Kịch Noh – nghệ thuật ‘quốc hồn’ của Nhật Bản

Trong các bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Nhật Bản, kịch Noh được đánh giá là nghệ thuật biểu diễn mang đậm bản sắc dân tộc và kịch nghệ Nhật Bản nhất.

Kịch Noh kế thừa rất nhiều yếu tố từ các loại hình trước nhưng chủ yếu là Sarugaku (viên nhạc, mang tính giải trí) và Dengaku (điền nhạc, mang tính tôn giáo). Đến thời kỳ Muromachi (1333 – 1573), được sự bảo trợ của các vị tướng quân, kịch Noh chính thức ra đời và phát triển hưng thịnh.

Nguyên nhân thứ nhất là võ sĩ – tầng lớp mới của xã hội đã trở nên định hình và xuất hiện nhu cầu giải trí văn nghệ cho riêng giai tầng của mình. Nguyên nhân thứ hai là, quan niệm nghệ thuật của kịch Noh tương đồng với các yếu tố thiền, loại hình tư tưởng chủ đạo của phái quân sự này. Đến thời kỳ Edo, Noh tiếp tục được sự bảo trợ của tầng lớp võ sĩ và đã định hình như ngày nay.

Vẻ đẹp không cần lời nói

Do tương đồng với quan niệm của thiền nên kịch Noh không quá lộng lẫy, phô trương, cũng không quá dân dã mà giản dị, sâu lắng và mang đậm tính u huyền, bao gồm 3 nguyên tắc là Myoka (vẻ đẹp mỹ miều như một bông hoa), Hie (vẻ đẹp cô quạnh, lạnh lẽo) và Mumon (vẻ đẹp nội tâm mà không cần cất thành lời). Hoa còn được hiểu như là quá trình, là sự công phu luyện tập của người diễn viên. Hoa nhất thời có thể chỉ các diễn viên thiếu niên có vẻ đẹp trong sáng, giọng ca trong trẻo nhưng sẽ tàn đi theo thời gian. Hoa thật sự là sẽ nảy nở trong suốt cả sự nghiệp khổ công luyện tập của người nghệ sĩ.

Noh là bộ môn kịch nghệ nên những gì chuyển tải tới người xem đều thông qua những cử chỉ mang tính ước lệ, những cử chỉ không qua phô trương mạnh mẽ mà chậm rãi uyển chuyển, thu nhiều động tác vào một động tác. Hay nói cách khác, nghệ thuật Noh chú trọng gợi hơn tả, kích thích trí tưởng tượng của khán giả. Ví dụ, khi có tiếng dế rúc lên trong bụi cây, người diễn viên không được có hành động lộ liễu chứng tỏ mình đang nghe như đưa hai tai lên nghe ngóng. Anh ta phải hạ thấp ánh mắt về phía đó và nhẹ nhàng nghiêng đầu về một bên tóat lên một cử chỉ như thề “nhìn thấy một âm thanh”.

Do tính ước lệ cao của kịch nghệ, để khán giả không bị phân tâm, người diễn viên thường đeo những chiếc mặt nạ Noh phù hợp với từng vai diễn của mình nhằm che dấu những cảm xúc của bản thân. Có hơn 250 loại mặt nạ nhưng có thể chia thành 5 loại mặt nạ chính là Thần, Nam, Nữ, Cuồng (kỳ lạ) và Quỷ. Mặt nạ Noh phần lớn được chạm khắc từ loại gỗ Hinoki. Trong số các loại mặt nạ, loại dành cho Quỷ (đặc biệt là Hannya) lại được chạm khắc công phu và tinh xảo nhất trên loại gỗ cứng. Ngược lại, loại dành cho nữ (nhất là Ko omote, thiếu nữ) chạm khắc ít nhất nhưng tinh tế nhất trên loại gỗ mềm.

Bên cạnh đa số vai diễn sử dụng mặt nạ, có một số vai diễn không sử dụng mặt nạ như vai thị đồng (dành cho diễn viên trẻ, ít kinh nghiệm) và Hitamen (diễn viên lão thành). Với loại vai Hitamen, diễn viên phải dồn nén cảm xúc để diễn bằng khuôn mặt thật, không hóa trang với nét mặt lạnh lùng, mắt nhìn vào cõi hư không trong suốt buổi diễn. Chỉ có những nghệ sĩ bậc thầy, dày dạn kinh nghiệm mới có thể biến chính khuôn mặt mình thành mặt nạ Ko omote. Khi khuôn mặt – mặt nạ trở thành tấm gương thu nhỏ và phóng đại cảm xúc cũng chính lúc người nghệ sĩ đã lột tả được hết vẻ đẹp của kịch Noh và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật biểu diễn này.

Không hề bị lãng quên

Trong thời hiện đại ngày nay, việc lưu giữ và truyền bá những loại hình nghệ thuật truyền thống trở thành một vấn đề nan giải. Năm 1974, Nhật Bản thông qua Luật chấn hưng các ngành nghề truyền thống nhằm bảo tồn các tài sản truyền thống hữu hình và vô hình. Những sản phẩm như mặt nạ, nhạc cụ, trang phục đạt yêu cầu đều được cấp giấy chứng nhận và được hỗ trợ tích cực. Các nghệ nhân kịch Noh cũng được công nhận là nghệ nhân quốc bảo. Họ có trách nhiệm đào tạo thế hệ kế cận vì quá trình luyện tập của diễn viên rất khổ công bắt đầu từ khi còn nhỏ. Những em nhỏ 4, 5 tuổi cũng được chỉ bảo để hiểu biết và yêu thích các môn nghệ thuật truyền thống. Đó cũng là những bộ môn bắt buộc trong các trường học, và học sinh bị cuốn hút thực sự bởi mỗi thầy cô giáo đều am hiểu và say mê…

Bên cạnh đó, với thế giới có nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí đa dạng như hiện nay, công tác quảng bá tuyên truyền để thu hút khán giả là vấn đề hết sức quan trọng. Ngành du lịch Nhật Bản quan niệm rằng “tâm lý của du khách bao giờ đến một xứ sở xa lạ cũng đều có nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật của địa phương, thành phố mà mình tới thăm và khám phá các vẻ đẹp của nó”. Do đó, bạn có thể bắt gặp hình ảnh về chương trình biểu diễn kịch Noh tại hầu hết các địa điểm công cộng như khu trung tâm, nhà ga, bến xe… Bản thân giới kịch Noh cũng cố gắng để tìm cách thu hút khán giả trẻ nhiều hơn. Một trong những cố gắng này là những vở kịch lấy đề tài là những chuyện dễ gần đối với giới trẻ, áp dụng cách diễn xuất của kịch hiện đại. Vì thế, sân khấu kịch Noh bao giờ cũng tồn tại hai dạng. Một là được cải biên để phục vụ thanh niên Nhật, hai là kịch Noh truyền thống để phục vụ các nhà nghiên cứu và du khách quốc tế.

Bên cạnh đó, để văn hóa truyền thống có cơ hội tiếp cận với khách du lịch, Nhật Bản đã mở những tour du lịch trọn gói có phần xem kịch Noh, hoặc xem đấu Samurai, học làm sushi… Ngoài ra, các nhà hát kịch Noh còn rất tích cực biểu diễn trích đoạn trong các lễ hội, ví dụ như khi các diễn viên đứng trên xe hoặc diễn kịch hoặc vẫy chào khán giả dọc những con đường mà đoàn diễu hành đi qua trong lễ hội mùa xuân, khiến các du khách lẻ (du khách không mua tour) tham dự lễ hội ấy cảm thấy rất tò mò, muốn tìm hiểu xem những nghệ sĩ đeo mặt nạ ấy là ai. Một khi mà du khách đã đến với sân khấu Noh, thì họ không chỉ được xem kịch, mà còn được mời mua vô vàn các sản phẩm nghệ thuật thị giác ăn theo kịch Noh, như những chiếc mặt nạ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và lưu niệm, hay được học cách vẽ mặt nạ với cái giá tính bằng… khá nhiều đô la.

Vì thế, chỉ nói riêng nhà hát Noh Tokyo thôi chúng ta đã có thể khẳng định là nhà hát vá các diễn viên hoàn toàn không phải sống nhờ vào diễn kịch Noh. Không khó tưởng tượng ra các lợi ích đa chiều, đa cấp từ việc bán hình ảnh này. Đúng như lời một nhà nghiên cứu về các loại hình nghệ thuật truyền thống đã nói: “Chúng ta đừng sợ ngôn ngữ bất đồng, bản thân các môn nghệ thuật nói lên tất cả, vấn đề là chúng ta phải nối nhịp cầu tới sự quan tâm của mọi người”.

Theo ASIANBEAT.COM / STTOURIST.COM

Tags: , ,