Tiếp tục bàn về bản chất của cuộc xung đột Nga – Ukraina

Với việc lính Azov vẫy cờ trắng đầu hàng, chuyện phía Ukraina tuyên truyền rằng những chiến binh của họ đã “hoàn thành nhiệm vụ” và được “sơ tán” khỏi Azovstal chỉ càng làm đậm thêm trò hề trong cuộc chiến này.

Tiếp tục bàn về bản chất của cuộc xung đột Nga – Ukraina

Các tù binh Ukraina được đưa từ nhà máy thép Azovstal về khu vực quân đội Nga kiếm soát bằng xe buýt, ngày 17/5/2022. Ảnh: Reuters.

Tác giả: Nhà báo Hà Quang Minh.

Trang 17 tờ The Guardian số ra hôm 18/5/2022 có một bài viết của Dan Sabbagh, tay bỉnh bút chuyên về An ninh quốc phòng, với câu mở đầu là “Đó là cuộc chiến tranh của Putin”. Đó là một nhận xét ngắn gọn, và chuẩn. Đúng, cuộc chiến hôm nay là của Putin.

Dù đã có rất nhiều lần tôi nhắc tới khái niệm “xâm lược” để nói về cuộc chiến tranh ở Ukraina hôm nay nhưng thực sự, bản chất của cuộc chiến ấy không chỉ là một cuộc xâm lược vi phạm công pháp quốc tế đơn thuần. Hành vi xâm lược của Nga chỉ là bề nổi của tất cả. Dưới tầng sâu cuả nó thật ra là một cuộc chiến chống lại sự áp đặt của phía bên kia mà cả Nga và Mỹ cùng đang thực thi.

>> Không thể chối cãi về bản chất chiến tranh ủy nhiệm của xung đột Ukraina

Hành vi xâm lược của Nga là không thể biện minh và bào chữa nhưng nó là những gì mà một quốc gia cần phải làm khi quốc gia ấy đứng trước nguy cơ đe doạ tiềm tàng từ một địch thủ lớn chưa bao giờ có ý định để cho mình được yên ổn. Nước Mỹ, dù là khi Dân chủ hay Cộng hoà thắng thế đi nữa, vẫn luôn nhìn về Nga bằng một con mắt đối địch thậm chí còn sắc lạnh hơn cả thời kỳ chiến tranh lạnh. Ở thời kỳ chiến tranh lạnh ấy, sự phân cực trên bản đồ chính trị thế giới khiến Mỹ không thể không thận trọng với Liên Xô. Còn ở giai đoạn này, khi chính Mỹ đã cô lập Nga thành công trong chính những đối tác chiến lược truyền thống từ thời Xô-viết, Mỹ nhìn về Nga không còn nhiều thận trọng. Họ bạo dạn hơn, thậm chí đôi khi tỏ ra bề trên hơn do tiềm lực kinh tế của mình, và họ liều lĩnh hơn khi cảm nhận được họ có một cơ hội để kết liễu cương vị một cường quốc của Nga. Và chính sự liều lĩnh này đã khiến Mỹ đẩy cao các nỗ lực tấn công từ mọi hướng suốt nhiều năm qua mà đậm đầy nhất là từ 2014 tới nay. Nói thẳng, Mỹ đã phát động thành công một cuộc chiến chống Nga trên diện rộng và Nga đối đầu lại cuộc chiến này bằng một phản ứng bạo lực thể hiện trên bản đồ Ukraina.

Tình thế ở Ukraina thì ngày càng rõ rệt hơn, nhất là sau khi căn cứ tại nhà máy luyện kim Azovstal đã ngã ngũ. Với việc lính Azov vẫy cờ trắng đầu hàng, chuyện phía Ukraina tuyên truyền rằng những chiến binh của họ đã “hoàn thành nhiệm vụ” và được “sơ tán” khỏi Azovstal chỉ càng làm đậm thêm trò hề trong cuộc chiến này. Kênh France24 đưa đầy đủ các hình ảnh lính Nga lục soát tù binh ở Azovstal và tuyên bố “hi vọng những người hùng còn sống sót” của Zelensky chính là một sự thật không thể phủ nhận: Họ (lính Ukraina) đã thất thủ và buộc phải quy hàng chứ không hề có một trợ giúp nào từ chính phủ Ukraina hay đồng minh của họ để “sơ tán” họ khỏi điểm cố thủ.

Phía Mỹ chắc chắn cảm nhận được rất rõ khả năng Ukraina thất bại trên chiến trường là rất lớn, thậm chí còn có thể dự đoán được tương đối chính xác ngày thất thủ ở các cứ điểm chính. Và đón nhận thất bại theo cách chủ động là điều Mỹ luôn muốn làm. Chính vì thế, các động thái ngoại giao tích cực của Mỹ đã tạo ra một thế cờ mới: Kéo được Thuỵ Điển và Phần Lan bước vào NATO.

Nếu năm 2014, việc Nga lấy được Krym và do đó khống chế Biển Đen, sau đó lấy cảng Sevastopole là một đòn trí mạng đối với Mỹ trong cuộc đua khẳng định vị thế chủ nhân đại dương của mình thì việc để Nga tiếp tục yên ổn ở biển Baltic là điều Mỹ không hề muốn sau khi cục diện tại Ukraina đã quá rõ ràng. Kéo Phần Lan và Thuỵ Điển vào cuộc chơi, Mỹ có đủ đầy các đồng minh bao vây Nga ở Baltic. Và nếu họ khống chế tốt đường biển, đó sẽ là trở ngại cực lớn để kinh tế Nga có thể vươn mình. Hiện tại, Đức, Ba Lan, Litva, Latvia, Estonia, Đan Mạch, Na Uy đã là các quốc gia thành viên NATO ở Baltic. Thêm Phần Lan và Thuỵ Điển trấn ở ngay cửa ngõ của các thành phố cảng St. Peterburg và Kaliningrad, coi như Mỹ đã có thể an tâm phần lớn trong việc khống chế một đối thủ nguy hiểm như Nga.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống Nga này của Mỹ có thành công hay không vẫn còn nhiều ẩn số. Phiếu phủ quyết Phần Lan và Thuỵ Điển vào NATO của Thổ Nhĩ Kỳ thật ra có một sức nặng đáng kể. Phần Lan thì phụ thuộc quá nhiều vào Nga ở năng lượng, cụ thể là điện và khí đốt. Muốn giải bài toán khó này, các động thái ngoại giao vỗ về Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng vô cùng và việc đầu tư sản xuất điện hạt nhân của EU để thoát khỏi lệ thuộc năng lượng từ Nga cũng đòi hỏi những chi phí hạ tầng cực lớn.

Với hơn 8000 lệnh trừng phạt kinh tế với Nga kể từ 2014 tới nay, rõ ràng Mỹ đã và đang tiến hành một cuộc chiến chống Nga dai dẳng, bền bỉ và kiên định. Khát vọng trỗi dậy của một quốc gia giàu tiềm lực luôn là khát vọng chính đáng mà bất kỳ nguyên thủ nào cũng mong muốn, bởi nó phù hợp với lòng dân trong nước. Và ở tư thế bị kiềm toả mọi đường trong quá trình trỗi mình trở lại của Nga, việc họ phản ứng lại bằng một chiến cuộc tại sân khấu Ukraina cũng là chuyện quá bình thường. Chỉ có điều, các lãnh đạo Ukraina đã quá dại dột khi tự biến mình thành nạn nhân trong trò chơi chính trị này. Và nếu nhìn vào vai trò Zelensky những ngày gần đây, chúng ta càng hiểu rõ hơn bản chất của cuộc chiến chống Nga mà Mỹ đang tiến hành. Zelensky ngày càng mờ nhạt, đã không còn sức cuốn hút thuyết phục như những ngày đầu. Và bản thân cái bộ sậu chính trị gia Ukraina hiện nay cũng đủ cho thấy tại sao quốc gia ấy vừa nghèo nhất châu Âu, vừa bị “hành hung” dễ dàng thế. Chỉ nội việc một cán bộ ngoại giao như bà đại biện của họ ở Hà Nội gọi tên Việt Nam là Việt Nam cộng hoà rồi sau đó phải vội vã xoá đi trên facebook đã đủ để hiểu năng lực, trình độ, thái độ của chính trị gia Ukraina ở tầm mức nào.

>> Gửi bà Nataliya Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraina tại Việt Nam

Sau cuộc chiến này, nợ công của họ sẽ còn phình to khủng khiếp nữa khi thực tế các quân viện mà họ nhận được không phải là cho không. Thực tế, đó là các khoản vay mà dù có ưu đãi đến mấy thì cũng vẫn phải có ngày đáo hạn và buộc phải trả nợ.

Mỹ chống Nga và họ khiến cả châu Âu mệt mỏi vì cuộc chiến dai dẳng ấy. Nó phá vỡ luôn cả chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể đẩy nhiều quốc gia khác lâm vào cảnh khốn cùng. Cùng lúc ấy, Trung Quốc cố tình theo đuổi Zero COVID cũng đã khiến chuỗi cung ứng kia phải điêu đứng thêm lần nữa. Không loại trừ việc phong thành của Trung Quốc ở thời điểm này không phải là chống dịch đơn thuần mà là một chiến dịch kinh tế thực sự.

Chưa biết điều gì sẽ được bạch hoá sau khi Nga kiểm tra toàn bộ những cơ sở quân sự ở Azovstal và các phòng thí nghiệm mà Mỹ tài trợ ở đó. Và nếu như virus Corona là do nhân tạo, từ chính những phòng thí nghiệm này thì có lẽ Mỹ sẽ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng ngoại giao cực lớn.

Tất nhiên, chẳng ai đưa được Mỹ ra toà án tội ác quốc tế (ICC). Với Nga, nhiều người kêu gọi phải đưa Nga ra toà án tội ác quốc tế nhưng quên béng mất là Nga đã rút ra khỏi đó từ quá lâu rồi. Và Nga, Mỹ thì đều giống nhau cả, Mỹ cũng đã rút khỏi ICC từ lâu mặc dù họ luôn kêu gọi các quốc gia khác “hành xử theo luật”.

Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK

Tags: , , , ,