‘Tự chủ chiến lược’ và sự rạn nứt trong mối quan hệ của châu Âu với Mỹ

Giữa những thay đổi lớn đang diễn ra “các mảng kiến tạo” của trật tự địa chính trị quốc tế, châu Âu không muốn sa vào logic “khối đối đầu với khối”, không muốn bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng mà châu Âu cho rằng không phải của mình.

‘Tự chủ chiến lược’ và sự rạn nứt trong mối quan hệ của châu Âu với Mỹ

Lâu nay, gắn kết chặt chẽ được coi là nền tảng của mối quan hệ chiến lược xuyên Đại Tây Dương. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Mỹ và châu Âu trong các biện pháp cấm vận Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine càng khiến người ta tin về sự đồng điệu trong tư duy của hai bên.

Ấy thế nhưng tuyên bố mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu làm lộ ra vết nứt giữa những đồng minh xuyên Đại Tây Dương. Nhà lãnh đạo Pháp nói rằng “Liên minh châu Âu (EU) phải làm rõ quan điểm, đánh giá điểm chung với Mỹ”, song nhấn mạnh cho dù đó là về Ukraine, quan hệ với Trung Quốc hay lệnh trừng phạt, EU nên có chiến lược của mình. Theo ông Emmanuel Macron, châu Âu “không nên bị cuốn vào tình trạng rối loạn của thế giới và những cuộc khủng hoảng không liên quan đến châu Âu”.

Đáng nói hơn là tuyên bố của ông Macron được đưa ra sau chuyến công du vừa rồi đến Trung Quốc, nơi mà ông được Washington hy vọng sẽ đưa ra những lời lẽ cứng rắn với Bắc Kinh liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như về tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Nhưng trái với mong đợi, rời Bắc Kinh, ông Emmanuel Macron lại lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bị kéo vào một cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan, bởi điều mà ông mô tả là do “nhịp điệu của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc”. Vì thế, ông kêu gọi EU giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và trở thành “cực thứ ba” trong các vấn đề thế giới bên cạnh Washington và Bắc Kinh.

“Tự chủ chiến lược” không phải là điều mới mẻ với châu Âu. Khái niệm này đã được các nhà lãnh đạo châu Âu nhắc tới nhiều, mà gần đây nhất là tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU tại Versailles (Pháp), nơi EU nhấn mạnh sẽ tăng cường tự chủ, giảm phụ thuộc trên 3 trụ cột: Quốc phòng-an ninh, năng lượng và kinh tế. Trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, việc một nước hay một liên minh như EU tăng cường khả năng thiết lập, điều chỉnh và thực thi các quy tắc, “luật chơi” quốc tế, thay vì chỉ thụ động “chơi theo luật” do người khác đặt ra là điều dễ hiểu. Nhưng việc châu Âu, nhất là các nước Pháp và Đức, đẩy nhanh xu hướng “tự chủ chiến lược” có nguyên nhân từ cách hành xử của người đồng minh bên kia Đại Tây Dương.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” khiến quan hệ đồng minh Mỹ-châu Âu sứt mẻ, buộc châu Âu phải suy nghĩ thấu đáo hơn về mức độ gắn kết xuyên Đại Tây Dương. Sự rạn nứt càng rõ hơn khi Washington bất ngờ thông báo thiết lập liên minh an ninh 3 bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS), sẵn sàng chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Báo chí mô tả đây chẳng khác nào “nhát dao đâm sau lưng”, bởi nó cướp đi hợp đồng trị giá 66 tỷ USD đóng 8 tàu ngầm mà Australia đã ký trước đó với Pháp. Nỗi đau của Pháp không chỉ bởi mất trắng hợp đồng béo bở mà còn vì hành động nẫng tay trên của ông bạn đồng minh.

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Mỹ mới thông qua, dự kiến chi tới 369 tỷ USD hỗ trợ sản xuất xe điện và các ngành công nghệ sạch với điều kiện nó được triển khai trên đất Mỹ, cũng khiến châu Âu khó chịu. Trong con mắt của châu Âu, đây chẳng khác nào công cụ bảo hộ trá hình để Washington thu hút đầu tư nước ngoài và cạnh tranh bất bình đẳng, phá hoại chính sách vực dậy ngành công nghiệp của EU. Theo Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu của EU Thierry Breton, IRA sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong cạnh tranh. Để đối phó, EU đang tính tới thành lập “Quỹ chủ quyền châu Âu” để hỗ trợ cho ngành công nghiệp châu lục này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì phải đích thân tổ chức một bữa ăn tối với một số giám đốc điều hành các doanh nghiệp châu Âu để thuyết phục họ không chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ.

Thế mới biết, dù là đồng minh nhưng không phải Mỹ và châu Âu lúc nào cũng đồng lợi ích. Khi mà cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, sự tách biệt này càng rõ hơn. Cùng phải cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện với Trung Quốc nhưng sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu ở chỗ, Mỹ quan hệ với Trung Quốc theo thứ tự “địch thủ-đối thủ cạnh tranh-đối tác”, trong khi châu Âu thì ngược lại. Kinh tế châu Âu đã mất đi một trụ cột là nguồn năng lượng giá rẻ của Nga nên không thể để mất tiếp một trụ cột khác là thị trường khổng lồ và “công xưởng toàn cầu”-Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Vì thế, châu Âu không thể tìm cách “thoát Trung” hay triển khai chiến lược “tách rời” như Mỹ, mà phải duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Giữa những thay đổi lớn đang diễn ra “các mảng kiến tạo” của trật tự địa chính trị quốc tế, châu Âu không muốn sa vào logic “khối đối đầu với khối”, không muốn bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng mà châu Âu cho rằng không phải của mình. Châu Âu ủng hộ việc thắt chặt và phát triển quan hệ với các bên, song không mù quáng chạy theo lập trường của bất cứ bên nào. Tự chủ chiến lược chính là cách để châu Âu tránh bị lệ thuộc vào “nguyên tắc ngoài lãnh thổ của đồng USD”, tức là phải tuân thủ các nguyên tắc Mỹ đặt ra trong quan hệ với các nước mà Washington coi là “đối thủ”. Mục tiêu của châu Âu là trở thành “cực thứ 3” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tất nhiên, tự chủ không có nghĩa là tách rời, là tự cô lập. Dù theo đuổi chính sách độc lập với Mỹ nhưng châu Âu vẫn khẳng định là “đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy của Mỹ”. Bảo vệ chủ quyền châu Âu không có nghĩa là châu Âu quay lưng lại với các đồng minh, mà sẽ lựa chọn đối tác và tự quyết định vận mệnh của mình, thay vì bị đặt ra ngoài rìa trước những biến chuyển mạnh mẽ của thế giới hiện nay.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: , , ,