Karl Marx – nhà thơ của tình yêu và bão táp

Trong chúng ta, nhiều người có lẽ chỉ biết rằng, Marx là nhà cách mạng, một triết gia lỗi lạc bậc nhất của nhân loại, chứ ít ai biết rằng, Marx còn là một nhà thơ xuất sắc.

Trên thực tế, từ năm 15 tuổi, Marx đã làm thơ, và làm thơ rất hay. Thơ của Marx đến với bạn đọc Việt Nam, chủ yếu được dịch từ các tập “Ca khúc”, “Thơ tình yêu”, ‘Thơ tặng cha yêu qúy”, “Thơ viết những năm từ 1835 đến 1836”, và tập dân ca do Marx sưu tầm từ nhiều nước với lời đề tặng Jenny.

Điều đặc biệt là thơ của Marx viết ra đều không đem in, trừ hai bài in vào đầu năm 1841, trên tờ “Aetheneam”, cơ quan ngôn luận của nhóm Hegel trẻ. Hai bài đó in với một tựa đề chung là “Những ca khúc hoang dại”. Ngay sau khi hai bài thơ được công bố, một tờ báo xuất bản tại thành phố Phranphua đã đánh giá: “Marx là một tài năng thuộc về nguyên tính”. Điều đó hoàn toàn đúng với con người “dấn thân” của Marx.

Trong bài “Không đề”, dường như Marx đã tuyên ngôn về điều đó:

Kant và Fichte thích tìm nơi xa lạ
Trên trời sao, thăm thẳm, mông lung;
Tôi chỉ gắng hiểu sao cho cặn kẽ
Những gì tôi tìm thấy dọc đường.

Tìm hiểu cuộc đời của Marx, chúng ta biết rằng, ngay trong tháng đầu tiên, khi Marx đến Bon để học đại học, Marx đã viết liền 100 bài thơ gởi tặng Jenny, và Jenny đã khóc, đã viết thư trả lời, rằng đó không phải là sự nghiệp cả cuộc đời của Marx. Jenny đã nói đúng, bởi vì sau này Marx không trở thành nhà thơ, mà trở thành lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới. Nhưng trái tim Marx, tâm hồn Marx, là thuộc về tình yêu, thuộc về tranh đấu cho công bằng xã hội, nên nó vĩnh viễn rung lên những giai điệu cuộc đời. Vì thế ta càng dễ hiểu, vì sao thơ của Marx chủ yếu viết tặng Jenny, viết tặng người chị ruột Xôphi, và viết tặng người cha yêu dấu. Chỉ riêng với những bài thơ viết tặng Jenny, chúng ta đã có thể nói rằng, Marx là một nhà thơ tình kiệt xuất.

Đọc những bài thơ ấy, ta thấy rất rõ, trái tim yêu đương của Marx luôn rung lên trên từng cung bậc, chỉ nhằm để khẳng định một điều duy nhất: Anh yêu em! Yêu em! Yêu em! Và rất yêu em!

Tiếng đàn anh đã cất lên
Những lời chung thủy vang trên núi ngàn
Niềm vui, nỗi khổ ngập tràn
Khúc tình ca vẫn rộn ràng thi nhân

Đến cùng anh hỡi nữ thần
Muôn trùng xa cách vẫn gần đó em!
Qua ngàn thác lửa tình duyên
Qua bao bí ẩn lọc nên thơ này:
Yêu em, yêu trọn tháng ngày…

(Trích “Jenny”)

Marx và Jenny yêu nhau, đó là một tình yêu tuyệt diệu, một mối tình vĩ đại, mà lịch sử tình yêu của nhân loại đã từng được chứng kiến. Với Marx, tình yêu ấy cháy lên rừng rực trong từng câu chữ, như gió bão cháy lên từ trái tim mặt trời ngàn triệu độ.

Jenny! Em hãy cười và nhìn anh âu yếm hỏi
Sao thơ anh toàn viết “Gửi Jenny”?
Có gì đâu em ơi, những mạch đập thầm thì
Những khúc hát lòng anh đều hướng về em cả!
Có gì đâu em ơi, từng âm thanh rộn rã
Từng nét chữ ngỡ ngàng đều rực rỡ tên em!

(Trích “Gửi Jenny”)

Với Marx, sự bày tỏ tình yêu bao giờ cũng mãnh liệt- mãnh liệt như chính con người “dấn thân” của Marx.

Hãy xem! Anh có thể viết hoài, viết mãi tên em
Hai chữ JENNY lên ngàn cuốn sách
Nhưng làm sao ghi được hở em, những ý tình hiển hách
Những ước mong trong sáng ngọt ngào

Những vần thơ tươi mát dạt dào
Những ánh thép ngời ngời tinh khí
Những niềm vui của thánh thần, dũng sĩ
Những nỗi đau u uất của dân thường!

Anh có thể đọc tên em trong muôn vàn tinh tú
Và gió mây, và sóng cồn bão tố
Sẽ trả lại hồn anh hai tiếng tên em
Bao thế kỷ sẽ ngước nhìn, và cảm thấy thân quen
Vĩnh viễn Jenny là cái tên tình ái!

(Trích “Gửi Jenny”)

Thơ tình của Marx được viết với bút pháp rất mãnh liệt, cả về cấu tứ, cả về hệ thống ngôn ngữ sử dụng, bởi vậy, nó có được sức mạnh của cú sét ái tình, nhưng rồi nó vẫn lắng được những gì mà đất trời đem lại sau cơn cuồng phong bão táp.

Ơi tình yêu ta, biếc xanh từng ngọn cỏ
Tự tim ta, sóng vỗ đến vô hồi…

(Tr “Gửi Jenny”)

Sinh thời, Marx từng trả lời con gái, rằng, “hạnh phúc là tranh đấu”, bởi vậy, tình yêu trong thơ của Marx cũng gắn liền với tranh đấu – tranh đấu để khẳng định tình yêu chung thủy.

Hát lời bão lửa cùng em
Ấy là tiếng hát nghìn đêm của lòng
Băng qua muôn dặm bão bùng
Yêu nhau, em nhé, ta cùng đấu tranh!

(Trích “Khúc hát lòng anh”)

Trong bài “Giãi bày”, Marx cũng đã từng khẳng định điều đó:

Anh phải tự vượt lên
Bằng tâm hồn cháy bỏng
Phá tan mọi xích xiềng
Tìm em trong náo động.

Đâu phải lời tốt đẹp
Là dấu hiệu tình yêu
Làn môi em dẫu khép
Rộn tình anh sớm chiều.

Đối với Marx, dường như kỷ niệm đẹp nhất của tình yêu, chính là kỷ niệm về sự đấu tranh cho hạnh phúc của tình yêu bất diệt. Kỷ niệm ấy, tự nó sẽ đọng lại, đọng lại trên cung đàn bất diệt của toàn nhân loại.

Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm
Thành bao nốt nhạc rung trên đất này
Thánh thần kia có đắm say
Cũng lùi xa, trước sóng đầy tình ta.

(Trích “Jenny”)

Trong đêm trường tăm tối của chủ nghĩa tư bản, thứ chủ nghĩa mà như Marx nói: “đẫm máu tới từng lỗ chân lông”, Marx chính là người nhóm lửa thiêu đốt nó. Năm 30 tuổi(1848), Marx đã cùng với Engels viết “một cuốn sách nhỏ tràn đầy thi vị chân chính, muôn đời sẽ là bài ca của những bài ca chủ nghĩa Marx, đó là Bản Tuyên ngôn Cộng sản”. Sự nghiệp tranh đấu của Marx đi vào hồi quyết liệt- quyết liệt tới mức Marx bị trục xuất khỏi tổ quốc, phải sống những năm tháng lưu vong đói và rét tới cùng cực(tới mức Jenny phải cầm cố tất cả đồ đạc, kể cả đem nhẫn cưới đi bán). Nhưng từ trong những năm tháng cơ hàn gian nan ấy, Marx đã chấm ngòi viết vào tim mình, hoàn thành tác phẩm kiệt xuất nhất, khoa học nhất của thời đại- và của mọi thời đại- đó là tác phẩm TƯ BẢN, kim chỉ nam của toàn bộ học thuyết Marxist Leninist, khẳng định giai cấp vô sản toàn thế giới phải liên hiệp lại, đứng lên đào mồ chôn vùi chủ nghĩa tư bản, tự giải phóng đời mình khỏi xiềng xích áp bức bất công.

Trong bài “Niềm kiêu hãnh của con người”, Marx đã viết lên những dòng thơ lửa cháy, kêu gọi nhân loại đứng lên tranh đấu cho tự do, cho bình quyền, bình đẳng:

Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên chi hết
Trước những con người xông thẳng tới trời cao!
Không! Không thể sống những phận hèn lê lết
Hãy nhìn lên và ngẩng cao đầu!
Hãy vươn tới, nhũng gì ta mơ ước
Những nỗi niềm khao khát tựa dầu sôi
Ta chẳng muốn cảnh tro tàn, đổ nát
Ta xông lên, muôn dặm biên thùy.
Chẳng ai bắt ta ngừng hy vọng
Chớ bi quan, sợ hãi, chán chường!
Chỉ có đốt hồn ta bằng lửa nóng
Mới làm nên những chuyện khác thường!

Trung thành với lý tưởng ấy, thơ của Marx cũng bùng lên cơn cuồng phong của bão táp Cách mạng, từng chữ gầm lên như trái phá bắn thẳng vào thành trì chủ nghĩa tư bản.

Hãy đòi cả bầu trời
Cùng xông vào chiến đấu
Cho mây trời tóe máu
Trong lửa bốc thành hơi.

(Trích “Bài ca bão táp”)

Thơ của Marx chính là vũ khí tranh đấu. Rất nhiều bài thơ của người, ngân vang lời kêu gọi tranh đấu, đọc lên nghe sang sảng tiếng sắt thép chói lòa xung trận.

Băng lên qua bão táp
Làm chủ cuộc đời này
Dù mỏi đôi cánh bay
Không được ngừng tiếng hót
Hãy vươn lên phía trước
Cưỡi lên trên trời mây.

(Trích “Tiếng gọi”)

Tất cả sức mạnh ngôn ngữ mà Marx biến được thành tình yêu và bão táp trong thơ, chính là xuất phát từ trái tim rất đỗi con người của Marx.

Trong bài “Tặng cha”, Marx tâm sự:

Cha thân yêu! Những khúc hát thần tiên
Từ dòng máu cha xưa đã thấm vào con đấy!
Noi gương cha con không ngừng vươn tới
Và xem thường mọi gian khó, nguy nan.

Với người cha yêu dấu, Marx tự thấy mình là bé bỏng. Người viết rất chân tình trong bài “Đoạn kết”:

Con chỉ dám gởi về cha những vần thơ náo động
Đã nhen lên, như lửa sáng, chân thành
Không phải thơ hay, nhưng là tiếng tốt lành
Của một đứa con nơi phương trời xa thẳm.

Khi mà tình người được hun đúc thành thơ, thơ của Marx bùng cháy những nỗi niềm làm tim ta rướm lệ.

Đây là lời than khóc của “Người đàn bà mù”:

Chúa Trời đã gửi cho tôi
Nỗi đau đớn ấy, ai người dễ quên?
Chao ơi, tôi khát, tôi thèm
Được nhìn vẻ đẹp vút lên mây trời!
Lẽ nào đã khép trong tôi
Niềm vui, cảm hứng sáng ngời thần tiên.
Những gì cuộc sống tạo nên
Trong tôi vĩnh viễn thành quên lãng rồi!
Chao ôi, biết mấy năm trời
Nén đau trong ngực, không lời thốt ra.
Vậy mà bão táp bên ta
Cứ giằng, cứ xé, biết là cậy ai!

Viết về người mẹ đã khuất, thơ Marx như nấc lên nghẹn ngào trong từng chữ:

Ơi mẹ thân yêu
Nếu sương chẳng xuống
Thì chúng con uống
Nước mắt chúng con!

Nước mắt chúng con
Khóc thương nhớ mẹ
Từ lâu có thể
Muốn vỡ mắt ra!

(Trích “Thăm mẹ”)

Thơ của Marx là thơ của tình yêu và bão táp, nhưng suy cho cùng, vẫn là thơ của một trái tim rất đỗi con Người.

Ta đứng trên mặt đất
Muốn tự mình sáng lên
Bằng tâm hồn chân thật
Bằng sức sống thanh niên.

(Trích “Gởi các vì sao”)

Theo HỒ TĨNH TÂM / NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI  

Tags: ,