Quá trình đô thị hóa và sự biến đổi tính cách người Việt

Quá trình đô thị hóa trên diện rộng và tốc độ nhanh làm cho kinh tế – xã hội có những biến động mạnh. Xét về mặt kinh tế, thực chất đó là thời quá độ với đặc trưng là sự đan xen của nhiều thành phần kinh tế và do vậy tất yếu sẽ hình thành một lối sống quá độ. Lối sống quá độ là sự pha trộn, hỗn tạp các tính cách, hành vi văn hóa, ứng xử và giao tiếp của những cái cũ với những yếu tố văn hóa mới, tính cách con người mới hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau chưa định hình và ổn định.

Tác giả: Nguyệt Nguyễn, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội.

Khi nói đến đô thị, chúng ta thường hình dung đó là môi trường ồn ào với nhịp sống nhanh, nhiều biến động. Nhịp sống đó đang đối lập với lối sống tiểu nông. Hay nói đúng hơn là đang có sự đan xen, trung hòa giữa lối sống nông thôn truyền thống và lối sống đô thị. Lối sống bộc lộ thông qua tính cách con người. Lối sống, tính cách đô thị là quá trình chuyển tiếp các kinh nghiệm sống của nông thôn là vốn là lối sống thanh bình, yên ả mang đậm tính tiểu nông trong sản xuất, tiêu dùng sang lối sống nhanh và mạnh mẽ của đô thị. Lối sống này là sự pha tạp giữa tính chất đô thị hóa, công nghiệp hóa với chăn nuôi, trồng trọt, nghề thủ công, dịch vụ thương mại nhỏ.

Ở Việt Nam, trong những năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh đã tạo nên những biến đổi ngược chiều trong tâm lý của người dân. Điều này được thấy rõ ở những vùng ven đô, đất nông nghiệp được chuyển thành đất công nghiệp và dịch vụ, người dân nông thôn nhanh chóng trở thành người đô thị. Thêm vào đó, những người dân vùng thôn quê di chuyển vào thành phố làm ăn buôn bán đã đem theo cả những tập tục, tính cách, tác phong, lối hành xử vùng thôn quê và nhanh chóng tác động tới những nguyên tắc của nơi đô thị. Chính những điều này đã tạo nên một lối sống đô thị nhuốm màu của văn hóa nông nghiệp – nông thôn, sự pha trộn giữa tĩnh và động. Tất cả điều này đã đem đến sự hỗn tạp trong tính cách vùng đô thị, làm nảy sinh những tiêu cực hạn chế. Số lượng lớn dân nhập cư vào thành phố đã làm trầm trọng thêm sự khan hiếm về nhà ở, thiếu việc làm, phân hóa giàu nghèo, các tệ nạn xã hội khác, ô nhiễm môi trường, xuống cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và quá tải đối với cơ sở hạ tầng xã hội.

Quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại đang đối lập với kiến trúc tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm. Sự thay đổi bộ mặt đô thị, nhưng vẫn có cảm giác khu đô thị ở thành phố vẫn là làng thu nhỏ với đủ thứ sinh hoạt cộng đồng của nông thôn. Việc di dời, giải tỏa, đền bù xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị và đang nảy sinh những vấn đề kinh tế – xã hội bức xúc, tác động tiêu cực đến tiến trình xây dựng lối sống văn minh đô thị.

Phát triển đô thị hướng về cộng đồng nhưng ngược lại con người đang có xu hướng hướng về cá nhân, biệt lập. Với lối sống đô thị, người ta quen lấy hệ giá trị làm qui chuẩn chung, còn ngược lại, lối sống tiểu nông lại luôn hướng về lợi ích manh mún của cá nhân, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, tạm thời. Đó chính là lực cản to lớn kìm hãm quá trình đô thị hóa ở nước ta hiện nay.

Trong bài báo “Đô thị và sự hoang vu tính cách”, TS. Nguyễn Thị Hậu cho biết đô thị hiện nay đông dân hơn và cấu trúc dân cư cũng phức tạp hơn xưa. Ở hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, sự chuyển đổi dân cư mang tính đột biến tại thời điểm như 1954 – 1955, 1975 – 1980 làm cho tầng lớp thị dân ở đây có sự thay đổi sâu sắc về “chất”. Ở các đô thị khác cũng vậy. Chính cái “chất” của cư dân làm cho “hồn vía” đô thị hiện nay khác xưa. Những mối quan hệ ở đô thị hiện nay đang “chông chênh” giữa hai mặt: một mặt thể hiện sự tôn trọng cá nhân và sinh hoạt của người khác, gia đình khác; không tò mò và can thiệp vào đời sống người khác khi không có yêu cầu, mọi việc mọi hành vi được những quy tắc, quy định… của lối sống đô thị điều chỉnh. Mặt khác nó làm cho từng con người “ích kỷ”, mỗi gia đình trở nên “cô đơn” hơn, khi gặp khó khăn thường phải tự giải quyết mà ít khi nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng… là yếu tố gắn bó con người với cộng đồng trong xã hội cổ truyền.

Lối sống, nhịp sống đô thị đang ngày càng nhanh hơn, sinh hoạt đô thị đa dạng phong phú hơn, có cảm giác đô thị của ta ngày một trẻ ra, giàu hơn, nhưng cũng na ná như nhau, từ cảnh quan đến con người. Điều quan trọng là hệ giá trị văn hoá đô thị – những chuẩn mực cần có để giữ hồn cốt đô thị – đã bị phá vỡ, biến dạng. Đô thị nay phần lớn là những người – sống – trong – thành – phố chứ chưa hẳn là thị dân.

Văn hóa làng xã xen lẫn nơi công sở. Trong làng xã Việt Nam truyền thống, những người có công thường được đề cao, điều này hoàn toàn hợp lý, hợp tình trong cung cách ứng xử của văn hóa truyền thống. Điều là đúng trong cách ứng xử truyền thống của làng quê, nhưng trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong công sở hiện nay, phi giá trị phái sinh của văn hóa làng xã lại là lực cản rất lớn cho quá trình chuẩn hóa, chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ.

Điều quan trọng nhất là ý thức thị dân chưa được xây dựng và duy trì thành nếp sống mới, “xây dựng nếp sống văn minh đô thị” còn là “phong trào” mà chưa thực sự trở thành nhu cầu của mỗi người dân. Cần phải làm cho cư dân hiểu rằng, trong một khoảng không gian có giới hạn của đô thị đã có sự phân chia chức năng cho từng khu vực, từng tiện nghi sinh hoạt.

Vấn đề tính cách đô thị trong giai đoạn hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta. Trong quá trình phát triển hội nhập toàn cầu cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc mỗi người phải thay đổi lối sống, tính cách loại bỏ những yếu tố truyền thống không còn phù hợp thay thế bằng những phẩm chất, tính cách mới để phù hợp với sự phát triển chung. Để thực hiện được điều này cần phải xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phát huy tính cách con người đô thị hiện đại.

————————-

Tài liệu tham khảo:

PGS.TS. Trương Minh Dục (chủ nhiệm), Văn hóa và lối sống đô thị trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay.

Theo BACNINH.GOV.VN

Tags: , ,