Biến đổi khí hậu ở TP HCM: Những mâu thuẫn trong nhận thức và thực tiễn

Có một thực tế ở Việt Nam hiện nay: Các tổ chức nghiên cứu của nhà nước và phi nhà nước (tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ) về hai vấn đề, biến đổi khí hậu và biển đảo có số lượng nhiều nhất và sử dụng một lượng kinh phí khổng lồ. Không phải không có lý khi nhiều nhà khoa học uy tín cảnh báo về “một phong trào” hay mode nghiên cứu về biển đảo và biến đổi khí hậu đang nở rộ mà hệ luỵ của nó không dễ “gói” lại.

Biến đổi khí hậu ở TP HCM: Những mâu thuẫn trong nhận thức và thực tiễn

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, Khoa Đô thị học, Trường Đại học Quốc gia TP HCM.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc số 10 – 2015.

Kế thừa kết quả nghiên cứu của các tổ chức và chuyên gia quốc tế, Việt Nam cũng xây dựng nên ba kịch bản biến đổi khí hậu. Theo đó, vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM. Kịch bản này cho rằng: Đến năm 2070 hoặc 2080, khi nước biển dâng từ 0.7 đến 1.0 mét thì 100% đồng bằng sông Cửu Long và 72% diện tích đất của TP HCM sẽ bị ngập sâu dưới nước biển. Không một chuyên gia nào dám khẳng định độ chắc chắn của dự án này bởi lẽ đó là giả định của các chuyên gia quốc tế, lại quá xa – những 50-70 năm nữa (nên biết các nhà khoa học xây dựng các kịch bản hoàn toàn bằng lý thuyết, trên cơ sở số liệu giả định ở đầu vào, máy tính sẽ tính toán và đưa ra các hình ảnh ở đầu ra). Giả định rằng khi nhiệt độ trái đất tăng từ 20c đến 30c do hiệu ứng nhà kính thì băng tan nhanh và nhiều ở hai cực, khi đó nước biển dâng sẽ dìm sâu các thành phố ở ven biển và độ phủ của nó sẽ lan sâu vào trong nội địa các quốc gia.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng kịch bản này phụ thuộc rất nhiều vào hành động của con người, nhất là các quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính nhiều nhất như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ,.. Nếu các quốc gia này chung tay giảm khí thải thì kịch bản ngập không xảy ra, hoặc có xảy ra thì cũng không quá trầm trọng và nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc băng tan có thể do sự thay đổi hướng dòng chảy của các dòng biển ấm, và sự chuyển dịch các dòng nham thạch nóng dưới lòng đất tác động, chứ không hẳn là do khí phát thải. Việc xây dựng các kịch bản không chắc chắn này tác động rất nghiêm trọng đến các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của những quốc gia, những thành phố ven biển. Nếu đúng thì tốt, nhưng nếu sai thì hậu quả thật khôn lường.

Rõ ràng, khi xây dựng chiến lược phát triển, các nhà lãnh đạo không thể đặt ra hàng loạt câu hỏi bắt đầu bằng chữ nếu. Nếu biến đổi khí hậu xảy ra thì công tác quy hoạch không gian, xây dựng công trình, phát triển dự án phải tìm cách đối phó và xây dựng các phương án dự phòng ngay từ khâu ý tưởng (ideas) và quan niệm (concepts)? Nhiều tỷ đô la sẽ phải chi cho việc thay đổi hướng phát triển, cho việc nghiên cứu thực nghiệm kiến trúc công trình (chịu được nước ngập quanh năm), và có thể nhiều hơn thế – phí tổn cho thay đổi phương thức canh tác, lối sống, thói quen, sinh hoạt, nhà ở, và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội cho hàng chục triệu người ở vùng ngập. Nhưng nếu kịch bản không xảy ra thì thật lãng phí tiền bạc, nguồn lực và uy tín của cơ quan công quyền.

Ở Việt Nam cũng như ở các nước khác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Singpore đang tồn tại các quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất: Nước ngập đến đâu sẽ dịch chuyển lên vùng cao hơn theo kiểu Sơn Tinh, lý luận của trường phái này là đảm bảo an toàn cho người dân. Quan điểm thứ hai: Bằng mọi giá phải ở tại chỗ, không dịch chuyển nhằm giữ đất, giữ biển, đảm bảo an ninh quốc gia. Mỗi quan điểm đều có những lý lẽ thuyết phục của mình và có cả những “chỗ hổng” chết người không lấp đầy được.

Sở Khoa học – Công nghệ TP HCM đang triển khai đề tài nghiên cứu về mức độ quá tải hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hệ thống dịch vụ xã hội tại khu vực sẽ bị ngập sâu dưới nước biển vào nửa cuối của thế kỷ này. Ban đầu thì dường như đây là một nghiên cứu cần thiết, bởi giả định gần 20 triệu người sẽ dịch cư sang nơi khác để tránh ngập là TP HCM sau đó là miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, do vậy ngay từ bây giờ TP HCM phải xây dựng dự phòng về đường xá, cầu cống, cấp thoát nước, các vùng cư trú mới, bố trí lại các bệnh viện, trường học,…

Nghiên cứu dự báo này rất quan trọng, do vậy nếu sai thì vô cùng nguy hiểm và tốn kém. Có điều nghiên cứu càng sâu thì hình như giả định đó quá mỏng manh, bởi có nhiều câu hỏi không sao trả lời được. Chẳng hạn nếu ngập thật thì người dân sẽ bỏ làng, bỏ ấp di chuyển hay họ sẽ ở lại theo hướng “thích nghi”. Những ai sinh sống và nghiên cứu thật kỹ về vùng đất này thì khả năng thích nghi sẽ là rất cao, thực tế cho thấy hàng trăm năm nay người dân ở đồng bằng sông Cửu Long luôn tìm cách thích nghi với thiên nhiên hơn là chống và tránh, với họ ngập nước là “cơ hội sống” chứ không phải là “tai ương”, do vậy họ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đắp đê, điều tiết nước như ở miền Bắc.

Có thể khi đó người dân sẽ sống trên những công trình nổi, thay đổi hẳn lối canh tác từ lúa sinh sôi từ đất sang sinh sôi từ nước, chuyển từ sử dụng các sản phẩm từ đất như rau, trái cây, thịt gia súc, gia cầm sang các sản phẩm sinh ra từ nước như rong biển, tảo, cá, tôm,… Nếu kịch bản này xảy ra thì các KTS, các nhà quy hoạch sẽ phải chuyển hướng hoạt động nghề nghiệp từ “cạn” sang “nước”, các khu dân cư nổi, các công trình nhà ở, công sở nổi, các hệ thống giao thông nổi hoặc trên cao sẽ là đối tượng nghiên cứu của các nhà kỹ thuật, các nhà sáng tạo và tổ chức không gian sống.

Các dự án và công trình xây dựng cũng trong tình trạng tương tự. Chúng ta có thể thấy sự lưỡng lự trong nhận thức và đưa đến tình trạng “nhị nguyên” trong các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Đó là vừa thế này, vừa thế kia. Tức là một mặt vẫn cho tiến hành các công trình, dự án trong điều kiện bình thường, mặt khác có tính đến việc giảm thiểu rủi ro nhưng không đặt chúng vào kịch bản xấu nhất. Một ví dụ điển hình nhất là việc xây Metro ở TP HCM. TP HCM đang tiến hành xây dựng 7 tuyến metro, trong đó có hai tuyến đã khởi công là Bến Thành – Suối Tiên và Bến Thành – Tham Lương.

Ngay trong giai đoạn khảo sát thiết kế đã có những cuộc tranh luận gay gắt có nên hạ ngầm toàn bộ hay làm nổi toàn bộ để dự phòng trường hợp thành phố bị ngập. Nếu làm nổi thì sẽ phá vỡ cảnh quan, làm xấu bộ mặt thành phố, đặc biệt là sẽ lãng phí vì không sử dụng được các công trình ngầm ở khu vực trung tâm như nhà ga, hệ thống dịch vụ ngầm ở quảng trường Quách Thị Trang (dưới nền chợ Bến Thành). Nếu hạ ngầm sâu dưới lòng đất 8-10 mét trong điều kiện bình thường thì rất tốn kém. Nếu dự phòng cho hệ thống bị ngập nước sau 50 năm sử dụng thì sự tốn kém là càng lớn vì phải sử dụng các thiết bị kỹ thuật – công nghệ hiện đại, chưa kể những rủi ro rất khó lường. Do vậy TP.HCM chỉ hạ ngầm một vài đoạn không thể chạy nổi được. Tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên dài 20 km, trong đó có 2,6 km hạ ngầm ở khu trung tâm thành phố (từ Bến Thành – Nhà ga số 1 kéo dài đến Tân Cảng), bởi nằm ở khu vực trung tâm nếu làm trên cao sẽ làm hỏng toàn bộ giá trị khu vực kiến trúc thuộc địa Pháp và giảm giá trị các di sản kiến trúc – văn hoá có tuổi đời hàng trăm năm.

TP HCM có diện tích 2.100 km2, nhưng đất được coi là “đẹp”, thuận lợi cho các nhà đầu tư, cho sản xuất và cư trú thì lại không có nhiều, hiện nay khu vực trung tâm không còn đất trống, khu phía Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn) cũng không còn nhiều đất, khu vực phía Đông – Bắc (Thủ Đức) hầu như hết đất, việc mở rộng diện tích thành phố là không thể, kể cả những vùng đất lân cận như Nhơn Trạch của Đồng Nai (sát với Thủ Thiêm), Bến Lức của Long An (sát với Bình Chánh, Hóc Môn). Vùng đất còn dư địa nhiều nhất là Cần Giờ (diện tích là gần 800 km2, chiếm gần 40% diện tích thành phố) nhưng lại rất thấp, đại đa phần dưới mực nước thuỷ triều, việc xây dựng ở đây rất tốn kém, rủi ro cao và bị luôn bị ám ảnh bởi biến đổi khí hậu.

Dường như thành phố không có nhiều lựa chọn cho nên quyết tâm xây dựng đặc khu kinh tế ở đây, cho dù hầu hết các chuyên gia nước ngoài lên tiếng cảnh báo. Cho đến nay, các công trình, dự án phát triển ở phía Nam thành phố chiếm một diện tích rất nhỏ, trong số đó đáng kể nhất là các dự án như khu chế xuất Tân Thuận, Nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước, khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu dân cư Phú Mỹ Hưng, còn lại là các dự án nhỏ lẻ không đáng kể. Việc các nhà đầu tư ngần ngại tiếp tục khai thác vùng đất phía Nam TP HCM do tâm lý sợ ngập nước trong tương lai không phải là hoàn toàn vô lý.

Để kết thúc bài viết trong tình trạng mù mờ đầy mâu thuẫn này, tôi muốn dẫn ra lời của GS.TS Badarudin, Nhà quy hoạch đô thị của trường đại học khoa học Malaysia rằng “Thận trọng với biến đổi khí hậu, nhưng đừng quá sợ hãi, có thể nó chưa xảy ra thì chúng ta đã chết vì sự ám ảnh”.

———————-

Tài liệu tham khảo:

– Trung tâm nghiên cứu phát triển Đô thị và Cộng đồng, Nhiều tác giả, Những vấn đề của phát triển không gian đô thị, NXB Đại học quốc gia TP. HCM, 2005.
– Trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị và Cộng đồng. Ngập lụt và nhà ở tại các đô thị Châu Á-Kinh nghiệm cho TP. Hồ Chí Minh. NXB TP. Hồ Chí Minh, 2006.
– Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Những vấn đề kinh tế – văn hóa – xã hội, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.
– Viện kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Thực trạng ngập nước tại TP. Hồ Chí Minh: Nguyên nhân và Giải Pháp. Kỷ yếu hội thảo, 8-2006.
– MARD (2003). Living with floods in the Mekong River Delta of Vietnam. Proceeding of the International Seminar on Flood Management, Hanoi. 17-21 Nov. 2003, pp85-92.
– Government of Vietnam (2001). Second National Strategy and Action Plan for Disaster Mitigation and Management in Vietnam – 2001 to 2020. Government of Vietnam, Hanoi.
– Wickramanayake, E. (1994): Flood mitigation problems in Vietnam. Disasters18, 81-86.
– Adger, W. N. (1999): Social vulnerability to climate change and extremes in coastal Vietnam. World Development 27, 249-269.
– UNEP-MRC, MekongRiver Basin Diagnostic Study Final Report, MRC Secretariat, 1997 p. 5-36.

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC

Tags: ,