Vì thói trộm cắp, Trung Quốc sẽ không bao giờ được Nga coi là bạn thực sự

“Tật cũ khó sửa” – Trang tin TFI cho hay, đề cập tới việc Trung Quốc đang tiếp tục “ăn cắp” các thiết kế quốc phòng của Nga, bất chấp cái giá phải trả là khiến Moskva nổi giận.

Vì thói trộm cắp, Trung Quốc sẽ không bao giờ được Nga coi là bạn thực sự

Trung Quốc đánh cắp thiết kế tàu ngầm của Nga

Trong bài viết đăng tải ngày 4/5, TFI dẫn một nghiên cứu mới được công bố bởi công ty công nghệ an ninh mạng Cybereason có trụ sở tại Boston nêu rõ, một đối tượng – được cho là đang hành động nhân danh các lợi ích do nhà nước Trung Quốc bảo trợ – đã bị bắt quả tang khi đang nhắm tới một nhà thầu quốc phòng Nga tham gia thiết kế tàu ngầm hạt nhân cho lực lượng hải quân của Moskva.

Vụ việc này đã làm dấy lên những lo ngại liên quan tới việc Trung Quốc tìm cách đánh cắp các thiết kế quốc phòng của Nga và nguy cơ bộc lộ những rạn nứt sâu sắc trong mối quan hệ Nga-Trung.

Cybereason cho hay, cuộc tấn công mạng này đã xuất hiện cùng với âm mưu lừa đảo nhằm vào một Tổng Giám đốc làm việc tại Cục thiết kế Rubin – công ty đóng tàu hàng đầu của Nga có trụ sở tại Saint Petersburg. Đây là đơn vị có mối quan hệ chặt chẽ với Hải quân Nga và đã thiết kế hầu hết các tàu ngầm hạt nhân của Nga.

Tệp đính kèm trong email gửi tới nhà thầu quốc phòng Nga được cho là đã sử dụng mã độc Royal Road [thường gắn liền với các nhóm tin tặc có liên quan tới Trung Quốc như Tick, Tonto Team, Goblin Panda, Rancor và TA428]. Do đó, Cybereason đi đến kết luận là vụ tấn công khả năng cao có sự tham gia của Trung Quốc.

Theo TFI, Cybereason không quy trách nhiệm cho một nhóm nào cụ thể về vụ tấn công, nhưng bản báo cáo của họ đã đủ để khơi dậy sự chia rẽ giữa Moskva và Bắc Kinh, vì kết luận mà họ đưa ra đã nêu rõ ràng rằng cuộc tấn công mạng nói trên có những điểm tương đồng với một số nhóm tin tặc của Trung Quốc.

TT Putin sẽ nổi giận – Phản ứng khó tránh

Trung Quốc đã không ít lần bị phát hiện đang tìm cách đánh cắp các thiết kế quốc phòng của Nga. Hồi năm ngoái, những nỗ lực tương tự của Bắc Kinh đã khiến chính quyền Tổng thống Putin rất khó chịu.

Cụ thể, vào tháng 6/2020, hãng thông tấn TASS của Nga cho hay, Valery Mitko – Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Bắc cực ở St.Petersburg – đã bị buộc tội phản quốc sau khi có hành vi làm gián điệp cho Trung Quốc.

TASS dẫn lời luật sư cho biết: “Theo kết quả điều tra, trong chuyến đi tới Trung Quốc, ông Mitko đã cung cấp các tài liệu mật cho tình báo Trung Quốc. Sau khi trở về Nga, một cuộc lục soát đã được tiến hành trong căn hộ của ông Mitko và sau đó ông này bị buộc tội phản quốc“.

Trước đó, tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga đã lên án thẳng thừng việc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ.

Việc sao chép trái phép thiết bị của chúng tôi ở nước ngoài là một vấn nạn rất lớn. Đã có 500 trường hợp như vậy được ghi nhận trong 17 năm qua.

Riêng Trung Quốc đã sao chép các mẫu động cơ máy bay, chiến đấu cơ Sukhoi, tiêm kích hạm, hệ thống phòng không, hệ thống phòng không vác vai và các sản phẩm tương tự của hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir” – Ông Yevgeny Livadny, giám đốc dự án sở hữu trí tuệ của Rostec nhấn mạnh.

Tháng 12/2020, ông Putin đã ký một dự luật trong đó quy định, bất cứ các nhân hoặc tổ chức nào được nước ngoài tài trợ để tham gia vào hoạt động chính trị đều được dán nhãn là “gián điệp nước ngoài”.

TFI cho hay, mục tiêu lớn nhất của đạo luật này chính là Trung Quốc. Có điều, Bắc Kinh rõ ràng có nhiều phương thức nhằm đánh cắp các thiết kế quốc phòng quan trọng của Nga, chẳng hạn như thông qua cuộc tấn công mạng mới đây. Nước này dường như sẽ dùng mọi cách để có thể chạm tay vào công nghệ quốc phòng của Moskva.

Tuy nhiên, cũng theo trang tin trên, hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Putin nổi giận. Trên thực tế, mối nguy hại từ Trung Quốc chính là yếu tố thúc đẩy Moskva đến gần hơn với người bạn “đã được kiểm chứng qua thời gian”, đó là Ấn Độ.

Tổng thống Nga và chính quyền của ông hiểu rằng, trong khi New Delhi là một đồng minh thực sự thì Trung Quốc không hơn gì một đối tác “cơ hội”.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng nhận thấy rằng Ấn Độ là một thị trường an toàn cho vũ khí và trang thiết bị của họ. Trong khi đó, việc bán vũ khí cho đối thủ của Ấn Độ – tức là Trung Quốc – hầu như luôn tiềm ẩn những nguy cơ trộm cắp thiết kế và hành vi sai trái.

TFI cho rằng, hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ từ phía Trung Quốc là lý do lớn nhất khiến Nga tin tưởng New Delhi hơn Bắc Kinh. Theo trang tin này, trước những nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm đánh cắp thiết kế quốc phòng của Nga, ông Putin chắc chắn sẽ sớm tìm cách đưa ngành công nghiệp quốc phòng Nga tách hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc.

Theo DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ

Tags: , , ,