⠀
Một nước Mỹ theo chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào?
Vì sao Donald Trump lồng lộn trước sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Mỹ? Có phải chủ nghĩa xã hội đã thật sự có chỗ đứng tại Mỹ, và một nước Mỹ theo chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào?
Nguồn: What Would a Socialist America Look Like? / Politico Magazine / 2018/09/03.
Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.
Chỉ cách đây một thập kỷ, “chủ nghĩa xã hội” còn là từ bị coi thường trong chính trị Mỹ. Những tranh cãi về giá trị của nó hầu hết chỉ giới hạn trong các blog khó hiểu, các tạp chí chuyên sâu và các đảng chính trị ở bên kia Thái Bình Dương. Tuy nhiên, gần đây, Bernie Sanders, Alexandria Ocasio-Cortez và nhiều chính trị gia khác đã thổi một luồng sinh khí mới vào danh từ này, bổ sung thêm vào các tranh cãi chính trị chính thống một tầm nhìn khác biệt cho nền kinh tế Mỹ. Trước khi hết một nửa nhiệm kỳ, các chính trị gia như Ocasio-Cortez, Rashida Tlaib của Michigans, James Thompson của Kansas đã tự hào xác nhận mình là thành viên của Các nhà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Mỹ (Democratic Socialists of America – DSA), nhóm xã hội chủ nghĩa lớn nhất đất nước này với số thành viên tăng mạnh kể từ chiến dịch chạy đua vào Nhà trắng của Sanders năm 2016.
Đối với độc giả Fox News, đó là những cơn ác mộng, chưa kể những đảng viên Dân chủ thất thường còn sợ sự xa lánh của các cử tri vốn đã quen với chủ nghĩa tiệm tiến (incrementalism) thời hậu Lyndon B. Johnson của đảng này. Tuy vậy, theo một cuộc trưng cầu hồi tháng 8, lần đầu tiên kể từ khi viện nghiên cứu Gallup đặt vấn đề này, đã có nhiều đảng viên dân chủ chấp thuận chủ nghĩa xã hội hơn chủ nghĩa tư bản.
Có phải chủ nghĩa xã hội đã thật sự đến với nước Mỹ, và nó sẽ như thế nào? Tạp chí Politico Magazine đã mời các nhà văn, chuyên gia chính sách, chính trị gia xã hội chủ nghĩa cùng thảo luận. Các câu trả lời của khách mời cũng đa dạng như chính phong trào xã hội chủ nghĩa. Điều tốt nhất mà phong trào này đang phản ánh là những chân trời chính trị mở rộng trong một thế giới mới dũng cảm, thế giới thời hậu Donald Trump.
*
Nếu nó đủ tốt cho những Bắc Âu, nó cũng đủ tốt cho chúng ta – Matthew Bruenig, người sáng lập Dự án Chính sách của Nhân dân (People’s Policy Project), một viện cố vấn cấp tiến
Có một cách xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Mỹ, đó là sao chép định chế kinh tế ở các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy. Các nước này là những nơi liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng toàn cầu về hạnh phúc, phát triển con người và sự thỏa mãn toàn diện. họ có những thị trường lao động mang tính tổ chức cao, các nhà nước phúc lợi chung và tỉ lệ sở hữu vốn tư bản công tương đối cao.
Để chuyển sang định hướng Bắc Âu, nước Mỹ nên thúc đẩy công đoàn hóa hàng loạt trong lực lượng lao động, gia tăng bảo vệ pháp lý trong các điều khoản trọng tài và cho phép công nhân giành được một số ghế trong ban quản trị doanh nghiệp công ty mà họ đang làm việc, như thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã đề nghị gần đây.
Nói về phúc lợi nhà nước, đất nước này nên xây dựng hệ thống bảo hiểm sức khỏe quốc gia, tương tự như đề nghị “Chăm sóc y khoa cho Tất cả” (Medicare for All) của một số đảng viên Dân chủ, kéo dài kỳ nghỉ thai sản của các bậc phụ huy tương lai, trợ cấp cho mỗi trẻ em trong mỗi gia đình 300 USD mỗi tháng, cung cấp miễn phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ và trẻ trước tuổi mẫu giáo. Nước Mỹ cũng nên trợ cấp nhà ở cho những người thu nhập thấp và gia tăng phúc lợi tối thiểu cho những quan chức cao cấp về hưu, những người về hưu non vì không còn khả năng làm việc.
Để gia tăng quyền sở hữu công về tư bản, chính phủ nên thiết lập một quỹ của cải xã hội và từ từ lấp đầy quỹ này bằng các tài sản tư bản mua trên thị trường mở. Theo thời gian, lợi nhuận từ quỹ có thể được chia sẻ cho mọi người dân Mỹ như các khoản thanh toán chung, hoặc dùng làm doanh thu chính phủ tổng quát. Chính phủ nên xây dựng ít nhất 10 triệu đơn vị nhà ở xã hội thuộc sở hữu công dành cho nhiều mức thu nhập để gia tăng quyền sở hữu công và thúc đẩy sự gia tăng nguồn cung nhà ở tại các khu vực đô thị đắt đỏ có giới hạn mà nhiều người đang rất cần.
>> Vì sao ngày càng nhiều người Mỹ đi theo tiếng gọi của Karl Marx? |
*
Chủ nghĩa xã hội dân chủ là mở rộng sự dân chủ – David Duhalde, quản lý bầu cử cao cấp của Cuộc cách mạng của chúng ta (Our Revolution), một tổ chức phi lợi nhuận cấp tiến lấy cảm hứng từ Bernie Sander
Nội dung quan trọng thường bị bỏ qua về cách thiết lập chủ nghĩa xã hội là sự mở rộng danh sách những người ra quyết định trong xã hội và cách thức họ làm điều đó, trong đó có quyền sở hữu dân chủ tại nơi làm việc. Chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Mỹ cũng nói về việc mở rộng dân chủ nhiều như bất kỳ thứ gì khác.
Trong ngắn hạn, cũng như người theo đường lối tự do, những người xã hội chủ nghĩa muốn bảo vệ, gia tăng và mở rộng các dịch vụ xã hội và hàng hóa công. Chúng ta đã làm thế, tuy nhiên, không phải vì những chương trình đó là nhân đạo, mà là để chuyển lên nền dân chủ xã hội, nơi mà cuộc sống của nhân dân ít phải tuân theo các ý muốn bất ngờ của thị trường tự do. Chăm sóc sức khỏe chung và sự đảm bảo công việc, hai ý tưởng mới mẻ mà trong thực tế đang được thảo luận ở Thượng viện tháng 9 vừa qua sẽ chỉ là những bước đầu tiên hướng tới nền dân chủ xã hội.
Thiết lập chủ nghĩa xã hội dân chủ nghĩa là dân chủ hóa quyền sở hữu vốn, cuộc sống cá nhân và công việc của chúng ta. Những người xã hội chủ nghĩa tin rằng, nếu bạn làm việc ở đâu, bạn nên có tiếng nói về cách thức nơi đó hoạt động. Ở cấp độ công ty ngày nay, điều này là khả thi nhờ các công đoàn, các hội đồng công nhân và các ban giám đốc được bầu cử. Ngoài ra, nếu lao động của bạn tạo ra lợi nhuận, trong chế độ chủ nghĩa xã hội, bạn sẽ có cổ phần quyền sở hữu và một tiếng nói dân chủ về cách nơi làm việc của bạn đang hoạt động.
Các hợp tác xã và doanh nghiệp công như Mondragon ở xứ Basque, hợp tác xã Jackson ở Mississippi và Red Emma’s ở Baltimore đem lại cho chúng ta một vài nét sơ lược về các quyền sở hữu kiểu này. Loại hình nền kinh tế được dân chủ hóa sẽ trao quyền tự chủ cho các cộng đồng bị bỏ rơi trong lịch sử, và sẽ là nền tảng của bất kỳ nước Mỹ xã hội chủ nghĩa nào.
*
Hãy gọi nó bằng bất cứ từ gì bạn muốn, nó là việc làm cho các cộng đồng trở nên bình đẳng hơn – Rashida Tlaib, ứng viên của Đảng Dân chủ tại Quận quốc hội thứ 13 của Michigan
Với tôi, chủ nghĩa xã hội là sự đảm bảo cho các chính sách chính phủ đặt nhu cầu con người lên trước lòng tham của doanh nghiệp và chúng ta xây dựng các cộng đồng nơi mà mọi người đều có một cơ hội để nỗ lực. Tôi kháng cự lại các tên gọi, kể cả những người có thể miêu tả tôi một cách rõ ràng là “cấp tiến”, bởi vì tôi cảm thấy một khi truyền thông bắt đầu định nghĩa bạn, thay vì để cho những hành động của bạn cất tiếng nói, bạn bắt đầu đánh mất đi một chút nào đó hình ảnh “bạn là ai”. Tôi tự hào là một thành viên của Các nhà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Mỹ (DSA) ở Vùng đô thị Detroit bởi vì họ đang làm những điều tương tự như tôi. Có thể kể ra một số việc như: Một mức lương đủ sống cho mọi người, loại bỏ ICE (Abolish ICE – một phong trào chính trị đề nghị loại bỏ cơ quan thực thi hải quan và nhập cư Mỹ) và đảm bảo chăm sóc sức khỏe chung.
Chúng ta đang cố gắng xây dựng những cộng đồng nơi sự giáo dục mà bạn tiếp cận, những công việc bạn có thể có đều không phụ thuộc vào mã bưu chính, chủng tộc hay giới tính của bạn. Mọi người không nhất thiết phải tìm kiếm một đại diện “xã hội chủ nghĩa dân chủ” hay “cấp tiến”, nhưng họ cũng không sợ những từ đó, họ chỉ đang tìm một chiến binh sẽ đặt nhu cầu của họ lên trên lợi nhuận doanh nghiệp và không bao giờ lùi bước. Vì vậy, nếu người khác muốn gọi tôi là một nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ dựa trên việc tôi chiến đấu vì lợi ích chung làm cho tất cả chúng ta tốt đẹp hơn, thì điều đó ổn với tôi, nếu không thì chắc chắn tôi sẽ không nói chuyện với họ.
Nhưng tôi định nghĩa bản thân mình qua những thấu kính độc đáo của chính tôi: Tôi là một người mẹ chiến đấu vì công lý cho tất cả. Cuối cùng, tôi đang cố gắng xây dựng các liên minh và truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động xây dựng một xã hội nơi mà mọi người ai cũng có cơ hội phát triển. Đó chính là chủ nghĩa xã hội mà tôi hứng thú.
>> Dấu hiệu tinh tế về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản ở Mỹ |
*
Chủ nghĩa xã hội sẽ là phương thuốc sửa chữa sự tước đoạt có tính hệ thống với người da màu – Connie M. Razza, giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Viện cố vấn Demos.
Một nền kinh tế Mỹ công bằng hơn, hay có tính xã hội chủ nghĩa dân chủ hơn, sẽ yêu cầu tái cơ cấu các cấu trúc đã tước đoạt của cải và những nguồn lực khác khỏi các cộng đồng người da màu một cách có hệ thống. Để hiểu rõ những cấu trúc đó, chúng ta có thể nhìn lại hàng trăm năm người châu Âu đã lấy đất từ người Mỹ bản địa và biến người châu Phi thành nô lệ cũng để lấy đất của họ, hoặc có thể nhìn lại chuyện cách đây 10 tháng, Đảng Cộng hòa đã thông qua một dự luật cắt bỏ thuế để làm lợi cho các nhà tài trợ lớn của họ với cái giá phải trả là lợi ích của người nghèo, người lao động (dự luật cải cách thuế được Thượng viện Mỹ thông qua tháng 12/2017 giảm thuế thu nhập cho các cá nhân và gia đình ở mọi cấp độ thu nhập và thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% còn 21% cho tới năm 2026 – Người dịch).
Ngoài ra, một hệ thống mới sẽ điều chỉnh cách cư xử với các doanh nghiệp, công nhận điều gì đã được xem là đúng: Chúng tôi đầu tư vào các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng mà các doanh nghiệp phụ thuộc bởi vì các doanh nghiệp phục vụ chúng tôi. Trong tình hình bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế như hiện nay, chúng ta đã chuyển giao quyền lực cho các doanh nghiệp. Luật lệ phù hợp và thuế công bằng giúp các doanh nghiệp dễ dàng tập trung các nguồn lực, dù đó là tiền (với công ty tài chính), điện (với công ty năng lượng), công nghệ, thực phẩm… và phân phối chúng tới nơi chúng thật sự cần đến.
Một điều quan trọng là một tương lai công bằng yêu cầu mọi người đều có tiếng nói bình đẳng trong nền dân chủ Mỹ – sự công bằng trong tiếp cận bỏ phiếu, tự do khỏi mọi rào cản hạn chế thái quá. Nến tài chính công thông minh sẽ giúp các cử tri có thể tham gia một cách có ý nghĩa bằng cách tài trợ cho các ứng viên và cho phép mọi công dân có năng lực đều có cơ hội chạy đua vào các văn phòng. Không nên để sức mạnh đồng tiền giúp những người giàu có thêm nhiều là phiếu. Một nền kinh tế – chính trị công bằng hơn sẽ thừa nhận rằng chỉ có tiếng nói là tiếng nói, và cơ hội để gây ảnh hưởng đến cách tư duy của các đại diện là thông qua sự chắc chắn của các ý tưởng.
*
Xã hội chủ nghĩa dân chủ nghĩa là quyền sở hữu dân chủ với nền kinh tế – Peter Gowan, thành viên tổ chức phi lợi nhuận tiến bộ Democracy Collaborative (Cộng tác Dân chủ)
Một chính phủ được bầu chọn một cách dân chủ nên sở hữu những tài sản độc quyền tự nhiên như các tiện ích, vận tải đường sắt, cung cấp các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, chăm sóc trẻ em, ngân hàng, và xây dựng phúc lợi nhà nước chung loại bỏ đói nghèo thông qua việc đảm bảo thu nhập tối thiểu, hỗ trợ người khuyết tật, người già và gia đình có con nhỏ.
Nhưng chúng ta phải đi xa hơn điều đó. Chúng ta cần khảo sát để thiết lập sở hữu dân chủ trên một nền kinh tế rộng lớn hơn, và loại bỏ sự phụ thuộc của chúng ta vào những ngành công nghiệp lệ thuộc vào sự ô nhiễm và chiến tranh để tồn tại. Cần có các chiến lược cho phép công nhân các ngành nhiên liệu hóa thạch, hàng không, quốc phòng tái sử dụng cơ sở vật chất của họ cho việc sản xuất hữu ích có tính xã hội nhiều hơn.
Một ví dụ là Lucas Plan ở Anh quốc, nơi công nhân thiết kế và xuất bản một “kế hoạch doanh nghiệp thay thế” khả thi, bao gồm việc cấp vốn cho các ngành năng lượng tái chế, vận tải công, công nghệ y tế. Chúng ta cần một cơ chế để chuyển đổi tài sản doanh nghiệp thành các quỹ của cải xã hội định hướng khu vực được kiểm soát bởi các cổ đông đa dạng và có trách nhiệm, những người sẽ dần dần chuyển giao quyền sở hữu ra khỏi những nhóm người vô trách nhiệm để hướng về các tổ chức bao gồm số đông dân chúng.
Một nước Mỹ theo xã hội chủ nghĩa dân chủ sẽ là một xã hội mà ở đó, của cải và quyền lực được phân phối đồng đều rất nhiều, và ít có tội ác, ít sự cô đơn và sự bỏ rơi. Chủ nghĩa xã hội dân chủ nhắm tới sự giải phóng năng lực và sự sáng tạo con người, không chỉ ở Mỹ mà là ở tất cả các quốc gia có giới tư bản bóc lột và xâm chiếm vì lợi nhuận của các tỉ phú ở đất nước chúng ta.
>> Kinh tế hợp tác xã – một sự phản kháng trước chủ nghĩa tư bản ở Mỹ |
*
Đó là việc trao cho mọi người một tiếng nói trong việc ra quyết định – Maria Svart, giám đốc toàn quốc của tổ chức Những nhà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Mỹ (DSA)
Sức mạnh tập thể là chìa khóa cho hình ảnh của chủ nghĩa xã hội Mỹ, bởi vì chủ nghĩa xã hội dân chủ dựa trên nền tảng quan trọng là: Chúng ta không có bản đồ chi tiết cho con đường này, vì vậy mở rộng nền dân chủ bao gồm tất cả chúng ta vừa là phương tiện vừa là mục đích.
Vấn đề của chủ nghĩa tư bản không chỉ là một hệ thống vận hành bằng tầng lớp tinh hoa giàu có, thèm khát lợi nhuận vốn và luôn đem lại sự bất ổn, hay việc nó bỏ rơi những tầng lớp xã hội nghèo đói trên đường phố. Vấn đề là nó phụ thuộc vào chế độ độc tài của người giàu. Sự khác biệt cơ bản mà chúng ta kỳ vọng ở một xã hội xã hội chủ nghĩa là tất cả chúng ta đều sẽ có tiếng nói trong những quyết định ảnh hưởng đến cuộc đời chúng ta. Nơi làm việc sẽ được sở hữu bởi các công nhân điều hành chúng, hơn là một ông chủ được ủy quyền.
Hệ thống chính trị sẽ có tính dân chủ thật sự hơn là hệ thống được điều hành bởi những người đã mua các chính trị gia. Đời sống gia đình sẽ dân chủ hơn, và sẽ không có ai phải phụ thuộc vào một người kiếm tiền chỉ để sống sót, bởi vì các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe có sẵn cho tất cả mọi người, và được điều hành dưới sự giám sát của cộng đồng. Cuối cùng, đầu tư chính phủ sẽ là dân chủ, hơn là được quyết định bởi các nhà tài trợ doanh nghiệp hay các tay chơi phố Wall. Nói cách khác, khi đó chúng ta sẽ có sự tự do đích thực, trong khi các lựa chọn sẵn có với chúng ta hiện tại lại phụ thuộc vào cảm giác bất chợt của một vài người.
*
Nó đơn giản hơn nhiều: Bảo hiểm xã hội – Samuel Hammond, giám đốc nghiên cứu đói nghèo và phúc lợi ở Viện Cố vấn thị trường tự do Niskanen Center
Gần một thế kỷ sau khi cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký quyết định thông qua đạo luật An sinh Xã hội (ngày 14/08/1935), đạo luật này vẫn là di sản lâu đời nhất của ông, giúp cho hơn 22 triệu người về hưu thoát khỏi đói nghèo mỗi năm, và bảo vệ thêm hàng triệu người khỏi rủi ro của việc sống lâu hơn số tiền tiết kiệm của họ. Tuy vậy, nhìn chung, chúng ta không xem An sinh Xã hội là “xã hội chủ nghĩa”.
Vì sao chúng ta không nên làm vậy? Không chỉ vì An sinh Xã hội là chi tiêu chính phủ lớn nhất (chiếm 1/3 ngân sách, gần 1.000 tỷ USD mỗi năm), mà còn vì việc thiết lập An sinh Xã hội có nghĩa là, kể cả những tín đồ của chủ nghĩa cá nhân khỏe mạnh nhất nước Mỹ cuối cùng cũng phải tuân thủ nghĩa vụ công dân của anh ta/cô ta.
Thái độ tích cực của doanh nhân Mỹ và một nhà nước đa dạng khổng lồ đến từ việc là đất nước của những người nhập cư, những điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ không bao giờ có được thương hiệu uy tín cao về dân chủ xã hội mà ai đó có thể tìm thấy ở Bắc Âu. Tuy nhiên, thành công của An sinh Xã hội đem lại một gợi ý gồm hai từ về cách thức mà nước Mỹ có thể trở nên “xã hội chủ nghĩa” hơn chỉ sau một đêm: Bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội là tập hợp công các rủi ro mà các thị trường vật lộn để duy trì chúng, từ các điều kiện y tế tồn tại trước khi được bảo hiểm cho đến việc đột ngột mất việc. Nó có thể được thực hiện một cách có hiệu quả bởi bất kỳ chính phủ nào đủ năng lực cắt giảm các chi phiếu. Và trong khi tính quan liêu của các nhà quản trị An sinh Xã hội có thể rất khó chịu, dường như bảo hiểm xã hội tương thích một cách hoàn hảo với thương hiệu đa chủng tộc uy tín thấp của nước Mỹ. Điều này cho thấy là con đường phía trước của các nhà xã hội chủ nghĩa Mỹ không phải là chiếm lấy phố Wall, mà là những con đường ở Hartford, Connecticut – thủ đô ngành công nghiệp bảo hiểm của đất nước này.
*
Hãy quên đi nền dân chủ xã hội. Nước Mỹ đã sẵn sàng cho chủ nghĩa xã hội thật sự – Joe Guinan, giám đốc điều hành Next System Project (Dự án Hệ thống kế tiếp) thuộc tổ chức Democracy Collaborative (Hợp tác Dân chủ)
Khi chủ nghĩa xã hội đến Mỹ, nó sẽ không phải là chủ nghĩa xã hội “một cỡ cho tất cả” – dù nó sẽ có những khát vọng và những khía cạnh tổng quát. Nó sẽ được thực hiện từ dưới lên, thay vì áp đặt từ trên xuống, tuân theo các truyền thống tốt nhất của nước Mỹ – có thể thu hút nhiều thí nghiệm đa dạng ở các “phòng thí nghiệm dân chủ” địa phương và nhà nước, giống như New Deal (các chương trình và dự án khôi phục sự giàu có của nước Mỹ trong thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế từ 1933-1935 dưới thời tổng thống Franklin D. Roosevelt).
Nó sẽ có tính dân chủ, phi tập trung hóa và tập thể quyết định (cho phép mọi người đều tham gia quyết định). Nó sẽ cắm rễ vào sự công bằng tình dục, giới tính, chủng tộc, gợi lại câu thơ của Langston Hughes (trong bài thơ Let America be America Again / Để nước Mỹ lại là nước Mỹ) về một vùng đất “chưa bao giờ, nhưng phải là – vùng đất mà mọi người đều tự do”.
Nó sẽ tháo gỡ, thay vì áp đặt một trại cải tạo Mỹ như hiện tại – thể chế bỏ tù hàng loạt theo chủng tộc có tỉ lệ dân số ở tù cao nhất thế giới. Nó sẽ là việc sống một cách an toàn, khôn ngoan và sống tốt trong một cộng đồng đang phát triển, trong sự đoàn kết với muôn loài, thay vì đi quá xa những biên giới sinh thái để theo đuổi việc tích lũy tài chính.
Đây sẽ là chủ nghĩa xã hội thật sự, thay cho nền dân chủ xã hội hay chủ nghĩa tự do, bởi vì nó sẽ xã hội hóa phương tiện sản xuất, mặc dù không phải tất cả các loại hình phương tiện đó đều tập trung trong tay nhà nước. Thay cho của cải tập trung sẽ là sự phân tán quyền sở hữu rộng rãi. Thay cho các thị trường toàn cầu không xung đột sẽ là nền kinh tế địa phương có tính tái luân chuyển, tập thể quyết định, cắm rễ. Thay cho các tập đoàn đa quốc gia bóc lột sẽ là công ty thuộc sở hữu chính quyền, cộng đồng, công nhân. Thay vì tư hữu hóa bán tài sản thì sẽ là vô số các doanh nghiệp công dân chủ. Thay cho việc tạo ra tín dụng tư nhân bởi các ngân hàng thương mại và tài chính nhà đầu tư sẽ là sức mạnh tiềm năng to lớn của các ngân hàng công và tài chính chính phủ tự chủ, những thứ khiến chúng ta nhớ đến Abraham Lincoln và Franklin D. Roosevelt.
*
Một giải pháp thay thế mới mẻ cho hệ thống tư bản chủ nghĩa Mỹ là bất kỳ điều gì nhưng phải tự do – Thomas Hanna, giám đốc nghiên cứu của Democracy Collaborative (Hợp tác Dân chủ)
Một hình thức chủ nghĩa xã hội thực tiễn ở Mỹ trong thế kỷ 21 sẽ xảy ra khi quyền sở hữu dân chủ thay thế và thế chỗ mô hình doanh nghiệp bóc lột thống trị hiện nay. Không có một hình thức sở hữu dân chủ duy nhất nào là lý tưởng mà có nhiều hình thức đa dạng: Sở hữu nhà nước đầy đủ, sở hữu nhà nước từng phần, sở hữu chính quyền/địa phương, sở hữu nhiều cổ đông, sở hữu công nhân, sở hữu hợp tác người tiêu dùng, sở hữu hợp tác nhà sản xuất, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân địa phương bền vững.
Bất chấp mọi tu từ về “thị trường tự do”, hệ thống tư bản chủ nghĩa Mỹ là bất kỳ điều gì ngoại trừ thị trường tự do. Hệ thống đó đã phụ thuộc nặng nề vào liều thuốc chính sách, quy định, sự quản trị chính phủ và những can thiệp đi kèm ở các cấp độ khác nhau – thậm chí trong một số trường hợp còn giống với hoạch định mềm, ví dụ như trong khu vực trang trại.
Một mặt, không thể tránh khỏi việc một số hỗn hợp thị trường và hoạch định sẽ là một đặc điểm của một hệ thống xã hội chủ nghĩa Mỹ, với sự tham gia có tính dân chủ hơn trong việc quyết định các ưu tiên dài hạn ở địa phương, khu vực và quốc gia một cách lý tưởng, ít nhất là lúc ban đầu. Mặt khác, nó sẽ có tính hợp lý cao hơn trong những nỗ lực hướng đến sự phát triển kinh tế công bằng về mặt địa lý, chưa kể việc xoay sở với hiểm họa biến đổi khí hậu đang gia tăng.
*
Một nhà nước phúc lợi hoàn toàn, một thị trường lao động được chuyển hóa và sở hữu nhà nước về các phương tiện sản xuất – Ryan Cooper, nhà báo của The Week
Động lực đạo đức cho sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội có thể là chủ nghĩa quân bình lấy từ John Rawls (1921-2002, một nhà triết học chính trị và đạo đức người Mỹ theo truyền thống tự do), chúa Jesus hay bất kỳ ai. Mục đích cơ bản sẽ là sử dụng của cải được phát triển bởi hoạt động tập thể của nền kinh tế đại diện cho toàn bộ dân chúng, bởi vì thật không công bằng khi để một thiểu số tinh hoa ngốn sạch phần thu nhập và của cải cực lớn trong khi hàng triệu người không có tiền hoặc chỉ vừa đủ sống.
Nhìn chung, có ba mục đích chính của chính sách xã hội chủ nghĩa là có ý nghĩa nhất.
Đầu tiên là một nhà nước phúc lợi hoàn toàn mà trong đó nhà nước sẽ nắm bắt từng nhóm người vừa mất việc hoặc không thể làm việc – thất nghiệp, trẻ em, sinh viên, người già, khuyết tật, người cần sự chăm sóc v..v. Khi hoàn thành, nhà nước phúc lợi sẽ loại bỏ động cơ tư bản chủ nghĩa là làm việc do bị đe dọa không có tiền, và thay thế nguy cơ đó bằng lời mời gọi về chỗ làm việc, đào tạo và hơn thế nữa.
Thứ hai, đó sẽ là một thị trường lao động đã chuyển hóa có tính cấp tiến, trong đó hầu như mọi công nhân đều có mặt trong công đoàn, có hợp đồng công đoàn, khác biệt lương giữa lao động phổ thông và có trình độ được thu hẹp mạnh mẽ, và công nhân sẽ nắm từ 33-50% số ghế ban giám đốc doanh nghiệp. Đó là quyền sở hữu nhà nước trực tiếp về phương tiện sản xuất, thông qua việc xây dựng các doanh nghiệp nhà nước có năng suất, quốc gia hóa một số công ty chủ chốt, hoặc biến một số lớn các tổ chức doanh nghiệp thành các quỹ của cải xã hội (như Alaska đã làm).
Điều cuối cùng là cái cơ bản nhất, theo tôi nghĩ, đó là chính sách xã hội chủ nghĩa cần thiết để thật sự đánh đổ sự bất công. Ngày nay, một phần ba tổng thu nhập quốc gia chảy vào tư bản mà quyền sở hữu của nó ngày càng được tập trung vào ít người hơn. Trên thực tế, tất cả mọi sự tăng trưởng 1% thu nhập của top đầu kể từ năm 2000 đều là của tư bản.
*
Thị trường tự do không đủ để giải quyết những vấn đề chúng ta đối mặt – Sean McElwe, nhà văn và đồng sáng lập tổ chức Data for Progress (Dữ liệu cho Phát triển)
Chủ nghĩa xã hội về cơ bản là một ý tưởng đơn giản, đó là các giá trị dân chủ nên định hướng nền kinh tế của chúng ta hướng tới việc tối đa hóa sự phát triển con người, thay vì tích lũy tư bản. Chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận những quyết định mà chính phủ của chúng ta dành riêng cho người da trắng giàu có, và chúng ta không nên chấp nhận những quyết định về nền kinh tế của chúng ta được thực hiện theo cách đó.
Về mặt lịch sử, nhóm người da trắng giàu có không phải là những người phục vụ tốt nhất cho các lợi ích chung của nhân loại.
Khi nền kinh tế của chúng ta không dân chủ, việc chính phủ có sự dân chủ là một điều bất khả thi. Chúng ta không thể lèo lái xã hội của chúng ta hướng tới sự thỏa mãn tối đa một cách có hiệu quả khi các lợi ích của tư bản được đặt lên trên các lợi ích được chia sẻ của cộng đồng.
Lấy ví dụ về biến đổi khí hậu, một bài toán đơn giản. Các doanh nghiệp lớn nhất của chúng ta có nguồn cung nhiên liệu hóa thạch mà nếu bị đốt cháy sẽ đẩy mật độ carbon toàn cầu lên cao hơn hai lần ngưỡng nguy hiểm. Lựa chọn cũng đơn giản: Nhân loại tồn tại, và các công ty viết giấy xóa nợ, hoặc các công ty duy trì lợi nhuận và sự sống loài người bị tuyệt chủng.
Các nhà xã hội chủ nghĩa khác với các đảng viên Dân chủ tự do như thế nào?
Đầu tiên, các nhà xã hội chủ nghĩa nhận ra rằng chỉ thị trường thôi thì không đủ để giải quyết các vấn đề chúng ta đang gặp phải. Hiện nay, vốn hóa thị trường của một vài công ty nhiên liệu hóa thạch cũng đủ để được ưu tiên hơn ý chí của cả cộng đồng quốc tế chứ không chỉ ý chí của cử tri Mỹ. Hơn nữa, một nền kinh tế phải được đưa ra khỏi những bàn tay thị trường, không chỉ là sản xuất năng lượng mà cả chăm sóc sức khỏe, thông qua liều thuốc xã hội chủ nghĩa hóa.
Thứ hai, những người xã hội chủ nghĩa nhận ra rằng, một nhà nước phúc lợi dựa trên chế độ thực dân không phải là một mục tiêu tiến bộ. Mỹ, theo lưu ý của nhiều chính trị gia dân chủ, là quốc gia giàu nhất thế giới. Sự giàu có đó được xây dựng trên bạo lực tồi tệ và giết chóc trên phạm vi toàn cầu. Đó là nguồn lợi nhuận của đế chế. Một nền chính trị xã hội chủ nghĩa sẽ nỗ lực vì một nền tảng phân phối thu nhập toàn cầu tiến bộ hơn.
Những người xã hội chủ nghĩa tin rằng, nếu không có sự kiểm soát dân chủ với tư bản và sự kết thúc của chế độ thực dân, các mục tiêu của chủ nghĩa cấp tiến sẽ không được hoàn thành. Những người xã hội chủ nghĩa tranh luận rằng chủ nghĩa tư bản không tương thích với dân chủ. Với những ai không đồng ý, chúng tôi đặt ra một câu hỏi đơn giản: Nơi nào sẽ được quét dọn sớm hơn, vốn hóa thị trường của ExxonMobil hay thành phố Miami (thành phố này bị tàn phá nặng nề bởi siêu bão Irma vào tháng 9/2017 – Người dịch)?
Tags: Chính trị Mỹ, Mỹ, Tư bản, Chủ nghĩa xã hội, Công bằng xã hội, Dân chủ, An sinh xã hội - Phúc lợi xã hội