Một góc nhìn về việc ‘xóa tên’ quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội

Tôi sinh ra ở Gia Lâm trong một gia đình đã định cư hơn 20 đời tại đây, từ thời Hậu Lê. Gia đình tôi chứng kiến nhiều chuyện “vật đổi sao dời” với Thủ đô. Dân cư, làng phố, đường sá… có thể chuyển dịch nhiều, nhưng tôi luôn cảm nhận được nguyên vẹn hồn cốt của Thăng Long xưa.

Một góc nhìn về việc ‘xóa tên’ quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội

Tác giả: Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Gia Lâm trước 1958 có Gia Lâm phố và Gia Lâm huyện. Gia Lâm phố thuộc Hà Nội, còn Gia Lâm huyện thuộc Bắc Ninh. Sau đó, Gia Lâm huyện và Đông Anh được cắt sang Hà Nội để mở rộng Thủ đô. Tôi thành người Hà Nội. Cả gia đình vẫn ở vùng quê nghèo, còn tôi phải lên Hà Nội phố trọ học từ lớp bốn. Có ông trẻ tôi ở ngõ 40 Trần Nhật Duật nên tôi được nhờ căn gác xép nương thân. Tôi sống ở đó cho tới khi vào đại học rồi đi sơ tán do chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Tôi vẫn hay về Hà Nội phố, chứng kiến sức sống của Hà Nội rêu phong dưới áp lực bom đạn… Khi đó, Hà Nội phố chỉ có bốn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa.

Hà Nội bây giờ có tới 12 quận, một thị xã và 17 huyện. Con số này có thể tiếp tục biến động do việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Quận Hoàn Kiếm nhỏ nhất (5,29 km2) – không đủ diện tích tối thiểu theo quy định – chưa biết sẽ được sáp nhập ra sao. Đây không phải là tư duy chủ động của lãnh đạo Hà Nội mà thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030.

Tôi là người cũng quan tâm đến địa danh học, từ đó khảo cứu ra lịch sử phát triển của nhiều địa phương. Tôi rất mê bộ “Địa bạ nhà Nguyễn” với hơn 20 quyển chứa nhiều tư liệu về các đơn vị hành chính xưa. Tôi đọc thấy có rất nhiều điều thú vị. Ngoài ra, tôi cũng quan tâm tìm hiểu khoa học hành chính của Pháp, một đất nước có lý thuyết rõ ràng về quản lý hành chính và đã thể hiện cụ thể trong cách phân chia các đơn vị hành chính ở Việt Nam.

Cấp huyện xưa cũng có nơi trọng yếu thì lập phủ, như phủ Điện Biên, phủ Xuân Trường, phủ Lạng Thương… chẳng hạn, còn nơi thường thì lập huyện. Quan đầu phủ chức sắc cao hơn quan đầu huyện. Cấp xã cũng như vậy, xưa gọi là tổng, có tổng lớn, tổng bé, không theo dân số hay diện tích mà sắp đặt. Căn cứ chính của người xưa để chia đơn vị hành chính là thổ ngơi, truyền thống, tập tục, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng.

Tạo ra khối đoàn kết nhân dân là kỹ thuật rất khó. Khi không để ý tới con người thì khối đoàn kết này chỉ là hình thức, mà nội dung là “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Đã vậy thì làm sao mà nhất trí đồng tâm hiệp lực được. Vì vậy, tiêu chí tổ chức các đơn vị hành chính xưa đều dựa vào văn hóa, xã hội của cộng đồng người là chính, vì đó là cái gốc của “đồng tâm, hiệp lực”. Đây là những kinh nghiệm quý giá để học hỏi.

Điều thứ hai cần bàn tới là chi phí hành chính. Sắp xếp lại các đơn vị hành chính là để giảm chi phí hành chính. Nhưng chi phí để trả cho việc tách hay nhập một đơn vị hành chính thường cũng rất cao. Dấu phải khắc lại, hồ sơ phải chỉnh lý, dữ liệu phải bổ sung… kéo theo không chỉ chi phí hành chính mà cả những chi phí cho xã hội và thương trường. Vậy ở các nước, người ta thường phải phân tích kỹ chi phí – lợi ích trước khi đi tới quyết định cuối cùng. Có những chi phí và lợi ích tính được bằng tiền và cũng có những thứ không tính được bằng tiền. Ví dụ một gác xép trong ngõ nhỏ ở một phố nhỏ thuộc Hà Nội cũ mà nghe được tiếng gió sông Hồng, tiếng mõ đền Bạch Mã hay tiếng chuông nhà thờ Cửa Bắc… có thể giá trị cao hơn một biệt thự lớn ở nơi không ai nhớ địa danh là gì.

Nếu phân tích về sự thay đổi địa giới hành chính bốn quận nội thành xưa, chi phí phải trả cho sự xáo trộn các giá trị tinh thần mà một nghìn năm Thăng Long đã tạo ra chắc chắn sẽ không nhỏ. Tôi đã chuyện trò với nhiều khách nước ngoài tới Hà Nội, họ đều thấy được mỗi mét đường, mỗi gốc cây, mỗi mái nhà… ở đây đều thấm đẫm phần hồn của văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Và ba mươi sáu phố phường của Thăng Long Kẻ chợ xưa vẫn còn lại tại quận Hoàn Kiếm.

Câu chuyện “Hoàn Kiếm” của vua Lê Lợi, tuy có nhiều dị bản, nhưng đều nói lên tính nhân văn của người dân Việt, mong được sống yên bình, khi bóng quân thù đã sạch thì sẽ trả lại vũ khí. Hy vọng những góc cạnh của giá trị Thăng Long xưa đủ sức giúp giữ nguyên bốn quận nội thành cũ, chứa đựng trong đó là Hà Nội cổ với 36 phố phường, Hà Nội cũ do người Pháp mở rộng và Hà Nội cách mạng với Ba Đình lịch sử.

Hoàn Kiếm không chỉ là một tích rất nhân văn của dân ta, gắn với Hà Nội cổ, mà còn là địa danh của một cố đô với một nghìn năm lịch sử. Phân chia các đơn vị hành chính, đặc biệt là với các địa danh quan trọng thì bên cạnh con số, quy định cứng nhắc, điều quan trọng là tìm ra và tôn trọng những liên kết về con người, lịch sử và thiên nhiên.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,