hệ tình dục không được xem là bị ép buộc và thủ phạm sẽ không bị trừng phạt.

Shiori Ito không biết gì về điều này khi cô tỉnh dậy trong phòng khách sạn của Yamaguchi vào tháng 4/2015. Cô thu dọn đồ đạc rời khỏi khách sạn và trốn vài ngày tại nhà một người bạn. Ito hầu như không ăn hoặc ngủ trong thời gian đó. Cô chỉ nhìn chằm chằm vào khoảng không.

Ngày 9/4/2015, Ito đã nộp đơn khiếu nại hình sự, tố Yamaguchi đã hiếp dâm cô. Về sau, Ito nói với Der Spiegel: “Tôi đã quá ngây thơ khi tin vào hệ thống pháp luật Nhật Bản”.

Các cảnh sát đã thu thập bằng chứng từ quần áo của Ito, lấy lời khai nhân chứng và xem camera an ninh của khách sạn.

Tháng 6/2015, lệnh bắt giữ Yamaguchi đã được đưa ra. Tuy nhiên, sau đó cảnh sát đã thu hồi quyết định và vụ việc được chuyển sang một bộ phận khác. Vụ việc được điều tra lại từ đầu.

Tháng 7/2016, hơn một năm sau khi Ito nộp đơn kiện, các công tố viên đã đình chỉ điều tra vì cho rằng không có đủ bằng chứng để đưa Yamaguchi ra tòa. Cô chắc chắn rằng Yamaguchi đã bỏ thứ gì đó vào đồ uống của cô, nhưng cô không có bằng chứng về điều này.

Trong khi đó, Yamaguchi phủ nhận việc đã đánh thuốc Ito. Ông nói rằng Ito đã say đến mức ông không muốn để cô tự lái xe về nhà.

Người lái xe taxi đưa Ito và Yamaguchi đến khách sạn làm chứng rằng Ito đã yêu cầu được xuống xe ở ga tàu gần nhất. Ông cũng nói rằng cô dường như mất kiểm soát và nôn ở hàng ghế sau.

Nỗi ám ảnh bao trùm

Yamaguchi xác nhận chi tiết cuối là đúng. Tuy nhiên, ông nói rằng khi Ito tỉnh dậy, cô cảm thấy xấu hổ vì hành vi của mình và đã đề nghị quan hệ tình dục với ông.

Ở Đức, hành vi quan hệ tình dục với người mất năng lực đồng ý do say rượu hoặc đã bị đánh thuốc có thể bị bỏ tù. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, hành vi này thậm chí còn không đủ để đem ra xét xử. Yamaguchi vẫn không bị trừng phạt trong khi cuộc sống của Ito bị nỗi ám ảnh bao trùm.

Ito đã cố gắng tiếp tục công việc làm báo, làm phim và đi du lịch đến Mỹ Latin. Tuy nhiên, cô không thể quên cái đêm kinh khủng ấy. Ito mắc phải chứng hoảng loạn. Cô sẽ đột nhiên thấy Yamaguchi xuất hiện trước mặt và khiến cô khó thở. Ito sẽ run rẩy khi nhìn thấy những người đàn ông giống Yamaguchi và bắt đầu khóc khi nói về ông ta. “Bạn không chỉ vượt qua nỗi ám ảnh bị hiếp dâm một lần. Bạn phải vượt qua nó mỗi ngày”, Ito cho biết.

Mùa xuân năm 2017, các nhà báo đã nghe tin về vụ hiếp dâm của Ito. Yamaguchi vẫn có mối quan hệ tốt với các chính trị gia. Điều này đặt ra câu hỏi liệu những quan chức cấp cao quen biết với Yamaguchi có can thiệp và khiến lệnh bắt giữ bị thu hồi hay không. Các phương tiện truyền thông đã đưa tin về cuộc điều tra này, nhưng không chỉ đích danh Ito. Việc này không thay đổi được tình hình. Ito vẫn phải chịu những chấn thương tâm lý.

Là một phóng viên, Ito đã tới Peru, Sierra Leone và Đức. Cô sống ở New York, làm phim tài liệu về tục cắt âm vật và phỏng vấn phiến quân Colombia. Có lẽ những điều này đã giúp Ito dám làm thứ mà nhiều phụ nữ ở Nhật Bản sẽ không bao giờ nghĩ tới: cô phản kháng thay vì chấp nhận quyết định của các công tố viên. Ito đã bắt đầu cuộc đấu tranh có thể giúp thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ ở Nhật Bản.

Bị xã hội Nhật Bản quay lưng

Ngày 29/5/2017, Ito đã nộp đơn khiếu nại dân sự tại tòa án Tokyo. Sau khi đại diện pháp lý của cô nộp đơn khiếu nại, Ito bước vào một căn phòng trong tòa án, xung quanh cô đầy các phóng viên. Ito đã mời họ đến họp báo.

“Hai năm trước, tôi đã bị hãm hiếp”, Ito nói và nhìn thẳng vào máy quay. “Khi trải qua các quá trình tố tụng tiếp theo, tôi đau đớn nhận ra hệ thống tư pháp và xã hội Nhật Bản không ủng hộ người bị tấn công tình dục”. Ito nói rằng cô quyết định phải thay đổi hệ thống này.

Ở Nhật Bản, biết vâng lời và hòa đồng được coi là những đức tính tốt nhất. Những cảm xúc như giận dữ hay thất vọng thường bị đè nén. Nếu có mâu thuẫn với sếp, nhân viên thường bỏ việc hơn là trực tiếp giải quyết vấn đề.

Đối với phụ nữ, áp lực phải vâng lời còn nặng nề hơn. Phụ nữ phải tỏ ra “kawaii”, nghĩa là “dễ thương” hoặc “đáng yêu” trong tiếng Nhật. Nhiều người cố tình nói bằng giọng cao để hợp với hình ảnh trẻ con này, những người khác thì mặc váy ngắn hoặc cười khúc khích. Thứ mà phụ nữ không được khuyến khích: phản kháng.

Theo một khảo sát, 70% phụ nữ Nhật Bản đã bị quấy rối tình dục ít nhất một lần trong đời. Đó có thể là việc đồng nghiệp của họ đột nhiên nói về tình dục, hay họ bị chạm vào ngực hoặc mông. Thậm chí từng có một toa trên tàu điện ngầm Tokyo dành riêng cho phụ nữ để họ không bị sàm sỡ.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản không có phong trào phụ nữ nào hoạt động mạnh mẽ. Phong trào #MeToo gây ra các cuộc tranh luận xã hội ở nhiều quốc gia không hề phát triển tại đây. Truyền thống Nhật Bản không có chỗ cho sự phản kháng và chống đối.

“Chúng ta phải nói về những điều này,” Ito chia sẻ. “Không chỉ vì chuyện của tôi, mà đó là quyền cơ bản của con người.”

Ito đòi Yamaguchi bồi thường 11 triệu yen (khoảng 100.000 USD). Tuy nhiên, hơn hết thảy, cô muốn cải cách hệ thống tư pháp Nhật Bản để hành vi hiếp dâm được công nhận ngay cả trong trường hợp thủ phạm không gây thương tích cho nạn nhân. “Pháp luật Nhật Bản không bảo vệ chúng tôi”, Ito nói trong cuộc họp báo. “Liệu chúng ta có muốn để mọi thứ tiếp tục như hiện tại không?”.

Đây là lần đầu tiên một phụ nữ Nhật Bản công khai lên án kẻ hiếp dâm mình như vậy. Thay vì đầu hàng, Ito kiên quyết đòi quyền lợi của mình.

Ngay khi kết thúc buổi họp báo, Shiori Ito đã nhận được tin nhắn đe dọa đầu tiên. Ban đầu chỉ có một tin, sau đó là mười tin và hơn trăm tin, Ito nói. Hầu hết là tin nhắn lăng mạ, chửi rủa.

Đàn ông gọi Ito là một con điếm và một kẻ dối trá. Nhiều phụ nữ cũng đứng về phía Yamaguchi. “Có người gửi thư và nói rằng tôi nên xấu hổ về bản thân mình”, Ito cho biết. Họ nghĩ cô nên xấu hổ vì dám nói công khai về điều mà nhiều người ở Nhật cảm thấy nên giữ kín.

“Tôi biết sẽ vấp phải sự phản đối,” Ito chia sẻ. “Nhưng tôi không ngờ nó lại tệ đến thế.”

Mọi người bắt đầu xì xầm về Ito. Cô cũng bị dọa giết. Một nữ chính trị gia đã cười nhạo Ito trên truyền hình. Bà ấy nói rằng Ito không thể ăn nằm với người khác để leo lên vị trí cao hơn và bây giờ cô đang trả thù. Đây cũng là lúc Yamaguchi bắt đầu đưa sự việc này ra cho công chúng. Ông đã nói rằng Ito là người đã tự nguyện chủ động trước. Yamaguchi cũng phủ nhận đã hãm hiếp cô và thậm chí đã nộp yêu cầu phản tố. Ông nói rằng danh tiếng của mình đã bị phá hủy và cáo buộc Ito đã đưa ra lời khai không đúng sự thật.

Cuộc chiến giành lại công lý

Yamaguchi vẫn tiếp tục làm nhà báo. Ngược lại, Ito bị phỉ báng và đe dọa. Cô lo lắng cho sự an toàn của bản thân. Do đó, tháng 10/2017 cô rời Nhật Bản và chuyển đến London. Tại đây, Ito thành lập một công ty sản xuất và thường xuyên ngủ trong văn phòng của mình.

Ito đã phải trả giá đắt cho cuộc đấu tranh này. Em gái cô vẫn không muốn người khác thấy mình đi với Ito vì sợ phản ứng từ người khác. Nhiều người bạn cũng đã quay lưng với Ito.

Mùa xuân năm 2019, chứng hoảng loạn của Ito ngày càng tồi tệ. Cô sắp phải đến dự một phiên tòa và việc gặp lại Yamaguchi tại tòa điều không thể tránh khỏi. Trong cơn hoảng loạn, Ito đã cố gắng tự tử.

Cô đã viết vài bức thư tuyệt mệnh trước khi uống thuốc ngủ gửi đến gia đình và mẹ cô. Ito cũng viết một bức thư gửi Yamaguchi: “Tôi chết đi không có nghĩa là ông xóa bỏ được tội lỗi của mình”. Cô tỉnh dậy với ống thở trong bệnh viện.

Cuộc chiến công khai với Yamaguchi đã phá hủy sự nghiệp của Ito, nhưng cô vẫn khăng khăng rằng đưa vụ việc ra tòa. “Tôi làm điều này cho bản thân và cho những người phụ nữ khác,” Ito nói.

Sự kiên quyết của cô hóa ra không vô ích. Cùng với những lời lăng mạ, ngày càng có nhiều phụ nữ nhắn tin cho cô chia sẻ những câu chuyện tương tự, một trong số đó là Nanami.

Đã 18 tuổi nhưng trông Nanami như một đứa trẻ. Cô mặc đồng phục và đeo kính gọng sừng lớn. Khi Nanami 14 tuổi, một người đàn ông đã cố bắt lấy cô khi cô đi học về. Nanami nói rằng ông ta không thể bắt được cô khi cô bỏ chạy, nhưng cô cũng chưa thể nói cho ai biết toàn bộ sự thật về ngày hôm đó.

Có thể tìm thấy những hình ảnh tình dục khắp nơi ở Nhật Bản. Việc mua tạp chí và truyện tranh khiêu dâm là rất dễ dàng. Tuy nhiên, tình dục cũng là vấn đề cấm kỵ. Tokyo là nơi có nhiều người độc thân hơn các thành phố lớn khác trên thế giới. Đối với nhiều thanh niên Nhật Bản, mối liên hệ duy nhất của họ với tình dục là từ truyện tranh. Trong thế giới thực, vấn đề tình dục hầu như không được nhắc đến.

Nanami đã học cách dùng bao cao su ở trường, nhưng không ai nói với cô rằng quan hệ tình dục phải có sự đồng thuận từ hai phía. Nanami thậm chí còn không biết đến từ “hiếp dâm”.

Nanami không có từ vựng để mô tả những gì đã xảy ra sau khi người đàn ông đuổi theo cô. Vì vậy, cô không nói gì. Cô nằm trên giường nhiều ngày, nghỉ học và nói với bố mẹ rằng cô bị bệnh. “Tôi không muốn họ lo lắng”, Nanami nói. Sau đó cô thấy cuộc họp báo của Ito trên truyền hình. “Đột nhiên, tôi có cảm giác rằng mình không cô đơn”.

Nanami lái xe băng qua thành phố để cảm ơn Ito. Cô nắm lấy tay Ito và viết tất cả những gì Ito nói trong một cuốn sổ. “Bây giờ tôi biết rằng tôi không có lỗi”, Nanami nói. Khi tạm biệt, cô ôm chầm lấy Ito như một người bạn thân.

“Hãy viết rằng tất cả bắt đầu với Shiori”, Nanami nói với tờ Der Spiegel. “Kể từ khi cô ấy xuất hiện, mọi người nhìn nhận chúng tôi nghiêm túc hơn.”

Ito có nhiều kẻ thù ở Nhật Bản. Tuy nhiên, quá trình tố tụng diễn ra càng lâu, cô càng nhận được nhiều sự ủng hộ.

Một ngày sau khi gặp Nanami, Ito đã tổ chức một sự kiện cùng với các luật sư của mình. Người tham gia phải trả phí vào cửa sự kiện này. Số tiền này Ito sẽ chi trả cho các chi phí pháp lý. Tuy vậy, sự kiện vẫn chật ních người đến dự. Nhiều phụ nữ trẻ tham gia, nhưng cũng có một vài phụ nữ lớn tuổi với mái tóc hoa râm và thậm chí một số người đàn ông cũng đến. Không có đủ ghế trong phòng và nhiều người phải đứng dựa vào tường.

Khi buổi gặp mặt đến phần hỏi đáp từ khán giả, một giáo sư đã nói rằng bà đang mở một hội thảo tại trường đại học về quyền tự quyết tình dục. Một đại biểu quốc hội Nhật Bản hứa rằng ông sẽ làm những gì có thể để đảm bảo rằng vụ việc của Ito được điều tra đầy đủ. Những người khác muốn biết họ có thể làm gì để giúp Ito và sau sự kiện, người tham dự xếp hàng để ôm Ito hoặc trao cho cô ấy một tấm thiệp hay hoa.

Shiori Ito không phải là người duy nhất dám đứng lên. Mùa xuân năm 2019, một phiên tòa đã thu hút sự chú ý của cả nước. Một người cha đã hãm hiếp con gái mình trong nhiều năm nhưng không bị kết tội. Tòa án công nhận rằng việc quan hệ tình dục không có sự đồng ý của cô gái. Tuy nhiên, tòa kết luận việc cô gái không thể tự vệ chưa thể được chứng minh. Như vậy, đây không được coi là một vụ hiếp dâm.

Sau phán quyết của tòa, tác giả Minori Kitahara kêu gọi biểu tình trên toàn quốc. Cô đã nghĩ rằng chỉ có 20 người tham gia, nhưng thực tế có hơn 400 người, mỗi người biểu tình cầm một bông hoa trên tay.

Kể từ đó, cuộc biểu tình này đã diễn ra mỗi tháng tại chín thành phố của Nhật Bản. Người biểu tình có hai yêu cầu: nạn nhân bị lạm dụng nên được bảo vệ tốt hơn và quan hệ tình dục ép buộc phải được coi là hiếp dâm ngay cả trong trường hợp thủ phạm không gây thương tích cho nạn nhân. Tháng 9/2019, đã có 1.000 người tham gia biểu tình, một trong số đó là Shiori Ito.

Những nỗ lực của Ito cuối cùng đã có kết quả. Ngày 18/12/2019, tòa án dân sự ra phán quyết buộc Yamaguchi phải bồi thường cho cô 3,3 triệu yên (30.000 USD). Tòa cũng bác bỏ lời phản tố yêu cầu Ito bồi thường 130 triệu yên (hơn 1 triệu USD) của Yamaguchi.

“Chúng tôi đã thắng”, Shiori Ito nói và cầm tấm biển “chiến thắng” trước tòa. “Tòa đã bác bỏ yêu cầu phản tố”.

Theo NHƯ TRẦN / TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , , , , ,