⠀
Sự nguy hiểm của các thể loại ‘thần tượng’ rác rưởi trên mạng
Việc lãng mạn hóa đời sống “xã hội ngầm” đã khiến một bộ phận khán giả ngưỡng vọng đời sống ấy với cái nhìn ngây thơ và lệch lạc. Từ đây, một dạng thần tượng méo mó bắt đầu được tôn vinh.
Năm 2020, Phú Lê từng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi cố ý gây thương tích. Ảnh: Trần Cường / Thank Niên Online.
Sau đêm trung thu, hình ảnh của Phú Lê (giang hồ mạng xã hội) đã được chia sẻ khá mạnh mẽ trên mạng, đi kèm theo những phê phán chỉ trích. Trong trang phục giả trang hoàng đế nhà Thanh, Phú Lê nhảy múa, hát trên sân khấu của một trường học ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái.
Khán giả, tất nhiên, là những học sinh của trường học này và theo thông tin của nhiều tờ báo, số lượng học sinh ở trường này không hề ít chút nào.
1. Sau sự việc trên, lãnh đạo huyện Trạm Tấu đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải giải trình. Báo cáo của Phòng GD&ĐT cho biết, kế hoạch của phòng là tổ chức các chương trình trung thu cho các trường trên địa bàn. Và việc Phú Lê xuất hiện ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Làng Nhì trong chương trình “Đêm hội trăng rằm” là theo một đoàn từ thiện. Đến đây, chúng ta đã hiểu phần nào. Có lẽ, đoàn từ thiện mà Phú Lê tham gia lựa chọn điểm đến là trường Làng Nhì nên do đó có phần trình diễn của “giang hồ mạng” này trên sân khấu. Mấu chốt nằm ở chính Ban giám hiệu nhà trường, những người có quyền từ chối sự xuất hiện của một nhân vật nhiều tai tiếng như Phú Lê trên sân khấu.
Cách đây 3 năm, Phú Lê từng bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi cố ý gây thương tích với hai phụ nữ. Sự việc không thành án bởi lý do bị hại đã rút đơn. Chúng ta không nên xét những gì người khác đã làm trong quá khứ và một trong những yếu tố cơ bản để xây dựng tính nhân văn chính là mở con đường hoàn lương cho những người từng lạc lối. Song, chúng ta cần suy xét những hành vi hiện tại của một cá thể nào đó để đánh giá xem họ có nên được xuất hiện ở trước công chúng hay không, đặc biệt là ở môi trường giáo dục. Và Phú Lê vẫn nổi tiếng trên mạng xã hội ở tư thế của một giang hồ mạng. Như vậy, khi các thầy cô giáo chấp nhận cho anh ta bước lên sân khấu trong sự cổ vũ của học sinh, chính các học sinh sẽ có suy nghĩ rằng Phú Lê là một thước đo cho sự nổi tiếng. Từ thước đo lệch lạc ấy, việc thần tượng lệch lạc hoàn toàn có thể dẫn tới những hành vi lệch lạc của học sinh sau này.
Chúng ta từng biết về câu chuyện của Khá “bảnh” cách đây vài năm, và cũng từng lên án mạnh mẽ cho tới khi Khá “bảnh” phải hầu ta và lĩnh án về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Từ Khá “bảnh”, đã không ít thanh thiếu niên có cách ăn mặc, vũ đạo, cách nói… không khác gì “thần tượng mạng” của mình. Tưởng như đó cần phải là một cảnh tỉnh nhưng cuối cùng, song sự tồn tại ngang nhiên của những Phú Lê, Huấn Hoa Hồng… vẫn còn rất dai dẳng và thậm chí được cổ xúy một cách thiếu cân nhắc. Kết quả hiện tại, chỉ riêng với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Làng Nhì, sẽ là sự mất niềm tin khi nhận thấy ngay cả các thầy cô trong Ban giám hiệu cũng có thể dễ dàng chấp nhận một người như Phú Lê.
Nhưng câu hỏi cần được đặt ra là tại sao những cá nhân kiểu như Phú Lê lại có thể dễ dàng xuất hiện chỗ này, chỗ nọ trong những cổ xúy méo mó? Thực tế, Phú Lê thích hát và hay hát. Và trước sự kiện tai tiếng ở Trạm Tấu đêm trung thu vừa rồi, Phú Lê đã xuất hiện trên sân khấu không ít lần. Các sân khấu ấy chủ yếu là các phòng trà nhỏ, các quán bar. Việc chủ đầu tư các sân khấu này để Phú Lê bước lên sân khấu có thể được lý giải một cách đơn thuần là vì lợi ích doanh thu. Tuy nhiên, vai trò của quản lý văn hóa ở đâu khi các đơn vị cấp sở ở các địa phương nhắm mắt làm ngơ cho các đêm biểu diễn này. Nên nhớ, các đêm diễn ấy đều có quảng cáo bằng hình ảnh công khai ngoài trời chứ không phải chỉ là những buổi diễn lén lút. Và khi một việc chướng tai gai mắt như thế có thể nghiễm nhiên tồn tại, chuyện những giang hồ mạng lấn sân sang cả sân khấu học đường trong vai các thần tượng cũng chỉ là chuyện thời gian mà thôi.
2. Có những thực tế mà chúng ta nên thừa nhận với nhau để đối diện hiện trạng xã hội và có cách xử lý với sự việc tai tiếng như thế này.
Thứ nhất, xu hướng ca khúc “đời giang hồ”, ca khúc “đời tù tội” hay “tình anh em” vốn dĩ rất phổ biến nhiều năm qua. Ở quá khứ, khi việc phát hành một bản ghi âm luôn phải qua kiểm duyệt nhà nước (cấp phép) thì bây giờ, chỉ cần đăng ký một tài khoản, một cá nhân hoàn toàn có thể phát hành bản ghi âm của mình toàn cầu. Song song với dòng ca khúc này là dòng phim webdrama chuyên mô tả đời sống anh chị. Đầy rẫy trên YouTube và các nền tảng xem video trực tuyến là thể loại phim này. Việc lãng mạn hóa đời sống “xã hội ngầm” đã khiến một bộ phận khán giả ngưỡng vọng đời sống ấy với cái nhìn ngây thơ và lệch lạc. Sự ngưỡng vọng ấy, được cộng hưởng với tính tò mò, đã khiến khán giả ưa tìm kiếm các nội dung gắn với những nhân vật giang hồ có thật. Chính vì thế, bắt đầu nảy sinh rất nhiều nội dung video của các giang hồ mạng, thách thức nhau rất to tiếng, hoặc các video mô tả những nhân vật cộm cán như những người hùng. Từ đây, một dạng thần tượng méo mó bắt đầu được tôn vinh.
Thứ hai, thời đại nội dung số hôm nay đang làm méo mó mọi thước đo chuẩn mực mà con người đã phải xây dựng rất nhiều thế kỷ. Một trong những méo mó chính là đánh giá về chất lượng của một sản phẩm văn hóa dựa trên các con số. Ở điểm này, ngay cả các nghệ sĩ cũng mắc bẫy hư vinh chứ không chỉ giới “hot tiktoker”, “hot youtuber” hay KOLs. Chuyện một ca sĩ ra mắt một MV, một đĩa đơn (single) nào đó và sau vài ngày lập tức báo chí ca tụng “chiếm đỉnh xu hướng” đã khiến cơn săn tìm con số trở nên vật vã hơn. Cách đây chưa lâu, một ca sĩ tung ra một bản “hit” và điều đáng nực cười là ca sĩ ấy liên tục cập nhật khoe số lượt “triệu views” này kia trong khi không hề có một đánh giá, phê bình nào từ giới chuyên môn. Thực tế, các ca sĩ cũng chẳng cần quan tâm tới đánh giá của chuyên môn. Họ cần con số bởi thời đại này là thời đại của con số. Ai nhiều số chứng tỏ người ấy thành công và những nhân vật kiểu như Phú Lê cũng vậy thôi. Chính cái con số gần 1 triệu lượt tài khoản theo dõi trang Facebook cá nhân của Phú Lê đủ nói lên tất cả. Sự ngưỡng mộ những con số sẽ dẫn tới ngưỡng mộ méo mó chủ nhân của những con số đó. Với rất nhiều người, con số chính là tiêu chuẩn và ai nắm nhiều con số, nghiễm nhiên kẻ ấy thành công.
Chính sự méo mó lệch lạc của những con số đã dẫn tới sự méo mó lệch lạc về chọn lựa thần tượng. Thực sự, có nhiều người là thần tượng của đám đông nhưng không ai hiểu nổi tài năng của cái nhân vật gọi là thần tượng ấy là gì. Tất nhiên, cũng sẽ có những người phản biện rằng “tạo ra nội dung đủ để xây nên những con số ngất ngưởng cũng là một dạng tài năng” nhưng có lẽ, họ nên nhớ lại câu chuyện của kẻ đốt đền trước khi bảo vệ quan điểm của mình.
Điều cơ bản nhất khi đối diện làn sóng văn hóa đại chúng lệch lạc này phải nằm ở giáo dục trước tiên, và phải là giáo dục cơ sở nhất, tức là từ gia đình. Nếu một đứa trẻ tự dưng cứ mê “anh Phú Lê” như điếu đổ mà cha mẹ của nó không có ý kiến gì, chắc chắn nó sẽ nghĩ điều nó làm không có gì sai quấy cả. Khi một đứa trẻ không được dạy dỗ để phân biệt thế nào là nghiêm túc, thế nào là nhảm nhí, ta khó có thể trách nó khi nó có lựa chọn lệch lạc. Và khi chính nhà trường cũng dung túng cho cái méo mó, lệch lạc này (như trường hợp ở Yên Bái), khả năng phân biệt của đứa trẻ sẽ càng bị hạn chế hơn nữa.
Khó có thể ngăn cấm toàn bộ các nội dung kiểu “anh chị” trên mạng xã hội bởi cơ bản, các nội dung ấy cũng chưa vi phạm luật pháp nhưng việc lên án chúng, không cổ xúy cho chúng một cách thường xuyên hoàn toàn có thể tạo ra một làn sóng đủ để tác động kiểu “mưa dầm thấm lâu” vào lớp trẻ. Chúng ta đang nói rất nhiều về bạo lực học đường, về lối hành xử kiểu anh chị của một bộ phận học sinh đối với bạn học của mình nhưng chúng ta không đặt ra câu hỏi căn nguyên các hành vi ấy. Chắc chắn, chúng có một phần không nhỏ đến từ những người xanh xanh đỏ đỏ đeo đầy đại bàng vàng chóe trên người và uốn éo hát những bài “xã hội ca” như Phú Lê và tự mãn rằng mình cũng là một dạng “ngôi sao” như những người lao động nghệ thuật nghiêm túc.
Theo VĂN ĐOÀN / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Thế giới số, Tội phạm, Suy thoái văn hóa