Sự chuyển giao công nghệ quân sự trong bối cảnh toàn cầu hóa

Phổ biến bí quyết công nghệ sản xuất vũ khí ngày càng được coi là một xu hướng chung trong toàn cầu hóa công nghiệp quốc phòng.

Thị trường vũ khí toàn cầu

Chiến tranh lạnh kết thúc, dưới tác động của sự phát triển tăng tốc của khoa học và công nghệ quân sự, vũ khí trang bị vừa dư thừa, vừa chóng bị lạc hậu, tạo ra một thị trường trang bị vừa rẻ, vừa đa dạng. Trên thị trường này, tình trạng ứ đọng vũ khí trang bị trên toàn cầu đã làm tăng thế mạnh của người mua, thậm chí thúc đẩy các hãng sản xuất chuyển nhượng cả bí quyết công nghệ khi ngày càng nhiều nước công nghiệp mới đang tạo dựng nền công nghiệp quốc phòng nội địa.

Đây là một “cơ hội vàng” cho những nước nghèo nhưng có nhu cầu thực tế xây dựng và hiện đại hóa quân đội. Nhiều nước biết nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và kịp thời có chiến lược mua sắm vũ khí trang bị với giá rẻ, sau đó nâng cấp, cải tiến bằng cách tích hợp những thành tựu công nghệ quân sự tiên tiến nhất, tạo ra những phương tiện hiện đại phù hợp với điều kiện sử dụng trong quân đội của từng nước, vừa đáp ứng yêu cầu chiến lược xây dựng một quân đội hiện đại hóa ở mức hợp lý tương xứng với vị thế của họ trong đầu thế kỷ XXI. Họ không bị cuốn hút vào dòng xoáy của cuộc cách mạng kỹ thuật quân sự như Mỹ, Tây Âu, mà chỉ nhằm hướng tới các yêu cầu và thách thức về quốc phòng – an ninh của họ.

Toàn cầu hóa công nghiệp quốc phòng

Trước đây, các nước có nền công nghiệp quốc phòng mạnh cho rằng độc quyền các hệ vũ khí công nghệ cao là một lợi thế chiến lược quan trọng. Ngày nay tình hình đã đổi khác. Do ngân sách ngày càng eo hẹp trong khi nhu cầu về vũ khí hiện đại tăng lên, công nghệ quân sự hiện đại đã nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu. Phổ biến bí quyết công nghệ sản xuất vũ khí ngày càng được coi là một xu hướng chung trong toàn cầu hóa công nghiệp quốc phòng.

Dưới tác động của toàn cầu hóa công nghiệp quốc phòng, các nước châu Âu đang chuyển biến qua một quá trình thay đổi cơ cấu hợp lý hóa và toàn cầu hóa, hình thành các kiểu liên kết công ty mới xung quanh các mạng quốc tế nghiên cứu sản xuất và thông tin theo kiểu “liên kết mạng công nghệ”, còn được gọi là “toàn cầu hóa về công nghệ”.

Đặc biệt, các công ty hoạt động ở các thị trường công nghệ tiên tiến với chi phí nghiên cứu và phát triển quá cao rất quan tâm đến quá trình toàn cầu hóa công nghệ. Khác với thị trường dân dụng, các công ty công nghiệp quân sự xuyên quốc gia là một hiện tượng tương đối mới và đang trở thành xu hướng rõ rệt vào cuối những năm 1980, phát triển nhanh từ sau những năm 1990.

Ở cả Mỹ và châu Âu, nhờ liên kết công nghệ mà các công ty hay các tập đoàn công ty đã chiếm ưu thế trên một số khu vực thị trường nhất định. Các hãng chính sản xuất máy bay quân sự, động cơ hàng không, điện tử quân sự, tên lửa và máy bay đang trong quá trình thành lập các công ty liên doanh. Ngoài các công ty xuyên quốc gia và đa quốc gia, các công ty công nghiệp quốc phòng lớn tham gia sở hữu cổ phần chéo và thành lập các công ty hoàn toàn mới trong quá trình tìm kiếm sự liên kết trong các hoạt động sản xuất và nghiên cứu phát triển.

Đặc điểm mới nhất của quá trình toàn cầu hóa công nghiệp quốc phòng là sản xuất vũ khí ở nước ngoài để tận dụng lợi thế ở thị trường nước sở tại, trước hết là các nước và vùng lãnh thổ công nghiệp mới ở châu Á – Thái Bình Dương như Đài Loan, Singapore, Indonesia và Hàn Quốc.

Vào cuối thế kỷ XX, sự phát triển các công nghệ căn bản, công nghệ mới trong các lĩnh vực bán dẫn, máy tính và nhiều lĩnh vực khác chủ yếu là nhằm đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu phát triển và sản xuất theo đơn đặt hàng quân sự. Nhưng đầu thế kỷ XXI, xu hướng này đã thay đổi. Các thành tựu khoa học – công nghệ mới bắt nguồn trước hết từ những ứng dụng trong công nghiệp dân dụng hơn là quân sự. Các đổi mới công nghệ cũng từ công nghiệp dân dụng chuyển vào quân sự nhiều hơn là ngược lại. Xu hướng này thể hiện rõ nhất ở Nhật Bản với ngày càng nhiều công nghệ dân dụng được đưa vào sử dụng trong các hệ thống quân sự tiên tiến.

Toàn cầu hóa quá trình lưỡng dụng công nghệ

Một cơ hội quan trọng làm thay đổi tương quan giữa công nghệ dân dụng và quân sự là thị trường quân sự ngày càng thu nhỏ, trong khi thị trường dân dụng không ngừng mở rộng, nên giá thành của sản phẩm công nghiệp quốc phòng độc lập không ngừng tăng.Cách tốt nhất là tích hợp các hệ thống nhằm ứng dụng công nghệ dân dụng vào mục đích quân sự.

Do đó, các hãng công nghiệp quốc phòng đang phải thay đổi cách tổ chức nghiên cứu phát triển và sản xuất, đồng thời thay đổi cách điều hành các mối quan hệ giữa các ngành dân dụng và quân sự. Trong khi các hãng dân dụng dễ dàng thâm nhập thị trường quân sự hơn thì các công ty công nghiệp quân sự thuần tuý ngày càng khó vượt ra khỏi thị trường quân sự.

Trên phạm vi quốc tế, các nước và các hãng hàng đầu về công nghệ dân dụng có thể từng bước giành được lợi thế cạnh tranh trên các thị trường quân sự.

Toàn cầu hóa chuyển giao công nghệ quân sự

Nhờ chuyển giao công nghệ mà sức mạnh quân sự của nhiều nước tăng lên. Đó không chỉ là mua và bán phần cứng công nghệ mà cả đổi mới, phổ biến, huấn luyện và đào tạo nhân lực công nghệ. Trên thực tế, chuyển giao công nghệ gồm các dụng sau: trao đổi các mặt hàng cơ bản sử dụng trong sản xuất công nghệ; mua bán giấy phép sản xuất và chế tạo, tài liệu khoa học – kỹ thuật; trao đổi huấn luyện và hợp tác giữa các hãng; thiết kế ngược bằng cách phân tích sản phẩm cuối cùng.

Công nghệ có thể được chuyển giao cả gói hay từng phần. Chuyển giao từng phần là tách riêng các phần như nghiên cứu phát triển, chế tạo, xây dựng, tiếp thị, huấn luyện và cùng sản xuất. Việc gắn kết những thành phần này với nhau thành một tổng thể đòi hỏi phải có kỹ năng quản lý. Bằng cách cung cấp công nghệ cả gói, hãng cung cấp giữ được thế mạnh trên thị trường. Trong khi hãng cung cấp muốn giữ bí mật tri thức kỹ thuật càng lâu càng tốt, thì người mua ngày càng muốn được chuyển giao bí quyết công nghệ.

Chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của nước nhận công nghệ do những tác động tích cực của nó. Tuy nhiên, điều đó còn tuỳ thuộc vào trình độ khoa học-công nghệ và khả năng “tiêu hóa công nghệ” của nước nhập khẩu công nghệ. Do đó, tốc độ và sự thành công của việc chuyển giao công nghệ một phần tuỳ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế.

Theo QUÂN SỬ VIỆT NAM

Tags: , ,