Trung Đông: Mảnh đất của những lời nguyền và hận thù truyền kiếp

Trong khu vực trọng điểm Trung Đông luôn sẵn sàng bùng nổ như một thùng thuốc súng thì mối quan hệ Israel – Palestine trên cùng một lãnh thổ luôn đóng vai trò “kíp nổ” của thùng thuốc súng ấy.

Trung Đông: Mảnh đất của những lời nguyền và hận thù truyền kiếp

Tác giả: Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Gíám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa – Học viện Chính trị CAND.

Bề dày lịch sử của một miền đất dữ

Trung Đông là tên gọi địa chính trị, đồng thời là khái niệm địa lý để chỉ khu vực lãnh thổ của 17 quốc gia được Liên Hợp Quốc công nhận. Sở dĩ có tên gọi Trung Đông vì nhìn từ Châu Âu, vùng này ở phía Đông nhưng gần Châu Âu hơn so với vùng ven Thái Bình Dương. Một số quốc gia Đông Âu và Nam Âu gọi vùng này là Cận Đông hay Trung Cận Đông cũng đều xuất phát từ cảm quan địa lý.

Vùng Trung Đông có một bề dày lịch sử đáng nể so với nhiều quốc gia Châu Âu và thế giới bởi đây là một trong 7 “chiếc nôi” của loài người.

Không chỉ khởi đầu bằng nền văn minh Sumer nổi tiếng từ trên dưới năm nghìn năm trước Công Nguyên, nằm ở khu vực ngã ba chiến lược nối liền Châu Á với Châu Phi và Châu Âu, có những cửa biển thông ra Địa Trung Hải tới Đại Tây Dương, thông ra Biển Đỏ nối với Ấn Độ Dương, Trung Đông còn là nơi giao thoa của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới, trong đó, đạo Hồi thống trị với trên 350 triệu tín đồ.

Trên một lãnh thổ chỉ rộng 7.207.575km2 với dân số trên 370 triệu người, Trung Đông cũng là nơi có nhiều ngôn ngữ địa phương và cũng là địa bàn có nhiều sắc tộc cư ngụ nhất thế giới.

Phần lớn quốc gia trong khu vực hiện nay đã chuyển từ mô hình quân chủ sang mô hình cộng hòa nghị viện và quân chủ lập hiến.

Tuy nhiên, những tàn tích của chế độ “Khalipha” (người truyền dạy, người thủ lĩnh, người dẫn dắt, người cai trị…) cộng với các đạo luật Hồi giáo, trong đó có luật Sahria nổi tiếng hà khắc và nhiều luật tục khác vẫn tiếp tục chi phối vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của hầu hết quốc gia.

Chính sự đa dạng về những vấn đề xã hội, trong đó có tôn giáo và phong tục, tập quán đã làm cho vùng Trung Đông có một lịch sử phức tạp trong quá khứ cũng như sự phức tạp trong đời sống chính trị xã hội hiện tại.

Vùng đất này là nơi sản sinh ra nhiều đế chế kèm theo các nền văn minh nổi tiếng nhất thế giới như Assyria, Tân Assyria (Syria), Akkat (Iraq), Achaemenes, Arsaces (Iran), Byzantine và Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), Ramesside (Ai Cập), Phoenicia (Palestin), Judah (Israel),…

Tuy nhiên, theo quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”, các đế chế “đến” rồi lại “đi”. Mỗi khi một đế chế tan rã thì toàn vùng lại lâm vào cảnh “nồi da nấu thịt”, chiến tranh liên miên giữa các dân tộc, sắc tộc kéo dài hàng trăm năm.

Chung cuộc, một thế lực cát cứ mạnh nhất, có nhiều tiềm lực kinh tế – xã hội, có cả “tiếng nói chính trị” và “tiếng nói quân sự” mạnh mẽ nhất sẽ trở thành một “Khalipha” mới. Tuy nhiên, những thế lực ấy lại tiếp tục mâu thuẫn và xung đột với nhau để “chia tấm da” mới chiếm được. Và thế là cuộc chém giết lại tiếp tục cho đến khi có một Khalipha mới lên cầm quyền cai trị.

Những sự kiện như vậy cứ lặp đi lặp lại theo chu kỳ ở Trung Đông trong nhiều thiên niên kỷ. Và dĩ nhiên, người Do Thái, vốn là dân tộc thiểu số ở Trung Đông cũng không đứng ngoài những cuộc chém giết ấy.

Lời trăng trối của Moses, một nhân vật huyền thoại được tôn vinh là sứ giả của thượng đế, là anh hùng dân tộc của Israel đã nói lên sự bất lực của chính ông và dân tộc Do Thái trước những mâu thuẫn xã hội ở Trung Đông cho dù ông được Thượng đế ban cho quyền năng để có thể khiến nước sông tràn ngập mặt đất và biến nước thành máu: “Chúa hãy bớt nóng giận và gia ơn tha thứ cho những sự gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời. Tôi xin Chúa tha tội gian ác của dân này tùy theo ơn lớn của Chúa“.

Trong giai đoạn thánh Moses lãnh đạo người Do Thái, có cuộc phản loạn của chi phái Reuben, dưới sự lãnh đạo của Korah, Dathan, Abiram cùng 25 trưởng lão lên tiếng cáo buộc Moses và Aaron là lạm quyền. Moses đã đàn áp họ, giết chết 14.250 người nhân danh quyền lực của Thiên Chúa.

Trong Kinh thánh ghi chép rằng Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của Moses và không hủy diệt dân Israel mà chỉ trừng phạt họ bằng cách để họ lang thang trong hoang mạc 40 năm cho đến khi những kẻ phản loạn này chết ở đó.

Còn trên thực tế, người Do Thái đã phải “tha phương cầu thực” khắp thế giới suốt gần 2.000 năm. Không ai khác, chính Moses đã tiên đoán điều này trước khi ông qua đời và đó chính là lời nguyền mà vị thánh của người Do Thái truyền dạy (theo Kinh Tân ước về nhân vật huyền thoại này).

Trọng điểm và tâm điểm

Trọng điểm

Với sự giao thoa của nhiều luồng văn hóa, với sự cư ngụ của cộng đồng nhiều dân tộc, sắc tộc, với vị trí ngã ba đường thủy bộ thông thương giữa ba châu lục, hai đại dương và hai biển lớn, dường như lịch sử đã chọn Trung Đông làm trọng điểm các mối quan hệ của loài người từ thời cổ đại đến nay.

Vì là trọng điểm nên khu vực này luôn ẩn chứa tính hai mặt trong quá trình phát triển. Một mặt là sự tăng tiến luôn ở vị trí dẫn đầu sự phát triển của thế giới cổ đại, trung đại và cận hiện đại.

Nhưng ngược lại, nó cũng ẩn chứa những nguy cơ xung đột bên trong và bên ngoài bởi những mâu thuẫn giữa những cộng đồng người khác nhau, tôn giáo khác nhau, phong tục tập quán khác nhau.

Và đến khi Hồi giáo lên ngôi tại khu vực này vào thế kỷ VII (sau Công nguyên) thì mâu thuẫn lại chồng lên mâu thuẫn khi nền văn minh Hồi giáo bắt đầu có những va chạm với nền văn minh khác như Thiên Chúa giáo ở phía Tây và Phật giáo ở phía Đông.

Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của những học thuyết chính trị xã hội đã có từ rất lâu trước đó như Hindu giáo từ Ấn Độ, Nho giáo từ Trung Hoa…

Những va chạm và xung đột ấy đã biến vùng đất này trở thành trọng điểm của sự bất ổn trong quá khứ và hiện tại.

Chỉ tính riêng thời gian trên dưới 70 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong số hàng trăm cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang xảy ra ở hầu khắp thế giới thì riêng vùng Trung Đông chiếm vị trí “dẫn đầu” về số lượng với trên dưới 20 cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang lớn.

Trong đó có 10 cuộc chiến tranh và xung đột giữa khối Arab và Israel trước khi Hamas mở chiến dịch tấn công Israel vào hôm 7/10 vừa qua, cùng 10 cuộc chiến tranh và xung đột khác.

Để tìm câu trả lời cho những cuộc chiến tranh và xung đột dai dẳng xuyên thế kỷ, thậm chí là xuyên thiên niên kỷ tại Trung Đông, những người theo học thuyết “Chiến tranh giữa các nền văn minh” của “Samuel Phillips Huntington” thường quy nguồn gốc của những cuộc chiến tranh và xung đột ở Trung Đông là do mâu thuẫn không thể dung hòa về tôn giáo.

Tuy nhiên, rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy mâu thuẫn tôn giáo tuy không phải là nhỏ nhưng không phải là mâu thuẫn hàng đầu trong hệ thống xã hội phức tạp ở Trung Đông.

Điều dễ thấy nhất là cả Thiên chúa giáo Roma (phương Tây), Thiên chúa giáo Chính thống (phương Đông), Tin Lành, Do Thái giáo và Hồi giáo đều thờ một đấng tối cao là Thượng đế hay Chúa Trời và chỉ khác nhau về tên gọi.

Người Do Thái gọi đấng tối cao là Jehovah. Chính thống giáo gọi các nhân vật này là “Chúa Ba ngôi” (bao gồm “Chúa Cha, Chúa Con và Thánh thần”). Công giáo Roma gọi nhân vật này là “Jesus Chriso” (một nhân vật vừa là người thực, vừa là Chúa). Người Hồi Giáo gọi đấng tối cao của họ là “Đấng Allah” (Đấng toàn năng).

Điều lý thú là ngay cả Nho giáo cũng tôn thờ đấng tối cao với tên gọi “Ngọc hoàng Thượng đế”, mặc dù những người Trung Hoa cổ đại trước Công nguyên hầu như không giao thiệp với người phương Tây.

Trong quá trình phát triển, mỗi tôn giáo khởi thủy đều có sự chia rẽ, ly khai thành các giáo phái, từ đó đã hình thành các tôn giáo khác. Riêng Do Thái giáo chỉ có một dòng duy nhất, không chia tách trong suốt hơn 3.000 năm lịch sử của nó.

Tâm điểm của trọng điểm

Trong khu vực trọng điểm Trung Đông luôn sẵn sàng bùng nổ như một thùng thuốc súng thì mối quan hệ Israel – Palestine trên cùng một lãnh thổ luôn đóng vai trò “kíp nổ” của thùng thuốc súng ấy.

Theo thống kê đã dẫn ở trên thì trong số hơn 20 cuộc chiến tranh và xung đột tại khu vực này đã có tới hơn mười cuộc chiến tranh và xung đột giữa Israel và Palestine châm ngòi cho những cuộc chiến tranh và xung đột lớn hơn.

Trong các cuộc chiến ấy, vấn đề quyền tự quyết dân tộc của người Palestine luôn là vấn đề thường trực. Ngay cả trong những cuộc đàm phán hòa bình cũng như trong các hiệp ước, thỏa thuận được ký kết giữa Israel và các quốc gia Arab, vấn đề người Palestine đều ít nhiều được đề cập đến.

Ngoài những nguồn gốc về lịch sử mâu thuẫn giữa người Arab nói chung và với người Palestine nói riêng thì trong Chiến tranh thế giới thứ hai và ở thời kỳ hiện đại cho đến hiện nay, người Israel luôn có “mối hận không thể quên” về người Palestine.

Có thể thấy rằng, quan hệ thù địch giữa Israel và Palestine là một trong những vấn đề gai góc nhất, phức tạp nhất trong giai đoạn hiện nay tại Trung Đông. Quan hệ này chất chứa nhiều thù hận từ chiều sâu của lịch sử tới những sự kiện thời hiện đại.

Các quốc gia trên thế giới và chính khách của Israel và Palestine có thể tạm thời hóa giải những căng thẳng để không làm bùng nổ những cuộc xung đột, tuy vậy, với tâm lý hận thù của hai bên thì khoảng thời gian 100 năm là không đủ để hóa giải, nhất là khi nó được một số thế lực nước lớn “đổ dầu vào lửa” để trục lợi.

Trong khi đó thì những người Do Thái, mặc dù thống nhất trong Do Thái giáo nhưng cũng vẫn có những khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn trầm trọng trong chính sách của Nhà nước Israel đối với người Palestine.

Theo DÂN TRÍ 

Tags: , , , ,