⠀
Quy định ‘nồng độ cồn bằng không’ rất cần ở nơi có thứ văn hóa rượu bia hủ lậu như Việt Nam
Nếu quy định nồng độ bằng không thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống: “Hai vại mà đã vượt ngưỡng thì tửu lượng kém quá”.
Tác giả: Tô Thức, Tiến sĩ, được đào tạo chuyện sâu về sư phạm thực hành, hiện giảng dạy tại James Cook University (Australia).
Bất cứ ai lái xe ở Australia đều phải biết khái niệm đồ uống có độ cồn tiêu chuẩn (standard drink-SD). Một đơn vị đồ uống tiêu chuẩn chứa 10 g cồn (khoảng 12,5 ml cồn nguyên chất).
Theo nhiều nghiên cứu y học và thống kê, nếu một người bình thường uống chậm một đơn vị SD, thì sau một tiếng sẽ đưa nồng độ cồn trong 100 ml máu (BAC) về 0. Nếu uống hai SD thì BAC sẽ lên thẳng 0,05 g, là mức tối đa cho phép để lái xe. Cách ra bốn tiếng (chứ không phải một tiếng như một SD), có thể uống thêm một đơn vị SD mà không vượt ngưỡng.
Chính phủ Australia quy định việc in lượng SD lên đồ uống và cung cấp hướng dẫn chung cho cộng đồng nếu đồ uống không có vỏ. Ví dụ, một ly (150 ml) vang trắng tương đương 1,4 SD, vang đỏ là 1,5 SD, bia vại (425 ml) là 1,6 SD, tách rượu (30 ml) là một SD.
Ngay cả như vậy, mức hấp thụ của mỗi người có thể khác do cơ địa và điều kiện cụ thể như việc uống chậm hay nốc ừng ực. Do vậy đồ uống ở Australia thường được bán dưới hai SD khá sâu (khoảng 1,4-1,6 SD) để đảm bảo lái xe có thể uống hết mà không vượt ngưỡng, nhưng cũng không có ý định uống thêm chai thứ hai. Thêm vào đó, chính phủ Australia cũng cảnh báo rằng, mức 0,05 g BAC là chỉ mức nguy hiểm rõ ràng. Ngay cả khi BAC dưới 0,05 g, cồn vẫn ảnh hưởng tới phản xạ và thái độ lái xe, đặc biệt là các lái xe trẻ hoặc ít kinh nghiệm. Vậy nên, khi có bằng thực tập, lái xe không được có nồng độ cồn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính phủ còn bỏ tiền ra mua quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, YouTube để nhắc nhở lái xe trẻ tuổi. Vi phạm các quy định về BAC sẽ bị tước bằng ít nhất ba tháng và phạt ít nhất 2.000 AUD (32 triệu đồng). Khi hình phạt lặp lại nhiều lần, lái xe mất hết điểm và phải thi lại bằng. Trong những đợt nghỉ lễ, số điểm phạt có thể nhân hai, nhân ba hoặc thậm chí nhiều hơn. Vậy nên, mất bằng chỉ sau một lần say rượu lái xe là điều dễ dàng xảy ra.
Mặc dù những chỉ dẫn trên của Australia hoặc các nước tiên tiến khác có thể sử dụng làm cơ sở để nghiên cứu việc hình thành một nồng độ cồn tiêu chuẩn của Việt Nam. Tôi cho rằng việc áp dụng BAC lớn hơn 0,00 g ở Việt Nam vẫn có rất nhiều thách thức.
Thứ nhất là điều kiện giao thông ở Việt Nam hết sức hỗn loạn. Ở Australia chủ yếu là xe ôtô đi đúng theo làn. Xe sau cách xe trước một khoảng an toàn hai giây. Tức là nếu xe trước đi qua một mốc nào đó, thì ít nhất hai giây sau, xe đi sau mới vượt qua mốc đó. Điều này cho phép lái xe có khoảng 0,5 giây để nhận biết tình huống khẩn cấp, 0,5 giây tiếp theo để có phản xạ và phương án phù hợp và một giây cuối cùng để thực hiện phương án như phanh gấp hay đánh lái sang làn. Như vậy nếu có tai nạn xảy ra thì cũng hạn chế liên hoàn. Theo khoảng cách này, nếu ôtô đi với vận tốc 40 km/h, thì khoảng cách giữa hai xe là hơn 22 m. Điều này là không tưởng ở Việt Nam, nơi các xe chỉ cách nhau khoảng một vài mét, dù vẫn di chuyển với vận tốc 40 km/h. Giao thông trên đường đòi hỏi tài xế phải phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần. Việc có xe tạt đầu, xi nhan phải rẽ trái hoặc quay đầu là không hiếm.
Chúng ta cần rõ ràng rằng việc cho phép có nồng độ cồn ở các nước không phải do thiết bị của họ thiếu chính xác hơn ở Việt Nam, mà là vì điều kiện giao thông cho phép.
Thứ hai là văn hóa ẩm thực của Việt Nam có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng không thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống: “Hai vại mà đã vượt ngưỡng thì tửu lượng kém quá”. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện. Đã bắt đầu uống là không dễ dừng. Mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt. Đó là vì đã uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nên sau 18 giờ BAC vẫn không giảm về 0. Cần rõ ràng rằng, khi BAC vẫn cao tức là vẫn nguy hiểm. Điều này hoàn toàn không hiếm khi nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe.
Tôi không tin những người đang đòi thay đổi định chế về nồng độ cồn là vì họ muốn ăn trái cây lên men. Việc nhầm lẫn này đã bị phủ định bởi Bộ Y tế, bởi nồng độ cồn do nước trái cây sẽ giảm rất nhanh khi kiểm tra lại sau đó 5-10 phút. Trong trường hợp thiếu đồng thuận, lái xe có quyền được yêu cầu kiểm tra máu. Tuy nhiên, Cục Cảnh sát Giao thông cũng đã phủ định sự nhầm lẫn trong kiểm tra thông thường. Thống kê ở các nước cũng cho thấy độ chính xác rất cao của kiểm tra nồng độ cồn bằng phương pháp thở ống, bất kể giới hạn là bao nhiêu. Do vậy, đây vẫn là phương pháp phổ biến nhất trên thế giới. Ở Australia, khi phát hiện BAC cao vượt ngưỡng, lái xe bị đưa về đồn để làm thêm các kiểm tra khác không phải để tránh oan sai. Mà ngược lại, để phát hiện thêm lái xe có sử dụng thêm các chất cấm nào khác không.
Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như trường hợp lái xe tông liên hoàn ở Thủ Đức mới đây. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, thì xã hội rất cần sự nghiêm khắc. Trong quan điểm của tôi, điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam thực sự rất cần nồng độ cồn bằng không.
Theo VNEXPRESS
Tags: Giao thông, Luật pháp, Rượu bia