Tương lại nào cho nền kinh tế Nga hậu xung đột Ukraina?

Mặc dù EU đã đưa ra nhiều cách trừng phạt Moskva, nhưng sự phụ thuộc vào năng lượng Nga cùng với giá dầu tăng cao đã giúp ngân khố nước này không ngừng tăng.

Tương lại nào cho nền kinh tế Nga hậu xung đột Ukraina?

Trong bài viết gần đây trên Business.cornell.edu, tác giả Tony Tsao cho rằng, nền kinh tế Nga sẽ có xu hướng xấu đi trong năm nay. Kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina vào ngày 24/2, rất nhiều doanh nghiệp đã rút lui khỏi nền kinh tế Nga, cho dù vì rủi ro trong kinh doanh hay để thể hiện lập trường đối với chiến dịch.

Các biện pháp trừng phạt từ các chính phủ và tổ chức khác cũng đang ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Nga. Tính đến nay, các nước phương Tây đã áp dụng tổng cộng 6 gói trừng phạt đối với Moskva nhằm chặn đứng các nguồn thu của Nga.

Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm hơn 10% trong tháng 4, phù hợp với dự báo từ các tổ chức tài chính trên thế giới, bao gồm Viện tài chính quốc tế (dự báo giảm 15%) và ngân hàng Goldman Sachs (dự báo giảm 10%).

Ngoài lạm phát cao, các chỉ số về năng suất trong nước của Nga cũng báo hiệu sự suy giảm. Chỉ số sản xuất PMI (đo lường mức độ hoạt động của các giám đốc mua hàng trong ngành sản xuất) và chỉ số dịch vụ PMI (đo lường mức độ hoạt động của các giám đốc mua hàng trong ngành dịch vụ) đều giảm lịch sử trong tháng 3, có thể là do nhu cầu trong và ngoài nước giảm. Niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục đi xuống.

Ruble phục hồi hay có sự can thiệp?

Bất chấp mọi tỷ lệ chênh lệch, đồng tiền Ruble của Nga trở lại mạnh mẽ từ mức thấp nhất trong tháng Ba. Đồng tiền này tăng giá 96% từ mức thấp vào ngày 8/3/2022, lên mức cao hơn một chút so với trước xung đột.

Đây là một sự khác biệt rõ rệt so với các chỉ số kinh tế đang xấu đi của nước Nga, cũng như hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán. MOEX, chỉ số chứng khoán Moskva, mặc dù tăng nhẹ từ mức thấp, vẫn giảm 32,9% so với mức trước xung đột.

Thông thường, giá trị của một loại tiền tệ dao động cùng chiều với hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với đồng Ruble.

Sự mâu thuẫn này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu sự tăng giá này của đồng Ruble là dấu hiệu của khả năng phục hồi kinh tế hay là kết quả của sự can thiệp nào đó?

Câu trả lời là sự tăng giá của Ruble là kết quả của việc thế giới phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga và có sự can thiệp từ chính phủ.

Nhu cầu năng lượng toàn cầu vẫn mạnh mẽ

Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, đặc biệt là cung cấp các nền kinh tế láng giềng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), Nga lần lượt chiếm 24,8% và 39,2% nhập khẩu xăng dầu và khí đốt tự nhiên của EU. Mặc dù các nước EU đã đưa ra nhiều cách trừng phạt Nga, nhưng thực tế khó khăn là gần như không thể tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Các quốc gia như Mỹ, Canada và Anh đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga, nhưng EU vẫn chưa làm được điều này. Sự phụ thuộc vào năng lượng Nga cùng với giá dầu đang tăng cao đã giúp Moskva bù đắp sự thiếu hụt của ngân khố.

Kết quả là, tài khoản vãng lai của Nga đã tăng từ 46.564 triệu USD lên 58.200 triệu USD vào tháng 3, mặc dù nhu cầu trong nước và sản lượng vẫn ở mức thấp hơn đáng kể.

Tuy nhiên, điều này có thể không kéo dài. EU sẽ giảm 2/3 sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga vào cuối năm nay và giảm xuống 0 vào năm 2027.

Nỗ lực củng cố đồng Ruble

Trong bối cảnh đồng Ruble mất giá, chính phủ Nga đã làm mọi cách để chống đỡ. Bước đầu tiên, Nga tăng hơn gấp đôi lãi suất từ 9,5% lên 20%.

Lợi tức lớn hơn từ lãi suất cao hơn khiến việc đầu tư vào tài sản của Nga trở nên hấp dẫn hơn, giảm bớt áp lực “bay” vốn.

Chính phủ cũng áp đặt loạt chính sách kiểm soát vốn để giữ cho đồng Ruble không suy yếu. Các nhà xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nga được yêu cầu bán 80% doanh thu ngoại tệ của họ để lấy Ruble, làm tăng giá trị của đồng tiền này.

Ngoài ra, Moskva áp đặt các hạn chế đối với khả năng chuyển tiền sang ngoại tệ của công dân Nga, hạn chế hiệu quả việc bán Ruble trên thị trường.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, dựa vào nhu cầu cao về năng lượng, Nga yêu cầu bất kỳ tổ chức nước ngoài nào nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga phải thiết lập một tài khoản đặc biệt với một ngân hàng Nga. Qua đó, các khoản thanh toán bằng ngoại tệ sẽ được chuyển sang Ruble trước khi thanh toán cho nhà cung cấp.

Moskva đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vì không thanh toán bằng Ruble.

Những chính sách trên đã giúp Ruble tăng trở lại từ điểm thấp và sự phục hồi này không giống như một sự hồi phục ngắn ngủi.

Câu hỏi đặt ra là Nga có thể áp dụng các biện pháp này trong bao lâu với mức dự trữ tiền tệ hiện có, và liệu tình trạng cung và cầu đồng Ruble hiện nay có gây ra lạm phát thêm trong nền kinh tế hay không?

Điều gì sẽ xảy ra?

Xung đột với Ukraina có những tác động kinh tế và tài chính vượt xa biên giới Nga. Nhiều quốc gia bắt đầu xem xét lại chiến lược chuỗi cung ứng của họ để giảm thiểu sự gián đoạn.

EU đã lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Điều này cũng có thể tạo thêm động lực cho các công ty chuyển sang áp dụng năng lượng tái tạo hoặc ít nhất là tìm kiếm sự độc lập hơn về năng lượng.

Rủi ro tiền tệ cũng là một mối quan tâm lớn. Trong tương lai, Nga có thể không chỉ tìm cách cải thiện tính độc lập tiền tệ của mình thông qua việc xác định các giao dịch bằng các đơn vị tiền tệ không phải của phương Tây mà còn tăng cường quan hệ tài chính với các nước đồng minh để tạo ra một hệ thống tài chính phi USD hóa.

Ấn Độ và Trung Quốc được cho là đang đàm phán với Nga để cùng tạo ra một hệ thống tài chính liên kết nhằm cung cấp một cơ chế trao đổi tiền tệ không có sự can thiệp của châu Âu hoặc Mỹ. Điều này có thể tạo động lực cho các quốc gia dễ bị áp dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây tham gia.

Ngoài ra, do tài sản của Nga tại các ngân hàng nước ngoài có thể dễ dàng bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt, các cá nhân giàu có và quan chức chính phủ sẽ cố gắng giảm thiểu rủi ro thông qua việc tìm kiếm các phương án thay thế để bảo vệ tài sản của họ. Các nền tảng trao đổi tiền điện tử chủ yếu là phi tập trung; do đó, chúng sẽ là những nơi thuận lợi để bảo vệ chống lại các lệnh trừng phạt.

Cuối cùng, xung đột sẽ dẫn đến sự sắp xếp lại các mối quan hệ địa chính trị, và quá trình khu vực hóa có thể thay thế cho quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng trong những thập niên qua. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng ở cấp quốc gia, mà còn ở cấp doanh nghiệp.

Các công ty đa quốc gia sẽ phải xác định lại chiến lược hoạt động và xem xét lập trường đối với các thực thể kinh tế hoặc chính trị vì những xung đột làm gián đoạn thị trường và hệ thống tài chính toàn cầu có thể xảy ra thường xuyên hơn.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM / BUSINESS.CORNELL.EDU

Tags: , ,