⠀
Thế giới huyền ảo trong thần thoại và cổ tích Nhật Bản
Tìm hiểu văn học thượng cổ chung quanh Kojiki (Cổ Sự Ký), Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ) và Fudoki (Phong Thổ Ký).
TỔNG QUAN:
A) Văn học thượng cổ Nhật Bản bắt đầu từ lúc nào?:
Danh từ văn học thượng cổ ở đây chỉ thời kỳ từ khi có dấu vết của một dạng thức văn học xuất hiện trên đất nước Nhật Bản cho đến năm Enryaku (Diên Lịch 13, 794), trước khi vương triều thiên đô về Heian.kyô (Bình An kinh) ở vùng Kyôto bây giờ. Nói cách khác, đó là thời đại văn học được đánh dấu bằng cuộc sống văn hóa và chính trị suốt thời gian người Nhật đóng đô chủ yếu ở Fujiwara.kyô (Đằng Nguyên kinh, 694-710) cũng như Heijô.kyô (Bình Thành kinh, 710-740 và 745-784), hai kinh thành nằm trong vùng đất Yamato (Đại Hoà) thuộc khu vực Nara ngày nay.
B) Phong thổ và văn học:
Vùng đất Yamato là một thung lũng lớn bốn bên có núi bao bọc, ở giữa có 3 ngọn Đại Hòa Tam Sơn thoai thoải, cây cối rậm rạp nằm chắn ngang.Khí hậu ở đó về mùa hè tuy nóng nhưng không quá khó chịu, mùa đông tuyết có phủ cũng chỉ làm cho cảnh sắc thêm xinh chứ không đến nỗi làm vắng bóng người qua lại. Thiên nhiên ôn hòa, thời tiết bốn mùa thay đổi nên đất Yamato là cái nôi của một nền văn học hòa hợp cùng thiên nhiên và nhạy cảm với thời tiết. Như thế, có thể nói ngay là ảnh hưởng của phong thổ rất đáng kể đối với văn học Nhật Bản thời cổ đại.
C) Hình thức cổ xưa của văn học Nhật Bản:
Một vạn năm về trước, Nhật Bản hãy còn ở trong thời kỳ tiền gốm
[1]. Sau vài nghìn năm, lúc bước vào thời Jômon (gốm có hoa văn dây thừng), họ mới dùng dụng cụ bằng đá và đất nung trong việc hái nhặt để sinh sống. Khoảng thế kỷ thứ 3 hay thứ 2 trước công nguyên, thời kỳ Yayoi
[2](gốm trơn) đã bắt đầu. Kỹ thuật trồng lúa nước được truyền đến từ lục địa khiến cho sự sản xuất mạnh mẽ thêm nhiều so với thời hái nhặt. Công việc trồng lúa nước có tính chất tập đoàn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều người cũng như sự tập hợp sinh hoạt tại một chỗ cố định. Xã hội cộng đồng thành hình và gắn bó với nhau bằng liên hệ gia tộc rồi đến thị tộc.Cộng đồng thị tộc đã có một văn hóa đặc thù rồi. Sau đó, theo nhịp điệu tăng trưởng của công việc sản xuất, các thị tộc kết hợp thành một vài tiểu quốc.
Từ khi người Nhật rời hang động ra ngoài nhặt hái để sinh sống, họ đã có những nỗi sợ hãi khi đứng trước sự uy nghiêm của thiên nhiên đã làm nảy sinh nơi họ lòng tin rất phong phú. Sức mạnh siêu nhiên được đúc kết lại dưới dạng thần thánh (kami) và sự tế lễ thần thánh (matsuri)bắt nguồn từ đó. Cộng đồng thể muốn duy trì sự yên ổn và gắn bó với nhau của mình nên mới tổ chức những cuộc tế lễ. Hình thức thô sơ của văn học là những câu chú, bài chú
[3]đọc lên trong những lễ tế thần vậy. Loại từ chương này vốn khác với ngôn ngữ hằng ngày, thường lập đi lập lại, có vần điệu. Khi trình bày nơi cúng tế lại hay kèm theo âm nhạc và nhảy múa.
Các tiểu quốc tập hợp từ những cộng đồng thể (thị tộc) rồi sẽ thống nhất thành quốc gia. Trong quá trình nầy, tế lễ cũng thống nhất theo. Hơn nữa, về phương diện ngôn ngữ, những thần chú linh thiêng nói trên cũng trở thành đặc thù, trau chuốt tinh vi hơn. Như thế, văn học đã thành hình và xuất phát từ đó đã có những dạng thức đầu tiên là thần thoại (shinwa) và ca dao (kayô)
D) Từ văn học truyền miệng chuyển qua văn học ghi chép:
Người Nhật thuở đó chưa có một hệ thống ký hiệu cho nên thần thoại và ca dao được gìn giữ lại dưới hình thức truyền miệng
[4](khẩu thừa hay khẩu tụng = kôjô, kôshô) nhưng sau khi đã thống nhất thành quốc gia và làm quen được với chữ Hán truyền từ đại lục thì thần thoại và ca dao đã được ghi lại qua chữ viết. Văn chương truyền miệng như thế đã trở thành văn chương ghi chép (ký tải = kisai)
[5]và hình thức biểu hiện khá tự do từ trước của ca dao và thần thoại đã vào lề lối. Từ đó ca dao có hình thức khá cố định và thần thoại dần dần được tản-văn hóa.
Dĩ nhiên ghi chép lại thần thoại và ca dao của nước mình bằng một thứ ngôn ngữ đến từ phương xa như chữ Hán là một điều khó khăn. Do đó, người Nhật phải tìm cách biến ngôn ngữ biểu ý là chữ Hán thành những âm tố để ghi chép trung thành nội dung của hai dạng thức văn học quốc nội đó. Trong quá trình tìm tòi, họ đã tạo ra chữ kana (giả danh, giả tự, chữ mượn) qua các giai đoạn man.yôgana (chữ mượn dùng để ghi chép thơ trong tập cổ thi Man.yôshuu, Vạn diệp tập), hiragana rồi đến katakana (tức là hai loại chữ viết vẫn dùng ngày nay). Kana (chữ mượn) đối nghịch với mana (chữ thật) vì nó chỉ dùng cái vỏ chữ Hán mà không giữ ruột tức nghĩa của chữ.
E) Vai trò của văn học trong quốc gia thời cổ:
Quốc gia Nhật Bản thời cổ rất ngưỡng mộ hình thức tổ chức của Trung Quốc. Việc họ xây dựng một chế độ luật pháp (ritsuryô seido) cho một quốc gia có quyền hành tuyệt đối mà thiên hoàng là trung tâm (trung ương tập quyền, thiên hoàng chế) cũng là phỏng theo mô hình xã hội cổ đại Trung Quốc hoàn thành dưới hai triều Tùy (581-619), Đường (618-907), một mô hình ngoại lai đối với họ. Không những thế, Nhật Bản còn hấp thụ văn hóa Trung Quốc trong đó có văn hóa Phật Giáo và nhờ vậy, đã xây dựng được những nền văn hóa độc sáng như văn hóa Asuka
[6](Phi Điểu), Hakuhô
[7](Bạch Phượng), xán lạn như văn hóa Tenpyô
[8](Thiên Bình).
Trong khi thu nhận văn hóa và phong cách tổ chức xã hội Trung Quốc, người Nhật cùng lúc đã đào sâu bản sắc dân tộc đặc dị của mình. Điều nầy thể hiện qua những công trình biên soạn sử thư và địa chí. Kể từ đầu thế kỷ thứ 8, những tác phẩm như Kojiki (Cổ sự ký), Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ), Fudoki (Phong thổ ký) đã thu thập rộng rãi thần thoại, truyền thuyết và ca dao của quốc gia Nhật Bản cổ đại.
Mặt khác, trên bước đường từ văn chương truyền miệng chuyển qua văn chương ghi chép, ca dao (kayô) cũng biến dạng thành hòa ca (waka), xin hiểu là “thơ quốc âm” vì người Nhật tự gọi mình là dân tộc Wa (phiên âm là Hòa). Waka đã được sưu tập trong tác phẩm Man.yôshuu (Vạn diệp tập, ra đời khoảng 770) mà những bài vịnh có khuynh hướng trữ tình và tính cách cá nhân cũng bắt đầu rõ nét bên cạnh tính tập đoàn.Không kể là lúc ấy, ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc cũng đã được nhận thấy qua những bài thơ bài văn chữ Hán(kanshibun) chép lại trong tập Kaifuusô (Hoài Phong Tảo, 751).
Sự kiện lich sử và văn học thời Yamato (từ trước công nguyên đến năm 710):
Trước công nguyên:
– Văn hóa Jômon (gốm có hoa văn kết thừng).
Từ thế kỷ thứ 3 hay thế kỷ thứ 2 trước công nguyên:
– Văn hóa Yayoi (gốm trơn, đồ dùng hàng ngày).
Từ công nguyên đến thế kỷ thứ 4
– Các tiểu quốc được thành lập.
– Nhà nướcYamatai (Da Mã Đài) bắt đầu cai trị.
– Văn hóa Kofun (lăng mộ hình gò) ra đời.
– Văn chương truyền miệng: ca dao, thần thoại phổ biến.
– Triều đình Yamato (Đại Hòa hay Nụy) thống nhất lãnh thổ.
Thế kỷ thứ 5 và thứ 6:
– Chữ Hán truyền vào đất Nhật。
– Phật giáo đến Nhật
– Năm 593:Thái tử Shôtoku
[9]làm Sesshô (Nhiếp Chính)
Thế kỷ thứ 7:
Văn chương ghi chép xuất hiện và văn hóa Asuka (Phi Điểu) phát triển
– Năm 607: Sứ bộ Ono no Imoko (Tiểu Dã, Muội Tử) sang nhà Tùy.
– Năm 629: Thiên hoàng Jomei (Thư Minh) lên ngôi.
– Năm 630: Gửi sứ bộ sang nhà Đường.
– Năm 645: Cải cách chính trị quan trong năm Taika (Taika Kaishin, Đại Hóa cải tân).
– Năm 667: Dời đô sang cung Ôtsu (Đại Tân) ở Ômi (Cajn Giang).
– Năm 668: Thiên hoàng Tenji (Thiên Trí) lên ngôi.
– Năm 672: Cuộc biến loạn năm Nhâm Thân (Jinshin no ran). Thiên đô về cung Kiyomi-ga-hara ở Asuka.
Thời hoạt động của công chúa Nukata (Ngạch Điền, xem bài viết về tập thơ Man.yôshu)
– Năm 673: Thiên hoàng Tenmu (Thiên Vũ) tức vị.
– Năm 694: Văn hóa Hakuhô (Bạch Phượng) phát triển.
– Năm 694: Dời đô về Fujiwara-kyô (Đằng Nguyên kinh).
– Năm 701: Bộ luật Taihô (Đại Bảo) ra đời.
– Thời hoạt động của thi hào và nhà biên tập Kakinomoto no Hitomaro (Thị Bản Nhân Ca Lữ) (xem bài viết về tập thơ Man.yôshu)
– Năm 710: Dời đô về Heijô.kyô (Bình Thành kinh)
Văn học thời Nara (từ năm 710 đến năm 794)
– Năm 711: Biên soạn Kojiki (Cổ Sự Ký)
– Năm 713: Lệnh biên soạn tập địa chí Fudoki (Phong Thổ Ký) được ban hành.
– Năm 715: Phong Thổ Ký vùng Harima (Harima no kuni fudoki) soạn xong.
– Năm 718: Bộ luật Yôrô (Dưỡng Lão luật lệnh) ra đời.
– Năm 720: Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ) ra đời
– Năm 721: Phong thổ ký vùng Hitachi (Hitachi no kuni fudoki) có lẽ đã soạn vào năm này.
– Năm 733: Phong thổ ký vùng Izumo (Izumo no kuni fudoki) được soạn ra.
Các nhà thơ như Yamabe no Akahito hoạt động vào thời điểm này.
– Năm 740: Dời đô về Kuni-kyô (Cung Nhân kinh) đất Yamashiro (Sơn Bối)
– Năm 744: Dời đô về Nanba-kyô (Nạn Ba kinh)
– Năm 745: Trở lai Heijô-kyô (Bình Thành kinh)
Văn hóa Tenpyô (Thiên Bình) phát triển.
– Năm 751: Tuyển tập Kaifuusô (Hoài Phong Tảo) được đề tựa.
– Năm 752: Lễ cúng dường điểm nhãn tượng Đại Phật ở chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự).
– Năm 753: Dựng bia ca tụng dấu chân Phật (Bussokuseki Kahi, Phật Túc Tích Ca Bi).
Thời hoạt động của nhà thơ Ôtomo no Yakamochi.( Đại Bạn Gia Trì)
– Năm 754: Tăng Giám Chân (Ganjin, 688-763) nhà Đường qua Nhật.
– Năm 759: Bài thơ cuối cùng thấy trong tập Man.yôshuu được viết ra
– Năm 764: Loạn Emi no Oshikatsu (Huệ Mỹ Giáp Thắng) .
– Năm 769: Vụ nữ Thiên hoàng Shôtoku (Xưng Đức) định nhường ngôi cho tăng Dôkyô (Đạo Kính) xảy ra.
– Năm 770: Abe no Nakamaro (A Bộ Trọng Ma Lữ) chết ở đất khách bên Trung Quốc. Ông đã từng làm quan ở Giao Châu (Việt Nam thời Đường).
Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập) có lẽ đã ra đời khoảng này.
– Năm 772: Tập bình luận thơ nhan đề Kakyô hyôshiki (Ca kinh phiêu thức) do Đằng Nguyên Tân Thành, Fujiwara Hamanari soạn theo cách thức Trung Hoa.
– Năm 784: Dời đô về Nagaoka.kyô (Trường Cương kinh).
– Năm 785: Ôtomo no Yakamochi mất.
– Năm 789: Tập Takahashi Ujibumi (Cao Kiều thị văn), kể công nghiệp dòng họ Takahashi, xuất hiện.
– Năm 794: Dời đô về Heian.kyô (Bình An kinh)
THẾ GIỚI CỦA THẦN THOẠI
Như đã nói trên, người thời thượng cổ, khi tiếp xúc với thiên nhiên, kinh sợ trước sự biểu hiện của những sức mạnh vượt hẳn hiểu biết của mình, đặt tên nó là thần linh.Qua hành động qui phục thần linh bằng đồ vật cúng tế, họ hy vọng sẽ tìm được sự yên ổn cho cá nhân và tập đoàn.
Thế rồi, ở nơi tế lễ, họ bắt đầu kể cho nhau nghe về hành vi của thần linh cũng như nguồn gốc của các cuộc tế lễ. Các bậc tổ tiên của họ chết đi cũng được xem như hòa nhập vào thế giới thần linh. Hành trạng của các vị thần-tổ-tiên này được lưu truyền để xác định nguồn gốc của tập đoàn. Cũng vào lúc tế lễ, người thượng cổ truyền lại đời sau sự hiểu biết về lai lịch các địa danh và đầu đuôi mọi sự vật.
A) Thần thoại:
Sự tích các vị thần được kể lại trong lúc tế lễ gọi là thần thoại (shinwa, myth). Trong nghĩa rộng của nó, thần thoại bao gồm cả truyền thuyết (densetsu, legend) và thuyết thoại (setsuwa, tale) nhưng truyền thuyết liên quan đến con người nhiều hơn là thần, còn trong thuyết thoại thì yếu tố tín ngưỡng đã trở thành phụ thuộc và cái thú vị của nó nằm trong chính nội dung được kể lại. Có thể xem nó như truyện truyền kỳ
[10].
Thần thoại vốn được trình bày ở nơi tế lễ nên thường được truyền miệng mà thôi. Tuy nhiên, từ khi chữ Hán truyền bá đến Nhật Bản khoảng thế kỷ thứ 5 và thứ 6, người ta bắt đầu ghi chép lại thần thoại sau khi đã nắm vững lối diễn tả bằng chữ Hán. Qua quá trình đi từ truyền khẩu qua ghi chép, yếu tố văn nói dần dần phai nhạt. Thần thoại sau đó chỉ còn xuất hiện dưới hình thức tản văn.
B) Tập Hợp Các Thần Thoại :
Khi cộng đồng thể tập họp lại để trở thành quốc gia thì thần thoại cũng được chấn chỉnh, tập hợp để thống nhất. Đó là nguyên do tại sao các tác phẩm sử ký như Kojiki, Nihon shoki, địa lý như Fudoki đã ra đời.
Thế nhưng ai đã ra lệnh tập hợp thần thoại, tập hợp như thế nào và với mục đích cụ thể gì?
Để trả lời câu hỏi nầy, trước tiên phải nhắc lại một sự kiện lịch sử quan trọng: sự nắm chính quyền của nhân vật gần như thần thoại là Shôtoku Taishi (Thánh Đức Thái Tử) và sự tuyên cáo văn kiện mà ngày nay người Nhật gọi là Hiến Pháp 17 Điều.
C) Hiến Pháp 17 Điều Jushichijô Kenpô (Thập Thất Điều Hiến Pháp, 604):
Người ta vẫn chưa hội đủ bằng cớ để chứng minh tính cách xác thực của luận điểm cho rằng tác giả Hiến Pháp 17 Điều là Thái tử Nhiếp chính Shôtoku. Niên đại 604 là lúc nó ra đời lại có vẻ hơi quá sớm. Các nhà nghiên cứu ngờ rằng hiến pháp với nội dung cải cách trên đã được làm ra vào thời hậu bán thế kỷ thứ 7, sau cuộc cải cách thời Taika (Đại Hoá Cải Tân, 645), lúc chính sách trung ương tập quyền được thi hành hay lúc liên quân Đại Hòa – Bách Tế (Yamato – Kudara) bị thủy quân hai nước Đường -Tân La (Tang – Shiragi) đánh bại ở Bạch Thôn Giang (Hakusonkô), nay là cửa sông Cẩm Giang, tây nam Hàn Quốc (663) và phải rút về nước. Hậu bán thế kỷ thứ 7 có nhiều biến chuyển lớn ở Nhật (cải cách Taika, loạn Jinshin = Nhâm Thân, 672) và việc gia đình thiên hoàng (thế lực Nam Kyuushuu) giành được quyền bính, tập trung quyền hành vào trung ương.
Lúc nầy, Nhật Bản đã gửi sứ bộ sang triều cống nhà Đường (trước đó là nhà Tùy). Sau khi quốc gia đã thống nhất, kinh đô phải được kiến thiết, luật lệ hành chánh phải được đặt ra, việc ghi chép quốc sử thành cần thiết để phục vụ cho nhu cầu đối nội (chính thống hóa quyền lực) và nhất là đối ngoại (xác định trình độ chính trị của vương triều và vị trí trong khu vực). Kinh đô đó là Nara, thành lập năm 708, kiến thiết phỏng theo qui mô của thành phố Lạc Dương
[11]. Luật lệ đó là hai bộ luật Taika (Đại Hóa, 645) và Taihô (Đại Bảo, 701).Hai bộ sử là Kojiki (712) và Nihon shoki (720), đều làm theo lối biên niên và có một bộ phận thần thoại (kamiyo = thần đại) trước khi bước vào lịch sử con người (nhân đại =jindai).
D) Kojiki (Cổ Sự Ký):
Sách này được biết do Ônoyasu Maro
[12](Thái An, Vạn Lữ) sao lục và soạn ra vào năm 712. Theo lời tựa ông viết, Thiên hoàng Tenmu (Thiên Vũ), kẻ thắng lợi trong việc tranh ngôi với cháu sau cuộc biến loạn Jinshin
[13](Nhâm Thân 672), đã ra lệnh tập họp các sách sử trước đó nghĩa là các đế kỷ
[14](teiki) và bản từ
[15](honji) để so sánh, kiểm điểm, tu chính làm sao cho đời sau được biết “đúng đắn” gốc gác của quốc gia. Sau đó lại hạ lệnh cho xá nhân (người hầu cận) tên là Hieda no Are
[16](Bại Điền, A Lễ) làm việc “tụng tập”(shôshô) chỉnh lý những văn kiện ấy để âm thanh cổ xưa được viết với chữ Hán tương xứng. Tenmu chết, công việc bị bỏ dở dang. Đến năm 711, Ônoyasu Maro theo lệnh Thiên hoàng Genmei (Nguyên Minh) biên soạn lại công trình của Hieda no Are, sang năm sau (712), hoàn thành Kojiki và dâng lên. Ông đã viết bài tựa cho sách. Bản Kojiki tối cổ là bản chép lại dưới thời Kamakura (1185-1333) , hiện còn giữ tại chùa Shinfukuji (Chân Phúc Tự) ở Nagoya.
Sách gồm 3 quyển. Quyển thượng kể việc từ đời tạo thiên lập địa đến lúc Thiên hoàng (thứ 1, trong truyền thuyết) Jinmu (Thần Vũ) ra đời.Quyển trung liên quan đến đời trị vì từ thiên hoàng Jinmu đến Thiên hoàng (thứ 15) Ôjin (Ứng Thần). Quyển hạ nói về khoảng thời gian giữa Thiên hoàng (thứ 16) Nintoku (Nhân Đức) và (nữ) Thiên hoàng (thứ 33) Suiko (Thôi Cổ).
Trong quyển thượng, Kojiki thuật lại việc tạo thiên lập địa theo thần thoại Nhật Bản: việc hai vị thần Izanaki (Y Da Na Kỳ) và Izanami (Y Da Na Mỹ) đã vâng lệnh Kotoamatsu-kami (Biệt Thiên Thần) từ cõi thần ra đi thành lập một đất nước lý tưởng. Nam thần bèn thọc ngọn giáo xuống một vũng bầy nhầy như thịt sứa để tạo thành một hòn đảo muối.Sau đó, hai người đến đấy ở và kết hôn với nhau. Izanami đã sinh ra nước Nhật (Ôyashimaguni, Đại Bát Đảo Quốc) và các thần núi, biển, gió, cây cỏ nhưng khi đẻ ra thần hỏa thì bị lửa táp, phải về Cõi Chết (Yominokuni, Hoàng Tuyền Quốc).
Tiếp đó, nữ thần mặt trời Amaterasu Ômikami (Thiên Chiếu Đại Thần), sinh ra từ con mắt trái của Izanaki khi vị thần này đến giữa biển vùng Himuka (Hyuuga, Nhật Hướng) để tẩy uế vì bị nhuốm cái bẩn thỉu của Cõi Chết khi đi thăm vợ
[17]. Amterasu được chọn từ đám chị em để trị vì cánh đồng trời Takama no hara (Cao thiên nguyên, bầu trời). Bà ra lệnh cho con mình là Tenson (Thiên Tôn) giáng lâm xuống nước Nhật. Thiên Tôn đây tức là tổ thần của các thiên hoàng ngày nay. Kojiki lấy sự tích Thiên tôn giáng lâm (Tenson kôrin) làm gốc, kết hợp nó với thần thoại các vùng khác, nhất là vùng Izumo (Xuất Vân) để đề cao tính chính thống của con cháu thiên tôn.Qua đó, ta thấy Kojiki được biên soạn với mục đích rõ rệt của hoàng gia đương thời muốn loại bỏ ảnh hưởng các thế lực chính trị khác, nhất là thế lực của Izumo.
Theo lời tác giả Kojiki thì khi Amaterasu ngự giữa Cánh Đồng Trời (Takama no hara), hai em là Tsukiyomi và Susano-o được cử cai trị thế giới Bóng Đêm (Yo no Osukuni) và Thế Giới Biển (Unabara) .Thế nhưng Susano-o là kẻ không chịu phục tùng chị, lại có hành động phá hoại như gây nên động đất, phá hoại hoa màu, trét phân vào bàn thờ… nên bị chư thần đuổi xuống trần gian vùng Izumo. Thần cứu nữ thần ruộng nước Kushinada-hime ra khỏi tay mãng xà và cưới nàng. Con cháu Susano.o sau lập được nước Mizuho (Thủy Tuệ Quốc). Lúc Amaterasu cho Thiên Tôn giáng lâm, con cháu Susano.o vì cai trị không minh để nước hỗn loạn nên phải chịu nhường nước lại để đổi lấy cung điện nguy nga. Đó là huyền thoại nhượng nước (kuniyuzuri) mà dòng dõi các thiên hoàng (thế lực vùng Miyazaki, Nam Kyuushuu) thường dựa vào để khẳng định sự đầu hàng của đối phương (Izumo, thế lực ở Shimane, miền Tây đảo Honshuu) và sự chính thống của bè cánh mình.
Trong khi các thần Izumo độc lập biến mất và hoà nhập vào dòng chính, Ninigi no Mikoto, cháu của Amaterasu và thủy tổ của dòng này đã xuống trần ở ngọn núi Takachiho no mine (Cao Thiên Huệ phong) ở vùng Hyuuga (Himuka, Hướng Nhật, nay thuộc tỉnh Miyazaki, phía nam Kyuushuu) và bắt đầu gây dựng một hoàng tộc chính thống, trị vì không gián đoạn trên nước Nhật cho đến ngày nay.
Thiên hoàng Jinmu (Thần Vũ), cháu của Ninigi và là thiên hoàng đầu tiên trở thành chủ nhân của lãnh thổ, sau khi bình định nước xong, thấy muốn thực hiện chính trị cho tốt đẹp phải dời triều đình về trung tâm Nhật Bản hiện tại tức vùng Yamato (Đại Hòa, vùng Nara bây giờ) cho nên mới có sự tích Jinmu Tôsei (Thần Vũ đông chinh) tức là Jinmu dẫn quân về miền đông. Jinmu lấy vợ con nhà hào tộc sở tại rồi từ đó, truyền ngôi cho con cháu.Tuy nhiên, theo mộc giản (thẻ gỗ) đào được năm 1998 ở Nara thì danh hiệu thiên hoàng (tennô),một danh từ có tính chất Lão giáo của Trung Quốc được nhập vào, chỉ được dùng thay cho xưng hiệu đại vương (ôkimi) từ thời thiên hoàng Tenmu (trị vì 672-686) hay nữ thiên hoàng Jitô ( 686-697), vợ và là người kế vị ông, mà thôi.
Quyển trung và hạ kể lại các thần thoại và truyền thuyết chung quanh cuộc đời các bậc anh hùng mở nước như Thiên hoàng (thứ nhất) Jinmu (Thần Vũ), Yamato Takeru no Mikoto (Nụy (Oa) Kiến Mệnh, còn được gọi là Nhật Bản Vũ Tôn), Hoàng hậu Jinguu (Thần Công), các Thiên hoàng (thứ 16) Nintoku (Nhân Đức) “rất nhân từ, thương dân” và (thứ 21) Yuuryaku (Hùng Lược) bạo ngược nhưng đa tình, cũng như mối tình loạn luân bị cấm đoán của Karu no Miko (Khinh Thái Tử) và em gái cùng mẹ là Sotôri no Ôkami (Y Thông Vương), kết cục phải cùng nhau tự sát. Quyển trung còn mang nặng những chi tiết có thần tính trong khi quyển hạ nói nhiều về con người bình thường hơn. Kojiki đã bắt đầu cho biết có những tranh chấp quyền lực trong giai cấp thống trị như âm mưu đoạt ngôi Thiên hòang thứ 11 Suinin (Thụy Nhân) do chính anh em của vợ mình là Hoàng hậu Sabohime, việc Hoàng hậu Jinguu (Thần Công), vợ góa Thiên hoàng thứ 14 Chuuai (Trọng Ai), đánh giặc Tân La trở về phá vỡ được âm mưu đảo chánh khi mình vắng mặt, truyện Thiên hoàng thứ 15 Ôjin (Ứng Thần) lưỡng lự không biết lập con trưởng hay con thứ.
Giá trị về tư liệu lịch sử của Kojiki (mà nhà quốc học Motoori Norinaga đọc theo âm kana thành Furukotobumi) không bao nhiêu nhưng nó đã làm được phận sự thống nhất những truyền thuyết về thị tộc mà hoàng gia là trung tâm. Ngoài ra còn chen vào đó trên một trăm bài ca dao nên đã miêu tả sống động được khung cảnh thế giới thời bấy giờ.
Kojiki còn kể lại những câu chuyện cho ta biết về tập tục cổ xưa như gương hy sinh và tình yêu của hoàng tử Yamato Takeru no Mikoto đối với vợ là Ototachibana Hime no Mikoto, người đã nhảy xuống biến làm vật hy sinh để cho chồng thoát khỏi cơn bão tố, để sau đó đi đánh được giặc Emiji. Xem ra, nó giống như việc Jonas bị ném xuống biển cho yên gió bão chép trong Thánh Kinh Cựu Ước và việc vua Mykenai thời cổ Hy Lạp là Agammenon đem con gái tế thần biển cầu sóng yên gió lặng để xuất binh đi đánh thành Troy.
Ngoài bài tựa thuần túy bằng Hán văn, Kojikiđã được viết bằng một biến thể của Hán văn nghĩa là mặt chữ là chữ Hán nhưng cách đọc được phiên ra âm Nhật. Lý do là để thể hiện trung thành được quốc ngữ. Những câu quan trọng hay ca dao đều được viết với cách thức mỗi chữ Hán đại diện một âm mà thôi
[18]. Đó là lối chữ viết gọi là man.yôgana (nghĩa là chữ mượn kiểu được dùng trong tập thơ Man.yôshuu (Vạn diệp tập).
Ônoyasu Maro, người soạn Kojiki, rất khổ tâm vì phải dùng một văn tự ngoại lai để ký lục sự tích của nước mình nên đã dùng phép âm huấn
[19]để có thể, qua chữ Hán, giữ được âm Nhật.
Kojiki được coi như là một kiệt tác trong loại văn chương thần bí cho dù nhiều học giả ngày nay đặt nghi vấn về xuất xứ của nó..Trong một quãng thời gian dài, nó không được nhắc tới nhiều ở triều đình Nhật Bản, vốn bắt đầu thấm nhuần văn hóa đại lục và có khuynh hướng nhìn nhận giá trị của Nihon shoki. Ngay cả đối với giới tăng lữ Thần đạo, Kojiki cũng không được sử dụng nhiều bằng các bộ cổ sử Nihon shoki, Kogo shuui (Cổ ngữ thập di, 807), và cả đối với ngay một quyển sách ngụy tạo thời Heian là Sendai kuji hongi (Tiên đại cựu sự bản kỷ, còn gọi là Kujiki, Cựu sự ký). Kojiki chỉ được phẩm định lại giá trị bởi các nhà quốc học thời Edo, noi gương phục cổ của các học giả Khổng giáo đương thời, muốn tìm về nguồn gốc dân tộc bằng cách dựa vào những sách vở cổ xưa nhất.
E) Nihon shoki (Nhật Bản Thư Kỷ):
Tác phẩm này tương truyền do Hoàng thân Toneri
[20](Toneri Shinnô, Xá Nhân Thân Vương) làm tổng tài việc biên tập năm 720 nghĩa là sau Kojikichỉ có 8 năm, theo lệnh của thiên hoàng (thứ 44) Genshô (Nguyên Chính) . Đó là tập sử biên niên
[21]viết bằng chữ Hán mà thôi và ghi lại những biến cố từ thời chư thần lập quốc đến đời (nữ) Thiên hoàng (thứ 41) Jitô (Trì Thống, trị vì 686-697).
Nihon Shoki được xem như quyển đầu tiên trong sáu bộ sử của nhà nước (Lục Quốc Sử, Rikkokushi
[22])
. Năm quyển kia cũng được các quan trong triều soạn theo chiếu chỉ. Đó là Shoku Nihongi (Tục Nhật Bản Kỷ, 797, 40 quyển), Nihon kôki (Nhật Bản hậu kỷ, 840, 40 quyển), Shoku Nihon kôki (Tục Nhật Bản hậu kỷ, 869, 20 quyển), Nihon Montoku Tennô jitsuroku (Nhật Bản Văn Đức Thiên Hoàng thực lục, 879, 10 quyển) và Nihon sandai jitsuroku (Nhật Bản tam đại thực lục 901, 50 quyển) kể chuyện các đời thiên hoàng về sau. Đến thời Heian, quyền thần Fujiwara ngăn cản việc viết sử vì sợ những mưu toan nắm chính quyền của họ bị phanh phui.
Nihon shoki gồm 30 quyển, nội dung thần thoại, truyền thuyết có nhiều chỗ trùng lặp với Kojiki nhưng cách ghi chép có phương pháp sử học hơn nhiều. Ví dụ trong quyển nói về chư thần, Nihon shoki dùng kiểu nói “Có sách viết…” để đưa ra nhiều thuyết khác nhau mà so sánh, chứng tỏ đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu. Cách trình bày của sách trôi chảy, có nhiều sự thực lịch sử đáng tin.Có lẽ sách được biên do yêu cầu làm sao nâng được uy tín của quốc gia trong quá trình đối ngoại. Ishimoda Tadashi
[23]trong Nihon no kodai kokka (Nhật Bản cổ đại quốc gia) dựa trên tư liệu Tùy thư, Đường thư và chính Nihon shoki cho rằng đây là văn kiện để các sứ thần sang nhà Trung Quốc trình bày về nước mình khi trả lời các câu hỏi của hoàng đế nhà Tùy và nhà Đường. Ảnh hưởng lối viết sử thư của Trung Quốc được thấy khá rõ ở đây. Ví dụ như khi kể lại truyền thuyết của vợ Hoàng tử Yamato Takeru Mikoto (trong sách nầy viết tên chữ Hán của hoàng tử là Nhật Bản Vũ Tôn) nhảy xuống biển để hải thần nguôi giận không gây sóng gió, đã cho biết gốc tích bà là con ai, người vùng nào và vùng biển họ đi qua nằm ở đâu.
Trong 30 quyển chỉ có quyển 1 và 2 nói về thời các thần, 28 quyển sau nói về thời của con người, có chua ngày tháng năm rõ ràng, cạnh chính văn còn có các loại biệt truyện bên lề. Có những đọan sử rất hào hứng như đoạn liên quan đến việc đảo chánh và tru diệt tập đoàn Soga Emishi và Iruka vào năm 644 (trong quyển 24) do hoàng tử Naka no Ôe (Trung Đại Huynh, sau này là thiên hoàng Thiên Trí tức Tenji) chủ mưu, cuộc trấn áp hoàng tử Arima (Hữu Gian) cũng do một tay Naka no Ôe dưới thời nữ thiên hoàng Saimei (Tề Minh), mẹ ông, năm 658 (quyển 26) và cuộc tranh ngôi giữa hai chú cháu hai Thiên hoàng Tenmu (Thiên Vũ ) và Kôbun (Hoằng Văn, con Tenji) năm Nhâm Thân 672 (quyển 28).
Bảng so sánh Kojiki (Cổ Sự Ký) và Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ)
Tác phẩm | Kojiki | Nihon Shoki |
Xuất hiện | Năm 712 | Năm 720 |
Người soạn | Hieda no Are đọc cho Ôno Yasumaro chép | Toneri Shinno chủ trì biên tập |
Số quyển | 3 (thượng-trung-hạ) | 30 quyển |
Nội dung | Từ thời các thần đến thiên hoàng Suiko (tại vị 592-628) | Từ thời các thần đến thiên hoàng Jitô (tại vị 690-697) |
Văn tự ghi chép | Chữ Hán đọc theo âm Nhật | Thuần túy thể văn chữ Hán |
Mục đích | Xác định địa vị trung tâm của thiên hoàng trên nước Nhật | Biểu dương quyền lực quốc gia với ngoại bang |
Đặc điểm | Nhiều kịch tính. Nhiều truyền thuyết. Có tính văn học | Có tính cách một cuốn sử thư. So sánh nhiều nguồn thông tin khác nhau. |
Xuất xứ: Genshoku Shiguma Shinkokugo Binran, Tôkyô, 2002
Trong một thời gian khá dài, Nihon Shoki đã đóng vài trò chính yếu trong sinh hoạt nhà nước và tôn giáo, từ đời Nara mãi đến đời Kamakura và Muromachi. Ngoài ra Shoku Nihongi (Tục Nhật Bản kỷ), một trong Rikkokushi (Lục quốc sử), do Fujiwara no Tsugutada (Đằng Nguyên, Kế Thằng) và Sugano Mamichi (Quản Dã, Chân Đạo) soạn ra theo chiếu chỉ cũng đã hoàn tất năm 797. Nó gồm 40 quyển tiếp nối Nihon shoki và chép lại lịch sử Nhật Bản từ năm 697 (đời thiên hoàng Mommu = Văn Vũ) đến năm 791 (đời thiên hoàng Kanmu = Hoàn Vũ), nghĩa là trọn thời kỳ Nara. Tuy chất lượng biên tập kém so với quyển trước nhưng nó có giá trị sử thư rất lớn.
F) Fudoki (Phong thổ ký):
Loạt sách hầu như viết bằng Hán văn theo giọng văn thời Lục Triều, văn hành chánh lúc đó, là bộ sách được biên tập theo lệnh của Thiên hoàng (thứ 43) Genmei (Nguyên Minh) năm 713 một năm sau khi Kojiki ra đời. Bộ sách này còn được gọi là Ko Fudoki (Cổ phong thổ ký) để phân biệt với các tập Fudoki đời sau. Các địa phương (kuni) phải giải thích nguyên lai địa danh vùng mình, kê khai sản vật, địa thế, sao chép các truyện xưa tích cũ hay “cựu văn dị sự” do bô lão kể lại vào đó. Nhờ thế, phong thổ, sinh hoạt của từng địa phương được thu thập trình bày. Ngày nay, trong số các Fudokiđó, chỉ còn những tập ký lục địa dư (có giá trị dân tộc học lớn) của năm miền là còn truyền lại
[24]nhưng không đầy đủ. Trong đó quan trọng nhất là Izumi no kuni no fudoki (Xuất Vân quốc phong thổ ký). Các sách địa dư nầy được ghi chép ở địa phương, không qua tay trung ương nên tuy lời văn không đẽo gọt nhưng ghi chép trung thực tâm tình và lối sống của dân chúng sở tại nên rất bổ ích. Về văn thể, tuy dùng văn chữ Hán nhưng cũng có chỗ dùng văn biến thể từ chữ Hán và các loại văn sắc lệnh hành chánh (senmyôgaki, tuyên mệnh thư) nữa .
Sách Fudoki vùng Izumo đã ghi chép lại truyền thuyết quan trọng về khoanh nước thêm rộng (kunibiki) và nhường nước (kuniyuzuri), có thể hàm ý về việc khai khẩn hay thu phục đất đai và nhường quyền cai trị. Fudoki vùng Harima kể chuyện hoàng tử Takekashima no Mikoto dụ giặc Kuzu ra khỏi doanh trại, vây chúng và nhảy múa 7 ngày 7 đêm chung quanh rồi giết được. Đó là những câu chuyện có ý nghĩa bóng gió đến quá trình thống nhất của nhà nước Nhật Bản. Tuy nhiên cũng có truyện phi chính trị, chỉ mang màu sắc lãng mạn như truyện hai người nam nữ trẻ tuổi yêu nhau trong một đêm hội hát ghẹo utagaki, ra bãi Unai tình tự, mắc cỡ sợ có người thấy, đến sáng ra biến thành hai cây tùng. Truyện nầy được ghi lại trong Fudoki xứ Hitachi. Có cả truyện cô vợ cả hay ghen với cô vợ hai, giải thích điềm chiêm bao để hù dọa chồng khỏi đến thăm bà bé nữa hay truyện một nàng tiên xuống chơi trần thế, đi tắm bị dấu mất quần áo phải ở lại trần gian làm con nuôi ông bà lão, nấu rượu tiên để làm giàu cho họ. Fudoki vùng Tango còn để lại dấu tích truyện chàng đánh cá Urashima Tarô
[25](Phố Đảo Thái Lang) trở về từ Long Cung.Tuy nhiên ở đây ta đã thấy ảnh hưởng màu sắc Đạo Giáo về sự hiện hữu của một cõi thần tiên dưới nước, có thể đã du nhập từ Trung Quốc (Đào Hoa Nguyên Ký của Đào Tiềm đời Tấn)
Không rõ là các địa phương đã chấp hành mệnh lệnh biên soạn nghiêm chỉnh tới mức nào. Fudoki vùng Izumo (tỉnh Shimane bây giờ), soạn năm 733 còn được giữ lại nguyên vẹn trong khi Fudoki của các vùng khác hầu hết đã thất lạc, ngoại trừ tư liệu của 5 vùng là Hitachi (tỉnh Ibaraki, khoảng 718), Harima (tỉnh Hyogo, khoảng 723), Bungo (tỉnh Oita, khoảng 733) và Hizen (tỉnh Saga, khoảng 733).
Cách viết Fudoki như Hitachi fudoki (Ghi chép phong thổ đất Hitachi), cũng như các tác phẩm trước đó, cơ bản là theo lối văn cắt khúc từng bốn chữ một và theo cách tu từ đẹp đẽ của thể tứ lục biền ngẫu (các câu bốn và sáu chữ đối nhau, theo đúng luật bằng trắc, như những cặp ngựa sóng đôi). Tuy nhiên những đoạn giải thích về địa danh thì không thể sử dụng viết Hán văn một cách đơn thuần nên người viết Fudoki lại dùng “Hán văn biến thể” nghĩa là tiếng Nhật (Hòa ngữ) thể hiện bằng văn tự của người Hán. Cách viết hỗn hợp nầy sẽ là nguồn gốc của hai loại văn học khác nhau: Hán văn (như thi tập Kaifuusô) và Hòa ngữ (thi tập Man.yô-shuu).
G) Truyền thuyết của các thị tộc và truyện khuyến giáo:
Trong khi chế độ pháp luật (ritsu) và lệnh hành chính (ryô) của nhà nước (luật lệnh = ritsuryô) dần dần được củng cố, các thổ hào địa phương cũng thu thập những truyền thuyết đặc sắc truyền từ thời xa xưa của tập đoàn mình. Hãy còn dấu tích một tư liệu thuộc loại kể trên vào cuối đời Nara là Takahashi Ujibumi (Cao-Kiều-thị văn, 789) tức là tờ sớ (nay đã thất lạc) của dòng họ Takahashi tâu lên triều đình việc tranh tụng quyền tế lễ với họ Azumi (An Đàm). Đầu đời Hei-an lại có Kogo Juu-I (Cổ Ngữ Thập Di (807) tương truyền do Imbe-no-Hironari (Trai Bộ, Quảng Thành) viết để giải thích lai lịch dòng họ mình khi những người này tranh chấp quyền coi cúng tế trong triều đình với họ Nakatomi (Trung Thần). Cả hai đều là bút tích của các thị tộc đề cao uy tín của dòng họ mình, xưng tụng công trạng tổ tiên. Đó cũng là một loại tư liệu sử học và văn học có giá trị.
Ngoài những sử liệu của các thị tộc còn có những truyện thuyết giáo (thuyết thoại, setsuwa) của nhà Phật là loại văn học mới bắt đầu có trên đất Nhật từ khi Phật Giáo truyền đến. Quan trọng nhất là Nihon Ryôi Ki (Nhật Bản linh dị ký), còn gọi là Nihonkoku Genpô Zen-aku Ryôi Ki (Nhật Bản Quốc hiện báo thiện ác linh dị ký ). Sách này vốn do tăng Kyôkai, còn đọc là Keikai (Cảnh Giới), chùa Dược Sư biên tập xong khoảng năm Kônin (Hoằng Nhân, 810-814) nên có nhiều truyện liên quan đến thời Nara (710-794) ngay trước đó. Chủ yếu tập sách nầy chứng minh thuyết nhân quả ứng báo và nhằm bố giáo rộng rãi trong dân chúng nên miêu tả rất sống động sinh hoạt của người đương thời, mở đường cho loại văn thuyết thoại thế tục (giai thoại có tính răn đời nói chung) thời Hei-an về sau.
H) Tính văn học của Ký Kỷ:
Việc biên tập Kojiki và Nihon Shoki (gọi chung là Ký Kỷ) (và ngay cả Fudoki) hàm chứa mục đích củng cố sự tập trung quyền hành của hoàng tộc xuất thân từ tập đoàn Nam Kyuushuu làm cho hai tác phẩm Nhật Bản nói trên không được xem như là “bài thơ tự sự của một dân tộc” như cách nói khi người ta bàn về giá trị của thần thoại. Dầu sao, không phải mọi chi tiết trong đó đều do chính quyền tự ý dựng đứng lên.
Ienaga Saburô trong Nihon Bunkashi(Nhật Bản Văn Hóa Sử, Lê Ngọc Thảo dịch)
[26]đã tìm thấy những chi tiết tượng trưng cho văn hóa xa xưa của dân tộc Nhật. Truyện hai thần Izanaki và Izanami sinh ra đất đai giống với thần thoại ở các đảo Indonesia (giữa Kalimantan và Celebes) và truyền thuyết của người Maori ở Nam Thái Bình Dương. Truyện hai anh em Hikohohodemi (tức Umisachi và Yamasachi, con trai Ninigi ) của Nhật tranh chấp nhau một cái lưỡi câu cũng giống thần thoại ở Celebes. Cũng đồng quan điểm ấy, trongNihon Bungakushi Josetsu (Nhật Bản Văn Học Sử Tự Thuyết, quyển 1, trang 46), giáo sư Katô Shuuichi cho rằng thần thoại Nhật Bản không có gì có thể gọi là đặc biệt của người Nhật. Nó chỉ là những mảnh vụn kết hợp 2 nguồn: phương Nam của các đảo Thái Bình Dương (như truyện hai anh em Hikohohodemi vừa kể) và nguồn phương Bắc của vùng Bắc Á. Ví dụ truyện Ninigi no Mikoto, cháu nữ thần mặt trời, giáng lâm trên đỉnh núi Takachiho-no-mine giống sự tích Đàn Hùng (Hwanung, có sách phiên âm là Hằng Hùng) xuống trần từ ngọn Thái Bá Sơn (còn gọi là Paektu hay Bạch Đầu) của Triều Tiên. Đó là chưa kể sự tích “nữ thần mặt trời”giống như Amaterasu được phân bố trong nhiều khu vực ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Các chi tiết về bùa phép, đồng cốt và tang lễ chép trong Kojiki cũng được thấy trong thư tịch Trung Quốc Ngụy chí, Nụy nhân truyện. Những bài ca dao chép trong sách nói trên đã nói đến đời sống săn bắn của người dân vùng Yamato, chứa đầy sinh khí của sinh hoạt quần chúng thời nguyên thủy. Kojiki, tác phẩm viết vừa bằng Hán văn lẫn văn Nhật nên thật thà hơn Nihon shoki. Truyện Yamato Takeru no Mikoto oán hận vua cha bắt mình đi chinh chiến lao đao đã cho ta thấy con người nguyên thủy hãy còn đứng ngoài vòng chi phối của tư tưởng trung hiếu nhà Nho.
Người cổ đại vì gần gũi với thiên nhiên nên hoang dã, chưa bị những cấm kỵ của lễ nghi. Đoạn nói về “đề nghị” tạo thiên lập địa của thần nam Izanagi với thần nữ Izanami đ ược viết như sau:
Thân thể ta đã xong đâu vào đấy nhưng, có một chỗ thừa ra. Vì thế, ta muốn lấy chỗ thừa đó lấp kín vào chỗ không khép lại được của ngươi, để sinh ra đất đai. Ngươi thấy thế nào?
(trích Kojiki)
Truyện giao cấu như thế và truyện nữ thần Ame no uzume đã chưng vú và lộ âm hộ để nhảy múa trước hang đá trên trời để dụ nữ thần thái dương Amaterasu đang giận dỗi (vì thằng em thô lỗ) và núp trong đó phải chui ra, cho ta thấy tính cách phóng túng trong tình dục của con người cổ đại. Hơn nữa, truyện sau nầy (có nhảy múa) còn chứng minh ảnh hưởng tính cách đồng cốt (shamanism) của văn hóa Bắc Á (Tây Bá Lợi Á, Mông Cổ, Triều Tiên) đối với thần thoại Nhật Bản (và có thể là một hình thức sân khấu thời nguyên thủy).
Ký Kỷ (tên tắt gọi chung Kojiki và Nihon Shoki) có thể nói là nơi hội tụ hai dòng văn học: một dòng dân gian bắt đầu từ thời Yayoi (niên đại để chỉ thời gian từ 300 trước CN) đến thế kỷ thứ bảy và một dòng trí thức chịu ảnh hưởng bên ngoài thành hình giữa thế kỷ thứ 7 và thứ 8. Tính dân gian thấy trong Ký Kỷ là lối văn viết như nói chuyện, có lúc lạc đề, có những truyện thêm thắt vào nửa chừng làm mất đi sự cân đối của quyển sách. Đây không thể nói là kiểu viết đến từ đại lục vì ở Trung Quốc đã có sự tôn trọng qui củ, trật tự. Điều này chứng tỏ tuy Ký Kỷ là do tầng lớp cai trị dùng để chính thống hóa triều đại mình vẫn không xóa được dấu vết của truyền thống văn học dân gian tiềm ẩn trong đó. Ký Kỷ tuy có ghi những chuyện với dụng ý chính trị như việc thiên hoàng Nintoku lên nơi cao thấy khói nhà dân thưa thớt, thương trăm họ đói nghèo nên tha thuế và sưu dịch trong ba năm nhưng cũng nói về bà hoàng hậu tính nết ghen tuông của ông đã bỏ cung điện lên núi ở. Nó còn ghi việc vị “thánh đế” kia giả vờ đi tuần du để đến đất Kibi thăm một người đàn bà khác hay việc Nintoku có lần sai người em trai là Hayabusawake đi đón nàng Medori (em của hoàng hậu) về làm thiếp mình nhưng sứ giả và cô gái lại yêu nhau nên thiên hoàng tức giận cho bộ hạ đuổi theo giết họ (sau khi gán cho cậu em tình địch tội mưu phản). Sự “mâu thuẫn” ấy đã làm mất đi tính cách thiêng liêng của vị “thánh đế” Nintoku và làm buồn lòng các nhà giải thích lịch sử theo đường hướng ái quốc cực đoan. Ngược lại, nó cho ta thấy đế vương thời cổ cũng có những tình cảm rất con người như ta thôi.
Ký Kỷ đã “đặt” những bài ca dao vốn bắt nguồn từ nông dân vào cửa miệng một số anh hùng trong truyền thuyết nhưng người ta vẫn thấy rõ tính dân gian trong đó vì những bài nầy không đề cập đến những gì cao xa trừu tượng, ca ngợi thành công đại nghiệp gì cả mà chỉ nói tới những tình cảm đơn sơ đời thường như yêu đương, nhớ gia đình, nhớ quê hương.
G) Vai trò Triều Tiên Cổ Đại đối với Nhật Bản trong thần thoại:
Quốc gia gần nhất trên phương diện địa lý đối với Nhật Bản là Triều Tiên. Thời cổ, nước Triều Tiên chỉ là một nhóm các tiểu quốc nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn lên trên lịch sử Nhật Bản.
Khoảng thế kỷ thứ 4 và thứ 5 tức tiền bán thời đại Kofun (Cổ Phần, 300-700) “Mộ Cũ”, đã có rất nhiều hình thức văn hóa từ đại lục đến Nhật Bản, lúc đó hãy còn giới hạn trong vùng triều đình Yamato cai quản.Vào thế kỷ thứ 4, tình hình bán đảo Triều Tiên mất an ninh nên người ở đó đã chạy qua tị nạn ở Nhật và mang theo nhiều kỹ thuật. Các tay hào tộc Yamato đã tích cực thâu nhận họ.Ví dụ ngày nay ở vùng Kyôto còn có dòng họ Hata-uji (Tần thị) mà tổ tiên là một người có tên là Yuzuki no Kimi (Cung Nguyệt Quân) đã đem nghề nuôi tằm truyền vào đất Nhật từ đời thiên hoàng (thứ 15) Ôjin (Ứng Thần, niên đại không rõ). Các người di trú (toraijin = độ lai nhân) này đã đem nghề nông, nghề rèn, nghề xây cất…và qui tụ thành những nhóm cùng nghề (shinabe = phẩm bộ). Người chuyên dệt cữi thì vào hataoribe (cơ chức bộ), người làm gấm vóc vào nishigoribe (cẩm chức bộ), người làm đồ gốm thuộc về suetsukuribe (đào tác bộ), người biết ghi chép văn thư thì thuộc về fuhitobe (sử bộ).
Ta đã biết người Nhật không có văn tự riêng, phải dùng chữ Hán truyền từ đại lục để ghi chép lời nói. Chỉ mãi về sau họ mới bắt đầu có văn tự biểu âm riêng nhưng những ký hiệu ấy cũng thoát thai từ chữ Hán.Tương truyền giữa thế kỷ thứ 4, thứ 5, quan bác sĩ người Kudara (Bách Tế, một trong ba nước Hàn)
[27]tên Wani (âm Hán là Vương Nhân) đã đến Nhật di trú và đem theo bộ sách Nho Giáo Luận Ngữ (Rongo) và tập thơ 250 câu 4 chữ tức Thiên Tự Văn(Senjimon)
[28]. Di tích tối cổ của văn tự thời ấy nay còn ghi lại 6 chữ Hán khắc 5 âm Wakatakeru, tục truyền là tên thiên hoàng (thứ 21) Yuuryaku (Hùng Lược, giữa thế kỷ thứ 5, niên đại không rõ) trên một thanh kiếm gọi là Shichishitô (Thất chi đao) hay cây kiếm bảy nhánh, tương truyền do vua nước Kudara và thế tử của họ làm ra để tặng “vua nước Yamato” vào năm 369. Nay thanh kiếm ấy còn được gìn giữ ở đền Ishinokami Jinguu (Thạch Thượng thần cung) ở Nara.
Đến thế kỷ thứ 6, thứ 7 thì văn hóa phẩm đã thêm nhiều. Năm 513, ngũ kinh bác sĩ cũng gốc Kudara tên Dan-yôni (âm Hán là Đoàn Dương Nhỉ) tinh thông kinh điển (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu) đến Nhật và truyền bá đạo Nho. Năm 554, các bác sĩ thông hiểu Dịch học, Lịch học, Y học cũng lần hồi đến Nhật. Ngoài ra, người nước Kôkuri (Cao Cú Lệ) tên Donchô (Đàm Trưng) cũng đem mực, giấy, họa cụ đến Nhật truyền bá hội họa.
Hai nhà nghiên cứu J. Carter Cowell và A. Cowell (bà J. Carter Cowell xuất thân đại học Columbia, tiến sĩ sử học, từng sống lâu năm ở Nhật và Đại Hàn) còn đi xa hơn khi đưa ra thuyết rằng một số thiên hoàng trong thần thoại Nhật Bản chính là người Triều Tiên. Theo hai ông bà, thiên hoàng thứ 14 Chuuai (Trọng Ai) và hoàng hậu Jinguu (Thần Công) chỉ là cặp vợ chồng mà chồng là vua nước Tân La (Shilla) đóng đô ở Taegu (Đại Khâu) thuộc đông nam Hàn Quốc bây giờ và vợ là một cô công chúa Phù Dư (Puyo), quốc gia có thời toàn thịnh giữa thế kỷ thứ 1 và thứ 3, lưu lạc từ miền Bắc (Nam Mãn Châu) xuống Bách Tế (Kudara), một quốc gia ở vùng sông Cẩm Giang. Hai người nầy đã dẫn một đoàn kỵ binh thiện chiến lên thuyền qua xâm chiếm đất Yamato của Nhật Bản. Con của hoàng hậu Thần Công sẽ là thiên hoàng thứ 15 Ứng Thần (Ôjin) thấy trong Kojiki, chỉ là người mở đầu triều đại của dân tộc kỵ mã (horseriders) gốc Triều Tiên trên đất Nhật.
Kojiki của Nhật Bản đã giải thích ngược lại, cho rằng Chuai và Jingu là người Nhật đã dẫn binh đi đánh Tân La nhưng luận cứ của Kojiki và sử gia Nhật Bản dưới mắt J. Carter Cowell và A.Cowell đã có nhiều điểm mâu thuẫn như hành trình ngược đời của cuộc hành binh lại đi từ bắc xuống nam thay vì từ nam lên bắc, ngoài ra các di vật phát quật từ các cổ mộ cho thấy ảnh hưởng của văn hóa Triều Tiên rất sâu rộng vì những vật dụng tùy táng và các bức bích họa trong các lăng mộ thiên hoàng Nhật Bản thời đó đều mang sắc thái đặc biệt của văn hóa dân tộc kỵ mã. đến từ bán đảo. Báo chí còn cho biết một số cổ mộ quan trọng trong số 900 ngôi đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ như lăng hai Thiên Hòang Ôjin và Nintoku vẫn còn bị người Nhật cấm khai quật, vin cớ động mồ động mả tổ tiên của thiên hoàng tại vị, nhưng có lập luận cho rằng chính phủ Nhật hãy còn muốn tránh cho dân chúng thấy dấu vết quá sâu đậm của văn hóa Triều Tiên trên nước họ.
Cũng theo hai sử gia người Mỹ nói trên, người vợ hay ghen của Thiên Hòang Nintoku trên thực tế là một cô công chúa, có tên là Iwa no Hime (Công Chúa Đá) đến từ Nam Triều Tiên,và ai cũng biết đá là vật tổ của bộ lạc Phù Dư, đã chạy từ bắc xuống Nam sau những cuộc đụng độ với dân Cao Cú Lệ (sau đó, nước Phù Dư miền bắc mất năm 494 về tay Cao Cú Lệ). Ngoài ra, thế lực Izumo ở vùng tỉnh Shimane, được nói đến trong Kojiki, đã phải nhường nước cho thế lực Kyuushuu có phải chăng là con cháu của hai hoàng tử con vợ trước của Chuai (Trọng Ai), vua nước Tân La (theo ông bà Carter Cowell, là thiên hoàng thứ 14 của Nhật trong Kojiki) đã qua tận Nhật để tranh hùng với người vợ góa của cha mình là bà Jinguu?
Trong tập Shinsen Shôji-roku (Tân tuyển tính thị tộc) làm ra thời Heian, trong số trên 1300 họ thì đã có đến 30% xuất thân từ nước ngoài.Ban đầu những người này sống gần Kyôto-Ôsaka bây giờ nhưng sau tản ra cả nước. Địa danh mang âm sắc Triều Tiên như Kôrai (Cao Lệ) Shiragi (Tân La), Koma (Cao Lệ) hãy còn thấy ở vùng gần Tôkyô.
Như thế, ta đã thấy, thời thượng cổ, ảnh hưởng của đại lục đến Nhật Bản qua ngã Triều tiên rất quan trọng. Văn hóa và văn học đại lục dù là Trung Quốc, Ấn Độ hay Ba Tư, do điều kiện địa lý, trao đổi thương mại và liên minh quân sự, hầu như được truyền đến bằng con đường gián tiếp nầy.
VĂN HỌC VÀ TẾ LỄ :
Người thời cổ chấp nhận sức mạnh thần bí của thiên nhiên, nên qua hành động cúng tế, họ muốn ổn định vị trí của mình trong cái vô trật tự của thiên nhiên. Họ muốn trấn áp cái vô trật tự hoang dại đó bằng những nghi thức của tế lễ. Họ tin rằng những câu thần chú đọc trong cái buổi lễ như các chú ngôn (jugon), chú từ (jushi) sẽ tác động được lên hành vi của thần linh vốn tượng trưng bằng sức mạnh của thiên nhiên. Những câu thần chú có sức mạnh đặc biệt, khác với ngôn ngữ hằng ngày, những lời nói ra sẽ cứ như thế mà được thực hiện. Lời hay, đẹp (chú = chúc mừng) thì mang đến điều lành, lời ác, xấu (chú = trù ẻo, nguyền rủa) thì mang đến điều gỡ. Chữ “koto” vừa được hiểu là lời nói (ngôn) lại vừa được hiểu là sự việc (sự) do đó tín ngưỡng coi lời nói có hàm chứa một một sức mạnh thiêng liêng được gọi là “tín ngưỡng ngôn linh” (kotobadama). Ngôn ngữ vừa là công cụ để con người kêu gọi, xin xỏ thần linh và cũng là hình thức thần linh mượn lại để bày tỏ ý kiến của mình cho con người.
A) Cầu chúc (Chúc Từ, Norito):
Khi các cộng đồng thể đã hợp nhất thành quốc gia thì việc tế lễ trở thành phận sự và trên qui mô của nhà nước. Nội dung của tế lễ và lời cầu nguyện là mong sao cho hoàng gia được trường cửu và nước nhà được bình yên, Những lời chú ấy (jugon và jushi) càng ngày càng được trau chuốt, văn nhã và kéo dài ra thành từ chương.Chúc từ (norito) lại được ghép thêm vần điệu (vận luật = inritsu), đối chọi cân xứng (đối cú = tsuiku) và lập đi lập lại để gây ra ấn tượng trang trọng. Về nội dung, nó có thể là lời khấn khứa cho mùa màng tốt đẹp, giải vận hạn hay chúc thọ vua chúa. Những lời cầu chúc ấy ngày nay còn được ghi lại trong hai tập sách là Engi.shiki (Diên Hỉ thức, 27 biên) và Taiki (Đài Ký, 1 biên).
Engi.shiki là một tập ghi chép tỉ mỉ việc áp dụng phép tắc do thiên hoàng Daigo (Đề Hồ, trị vì 897-930) ra lệnh cho bọn thần hạ là Fujiwara no Tokihira (Đằng Nguyên, Thì Bình) và Tadahira (Trung Bình) làm. Gồm 50 quyển, soạn xong năm 927. Chúc từ, phần nhiều làm khoảng thời Nara, được ghi chép từ quyển 27 về sau. Còn Taiki là nhật ký của đại thần Fujiwara no Yorinaga (Đằng Nguyên, Lại Trường) trong khoảng 1136-55, nói về nghi thức trong cung và có ghi lại một thiên chúc thọ (yogoto) của họ Nakatomi, một gia đình đời đời giữ việc cúng tế, soạn ra.
B) Tuyên cáo (Tuyên Mệnh Thư, Senmyôsho):
Mặt khác, ta lại thấy chúc từ còn mang những hình thức hành chánh thực dụng bằng tản văn như loại tuyên cáo (senmyô, tuyên mệnh), tấu sớ (sôjôtai, tấu thượng thể).Tuyên mệnh có nghĩa truyền đạt ý chí (mikoto, mệnh) của nhà vua nhưng đến đời Hei-an thì những truyền đạt đó nếu viết bằng chữ Hán thì được gọi là chiếu sắc, nếu viết bằng văn Nhật được gọi là tuyên mệnh. Mỗi lần có dịp tức vị, đổi niên hiệu, bình định giặc giã, lập hoàng hậu, lập thái tử thì cần tuyên mệnh nên tuyên mệnh thư hay senmyôsho tức là văn bản bày tỏ ý chí của người cầm quyền. Do đó, về hình thức, nó cũng trang trọng không kém chúc từ.Hiện nay, những tuyên mệnh thư cổ nhất còn được thu thập lại trong Shoku Nihon shoki (Tục Nhật Bản thư kỷ) gồm có 62 biên và liên quan đến đời thiên hoàng (thứ 42) Mommu (Văn Vũ , trị vì 697-707) trở về sau mà thôi.
CỔ TÍCH :
Trong truyền thống văn học cổ đại, ngoài thần thoại, ca dao còn có truyện cổ. Cổ tích hay truyện cổ dân gian dùng để gọi những câu truyện có nguồn gốc từ thời xa xưa, lưu truyền trong dân. Người ta không rõ niên đại của nó và nó thường được truyền miệng trong một khoảng thời gian dài (cho đến khi các nhà sưu tập thêm bớt những yếu tố của thời đại họ để viết ra một cách hoàn chỉnh). Truyện cổ dân gian nhiều khi được xem như truyện nhi đồng mà đối tượng dĩ nhiên là trẻ con. Giống như một con người, một dân tộc cũng có thời trẻ con của nó, cho nên nội dung của các truyện cổ dân gian thường là đơn sơ chất phác mà mục đích có thể là để giải thích một hiện tượng thiên nhiên, truyền lại lớp người sau một kinh nghiệm cuộc sống hay để mua vui. Nhân vật trong đó có thể là thần tiên, thế giới động vật hay thực vật chung quanh họ và đượm màu viễn mơ như trong một giấc mộng. Nó chưa có được cấu trúc hợp lý , tinh vi, có mục đích giải khuây thuần túy và chưa đượm màu sắc luân lý của các truyện giải buồn (otogi-banashi), truyện kể (monogatari) tức là một hình thức tiểu thuyết sơ khai hay truyện răn dạy (setsuwa) của đời sau.
Những nhà khảo chứng đầu tiên của Nhật về cổ tích (mukashi.banashi) dưới dạng truyện nhi đồng (dôwa hay warabe no monogatari) có lẽ là hai người viết tiểu thuyết thời Edo : Santô Kyôden (Sơn Đông, Kinh Truyền, 1761-1816) và Kyokutei Bakin (Khúc Đình, Mã Cầm, 1767-1848). Takagi Toshio
[29]cho biết Kyoden trong tác phẩm Kottoshuu (Cốt đổng tập) “Tập Truyện Cổ” đi tìm nguồn gốc của truyện “Khỉ và cua đánh nhau” (Saru kani gassen, truyện này giải thích tại sao bây giờ mặt khỉ lại đỏ và càng cua lại có lông). Theo ông, truyện khỉ và cua nầy đã thấy chép trong một tác phẩm tên “Truyện lạ dạy con” (Isei teikun, Dị chế đình huấn) đã có từ 500 trước (nghĩa là thế kỷ 13). Tác phẩm đó lại là vật sao chép các yếu tố đã được các ông già bà cả truyền miệng từ trước nữa.
Nguồn gốc các truyện cổ khó minh định vì nó vừa bắt nguồn từ trí tuệ dân gian nhưng cũng có thể đến từ kinh Phật, từ Trung Quốc, Triều Tiên hay từ sử sách Nhật Bản nữa mà hình thức cố định có khi chỉ mới hoàn thành sau nầy (cuối thời Muromachi :1392-1573). Nhà viết tiểu thuyết Bakin thời Edo trong quyển thứ tư của “Ghi lại ngọc thô núi Yên Sơn” (Enseki zasshi, Yên thạch tạp chí) cũng đã cất công khảo chứng 7 truyện cổ dân gian nổi tiếng mà ông ví là những viên ngọc thô lấy ở núi Yên Sơn bên Trung Quốc, cần phải mài giũa để thấy giá trị đích thực của chúng. Đó là “Khỉ và cua đánh nhau” (Saru kani gassen), “Cậu bé anh hùng sinh từ quả đào” (Mono Tarô), “Chim se sẻ bị cắt lưỡi biết đền ơn» (Shitakiri-suzume), “Ông lão làm hoa nở” (Hanasakajiji), «Tài nghề của thỏ” (Usagi ôtegara), “Gan khỉ sống” (Saruno ikigimo), “Chàng Urashima Tarô” (Urashima-shi).
Dù vậy, bước vào thời hiện đại, đã có nhiều học giả Nhật Bản đã ra công góp nhặt và phân tích truyện cổ. Người đầu tiên ở Nhật nghiên cứu truyện cổ một cách nghiêm túc có lẽ là nhà dân tộc học Yanagita Kunio (Liễu Điền, Quốc Nam, 1876-1962). Năm 1947, ông đã cho in Nihon mukashibanashi meii (Nhật Bản tích thoại danh vựng) “Thu góp truyện cổ dân gian Nhật Bản” nói về nguồn gốc, lịch sử và các thể loại truyện cổ. Ông xem truyện cổ như “đứa con rơi” của thần thoại, trước tiên bắt đầu với những truyện về người anh hùng (10 thể loại với 83 mô-típ), sau đó lại sinh sôi ra những thể loại phụ như truyện nhân duyên vợ chồng, truyện cỏ cây chim muông và truyện cười (5 thể loại với 153 mô-típ). Học trò của ông, Seki Seigo (Quan, Kính Ngô, 1899-1990), người chú trọng tính quốc tế của truyện cổ và chủ trương nghiên cứu đối chiếu, bởi vì con người cổ đại thường có nhũng thắc mắc chung như tìm hiểu con người đã được tạo dựng ra bằng cách nào, làm sao để có lửa, tại sao đất sinh ra hoa màu… Seki đã biên tập Nihon mukashibanashi shuusei (Nhật Bản tích thoại tập thành) “Tổng tập truyện cổ Nhật Bản” gồm 6 quyển (1950-58) qui tụ 8700 truyện. Sau đó Ineda Kôji (Đạo Điền, Hạo Nhị) và Ozawa Toshio (Tiểu Trạch, Tuấn Phu) đã góp lại truyện cổ Nhật Bản trong Nihon mukashibanashi tsuukan (Nhật Bản tích thoại thông quan) “Nhìn suốt truyện cổ Nhật Bản”, 29 quyển (1977-89), gồm sáu vạn truyện và biến thể của chúng, xem như tập tư liệu đầy đủ nhất từ trước tới nay.
Trong phạm vi hạn hẹp của quyển sách này, chỉ xin kể vài truyện được xem như là phổ thông hơn cả, thường được đem vào sách giáo khoa để dạy cho trẻ em.
-Truyện Issun Bôshi “Thằng Bé Một Tấc” :
Có ông bà lão không con, khấn vái trời phật mới sinh được đứa bé trai tí hon, chỉ cao có một tấc ta (3,03 cm). Đặt tên là “Thằng Bé Một Tấc” và dốc lòng nuối dưỡng. Sau đó, cậu mang thanh gươm (thật ra là cây kim” lên kinh đô làm việc ở phủ công chúa. Một hôm, theo hầu công chúa vào cung, giữa đường bị quỉ xông ra tấn công và nuốt vào bụng. Cậu dùng cây kim chọc bụng quỉ. Quỉ đau quá, phải mửa cậu ra và tháo chạy. Cậu nhờ sức cây chùy vàng của quỉ bỏ lại, biến hình thành người vóc lớn và kết hôn với công chúa.
Truyện thuộc mô-típ “trị quỉ” và “cầu hôn”. Đã được Shibukawa chép lại trong Otogizôshi “Truyện Giải Buồn” thời Edo. Tương tự Le Petit Poucet (Thằng Bé Tí Hon) của Pháp.
-Truyện Urashima Tarô “Chàng Urashima Tarô”
Chàng Tarô mua lại con rùa bị bọn trẻ chọc phá và phóng sinh xuống biển. Chẳng ngờ rùa là người nhà vua Thủy Cung nên chở chàng trên lưng xuống dưới đó chơi. Chàng được kết hôn với công chúa nhưng sau nhớ nhà xin về. Công chúa cho hộp ngọc làm kỷ niệm nhưng dặn đừng mở. Về đến nơi, Tarô thấy làng xóm nhà của đã đổi khác như đã đi xa từ lâu. Tò mò mở hộp thì một làn khói bốc lên và chàng biến thành một ông lão.
Truyện này thuộc mô típ “Cứu súc vật được đền ơn”, cũng đã được người đời sau là Shibukawa sử dụng lại. Truyện Urashima Tarô dã được nhắc đến trong các tác phẩm cổ của Nhật như Nihon Shoki “Nhật Bản Thư Kỷ” và Man.yô-shuu “Vạn diệp tập”. Nó không khác mấy truyện Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai (Trung Quốc) hay Từ Thức gặp tiên (Việt Nam).
– Tại sao đuôi khỉ lại ngắn và mặt khỉ lại đỏ:
Ngày xửa ngày xưa đuôi khỉ vốn dài tới 33 hiro
[30]. Ngày nay đuôi khỉ còn ngắn củn là bị gấu lừa. Số là một hôm khỉ đến thăm nhà gấu, vấn kế xem dùng cách nào để bắt được nhiều cá. Gấu mới mách là đêm nào lạnh như hôm nay, cứ ra chỗ có vực sâu, ngồi lên kè đá rồi thòng đuôi xuống nước thì khắc biết kết quả. Nhất định là đủ loại cá sẽ bu tới.
Khỉ mừng quá làm theo y như vậy và ngồi đợi. Khi đêm đã quá khuya, đuôi khỉ bắt đầu thấy nặng vì băng đóng lại nhưng khỉ lại ngỡ là cá xúm lại bu. Thấy cá nhiều như thế đã đủ và vì trời lạnh khỉ vội về nên ra sức kéo đuôi lên nhưng không tài nào kéo nổi. Hoảng kinh, khỉ giật một cái thật mạnh thì đoạn từ đầu đến cuối cái đuôi bỗng đứt phựt. Khỉ thành ra cụt đuôi. Còn mặt khỉ đến bây giờ vẫn đỏ vì lúc đó dùng sức nhiều quá.
-Truyện Sarukani Gassen “Khỉ và cua đánh nhau”
Cua nhặt được nắm cơm, khỉ nhặt được hạt thị. Khỉ đề nghị đổi, cua chịu. Cua gieo hạt, cây thị mọc ra trái. Thấy thế, khỉ bèn hái, leo lên cây, quả chín thì xơi một mình, quả xanh lại vứt xuống nhằm cua. Cua chết nhưng cua con lại sinh ra từ xác cua. Sau đó các bạn của cua như hạt dẻ, ong, phân bò, cối … rủ nhau đi phục thù cho cua. Khỉ về đến nhà thấy thế núp sau bếp nhưng bị ong chích, phân bò làm trượt chân, cối rơi trúng ngay đầu. Cua con cắt được đầu khỉ.
Truyện thuộc mô-típ “kẻ giảo hoạt bị phục thù”. Tuy cách khai triển truyện này không thấy có ở các dân tộc khác nhưng truyện nói lên sự đối địch giữa các giống vật và đồ vật, đề cập đến đặc tính của chúng cũng được thấy ở Mông Cổ, Miến Điện, Trung Quốc, Triều Tiên và dân tộc thiểu số Ainu.
-Truyện Shitakiri Suzume “Chim sẻ bị cắt lưỡi đền ơn”
Ông bà già không con mới nuôi một con chim sẻ. Một hôm, sẻ lỡ dại anh cháo hồ của bà lão. Bà ta giận cắt lưỡi nó và đuổi đi. Ông lão đi làm về, nghe thế bèn chạy đi tìm nó. Ông chịu khổ nhục uống nước đái ngựa và bò để được bọn mục đồng chỉ đường đến chỗ ở của sẻ. Sẻ vui mừng tiếp ông già, lúc về tặng quà, bảo hãy lựa một trong hai cái giỏ. Ông lão chọn cái giỏ bé, khi về thấy trong đó toàn châu báu. Bà lão thèm thuồng, bắt chước ông già, đến thăm sẻ. Sẻ tiếp rước hờ hửng nhưng cũng cho quà. Bà ta chọn cái giỏ lớn nhưng về mở ra thì chỉ thấy toàn rắn rết.
Truyện này thuộc mô típ “ông già bà già” hay “ông lão hàng xóm” để so sánh hai thái độ tốt và xấu và hai kết quả phù hợp với hai thái độ đó.
Truyện đã được các nhà tiểu thuyết thời Edo dùng cho các sách bìa đỏ (Akahon) và còn ghi lại trong Enseki zasshi (Yên thạch tạp chí). Ở vùng Yô, một địa phương Miến Điện cũng có một truyện cổ giống như thế.
-Truyện Hanasakajii “Ông lão làm hoa nở”
Một ông già tốt bụng vớt con chó trôi sông và đem về nuôi. Chó dẫn đường ông đào được kho tàng. Ông già hàng xóm qua xin mượn con chó nhưng khi đi đào chẳng có gì. Lão ta bèn nổi giận giết con chó. Ông lão tốt bụng đem xác nó chôn và trồng một cái cây để làm dấu chỗ đó. Cây lớn lên to. Ông lão lấy cây chế ra cái cối giã bánh dày thì vàng bạc ra đầy. Lão hàng xóm mượn cối về giã thì chỉ có đồ ô uế hiện ra.. Hận quá, lão đốt cả cối. Ông lão tốt bụng lấy tro rãi ra cây khô đều ra hoa, được đức vua khen thưởng. Lão hàng xóm bắt chước nhưng tro lại bay vào mắt đức vua nên bị xử hình.
Truyện này thuộc mô típ “tái sinh nhiều lần”, lấy chó làm nhân vật chính. Ở Triều Tiên, Okinawa cũng có truyện như thế nhưng vai chính lại là mèo. Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Miến Điện có những biến thể nhưng với hai nhân vật là người anh bất hiếu và cậu em có hiếu, thuộc mô típ “anh em tranh giành”. Tấm Cám của Việt Nam và Cô Bé Lọ Lem của Âu Châu cũng cùng một hình thái.
-Truyện Hoshi wo Otosu “Chọc Cho Sao Rớt”
Cậu em muốn quơ sào để chọc cho sao trên trời rơi xuống. Ông anh thấy thế đề nghị: “Muốn kéo sao xuống dễ dàng, chú nên lên nóc nhà cho nó gần hơn!”.
Truyện này thuộc loại truyện cười. Sách Seisuishô (Tỉnh thụy tiếu) “Thức cười ngủ cười” ra đời vào thế kỷ 17 có kể lại một biến thể nhưng nhân vật là chú tiểu và nhà sư.
-Truyện Momo Tarô “Cậu Bé Sinh Từ Quả Đào”:
Bà lão khi đi giặt đồ nhặt được quả đào trôi sông, cùng với ông lão bổ ra thì thấy bên trong có một chú bé con. Đặt tên là “Thằng Bé Quả Đào”. Cậu này lớn lên như thổi, xin được đến hòn Đảo Quỉ để hàng phục quỉ sứ. Bà lão sửa soạn bánh dày cho đem theo.Đến giữa đường, gặp ba con vật là chó, khỉ và chim trĩ, nhập bọn.Nhờ sự giúp sức của ba con vật, cậu bé diệt được quỉ dữ và đoạt được châu báu mang về,
Truyện này là một trong năm truyện cổ nổi tiếng của Nhật. Có những biến thể như về nơi sinh (quả dưa thay vì quả đào). Nơi dân tộc thiểu số Pai ở Trung Quốc cũng có truyện như thế nhưng trong đó, một cô gái, mẹ cậu bé, ăn quả đào trôi sông, có mang và đẻ ra cậu. Enseki zasshi cũng có ghi lại truyện này và thời đại chiến thứ hai, nó được dùng để được dùng để phục vụ tuyên truyền.
Nhìn chung, trong truyện cổ tích, tuy để mua vui nhưng cũng truyền đạt một thứ luân lý sơ khai, luân lý đời thường (common sense). Một vài mô-típ quen thuộc của nó (mô típ “mẹ ghẻ”, “biệt ly”, “thách rể”, “đền ơn”…) sẽ đan với nhau và trở thành nền tảng cho truyện kể (monogatari) , hình thức tiểu thuyết sơ khai đến sau. Sau đây là một chuyện liên quan đến mô típ luân lý đời thường (Con bồ câu có hiếu) và một chuyện mang chủ đề biệt ly (Bà vợ chồn).
– Truyện con bồ câu có hiếu :
Ngày xửa ngày xưa, bồ câu vốn tính không nghe lời. Không bao giờ chịu theo cha mẹ. Bảo lên núi thì nó lại xuống ruộng, bảo ra đồng thì nó lại lên nương làm rẫy. Cha mẹ lúc chết muốn được chôn ở trên núi nhưng biết nó không làm theo lời mình dặn bèn cố ý bảo ngược lại là muốn được chôn ngoài bãi sông. Sau đó họ chết.
Thế nhưng bồ câu ta từ ngày cha mẹ mất đi lại hối hận đã không biết vâng lời. Lần này nó mới làm đúng lời cha mẹ mong mỏi nghĩa là đem đem họ an táng ngoài bãi sông. Thế nhưng chôn ở bờ sông thì khi nước lớn, mộ dễ bị trôi. Nó lo lắng không biết làm sao. Vì vậy mỗi lúc trời mưa to nó cứ rầu rĩ, thương cha nhớ mẹ khóc rưng rức.Nó nghĩ phải chi trước kia sớm nghe lời cha mẹ thì đâu ra nông nỗi này. (Truyện vùng Noto).
– Truyện bà vợ chồn :
Ngày xưa, ở vùng Mangyô thuộc xứ Noto có anh chàng Saburô-bê, một hôm ra ngoài đi tiêu về thì thấy trong nhà mình có hai bà vợ. Nhất định một trong hai bà phải là ma nhưng từ dung mạo cho đến cách ăn nói, kích thước, không có gì khác nhau cả. Đem nhiều việc ra hỏi để thử xem ai thật ai giả nhưng hai người đều trả lời vanh vách như nhau nên anh chàng không biết tính làm sao. Nhân một trong hai người có một điểm đáng ngờ nên Saburô-bê mới đuổi người đó đi và giữ lại người thứ hai. Từ đó gia đình không những làm ăn phát đạt mà còn sinh được hai con trai. Một trong hai cậu, lúc lớn lên, một hôm chơi trốn bắt trong nhà bất chợt khám phá ra cái đuôi của bà mẹ. Bị lộ hình tích, biết không còn sống chung được, người vợ bèn đi thú thật với chồng mình vốn là chồn rồi gạt lệ, bỏ hai con lại mà ra đi.Từ đó mỗi năm đến mùa lúa chín, người vợ chồn kia hay đứng bên ruộng của Saburô-bê, vừa đi vừa hát “Đè gié lúa xuống!”. Thành ra lúa nhà anh chàng lúc nào cũng ít hạt hơn nhà khác nên khi quan kiểm lúa đi xem xét đều tha cho anh khỏi phải nộp cống. Thế nhưng lúc đem lúa về nhà tuốt ra thì lúa nhà anh hạt lại nhiều hơn bất cứ lúa nhà nào. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh càng ngày càng sung túc. (Truyện ở Noto Kashima).
Nói chung, hiện nay ta chưa có thể, hay nói đúng hơn, chắc sẽ chẳng bao giờ chứng minh được cổ tích với hình thức chỉnh đốn mà ta biết bây giờ có thực sự là những câu chuyện truyền khẩu trong dân gian không và nó đã ra đời vào thời điểm nào và với hình thức nguyên thủy ra sao.
TẠM KẾT :
Trong giai đoạn lịch sử văn học kế tiếp, thần thoại sẽ được nối tiếp bằng những tiểu thuyết dã sử như “Truyện Kiếp Vinh Hoa” (Eiga Mongatari) và “Đại Kính” (Ôkagami). Riêng cổ tích sẽ được phát triển, hệ thống hóa hơn để thành nền móng cho truyện kể, bắt đầu với “Truyện Ông Già Đốn Trúc” (Taketori Monogatari), còn ca dao sẽ khơi nguồn cho các ca tập như “Vạn diệp tập” (Man.yô-shuu) hay truyện thơ kiểu “Truyện Ise” ( Ise Monogartari).
______________________________
Xem thêm:
[1]Thời kỳ trước khi có đồ đất nung ra đời (Pre-ceramic Age), nghĩa là tương đương với thời đồ đá cũ (Paleolithic Age) và trước thời kỳ kết thừng (Jômon Period, khi người ta biết vẽ hoa văn hình dây thừng trên lọ gốm).
[2]Thời kỳ đánh dấu bằng đồ gốm trơn phần nhiều dùng đựng thức ăn và để nấu ăn, phát quật năm 1884 ở khu Yayoi (khu Hongô, trung tâm Tôkyô), khi kỹ thuật trồng lúa nước và đồ sắt từ đại lục đã truyền vào, trước thời đại cổ mộ (Kofun, Tumulus period).
[3]Chú ( majinai) những câu chữ (có tính cách mê tín dị đoan) thường không có ý nghĩa, mượn sức mạnh thần bí để trừ tai ách. Được phân loại thành chú ngôn (jugon), chú từ (jushi) và chú văn (jumon).
[4]Truyền miệng gọi là khẩu thừa (kôshô) hay khẩu tụng (cũng đọc là kôshô), giữa dân chúng với nhau hay qua một hạng người chuyên nghiệp là thành phần kataribe (ngữ bộ) chuyên môn ghi nhớ và truyền miệng cho người khác những gì học được.
[5]Nếu văn chương truyền khẩu có thể bắt nguồn từ thế kỷ thứ 4,5 thì những tập văn xuôi đầu tiên chỉ ra mắt vào đầu thế kỷ thứ 8 và tuyển tập thơ đầu tiên xuất hiện nửa thế kỷ sau.
[6]Asuka mệnh danh nền văn hóa mang tính chất Phật Giáo đầu tiên vùng đất phía nam Nara cạnh lưu vực sông Asukagawa, từ đời (nữ) thiên hoàng Suiko (Thôi Cổ, tại vị 592-628) và kéo dài một cách gián đoạn trên một trăm năm kể từ năm 594.
[7]Thời đại nằm giữa thời Asuka và Tenpyô, kéo dài từ cuối thế kỷ thứ 7 sang đầu thế kỷ thứ 8. Đánh dấu bằng cuộc biến loạn năm Nhâm Thân (Jinshin no ran, 672) và sự xác định uy thế của ngôi vị thiên hoàng sau đó. Chịu ảnh hưởng phong cách thanh tân của văn hóa Sơ Đường.
[8]Còn đọc là Tenhei, niên hiệu của Thiên hoàng (số 46) Shômu (Thánh Vũ, tại vị 724-749), thời kỳ bắt đầu từ cuối triều Nara (710) cho đến khi thiên đô về Hei-ankyô (794), Kyôto.
[9]Nhân vật thuộc hoàng tộc (574-622), cháu của (nữ) Thiên hoàng Suiko (Thôi Cổ), học vấn uyên thâm, chính trị lỗi lạc, cha đẻ nhà nước Nhật Bản, đã giao lưu với Trung Quốc và chấn hưng Phật Giáo. Người được xem như khuôn mẫu cho chính trị gia mọi thời.
[10]Ý nghĩa cuả từ thuyết thoại (setsuwa) đã đổi khác đi vào thời trung cổ trở đi và khi nói đến văn học thuyết thoại (setsuwa bungaku), có nghĩa là nói đến loại văn học vừa có tính cách tự sự, truyền kỳ, giáo huấn, ngụ ngôn và bình dân. Tính nghệ thuật của nó tuy không cao nhưng phản ánh được sinh hoạt tầng lớp đông đảo nhất trong xã hội.
[11]Khác với René Sieffert, Katô Shuuichi cho là Nara mô phỏng Trường An chứ không phải Lạc Dương.
[12]Ônoyasu Maro (?-723), học rộng, thờ trải 3 đời Thiên hoàng (thứ 42,43,44) Monmu (Văn Vũ), Genmei (Nguyên Minh) và Nguyên Chính (Genshô), không những đã soạnKojiki mà còn tham gia vào việc biên tu Nihon Shoki. Mộ chí của ông được tìm thấy năm 1979 ở xóm Konose thuộc thành phố Nara..
[13]Cuộc biến loạn năm Nhâm Thân 672 (Jinshin no Ran) do sự tranh giành ngôi thiên hoàng giữa chú là hoàng tử Ô-ama (Đại Hải Nhân hoàng tử , sau trở thành Thiên hoàng Tenmu tức Thiên Vũ) và cháu là hoàng tử Ô-tomo (Đại Hữu) , con trai Thiên hoàng Tenji (Thiên Trí). Lý do khá phức tạp, trong đó có cả mối hận tình của Ô-ama bị anh là Tenji lấy mất vợ.
[14]Teiki (đế kỷ) tức gia phả các đời vua chúa.
[15]Honji (bản từ) hay truyện xưa tích cũ, nghĩa là truyền thuyết, thần thoại liên quan từ hoàng gia,quí tộc đến thứ dân
[16]Hieda no Are tương truyền là một cô đồng (miko), năm sinh năm chết không rõ, có trí nhớ tốt, giỏi thuộc lòng. Có thể là người có tài nhớ được nhiều bài tụng trong các cuộc tế lễ đời xưa.
[17]Giống truyện Orpheus trong thần thoại Hy Lạp xuống cõi âm tìm vợ là Erydice.
[18]Viết theo lối này sẽ làm chữ Hán mất hẳn ý nghĩa nguyên thủy của nó. Chỉ có người Nhật hiểu với nhau. Ví dụ “tonikaku” có nghĩa “dù sao” viết là “thố nhi giác” nhưng chẳng liên quan đến “thỏ” (thố) hay “sừng” (giác) gì cả.
[19]Đọc theo âm hay Âm độc (Onyomi) giữ cả cách đọc lẫn ý của chữ Hán ví dụ Thu đọc là Shu. Huấn độc (Kun.yomi ) nghĩa là đọc chữ Hán theo lối Nhật (ví dụ cùng chữ Thu ấy đọc là Aki).
[20]Thân Vương Toneri (Xá Nhân Thân Vương, 676-735), con trai Thiên hoàng (thứ 40) Tenmu (Thiên Vũ), thờ 4 triều các Thiên hoàng (thứ 42,43,44,45) Mommu (Văn Vũ), Genmei (Nguyên Minh), Genshô (Nguyên Chính), Shômu (Thánh Vũ). Ông học rộng, thông minh mẫn tiệp, là một nhà thơ có tên trong Man.yôshuu. Trong tiếng Nhật cổ, Toneri (Xá Nhân) dùng để chỉ những người thuộc lực lượng cận vệ, thường là con cháu quí tộc.
[21]Biên niên là lối viết sử trình bày tất cả các chi tiết theo trật tự thời gian, khác với lối truyện ký có phân chia bản kỷ (đế vương), liệt truyện (nhân vật quan trọng) vv…
[22]Rikkokushi (Lục Quốc Sử) sáu bộ sử chép bằng văn thể chữ Hán việc từ thời đại chư thần dựng nước đến thời Thiên hoàng (thứ 58) Kôkô (Quang Hiếu, trị vì 884-887), bắt đầu bằng quyển Nihon shoki ( viết năm 720) và kết thúc bằng Nihon sandai jitsuroku (Nhật Bản Tam Đại Thực Lục, 901)
[23]Ishimoda Takashi (Thạch Mẫu, Điền Chính), dẫn bởi Kataao Shuuichi, quyển1, trang 41.
[24]Năm địa phương để lại phong thổ ký là các xứ Hitachi (vùng Tokyo), Harima, Izumo (vùng Kyoto), Bungo và Hizen (vùng Kyuushuu). Trong số đó, chỉ có năm biên soạn của Izumo Fudoki (733) là được biết chinh xác.
[25]Truyện Urashima Tarô tương đương với truyền thuyết Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai của Trung Quốc, ông tiều Rip Van Winkle của Mỹ hay Từ Thức gặp tiên của Việt Nam.
[26]Ienaga Saburô, sđd, trang 18-28.
[27]Bách Tế (Paeckhe, Kudara), tiểu quốc nằm ở phía tây bán đảo Triều Tiên, một trong ba nước Hàn. Cửa ngõ truyền văn hóa Nho Giáo và Phật Giáo vào đất Nhật. Đồng minh của triều đình Yamato trong cuộc đối kháng với hai nước láng giềng Cao Cú Lệ ( Kôkuri) và Tân La (Shiragi) . Bị liên quân Đường -Tân La diệt năm 660.
[28]Nakazawa Nobuhiro, Nihon no Bunka (Văn hóa Nhật Bản), Natsume-sha, 2002, trang 34.
[29]Takagi ,Toshio, Dôwa no kenkyuu (Nghiên Cứu Truyện Nhi Đồng), Kodansha, Gakujutsu Bunko, Tokyo, 1977.
[30]Hiro (tầm), đơn vị đo lường được định nghĩa là 5 đến 6 shaku (xích), ước lượng một tầm dài từ 1, 515m đến 1,818m. Thường để đo chiều sâu dưới nước. Ở đây ý nói dài thật dài.
Trích từ tác phẩm Tổng quan Lịch sử Văn học Nhật Bản của tác gia Nguyễn Nam Trân
Tags: Nhật Bản, Văn học, Văn hóa Nhật Bản