Về sự thảm hại của hạng người ‘bất mãn với cả xã hội’

Có những người sẽ chỉ đứng một mình, bất mãn trước niềm vui của xã hội hay hả hê trước nỗi đau chung của mọi người, hoặc không thì cũng bới móc, giễu cợt, tìm bằng được thứ để có thể chê tơi tả.

Về thể loại người ‘bất mãn với cả xã hội’

Tôi từng đọc một vài chương trong cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang có nhắc đến vẻ đẹp của người đứng một mình. Với tôi đó là những người dám đi ngược lại số đông, khẳng khái và kiên định với lựa chọn của mình vì họ biết rõ điều mình làm là đúng đắn, có lập trường vững vàng. Lựa chọn của họ nằm trong tay họ chứ không phải do bên ngoài tác động.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có “vẻ đẹp của người đứng một mình”. Có những người sẽ chỉ đứng một mình, bất mãn trước niềm vui của xã hội hay hả hê trước nỗi đau chung của mọi người, hoặc không thì cũng bới móc, giễu cợt, tìm bằng được thứ để có thể chê tơi tả.

Bạn có thể bắt gặp họ ở đâu? Ở tất cả mọi nơi: khi một cô ca sĩ ra album mới, giữa một sự kiện âm nhạc hoành tráng được bao người đón chờ, khi một chàng trai được cả cộng đồng ngợi khen đẹp trai… Cứ thấy cái gì ai khen nhiều khen hay thì họ chê, xỉa xói. Có người gọi đó là phản biện, là tự do cá nhân, tự do ngôn luận nhưng cái ranh giới giữa biểu đạt ý kiến và bới móc giễu cợt, thậm chí là xúc phạm người khác thực sự mong manh.

Hiểu được những người hòa mình trong đám đông là điều không khó, nhưng biết được vì sao một người lại luôn thích “ném đá vào mặt hồ đang yên ả” không phải thứ dễ dàng.

Cái tôi mạnh mẽ và bất chấp?

Thể hiện cái tôi mạnh mẽ và khác biệt là điều ai cũng muốn, tuy nhiên khi chọn thể hiện cái tôi của mình không có nghĩa là dìm cái tôi, sở thích, niềm vui của người khác xuống. Chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao tự do cá nhân nhưng tôn trọng mỗi người luôn được đặt lên hàng đầu.

Bạn khó có thể cưỡng lại ham muốn “chống lại thế giới” còn mình sẽ là người duy nhất dám đứng lên với tiếng nói của bản thân – đôi khi tôi cũng thấy mình trong câu chuyện đó. Việc “Anti-trend” giúp nhiều người lẩn ra khỏi đám đông khi ai cũng muốn chứng tỏ bản thân nổi trội. Nhiều người coi việc đi ngược đám đông như một cách để định danh bản thân trong xã hội – xây dựng hình tượng cho bản thân thật khác biệt. “Bạn bị chửi hay không đâu có quan trọng, điểm quan trọng là bạn được nổi tiếng” – sự xuất hiện của mạng xã hội đã khiến những người như vậy ngày càng “có đất” để thể hiện. Đi kèm cái tôi mạnh mẽ là thái độ bất chấp, không ai thích cũng không sao, mỉa mai châm chọc vài câu cũng chưa chết ai, miễn là được lên tiếng. Và phàm những người như vậy, bạn không thấy họ chỉ có một lần phản đối hay vài ba lần cười nhạo vào niềm yêu thích của đám đông – cái tư tưởng ấy đã ăn vào trong tính cách, định hình con người họ với vô vàn sự “xấu xí” trên mạng. May mắn thay cho nhiều người, họ có được sự đồng thuận từ đám đông.

Tôi nhớ cách đây vài tháng, khi một nhóm nhạc A nào đó nổi danh trên mạng xã hội, một blogger cũng có tiếng với giới trẻ Việt Nam đã lên tiếng một bài, chê bôi và đả kích. Cậu khẳng khái biên một bài thật dài, đối đáp với từng người bình luận và mặc kệ thiên hạ đang chửi mắng. Mặt hồ không bao giờ yên ả với họ; đôi khi tôi tự hỏi họ có đọc lại những gì mình viết không hay cốt chỉ để nó đi thật khác, thật nhiều tranh luận trái chiều thì càng được nhiều người biết tới? Khi tâm điểm của đám đông không phải là họ, thể hiện thái độ bất mãn cũng là cách để họ giành lại những thứ “tưởng như thuộc về mình”.

Đầu ai thực sự nhiều “sạn”?

Tôi từng thích đọc những bài đi ngược lại số đông vì đa phần họ không chỉ cần sự “dũng cảm” mà còn phải rất giỏi mới đưa ra được những ý kiến phản biện xuất sắc. Tất nhiên có những bài hay, bài chưa thực sự tốt – nhưng đầu họ phải “nhiều sạn” lắm mới nhìn ra được những lỗi trong các vấn đề tưởng như đúng 100%. Nhiều người vì thế ngộ nhận, họ cứ viết cái gì đi ngược đám đông thì rằng họ “ở một level cao hơn” so với quần chúng và phản đối mọi thứ là cách để chứng tỏ họ hơn người (hoặc ve vuốt thêm cho cái tôi hơn người trong họ).

Gần đây, mọi người trên Facebook tôi có nhiều người chia sẻ câu chuyện của một nhân vật cũng được đánh giá là “có tiếng nói” trong cộng đồng mạng. Khi các bạn trẻ đang chuyền tay nhau bức hình với những lời khen dành cho anh phóng viên người nước ngoài đẹp trai tác nghiệp tại Việt Nam thì “người có tiếng nói” ấy đăng đàn status bâng quơ, ám chỉ này nọ – người thường đọc qua thôi cũng hiểu là ám chỉ về vấn đề giới tính, xu hướng tính dục… Tôi vẫn tự hỏi anh phóng viên nước ngoài kia có tội tình gì, hay đi công tác tại Việt Nam chưa… xin phép!

Có những người đi ngược đám đông vì họ có nhiều “sạn” trong đầu, nhưng có một số khác thì có sẵn sự vô duyên và hằn học, những thứ họ coi “na ná” như cá tính hay hài hước.

“Anti” cả xã hội, liệu có vui hơn không?

Trong tiếng Anh có một hội chứng mang tên “Hội chứng thách thức chống đối” (Oppositional Defiant Disorder) – Hội chứng này khi quan sát ở trẻ em thường thấy có biểu hiện như la quấy, khóc thét, không bao giờ bằng lòng với mọi thứ xung quanh và luôn phản đối việc làm của bố mẹ. Những người mắc hội chứng này luôn thực sự phiền phức và gây khó chịu cho mọi người. Đôi khi chúng ta không biết được rõ mình có ODD hay không, nhưng nếu lúc nào cũng phản đối mọi thứ, “hờn cả thế giới”, lôi cả những thứ không đáng ra trong cuộc tranh luận, bạn nên xem lại bản thân.

Và tôi tin rằng, ODD trên mạng là điều có tồn tại. Những người luôn bất mãn với niềm vui của xã hội, đôi khi họ đánh cược vào một ván bài “đi người xã hội” – nếu họ thua, coi như một lần có bài học trong việc đưa ra vấn đề, còn nếu họ thằng, nghiễm nhiên trở thành một người “sắc sảo, thông minh”. Nhưng hơn tất cả, thắng hay thua không quá quan trọng khi anh A, chị B đó cũng được nhiều người biết tới hơn vì những ý kiến trái chiều của mình.

“Tư duy phản biện”, “góc nhìn đa chiều” hay chỉ đơn giản là muốn nổi bật bằng một cách thức sơ sài, nghèo nàn về ý tưởng?

“Họ cười vì tôi khác họ,
Tôi cười vì họ quá giống nhau…”

Đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Định kiến về một đám đông thiếu hiểu biết, a dua a tòng, chuyên bóp méo những ý tưởng cao đẹp khiến những người thích chống lại đám đông tự ảo tưởng rằng mình gánh trên vai sứ mệnh thiêng liêng là phải lấy lại cân bằng cho xã hội.

Trong suy nghĩ của họ, bất kỳ vấn đề gì cũng phải được nhìn nhận từ nhiều chiều, hai phía, lật đi lật lại như một chiếc bánh tráng để đảm bảo không vu khống, đổ oan cho ai. Tuy nhiên, là họ sống “có lí trí” thật, hay chỉ đơn giản là muốn khác biệt? Phe họ bênh vực đúng, hay có người từ phía đối diện đã từng làm tổn thương họ, nên phải dùng cách gián tiếp như thế này để thể hiện sự chống đối?

Một câu chuyện tình yêu cao đẹp được mọi người ca tụng, bạn ngay lập tức nghĩ đến một màn kịch sặc mùi giả tạo để kiếm tiền, để bán hàng online. Một người tốt, việc tốt cần được nhân rộng, cứ thấy người ta ngợi khen là bạn nghĩ ngay tới một thuyết âm mưu, lừa dối, “mị dân” nào đó. Bạn sống thật sự lí trí hay chỉ đơn giản là sứt mẻ về lòng tin? “Lí trí” của bạn dựa trên kinh nghiệm sống, sự thật khoa học, số liệu, nói có sách, mách có chứng, hay chỉ đơn giản là thiên hạ thích gì bạn phải ghét cái đó, thế mới “chất”.

Mặt hồ không bao giờ yên sóng với những người luôn thích tỏ ra mình “đặc biệt” một cách tiêu cực như vậy, và Facebook tồn tại như một nơi trú vững vàng nhất cho họ. Vui hay không thì không thể nói cho chắc, mấy ai lại vui khi bị người khác chửi đổng trên mạng, nhưng ít nhất họ đã đạt được mục đích của mình.

Theo SƠN ĐỨC / TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , ,