⠀
Marx đã đúng: Người lao động ‘bán đi bộ da của chính mình’ trong chế độ tư bản
Họ gặp nhau với tư cách bình đẳng khi thực hiện sự trao đổi này. Nhưng sau đó: Một người mỉm cười đắc chí, người kia thì rụt rè và lùi lại. Anh ta đã mang đến chợ bộ da của chính mình…
Tác giả: Ben Burgis, Giáo sư triết học tại Đại học Rutgers (Mỹ).
Nguồn: Karl Marx Was Right: Workers Are Systematically Exploited Under Capitalism; Jacobin.com; 06/11/2022.
Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.
Năm 1865, Karl Marx điền vào một bảng câu hỏi. Nhờ vậy mà chúng ta biết rằng, màu sắc yêu thích của ông là màu đỏ, món ăn yêu thích của ông là cá và những cái tên yêu thích của ông là Jenny và Laura, tên vợ và con gái ông. Ông để trống dòng “nhân vật lịch sử mà bạn ghét nhất” (suy đoán hay nhất của tôi là ông gặp khó khăn trong việc thu gọn danh sách) và liệt kê hai cái tên trong mục “người anh hùng của bạn” – Johannes Kepler và Spartacus.
Hai lựa chọn đó cho bạn biết mọi thứ về cách Marx hiểu dự án lý thuyết của ông. Kepler đồng hóa việc nghiên cứu bầu trời vào vật lý trần tục bằng cách khám phá ra định luật chuyển động của hành tinh. Còn Spartacus cầm đầu một cuộc nổi dậy nô lệ.
Cộng sự của Marx, Friedrich Engel, gọi dự án của họ là “chủ nghĩa xã hội khoa học”. Ý tưởng không phải là bản thân khoa học xã hội có thể nói với bạn rằng chủ nghĩa xã hội tốt hơn chủ nghĩa tư bản. “Khoa học” – nỗ lực của Marx nhằm khám phá “các quy luật vận động” của các nền kinh tế tư bản – là một ngành khoa học kỹ thuật nhằm mục đích tìm hiểu cách thức chủ nghĩa tư bản hoạt động để vượt qua nó và do đó, trong mắt Marx và Engels, sẽ loại bỏ các trở ngại kinh tế tùy tiện ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của nhân loại.
Trong kiệt tác của mình, bộ Tư bản, Marx đã sử dụng lý thuyết kinh tế tiên tiến nhất trong thời đại của ông để giải mã cơ cấu bóc lột tư bản. Giống như David Ricardo và các nhà kinh tế học phi xã hội chủ nghĩa trước đó, Marx cho rằng giá trị của một hàng hóa là sản phẩm của thời gian lao động để sản xuất ra hàng hóa – “lý thuyết giá trị lao động”. Dùng hiểu biết uyên thâm của mình để làm sắc bén phân tích của Ricardo, Marx diễn giải giá trị như kết quả “đóng băng” của thời gian lao động cần thiết trung bình về mặt xã hội.
Nếu bạn nghĩ về “giá trị” theo cách này, lời kết án xã hội chủ nghĩa truyền thống là công nhân trong chủ nghĩa tư bản bị bóc lột trở nên dễ hiểu: công nhân sản xuất ra giá trị nhưng các nhà tư bản kiểm soát bao nhiêu giá trị trong đó được trả về cho họ ở dạng tiền lương.
Dù vậy, như mọi lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm khác, kinh tế học đã thay đổi nhiều kể từ khi Tư bản được xuất bản năm 1867. Ngày nay, nhiều nhà kinh tế học, gồm cả một số nhà kinh tế học Marxist, đã bác bỏ lý thuyết giá trị lao động.
Nhưng có phải sự lỗi thời của lý thuyết giá trị lao động có nghĩa là chủ nghĩa tư bản vô tội trước cáo buộc bóc lột? Không hẳn. Như triết gia Marxist G. A. Cohen đã chứng minh. Quan điểm cốt lõi của Marx về sự bóc lột có thể được trình bày lại theo một cách thậm chí còn đơn giản hơn nếu bạn loại bỏ các giả định thế kỷ 19 của ông về giá trị và giá cả. Điểm mấu chốt là công nhân là nguồn gốc của các sản phẩm có giá trị và chủ nghĩa tư bản đã ép buộc họ từ bỏ một phần giá trị đó cho ông chủ một cách có hệ thống.
Đó là một đề xuất phức tạp. Vì vậy hãy cùng tìm hiểu nó, bắt đầu với công thức ban đầu của Marx.
Phân tích về Lao động và Tư bản của Marx
Marx dành năm chương đầu của Tư bản để phân tích một số khái niệm kinh tế, bắt đầu bằng hàng hóa, tiền tệ và giá trị. Sau đó, ông xem xét chúng trong mối quan hệ với tư bản bằng cách sử dụng các sơ đồ ba chữ cái nổi tiếng của ông.
Ví dụ, kể cả một nông dân tự cung tự cấp vẫn có thể bán một số hàng hóa mà anh ta và gia đình không cần để mua các sản phẩm mà họ không thể làm ra – một chuỗi giao dịch mà Marx trình bày là H-T-H (hàng hóa-tiền bạc-hàng hóa). Nhà tư bản làm điều ngược lại: T-H-T (tiền-hàng hóa-tiền). Khi một người keo kiệt chỉ đơn giản là giữ tiền của mình, có lẽ là lấp đầy hồ bơi bằng những đồng tiền vàng như Scrooge McDuck (nhân vật vịt tỉ phú Mỹ gốc Scotland giàu có keo kiệt trong bộ truyện tranh Vịt Donald của Walt Disney – Người dịch), nhà tư bản biến tiền mặt của mình thành hàng hóa và biến các hàng hóa đó thành nhiều tiền hơn (biểu hiện sự gia tăng cơ bản về giá trị) – dù bằng cách bán chúng (trong trường hợp nhà tư bản thương mại) hay dùng chúng để sản xuất hàng hóa mới và bán đi (trong trường hợp nhà tư bản công nghiệp).
Quan trọng là, động lực tích lũy tiền của tư bản chủ yếu không phải là do các nhà tư bản cá nhân trở thành người tham lam, xấu xa mà là do những áp lực không ngừng nghỉ của chính hệ thống đó. Một nhà tư bản không theo đuổi lợi nhuận một cách tàn nhẫn sẽ bị những người làm điều đó qua mặt – như lời Marx, tư bản là một loại người “keo kiệt có lý trí” (còn người keo kiệt là một “nhà tư bản hóa điên”).
Nhưng, Marx hỏi, làm cách nào để gia tăng kho giá trị mà các nhà tư bản nắm giữ?
Chắc chắn là một số người kinh doanh giỏi hơn những người khác, có thể mua rẻ và bán đắt, nhưng làm cách nào mà cung tiền trong toàn xã hội lại gia tăng theo thời gian? Giá trị mới đến từ đâu? Câu trả lời của Marx là năng lực làm việc của một công nhân – “sức lao động” của anh ta – là một chữ “n” có khả năng biến “T” thành nhiều “T” hơn.
Vào lúc này trong cuộc thảo luận, bất kỳ người biện hộ giỏi nào của chủ nghĩa tư bản cũng sẽ phản bác lại là, nhà tư bản cung cấp phương tiện sản xuất vật chất – xí nghiệp, thiết bị v..v. Tư bản không phải là nguồn của giá trị đó hay sao? Nhưng Marx chỉ ra hai điểm rằng, phương tiện sản xuất vật chất là một nguồn giá trị miễn là chúng được công nhân sử dụng và bản thân phương tiện sản xuất là kết quả hoạt động của các công nhân trước đó – theo cách nói của Marx, “lao động chết” được “lao động sống” sử dụng để sản xuất ra nhiều giá trị hơn.
Thế nhưng, dù là nguồn gốc giá trị, lao động vẫn bị thống trị. Trong một đoạn văn nổi bật ở cuối chương 6, Marx miêu tả một cuộc trao đổi cách điệu giữa “người sở hữu tiền” và “người sở hữu hàng hóa đặc biệt – sức lao động” gặp nhau ở chợ để trao đổi tài sản của họ. Họ gặp nhau với tư cách bình đẳng khi thực hiện sự trao đổi này, nhưng sau đó:
“Khi chúng ta rời khỏi phạm vi của… sự trao đổi hàng hóa, đem lại cho “nhà buôn tự do thông thường” những quan điểm của anh ta, những khái niệm của anh ta, và tiêu chuẩn mà anh ta dùng để đánh giá xã hội tư bản và lao động làm thuê, một sự thay đổi nhất định diễn ra, hoặc có vẻ như vậy, trên gương mặt các diễn viên trong vở kịch của chúng ta. Anh ta, người đã từng là người sở hữu tiền bước lên phía trước với tư cách là một nhà tư bản; người sở hữu sức lao động theo sau với tư cách là công nhân của anh ta. Một người mỉm cười đắc chí tự cao và có ý định kinh doanh, người kia thì rụt rè và lùi lại – giống như ai đó đã mang đến chợ bộ da của chính mình và giờ đây không còn gì để kỳ vọng, ngoại trừ một sự thuộc da”.
Khi cuốn sách tiếp tục, cuối cùng chuyển sang khái niệm chính của đấu tranh giai cấp, Marx viết dài dòng về “sự thuộc da” trông như thế nào và hoạt động ra sao. Ông miêu tả “những góa phụ sắp chết đói” rời bỏ con của mình để làm việc nặng nhọc trong ngành sản xuất diêm – mỗi ngày làm việc cả ngày và đối mặt với cái chết rất sớm vì quy trình công nghiệp. Ông viết về các nhóm công nhân tuyệt vọng và gia đình của họ kiến nghị chính phủ địa phương giảm thời gian làm việc còn mười tám giờ một ngày.
Nhưng điểm phân tích chính của Marx là các nhà kinh tế học chính thống đã bỏ qua sự đối kháng giai cấp ở trung tâm chủ nghĩa tư bản đang che khuất một yếu tố trung tâm. Dưới chế độ phong kiến, những nhà sản xuất trực tiếp (người nông dân) rõ ràng bị ép buộc từ bỏ một phần “lao động thặng dư” của họ (thời gian họ dành để làm việc nhưng không đáp ứng nhu cầu bản thân) cho giai cấp thống trị. Sự chuyển giao cưỡng bức diễn ra công khai. Trong chủ nghĩa tư bản, những người sản xuất trực tiếp (công nhân) tự do ký hợp đồng với bất kỳ ai một cách hợp pháp hoặc – nếu họ sẵn sàng chịu đói – tự do không ký hợp đồng với ai cả. Sự ép buộc được ngụy trang.
Nhưng thực tế bên dưới, Marx khẳng định, là một mối quan hệ thô thiển giữa sự thống trị và sự bóc lột.
Phân tích về sự bóc lột của G. A. Cohen
Trong cuốn sách xuất bản năm 1989 Lịch sử, Lao động và Tự do (History, Labour, and Freedom) của mình, triết gia xã hội chủ nghĩa G. A. Cohen chỉ ra rằng, dù hầu hết các nhà kinh tế học đương thời bác bỏ thuyết giá trị lao động, các nhà xã hội chủ nghĩa bình thường vẫn thường nói đến lý thuyết giá trị lao động như thể nó hiển nhiên đúng. Điều gì giải thích cho sự mâu thuẫn này?
Lý thuyết giá trị lao động, như Marx kế thừa từ Ricardo và làm sắc bén nó bằng những đóng góp phân tích của riêng ông, có thể đúng hoặc có thể không đúng, nhưng chắc chắn là nó không tự nhiên mà có. Đầu tiên, mối quan hệ giữa giá trị và giá cả mà Marx xây dựng là rất phức tạp. Toàn bộ loạt dữ kiện về cạnh tranh, các áp lực cung và cầu có thể khiến giá trị thị trường thật của một hàng hóa khác xa so với giá trị cơ bản của nó. Tuy nhiên, Marx nghĩ là, giá cả vẫn là sự phản ánh méo mó của giá trị thời gian – lao động.
Quan điểm này không dễ bị bác bỏ như nhiều người theo chủ nghĩa tự do dường như nghĩ vậy. Ví dụ, Marx không nghĩ là, những sản phẩm đó sẽ có thêm giá trị nếu chúng do các công nhân đặc biệt chậm chạp làm ra. Marx xem giá trị bắt nguồn từ bình quân xã hội trong thời gian lao động cần thiết tại một địa điểm và thời điểm cụ thể.
Phân tích này vẫn không thuyết phục được toàn bộ các nhà kinh tế học đương đại. Như nhà kinh tế học Mike Beggs lưu ý, các nhà kinh tế học ngày nay nghĩ về bảng giá cầu và cung thay vì cầu và cung như những áp lực tác động lên hàng hóa – điều này làm cho lập luận của Marx, phải có cái gì đó giải thích cho giá cả khi các áp lực này cân bằng, trở nên ít thuyết phục hơn nhiều.
Nhưng Cohen nghĩ rằng, các nhà xã hội chủ nghĩa xem lý thuyết giá trị lao động là hiển nhiên sẽ bị lay động do một cái gì đó khác hơn là những tuyên bố có tính kỹ thuật về giá trị của Marx. Thay vào đó, điều làm lay động họ là một cái gì đó giống như “lý thuyết lao động về những thứ có giá trị”, rõ ràng là điều này rất đúng! Bất kể giá trị là gì, không có hàng hóa nào có giá trị từng là sản phẩm của bất cứ thứ gì ngoại trừ sự kết hợp nào đó giữa (a) thế giới tự nhiên phi nhân và (b) sức lao động con người.
Và khi điều đó đã được thực hiện, toàn bộ phân tích ở phần trước vẫn áp dụng được. Tôi đã sao chép một cách trung thực một vài lập luận chính của Marx trong Tư bản, nhưng không có gì tôi đã viết là giả định ban đầu về các chi tiết kỹ thuật của lý thuyết giá trị lao động.
Được rồi, nhưng công nhân có thật sự bị bóc lột không?
Các nhà kinh tế ủng hộ tư bản chủ nghĩa thích nói về “đất đai, lao động và vốn tư bản” như các yếu tố độc lập mà tất cả đều góp phần vào sản xuất và nói rằng, do đó, sự mất kết nối giữa phần doanh thu của công ty đi vào tiền lương công nhân và phần không nằm trong sự kiểm soát của họ là không thể chối cãi – rốt cuộc, công nhân chỉ cung cấp một trong ba yếu tố. Nhưng nếu vốn tư bản nghĩa là cổ phần của các nguồn lực xã hội (ở trên và ngoài những gì hiện có ở dạng không thay đổi được) được dùng trong sản xuất thì đó chỉ là thành quả của lao động trước đó. Nó hầu như không bác bỏ cáo buộc công nhân không được định đoạt sản phẩm của lao động của họ.
Dĩ nhiên, đôi khi các nhà tư bản tự mình làm lao động quản lý, nhưng điều đó không có nghĩa là “người quản lý” và “nhà tư bản” không phải là những vai trò khác biệt. Trong một doanh nghiệp đủ nhỏ, người sở hữu thậm chí có thể tự mình dọn dẹp vào giờ đóng cửa. Nhưng điều đó không làm cho vai trò của một nhà tư bản giống như vai trò của người lao công.
Tốt thôi, một người bảo vệ chủ nghĩa tư bản có thể lập luận, nhưng không phải là các nhà tư bản vẫn thực hiện một đóng góp quan trọng bằng cách thuê các nhà quản lý giám sát tiến trình sản xuất hay sao?
Một số lao động quản lý sẽ không cần thiết nếu công nhân kiểm soát phương tiện sản xuất và động cơ của họ khác nhau, một số sẽ cần thiết. Nhưng bất kỳ nhà quản lý nào thực hiện những nhiệm vụ có ích cũng có thể được một ủy ban công nhân thuê một cách dễ dàng như một nhà tư bản. Như Cohen nói ở đâu đó, điều cần thiết về mặt xã hội là “cái được ủy quyền” – không phải là nhà tư bản tình cờ được trao quyền để thực hiện ủy quyền bởi những hệ thống xã hội hiện tại.
Khi nói về đất đai, sự lập lờ thậm chí còn rõ ràng hơn. Liệu quyền sở hữu đất có đóng góp vào sản xuất theo cách nào đó? Chỉ trong ý nghĩa là người sở hữu cho phép điều đó xảy ra. (Nếu điều đó có giá trị, trong một chế độ quân chủ tuyệt đối, khi nhà vua phải phê chuẩn cá nhân cho mọi hành vi sản xuất trong vương quốc của mình, ông ấy cũng đang đóng góp một cách có ích!)
Chính đất cũng tạo nên một sự đóng góp giá trị, nhưng làm cách nào mà điều đó bác bỏ lời kết án Marxist rằng, không để công nhân kiểm soát đầu ra của lao động của họ là tính chất bóc lột? Như học giả cấp tiến David Schweickart lập luận trong cuốn sách của ông “Hậu Tư bản chủ nghĩa” (After Capitalism), trừ khi có ý kiến cho rằng một số cây trồng được sản xuất bằng sự kết hợp giữa đất và lao động nông nghiệp bị đốt cháy như một “sự hiến tế cho Chúa đất”, sự đóng góp của đất dường như không liên quan tới các câu hỏi về phân phối.
Tương tự, G. A. Cohen lập luận rằng, buộc tội bóc lột không thành vấn đề cho dù công nhân ngành ô tô trực tiếp sản xuất ra giá trị hay đơn thuần sản xuất ô tô có giá trị (và vận chuyển ô tô rồi bán chúng). Nếu có thể, việc không bác bỏ hoàn toàn phân tích Marxist về sự bóc lột thông qua các giả định thế kỷ 19 sẽ đơn giản hóa được vấn đề và làm sắc bén sự tương đồng ban đầu của Marx về chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản. Như với các nông dân phong kiến, công nhân bị tước quyền kiểm soát sản phẩm, và vì vậy sản phẩm sẽ được bán với bất cứ giá nào nếu người kiểm soát nó bán nó.
Phân tích của Cohen về sự mất tự do của giai cấp công nhân
Nói rõ hơn, cả Marx lẫn Cohen đều không nghĩ rằng công nhân nên nhận toàn bộ sản phẩm của lao động của họ. Marx lập luận rằng, điều này sẽ là phi thực tế và sai lầm vì nhiều lý do khác nhau. Một ví dụ, việc bảo trì thiết bị cũ của xí nghiệp sẽ ra sao? Hay việc xây dựng các xí nghiệp mới? Các “nhu cầu chung” như trường học, bệnh viện hay nhu cầu tiêu dùng của những người không có khả năng làm việc thì sao?
Cái làm nên sự từ bỏ một số giá trị do công nhân sản xuất hay giá trị của các hàng hóa mà công nhân tạo ra sự bóc lột, đó là giá trị bị từ bỏ không nằm ở một tiến trình dân chủ nào đó mà trong đó người hưởng thụ phải đưa ra lý lẽ thuyết phục mà sự từ bỏ được chấp nhận như là kết quả của quyền lực giai cấp này có đối với giai cấp kia.
Tiếp đến, vấn đề thật sự là phần giá trị do nhà tư bản kiểm soát có được công nhân từ bỏ một cách tự nguyện hay không. Thật ra, Cohen lập luận rằng, việc lý thuyết giá trị lao động đúng sẽ không ảnh hưởng gì đến việc củng cố sự lên án bóc lột. Để hiểu vì sao, hãy giả sử một cách giải thích đơn giản về giá trị “cận biên”, theo đó giá trị được tạo ra từ mong ước của người tiêu dùng. Điều đó có trao cho người tiêu dùng một quyền nào đó đối với những thứ họ ao ước? Dĩ nhiên là không. Vấn đề thật sự nằm ở những người sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ, và những thỏa thuận mà theo đó các sản phẩm nằm dưới sự kiểm soát của các nhà tư bản riêng biệt có phải là những thỏa thuận mà công nhân chấp nhận bằng ý chí tự do của chính họ hay không.
Triết gia theo chủ nghĩa tự do Robert Nozick lập luận rằng, ai đó chỉ có thể bị “ép buộc” làm điều gì đó nếu các quyền tài sản của họ không được tôn trọng, nhưng trong một nghiên cứu xuất sắc năm 1983, Cohen lập luận là, điều đó sẽ làm cho mọi thứ bị tụt hậu, và không chỉ vì các lý thuyết tự do chủ nghĩa về quyền tài sản là rất khó xảy ra. Chúng ta có thể và nên xác định điều gì là có tính thúc ép trước khi chúng ta hỏi liệu có bất kỳ điều gì có thể bào chữa cho sự ép buộc đó hay không. Ví dụ, một tên sát nhân hàng loạt, bị buộc phải biến mất khỏi xã hội – và đó là một việc tốt.
Cũng chẳng có ích gì khi nói rằng công nhân không có khả năng thực tế để bắt đầu việc kinh doanh riêng của mình có ít nhất một vài lựa chọn khác bên cạnh lựa chọn làm việc cho một nhà tư bản – rằng anh ta có thể “tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp, ăn xin, hoặc đơn giản là không có kế hoạch gì cho bản thân và phó mặc cho vận may”. Bạn cũng có thể nói một nhân viên phụ trách tiền gửi ngân hàng bị dí súng vào đầu phải từ bỏ mật mã vì an toàn thật ra không bị ép buộc vì cô ấy có lựa chọn đẩy khẩu súng ra xa hoặc hy sinh mạng sống của mình vì ngân hàng. Khi chúng ta nói ai đó bị buộc làm điều gì đó, Cohen chỉ ra, chúng ta thường không có ý họ không có lựa chọn nào khác theo nghĩa đen – chỉ là họ không có lựa chọn nào có thể chấp nhận được.
Cohen nghĩ rằng lập luận hay nhất chống lại khẳng định công nhân bị ép buộc chấp nhận vai trò của các nhà tư bản, và vì vậy bị buộc từ bỏ phần giá trị trong lao động của họ không nằm trong sự kiểm soát của họ, là thực tế giản đơn về sự dịch chuyển lên trên. Một số công nhân, kể cả số xuất phát từ những vị trí tuyệt vọng nhất, cuối cùng cũng có thể tìm đường leo lên vị trí cao hơn trên cơ cấu giai cấp – ví dụ, bằng cách khởi động việc kinh doanh của riêng mình.
Nhưng Cohen lại lập luận một điểm quan trọng: về mặt cơ cấu, để mỗi người trong một nền kinh tế hiện đại phức tạp sở hữu việc kinh doanh nhỏ của riêng mình là không khả thi. Lực lượng lao động sẽ cùng nhau kiểm soát phương tiện sản xuất hoặc họ sẽ chịu sự thống trị của các nhà tư bản có thể bòn rút lao động thặng dư của họ – lao động không hướng đến việc đáp ứng nhu cầu của riêng mình mà hướng đến phần còn lại trong doanh thu công ty, phần nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, dù là do các nhà tư bản nắm giữ hoặc được tái đầu tư.
“Chủ nghĩa tư bản đòi hỏi một lực lượng lao động làm thuê đáng kể”, Cohen viết, “lực lượng này sẽ chấm dứt sự tồn tại nếu có nhiều hơn một vài công nhân trỗi dậy”. Điều này có nghĩa là, mặc dù có một vài cái phao cứu sinh, giai cấp công nhân vẫn cùng nhau bị mắc kẹt trên con tàu lao động làm thuê.
Ông nêu ra một ví dụ tương tự:
“Mười người được đưa vào một căn phòng, lối thoát duy nhất ra khỏi đó là một cánh cửa khổng lồ nặng nề bị khóa chặt. Chiếc chìa khóa nặng nề duy nhất nằm ở những khoảng cách khác nhau so với mỗi người. Bất kỳ ai nhặt được chiếc chìa khóa này-và mỗi người đều có khả năng làm điều đó về mặt thể chất, với những mức độ nỗ lực khác nhau – và đem nó đến cửa, sau khi tự mày mò đáng kể, sẽ tìm ra cách mở cửa và rời phòng. Nhưng nếu làm vậy thì anh ta sẽ rời phòng một mình. Các thiết bị quang điện do quản ngục lắp đặt đảm bảo rằng cửa sẽ mở chỉ vừa đủ cho một người thoát ra. Sau đó nó sẽ đóng lại, và không ai bên trong phòng có thể mở ra nó một lần nữa”.
Có một ý nghĩa là bất kỳ tù nhân nào cũng có thể trốn thoát. Nhưng cũng có một ý nghĩa rõ ràng là, họ đang cùng chung cảnh mất tự do. Một tù nhân trong căn phòng giả định của Cohen, giống như người công nhân trong chủ nghĩa tư bản, có thể trốn thoát một mình, nhưng không thể trốn thoát với các bạn tù của mình.
Cách giải phóng công nhân duy nhất để tất cả cùng nhau trốn thoát, Cohen nói, là đạt được một “loại tự do sâu sắc hơn” cho họ – tự do khỏi xã hội có giai cấp.
Tags: Đấu tranh giai cấp, Tư bản, Karl Marx, Lao động - việc làm