Những tờ vé số và sự tàn nhẫn của của một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận

Tỷ lệ phát hành vé số lên đến mức 98-100% của các công ty xổ số đạt được bằng cách gần như không cho người bán dạo cơ hội trả lại vé ế, không khác gì ép họ mua, đẩy rủi ro kinh doanh cho người yếu thế.

“Mấy cô mấy chú mua giúp con với”, Phước vừa khóc vừa chạy, tay hối hả dí xấp vé số khắp các bàn.

Trong quán cà phê cóc sát nhà tôi, thi thoảng vào các buổi chiều lại có tiếng khóc lóc, năn nỉ của Phước.

Chiều hôm đó, một vài khách mua giúp mấy tờ mà không bận tâm đến dãy số. Bác bảo vệ già của quán, chú xe ôm đang chờ khách cũng mỗi người mua 5 tờ.

Nhưng trên tay còn hơn 10 tờ nên Phước vẫn vừa khóc vừa chạy. Chiếc đồng hồ trên quầy tính tiền tích tắc nhích dần về 16h15, thời điểm các công ty xổ số phía Nam bắt đầu mở thưởng. Vé không bán hết bị xem là vé ế, người bán phải ôm theo “luật ngầm” trong ngành này. 10 tờ có tiền vốn 89.000 đồng, gần bằng tiền lời cả ngày cậu bé ròng rã rảo khắp các con phố.

Phước hơn 10 tuổi, không đi học, được mẹ bế theo bán vé số từ khi mới lọt lòng. Mấy năm nay, cậu tách mẹ đi bán riêng. Mỗi ngày, cậu đến đại lý nhận 120-150 tờ được xổ vào ngày hôm sau để đi bán. Mỗi tờ bán ra 10.000 đồng, cậu lời 1.100 đồng. Nếu bán hết, mỗi ngày Phước kiếm được 132.000-165.000 đồng, đóng góp 1,2-1,5 triệu đồng vào doanh thu của các công ty phát hành.

May mắn không phải ngày nào cũng đến. Những ngày mưa, ế khách, Phước và mẹ phải ôm vé thừa. Lời không đủ bù vốn, mẹ con ở phòng trọ ăn mì gói thay cơm.

Trong lúc đó, tỷ lệ tiêu thụ vé đã phát hành của các công ty vẫn đạt 98-100%.

“Lúc lấy vé, đại lý nói trước, ai trả lại sẽ bị cắt, không cho bán nữa”, người mẹ có tật ở chân, giải thích. Cho nên, khi gần tới giờ xổ, chị sẽ dồn vé sang con, dùng chiêu khóc lóc cuối cùng, đánh vào lòng thương của mọi người. Chị thừa nhận làm thế chẳng tốt đẹp gì nhưng ôm vé vài lần là cụt vốn, “chỉ cần không bán được 5 tờ là mẹ con phải cắt cơm”.

Mỗi tỉnh phía Nam có 4.000-6.000 người bán vé số dạo, góp phần giúp 21 công ty xổ số khu vực này đạt 68.843 tỷ đồng doanh thu sáu tháng đầu năm, tăng 16% cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận tăng 25%. Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam vì thế đề nghị Bộ Tài chính cho tăng lượng vé phát hành từ ngày 1/10.

Nửa đầu năm, các công ty xổ số miền Nam nộp ngân sách hơn 22.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch cả năm – là một trong những lĩnh vực hiếm hoi tăng trưởng 10% lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này. Không làm gì ra tiền, người mua càng trông chờ vào vận may.

Ngoài số tiền đi vào ngân sách, mặt tích cực khác phải thừa nhận là các công ty xổ số đã mang đến cơ hội thu nhập cho người già, trẻ em, người khuyết tật… những lao động khó tìm được chỗ đứng ở thị trường việc làm chính thức. Nhưng tại sao báo cáo lợi nhuận của các công ty xổ số không hoàn toàn là một tin vui; tại sao đề nghị tăng doanh số phát hành lại gợi cho tôi ấn tượng về sự vô cảm?

Vì những số phận như mẹ con Phước.

Phước và mẹ đều xem bán vé số là công việc hàng ngày và gắn bó nhiều năm. Họ không có ngày nghỉ, chỉ khi nào “ốm không gượng nổi mới phải ở nhà”.

Tuy nhiên gần chục năm qua hai mẹ con ốm đau tự bỏ tiền thuốc, không bảo hiểm y tế, không phúc lợi, không có hợp đồng với bất kỳ bên nào. Thứ ít ỏi họ nhận được là khoản hoa hồng trên mỗi tờ vé, vừa đủ ăn uống ở mức cơ bản và trả tiền trọ.

Tỷ lệ phát hành vé số lên đến mức 98-100% của các công ty xổ số đạt được bằng cách gần như không cho người bán dạo cơ hội trả lại vé ế, không khác gì ép họ mua, đẩy rủi ro kinh doanh cho người yếu thế.

Lợi nhuận đạt được đến mức nghìn tỷ nhưng chiết khấu cho người bán dạo rất thấp (1.000-1.200 đồng mỗi tờ), không kèm theo bất cứ cứ quyền lợi nào khác.

Đầu năm nay, Bộ Tài chính đã cho phép Hội đồng xổ số miền Nam tăng doanh số phát hành. Nếu lượng vé phát hành tiếp tục được tăng, sẽ có nhiều hơn những cậu bé như Phước: không được đến trường mà đi bán vé số phụ cha mẹ.

Bài toán mở rộng kinh doanh này cần được nhà quản lý giải quyết song song với bài toán về an sinh xã hội. Theo đó, nếu các công ty xổ số được tăng lượng vé phát hành, quy định về tỷ lệ phần trăm hoa hồng trả cho kênh phân phối, ra đời gần chục năm trước theo Thông tư của Bộ Tài chính, nên chăng được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Người bán vé số – hầu hết có vấn đề về sức khỏe như lớn tuổi, khuyết tật, trẻ em – cần được hưởng các chế độ nhất định, ít nhất là bảo hiểm y tế, để đảm bảo sinh tồn khi gặp rủi ro về sức khỏe.

Nếu xem xổ số là một ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận thì công việc của người bán vé số cần chính thức hóa. Trẻ em không được tham gia. Người trong độ tuổi lao động được đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo an sinh khi về già…

Hàng chục năm qua, vé số truyền thống gắn với khẩu hiệu “ích nước lợi nhà”. Nhưng liệu các tác động tiêu cực của kinh doanh vé số đã được khảo sát và nghiên cứu đầy đủ?

Nếu không giải quyết các vấn đề an sinh cho lực lượng lao động đang tham gia vào ngành này, thì phía sau lợi ích bề nổi dễ thấy, là lơ lửng các hệ lụy xã hội dài lâu.

Theo LÊ TUYẾT / VNEXPRESS

Tags: , , ,