⠀
Một quan điểm Marxist về phong trào thuần chay và giải phóng động vật
Người Marxist nên phản ứng trước các lập luận ủng hộ giải phóng động vật như thế nào? Chúng ta nên chấp nhận lập trường nào trước suy nghĩ đang gia tăng về việc không nên dùng động vật cho các mục đích nông nghiệp?
Tác giả: Brian W. Major, thành viên Đảng Cộng sản Canada, sinh sống ở Barrie, Ontario, làm việc trong lĩnh vực cai nghiện và sức khỏe tâm thần cộng đồng.
Nguồn: A Marxist response to the animal liberation and vegan movements; Peoplesworld.org; 08/01/2020.
Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh.
Rõ ràng là sự quan tâm đến biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác đang gia tăng, đặc biệt là ở Bắc Mỹ. Một phần của sự quan tâm này được phản ánh trong phong trào thuần chay hiện đại dựa trên các lo ngại môi trường lẫn sự ủng hộ “giải phóng động vật” nói chung. Một số người khác đã áp dụng chế độ ăn thuần thực vật (thuần chay) hoàn toàn vì các lý do giảm cân, vì các mục tiêu hạnh phúc và sức khỏe cá nhân.
Người Marxist nên phản ứng trước các lập luận ủng hộ giải phóng động vật như thế nào? Chúng ta nên chấp nhận lập trường nào trước suy nghĩ đang gia tăng về việc không nên dùng động vật cho các mục đích nông nghiệp? Liệu có cách nào giúp chúng ta thực hiện phong trào này một cách nghiêm túc hay không? Thất bại trong việc tiến hành phong trào giải phóng động vật có thể dẫn tới nhận thức là người Marxist không thật sự quan tâm đến các vấn đề môi trường, và có lẽ nhận thức này đúng trong chừng mực nào đó!
Đầu tiên, chúng ta cần lưu ý là, bản thân lối sống thuần chay là trung lập về mặt chính trị. Trong cuốn “Người mê ăn chay: Ăn chay trong thế giới không thuần chay” (Vegan Freak: Being Vegan in a Non-Vegan World) năm 2010, Bob và Jenna Torres chỉ ra rằng chế độ ăn thuần chay có đại diện từ mọi hệ thống niềm tin chính trị trên hành tinh này. Chúng ta có thể lưu ý rằng Adolf Hitler là người ăn thuần chay! Việc ăn chay của ông ta dựa trên một khái niệm của đảng Đức quốc xã (Nazi) về việc thanh lọc cơ thể. Chắc chắn chúng ta không nên bác bỏ phong trào này chỉ vì khái niệm về sự thanh lọc của ông ta! Những điều làm cho ăn thuần chay trở thành một khái niệm xứng đáng được tìm hiểu chính là cách mà phong trào này giải quyết các vấn đề chính trị cốt lõi như giai cấp, sự bóc lột và sự tha hóa.
Để bắt đầu, chúng ta cần lưu ý rằng, một số người cộng sản đã loại bỏ suy nghĩ rằng lối sống thuần chay là mang tính tự do hay tư sản trong nguồn gốc của nó. Đó là một phản ứng hợp lý trước những câu chuyện đang được tổ chức PETA (Con người Đối xử Đạo đức với Động vật) sử dụng. Đây là tổ chức ăn thuần chay có tiếng nói lớn nhất ở phương Tây. Có thể nhiều người sẽ đánh giá cao các video hoặc bài viết trực tuyến của họ về tầm quan trọng của việc chấm dứt sự tàn nhẫn với động vật. Những người Marxist chắc chắn có thể đồng ý rằng các giải pháp nên được thực hiện một cách hợp lý để ngăn chặn sự đau khổ không cần thiết.
Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta, đó là nơi mà sự đồng thuận chấm dứt. Nói cho đúng là, PETA đã hành động theo những cách bị lên án là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc môi trường”. Các nhà hoạt động như Pamela Andersen nổi tiếng nhờ cuộc chiến đấu với nạn săn hải cẩu. Việc chống lại nghề săn hải cẩu có thể dẫn tới một cách tiếp cận phân biệt chủng tộc và đế quốc chống lại các thực hành truyền thống của các dân tộc bản địa khắp thế giới, đặc biệt là những người sống trong nền kinh tế săn bắt – hái lượm. Khó mà hình dung được những người sống ở các vùng viễn Bắc có thể tìm được nguồn đạm từ thực vật. Việc ăn hải cẩu và tuần lộc là cần thiết để cung cấp đạm trong chế độ ăn của họ. Những cách tiếp cận của PETA cũng tập trung vào trách nhiệm cá nhân và việc thực hành “tiêu dùng có đạo đức”. Lâu nay người ta tin rằng người tiêu dùng cá nhân nên áp dụng lối sống thuần chay để chấm dứt việc khai thác động vật trong khu vực nông nghiệp về mặt cá nhân. Trong cơ cấu tư bản chủ nghĩa, các thói quen ăn uống cá nhân của chúng ta sẽ thay đổi ngành công nghiệp tư bản chủ nghĩa như thế nào?
Chúng ta cũng cần khám phá sự thật là, khi một sản phẩm được dán nhãn “thuần chay” (vegan), theo nghĩa đen nó có thể được bán với giá cao gấp ba lần. Hầu hết các gia đình nghèo và thuộc tầng lớp công nhân không đủ khả năng thanh toán hóa đơn mua hàng tạp hóa cao gấp ba lần. Kết quả là, nhiều công nhân đã loại bỏ việc theo đuổi lối sống thuần chay. Tuy nhiên, để lập luận một cách nghiêm túc, chúng ta cần thừa nhận rằng không phải lúc nào mọi chuyện cũng vậy. Chế độ ăn thuần chay tiêu biểu gồm trái cây, rau củ, ngũ cốc và rau đậu (legume). Hoàn toàn không có lý do gì để những mặt hàng thực phẩm này lại đắt hơn thịt, sữa, trứng hoặc mật ong. Các tập đoàn đã hợp tác với chủ nghĩa thuần chay bằng cách làm ra các sản phẩm “thuần chay” đắt đỏ như thế. Chúng ta cần phải đấu tranh với điều đó!
Chúng ta cũng phải chú ý tới thực tế là, ở Ấn Độ nói riêng, chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo đã được dùng để đàn áp người Hồi giáo. Nhiều tín đồ Phật giáo và Ấn Độ giáo khắp thế giới đã theo đuổi chế độ ăn chay (không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật từ thịt, cá, hải sản… – Người dịch) và cả thuần chay (chế độ ăn chay không có cả trứng, sữa, mật ong). Điều đáng lo ngại là cuộc tấn công vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số có tiêu thụ thịt trong chế độ ăn của họ theo truyền thống. Nhiều người ăn thuần chay đã chỉ trích việc thực hành sản xuất thịt halal (hoặc Hồi giáo) trong đó con vật bị cắt cổ họng, tương tự như cách sản xuất thịt Kosher của người Do Thái, gọi nó là tàn nhẫn. Các lập luận dựa trên những tuyên bố chống Do Thái hoặc chống Hồi giáo cần bị những người Marxist chống đế quốc trên khắp thế giới bác bỏ hoàn toàn.
Chủ nghĩa Marx thuần chay?
Khi đã tìm hiểu việc bác bỏ lập luận tư sản tự do thì áp dụng cách tiếp cận thuần chay theo kiểu Marxist có khả thi không? Hãy xem xét một vài vấn đề có thể tạo cơ sở cho quan điểm và thực tiễn như vậy.
Chủ nghĩa Marx thuần chay cần lấy điểm khởi đầu là tình đoàn kết với tất cả công nhân đang làm việc trong lĩnh vực chăn nuôi. Ở Bắc Mỹ, thịt là nguồn đạm và thú vui ẩm thực cực kỳ phổ biến. Hẳn nhiều người trong chúng ta còn lưu giữ ký ức về một ngày nghỉ hè quanh buổi tiệc thịt nướng bên gia đình! Đồng thời, hầu hết chúng ta thật sự không muốn nghĩ đến sự thật là miếng thịt chúng ta rất yêu thích đến từ một con vật có tri giác, biết quan tâm và yêu thương. Kết quả là, những công nhân làm việc trong các lò mổ, nhà máy đóng gói thịt và các cơ sở giết mổ thông thường là những công nhân ở cấp bậc thấp nhất. Ở Mỹ nói riêng, người ta xác định là các công nhân trong lĩnh vực này phần lớn là người nhập cư Mexico không có giấy tờ.
Một vài bộ phim trên Netflix như Cowspiracy phản ánh hiện tượng này. Các công ty nông nghiệp lớn sẽ thuê các công nhân như vậy do thực tế là họ có thể trả lương thấp cho các công nhân này. Những người Marxist thuần chay phải quan tâm đến lợi ích vật chất của những công nhân đó. Những người Marxist theo đuổi cách tiếp cận thuần chay và các nhà sinh thái học nói chung thường chỉ ra rằng nông nghiệp dựa trên động vật đơn giản là không bền vững. Ví dụ, số lượng tài nguyên cần thiết để sản xuất ra nửa ký thịt bao gồm việc cho ăn và chăn thả gia súc có tỉ lệ rất lớn. Nông nghiệp dựa trên động vật hiện nay là yếu tố công nghiệp lớn nhất trong việc tàn phá môi trường.
Hãy lấy việc cố tình đốt cháy rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil để nhường chỗ cho chăn nuôi gia súc làm ví dụ. Sản xuất sữa và thịt bò đòi hỏi một lượng lớn nước và các tài nguyên như bắp và đậu nành, những thứ mà con người có thể dùng để ăn trực tiếp. Hàng năm, sản lượng gia súc trên trái đất tăng vượt xa mức tăng tự nhiên. Gia súc dùng để sản xuất sữa được thụ tinh nhân tạo để mang thai và sinh ra bê con. Điều này được thực hiện để gia súc có thể tiết sữa và từ đó sản xuất sữa. Những người ăn chay tiêu thụ sữa, trứng và mật ong thường khá buồn khi biết rằng bò con được sinh ra theo cách này thường bị xẻ thịt. Một lần nữa, sản xuất sữa và thịt bò đòi hỏi nhiều đất hơn, một điều trong chế độ tư bản có nghĩa là tàn phá rừng (những lá phổi của trái đất) và sự mất đất do các dân tộc bản địa khắp thế giới diễn ra trước đây.
Người Marxist thuần chay cũng thật sự cần nhìn vào thực tế là hầu hết mọi người sống chủ yếu theo chế độ ăn thuần thực vật làm như vậy một cách không tự nguyện. Với hầu hết công dân thế giới, thịt là một thứ xa xỉ. Để phong trào môi trường thành công, tất cả các dân tộc của trái đất không chỉ phải được xem là bình đẳng mà cũng phải được đối xử bình đẳng. Ở Bắc Mỹ và châu Âu, sản xuất thịt và sữa được trợ cấp rất nhiều. Những trợ cấp đó phản ánh quyết định đánh giá cao các hoạt động sản xuất như vậy về mặt xã hội. Thật khó hình dung được việc giải phóng động vật hay ngăn chặn suy thoái môi trường có thể đạt được dưới một chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản, các nguồn lực xã hội có thể sử dụng đều dựa trên mô hình phát triển bền vững hơn.
Chắc chắn là thực hiện phong trào môi trường một cách nghiêm túc đối với người Marxist là khả thi. Thất bại trong việc này có thể nguy hiểm cho cả phong trào xã hội chủ nghĩa lẫn hành tinh của chúng ta. Và việc phong trào môi trường theo đuổi nghiêm túc một hệ thống chống đế quốc, chống chủ nghĩa tư bản, chống phân biệt chủng tộc cũng là khả thi và cần thiết!
Tags: Cộng sản, Tư bản, Chủ nghĩa xã hội, Karl Marx, Đạo đức môi trường