⠀
Siêu kênh đào Bình Lục sẽ tác động thế nào đến Việt Nam và Đông Nam Á?
Là dự án quốc gia trong thời đại mới, việc xây dựng kênh đào Bình Lục trở thành một trong những trọng tâm trong công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế tương lai của Trung Quốc.
Siêu kênh đào hoành tráng không kém đập Tam Hiệp
Cuộc họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 14 của tỉnh Quảng Tây cho biết việc xây dựng dự án kênh đào Bình Lục đang diễn ra suôn sẻ. Tính đến ngày 17/10, dự án kênh đào Bình Lục bước đầu đã tiêu tốn hơn 19 tỷ NDT với 13.187 nhân viên lao động và quản lý tại chỗ, 4.721 máy móc thiết bị lớn và 88.485 triệu mét khối đất đá đã được đào.
Kênh đào Bình Lục hiện là kênh đào lớn đầu tiên kết nối sông với biển được xây dựng kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập và được “thai nghén” từ cách đây hơn 100 năm. Đây còn là dự án chính của chiến lược Hành lang thương mại đất liền – biển quốc tế mới và là dự án mang tính bước ngoặt, giúp “cải vận” và khơi nguồn kinh tế tỉnh Quảng Tây.
Theo kế hoạch ban đầu, siêu kênh đào Bình Lục sẽ dài 135 km, bắt đầu từ cửa sông Bình Đường đổ ra Vịnh Bắc Bộ. Chi phí dự án ước tính khoảng 72,7 tỷ NDT (10,1 tỷ USD) và thời gian xây dựng là 54 tháng với khối lượng đất đá được đào là 340 triệu mét khối. Số lượng đất đá đào để xây dựng kênh đào Bình Lục nhiều gần gấp ba lần lượng đất đá đào lấp của kết cấu chính dự án đập Tam Hiệp (134 triệu mét khối).
Sau khi hoàn thành, kênh đào Bình Lục sẽ trở thành tuyến đường ra biển ngắn nhất, tiết kiệm nhất và thuận tiện nhất ở phía Tây Nam Trung Quốc. Dự kiến kênh đào Bình Lục sẽ vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2035. Hàng hóa đường thủy từ Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu đi ra biển từ Vịnh Bắc Bộ sẽ ngắn hơn khoảng 560 km so với đi tới cảng Quảng Châu. Nhờ đó, chi phí vận chuyển sẽ tiết kiệm hơn 5,2 tỷ NDT (725 triệu USD) mỗi năm.
Ngoài việc trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển nền kinh tế Quảng Tây, kênh đào Bình Lục còn giúp tạo ra hành lang đất liền – biển phía Tây và kết nối Trung Quốc với Singapore, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Nó sẽ cho phép các tàu container hoặc tàu chở hàng rời đi từ Quảng Tây đến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong vài tuần.
Từ đó, kênh đào Bình Lục sẽ giúp đa dạng hóa sự hội nhập của ngành sản xuất, chế tạo và xuất khẩu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các thành phố dọc tuyến đường, cải thiện kinh tế tổng thể của khu vực.
Kênh đào này hứa hẹn sẽ gắn kết chặt chẽ với nhau giữa thị trường Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tờ SCMP nhận định.
Tăng cường kết nối với khu vực Đông Nam Á
Không chỉ khơi thông hệ thống giao thông đường thủy, Trung Quốc còn tích cực kết nối với các quốc gia Đông Nam Á thông qua hệ thống đường sắt.
Vào năm 2021, Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc (CNRG) chính thức thi công tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào dài 414 km. Đây là dự án thuộc BRI đầu tiên được hoàn thành tại Đông Nam Á với tham vọng kết nối TP Côn Minh thuộc Vân Nam, Trung Quốc, với Lào.
Theo WB, tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc – Lào có thể giúp tăng lưu lượng mậu dịch giữa hai quốc gia từ 1,2 triệu tấn vào năm 2016 lên 3,7 triệu tấn vào năm 2030. Thời gian di chuyển bằng tàu từ Vientiane tới Boten cũng giảm xuống chỉ còn 4 tiếng, so với 15 tiếng nếu đi bằng ô tô như trước đây.
Tham vọng xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc tại Đông Nam Á không dừng lại ở Lào. Theo kế hoạch về tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500 km, Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch mở đường sắt cao tốc dọc theo Thái Lan, Malaysia và đến Singapore.
Trung Quốc còn tăng cường hợp tác xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc tại Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan và Indonesia. Vào tháng 10 vừa qua, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên Đông Nam Á ở Indonesia đã được khai trương.
Tuyến đường sắt cao tốc dài 138 km, là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường, phần lớn được tài trợ bởi các công ty nhà nước Trung Quốc với tổng trị giá lên tới 7,3 tỉ USD. Các đoàn tàu cao tốc sẽ di chuyển với tốc độ khoảng 350 km/h, giúp giảm thời gian đi lại giữa thủ đô Jakarta và tỉnh Bandung từ 3 giờ xuống dưới 1 giờ.
Kênh đào Bình Lục cùng các tuyến đường sắt cao tốc mới đều được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng trong khi tốc độ phục hồi kinh tế quốc tế lại chậm chạp.
Giao thương hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN vào năm 2022 đạt 975,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước và gấp 2,2 lần con số được ghi nhận cách đây 10 năm. “Việc đẩy nhanh việc xây dựng các hành lang quốc tế lớn thông qua kết nối giao thông đường thủy lẫn đường bộ” hứa hẹn sẽ giúp củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực và tăng sức cạnh tranh kinh tế, tờ SCMP nhận định.
Theo VIETNAM FINANCE
Tags: Đông Nam Á, Cơ sở hạ tầng, Hàng hải - Vận tải quốc tế, Thương mại, Trung Quốc