⠀
Một cái nhìn về chuyện ‘chặt chém’ ở Việt Nam
Chặt chém không còn là kinh doanh nữa, mà theo tôi phải gọi là trấn lột: khi chúng ta mua hàng hay dịch vụ với sự ấm ức do không thống nhất về giá cả, bị ép, đe dọa phải chấp nhận mức giá trên trời mà không có quyền từ chối.
“Rầm”. Một con dao chém phăng xuống bàn cùng lời quát: “Không nói nhiều”. Đó không phải là cảnh đòi nợ thuê trong phim chưởng Hong Kong, mà là cách một chủ quán phở “xin tiền” khách hàng.
Hai “thượng đế” tội nghiệp đã phải chấp nhận trả 800 nghìn đồng cho hai bát phở mới dám bỏ đi. Mà liệu có ai đủ can đảm để đôi co khi tính mạng của mình bị đe doạ?
Câu chuyện trên với nhiều người có lẽ không phải quá xa lạ. Sống ở Việt Nam, dù ít dù nhiều, chắc ai trong chúng ta cũng đã từng bị ăn cướp giữa ban ngày kiểu như thế. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ ở nước ta mới có những danh từ như “cơm tù” hay “chặt chém”.
Tôi cho rằng, việc bán hàng với giá khác nhau không nhất thiết là chặt chém. Mặc cả đôi khi cũng là một việc thú vị. Trong một chuyến đi tại Ma-rốc, tôi có chứng kiến cảnh khách du lịch và người bán hàng ở chợ đàm phán với nhau về giá một cái áo choàng. Cuộc mặc cả kết thúc, người bán cười và bắt tay người mua rồi khen: “Anh giỏi đấy”. Không biết lời khen ấy có thật lòng không, và liệu người mua có bị “hớ” hay không, nhưng điều quan trọng sau một cuộc mua bán mà tôi thấy ở đây, đó là sự hài lòng của người mua.
Cái dở của việc mua sắm tại nhiều nơi ở nước ta, là việc chuốc thêm sự bực mình. Đã mua với giá cắt cổ, đến dịch vụ cũng không ra gì. Nhiều người khi cự nự với chủ hàng còn bị doạ xử bằng luật rừng, có khi còn bị mắng chửi, đánh đập, như câu chuyện quán phở ở trên.
Chặt chém không còn là kinh doanh nữa, mà theo tôi phải gọi là trấn lột: khi chúng ta mua hàng hay dịch vụ với sự ấm ức do không thống nhất về giá cả, bị ép, đe dọa phải chấp nhận mức giá trên trời mà không có quyền từ chối.
Tôi cho rằng, chủ những cửa hàng chặt chém du khách có trí khôn tuyệt vời. Họ nghĩ rằng khách phương xa chỉ ghé quán có một lần, khi đã lỡ vào quán rồi thì điều quan trọng nhất là phải moi tiền từ túi họ càng nhiều càng tốt. Suy nghĩ hết sức đúng với tư duy kinh doanh, đặt lợi nhuận lên trên hết. Đáng tiếc, trí khôn đó chỉ đúng trong ngắn hạn.
Bởi về dài hạn, hệ thống thông tin của thị trường sẽ giúp khách hàng biết được đâu là chỗ họ nên tránh để không bị mất tiền oan. Và trong trường hợp không biết, hoặc không thể biết, cụ thể từng nơi chặt chém, du khách sẽ bỏ qua luôn địa điểm đó. Điều này, tôi nghĩ, lý giải phần nào tại sao một lượng lớn khách du lịch nước ngoài không trở lại Việt Nam.
Với khách trong nước, trong thời đại của smartphone và Internet, chuyện “tố cáo” những nơi làm ăn không đàng hoàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng cẩn trọng hơn, và họ thường tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đi đến một vùng đất mới. Sẽ có nhiều chủ cửa hàng, đặc biệt là ở những dãy phố kinh doanh mặt hàng giống nhau như phố hải sản ở Đà Nẵng hay Vũng Tàu, không hiểu vì sao lượng khách của mình lại thấp hơn hẳn nhà khác. Khách càng thưa thớt họ càng chặt chém số Thượng đế ít ỏi còn lại, và cứ thế việc kinh doanh theo đà lao dốc không lối thoát. Thị trường có cơ chế để gạt bỏ những kẻ lừa đảo ra ngoài lề, và công nghệ thông tin sẽ đẩy nhanh tốc độ của quá trình đó.
Ngoài ra, người tiêu dùng, dẫu chịu muôn vàn bất lợi khi giao dịch với người bán, có trong tay vũ khí siêu việt nhất. Đó chính là ví tiền của mình. Chúng ta có quyền không mua những gì mình không thích, và tẩy chay những địa điểm mà bản thân thấy không hài lòng.
Theo tôi khách hàng cần biết sức mạnh của mình và phản kháng quyết liệt với nạn chặt chém. Đó không chỉ vì tôn trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, mà còn là trách nhiệm với những người khác trong xã hội.
Theo NGUYỄN KHẮC GIANG / VNEXPRESS
Tags: Văn hóa ứng xử, Tiêu dùng, Kinh doanh - Sản xuất