Văn hóa tinh thần qua truyện cười Việt Nam và Nhật Bản

Khi khảo sát truyện cười hai nước Việt – Nhật, chúng tôi thấy rằng đời sống tinh thần nhân dân hai nước rất phong phú. Nó được nhìn nhận và biểu đạt từ nhiều góc độ và có những giá trị nhất định. Đó là kho tàng phong tục, tập quán, lễ nghi, tôn giáo, tín ngưỡng… Trong mảng truyện cười về đời sống tinh thần, dân gian hai nước đều đã mạnh dạn lên án cái diêm dúa, rập khuôn và cứng nhắc của một số phong tục tập quán, nhưng qua đó vẫn nói lên sự thông minh, linh hoạt của người xưa. Bởi vậy, truyện cười giúp rút ra những kinh nghiệm triết lý rất có ích cho chúng ta ngày nay.

Tác giả: Lê Thị Quỳnh Hảo.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 323, tháng 5/2011.

Sự tương đồng

Cũng như các dân tộc khác, người dân hai nước cũng có những niềm tin và tín ngưỡng. Đó là niềm tin và sự ngưỡng mộ của con người đối với các đấng siêu nhiên. Họ tin rằng các bậc thánh thần siêu nhiên có phép thần thông sẽ giúp cho con người ở trần gian này thoát khỏi những sợ hãi, bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên, một mặt trái của niềm tin này lại chính là việc nó bị phóng đại, không còn giới hạn tích cực nào và đẩy chủ nhân của nó vào hoàn cảnh oái ăm. Khía cạnh này được khai thác nhiều trong truyện cười dân gian Việt Nam. Một số người sẵn sàng cầu cạnh những ông thày bói, thày cúng (những người được coi là phương tiện trung gian giữa thánh thần, ma quỷ và người trần thế) dù biết rằng phần đa các thày đều tìm cách kiếm lợi cho bản thân mình. Trong truyện Thày cúng, thày cúng dốt soạn sẵn một bài cúng rồi đọc thuộc lòng và vì quá máy móc, thày hô to tên chủ nhà là Gáo trong khi tên chủ nhà lại là Tròn. Ấy vậy mà những người trong gia đình dù thắc mắc cái sự nhầm lẫn ấy nhưng vẫn một mực nghe theo lời thày bảo. Trong truyện khác, một ông thày cúng đã dùng mẹo bẩn thỉu của mình để vơ vét những thức ngon mà thầy bắt chủ nhà sắm lễ, người vợ nhìn được cận cảnh ông thày hành động nên đã gây ra hoàn cảnh buồn cười (Thày trừ chồn). Nhiều trường hợp tiền mất, tật mang nhưng những người phụ nữ trong gia đình vẫn một mực tin tưởng vào thày bói, thày cúng. Mặc dù người chồng hết sức phản đối chuyện cúng tế và chữa bệnh bằng phù phép, nhưng người vợ vẫn dứt khoát tin vào ông thày cúng để tìm sự bình yên (Ông thày cúng). Trong truyện Bốn dài hai ngắn, mặc dù người dân cảm thấy được cái vô lý trong lời phán của thần thánh nhưng rồi họ cũng xuôi theo cách lý giải hợp logic của các thày. Thậm chí ngay cả đến những kẻ đọc sách thánh hiền cũng không tránh khỏi sự chi phối của mê tín dị đoan. Những anh học trò trước khi đi thi vẫn thậm thụt nơi cửa đền hay nhà thày bói để hy vọng rút được quẻ xăm may mắn. Cũng có anh học trò kiêng kỵ những lời nói không hay trước khi thi như rớt, chỉ thích thú với chữ đậu nên không cho người hầu nói chữ rớt trên đường đi; vì thế, khi anh này bị rơi đồ đạc mà không biết, người hầu đi sau cũng chỉ dám nói không đậu, thành ra thày trò chẳng hiểu nhau, mất sạch đồ đạc (Kiêng cữ). Hay thậm chí có có anh tin nhảm đến mức làm việc gì cũng xem ngày. Một hôm mái nhà đổ sập đè vào người anh ta, hàng xóm vội xúm lại dỡ ra để cứu, vậy mà anh này còn cố nói câu: “Khoan đã! Khoan đã! Bà con hãy xem hộ tôi hôm nay có phải là ngày tốt không đã, nếu ngày xấu thì để khi khác vậy” (Ngày tốt, ngày xấu)…

Cũng như người Việt, niềm tin, tín ngưỡng của người Nhật Bản được phản ánh qua truyện Yajirô, người mà tôi từng gặp ở đất của người sống, Qua sông, Người hầu bị trừ tà Yajirô, người mà tôi từng gặp ở đất của người sống là một câu chuyện nói về sự lừa phỉnh của một nhà hiền triết đối với những người sùng bái ông như một vị thánh. Đúng ngày đó tháng đó, ông giả vờ tịch như lời ông đã từng tiên đoán từ trước nhằm mục đích tăng niềm tin của mọi người đối với mình. Một thời gian sau, bị người hầu phát hiện chết giả, ông còn dối trá: “Vâng, giờ thì ta nhớ ra rồi, anh chính là Yajirô – người mà ta đã từng gặp ở đất của người sống”. Ở đây, những người sùng bái ông, luôn tôn thờ ông như một vị thánh đã hoàn toàn bị ông lường gạt. Truyện Qua sông là một truyện nói về chuyến hành hương của nhiều người Nhật Bản đến phía Tây nước Nhật. Khi phải qua một con sông không cầu và thuyền, không biết rõ sông sâu bao nhiêu, chỉ thấy một người đàn ông dưới sông có mỗi cái đầu là ló lên khỏi mặt nước, họ cảm thấy lo sợ nhưng thu hết can đảm, miệng niệm Phật, tay nắm tay, bước xuống sông. Hóa ra nước chỉ tới đầu gối. Là những người sùng tín, họ cho rằng đó là nhờ phép Phật phù trợ. Vô cùng biết ơn, họ càng niệm Phật bằng tất cả tâm hồn và tới bờ bên kia an toàn. Sau đó, người đàn ông băng sông trước mới tới được bờ, lúc bấy giờ họ mới thấy anh ta là một người tàn tật đôi chân. Thì ra, chẳng phải nhờ phép Phật nào cả mà đơn giản chỉ vì sông cạn mà thôi. Truyện Người hầu bị trừ tà là câu chuyện tin vào tà ma, chồn tinh, có nói đến phép tụng kinh trừ yểm…

Không tin vào thế giới siêu phàm thì không thể xuất hiện hình tượng ông thổ công, táo quân, ông thày bói, thày cúng, thần tiên trong hàng loạt truyện cười được. Các truyện về thày bói, thày cúng xuất hiện rất nhiều trong truyện cười của Việt Nam. Dưới góc nhìn của người dân Việt trong truyện cười, nhân vật thổ công vẫn có một cuộc sống sinh hoạt như người thường. Các thần vẫn thèm rượu thịt, ngồi uống nước chè tán gẫu và sẵn sàng ăn của đút lót của người trần gian. Đó là một khía cạnh nội dung trong truyện Mẹo quỷ sứ. dựng lên một bức tranh từ cõi âm của Diêm Vương, quỷ sứ, đến cậu bé người trần gian và các thần tiên. Truyện cười còn chỉ ra cho người đọc thấy một khía cạnh tiêu cực trong bản chất của đại diện thánh thần ma quỷ. Tương tự, dưới góc nhìn dân gian Nhật Bản trong truyện cười, ở thần linh cũng tồn tại những tính cách tầm thường, nhỏ nhen, ích kỷ như dân thường. Truyện Trả thù núi Fuji giải thích nguồn gốc tại sao có hiện tượng tuyết phủ ở núi Fuji. Một vị thần gặp núi Fuji xin ngủ nhờ qua đêm, do Fuji bận, sợ không tiếp đãi tử tế nên từ chối, thần nổi giận và trả thù bằng cách đặt lời nguyền lên núi, từ đó núi quanh năm phủ đầy tuyết trắng, mục đích là để “khỏi có ai viếng thăm mi nữa”.

Tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên cũng xuất hiện trong truyện cười Việt Nam và Nhật Bản. Hầu hết mọi gia đình khi có ông bà, cha mẹ qua đời, vào những ngày mất, ngày rằm, lễ tết, mùng một…, người sống thường làm cơm, hương hoa, thắp hương cầu khấn hương hồn người quá cố về sum vầy, đón nhận tấm lòng thành kính, thương nhớ của con cháu. Và cũng từ việc giỗ chạp này mà xuất hiện nhiều câu chuyện buồn cười, vừa dí dỏm, sảng khoái vừa xót xa ra nước mắt. Đó là cảnh xỏ nhau của Anh còng và anh mù khi được mời đi ăn giỗ, đó là thái độ ăn uống không thể chấp nhận được của anh chồng trong truyện Anh chồng tham ăn, chúng ta cũng không khỏi đau đớn, xót xa khi thấy được chữ hiếu của con cái dành cho cha mẹ trong truyện Cúng giỗ trong truyện cười Việt Nam. Tục thờ cúng ông bà tổ tiên và phong tục tang ma cũng xuất hiện trong truyện cười Nhật Bản qua các truyện Ngày kiêng ăn, Cáo phó

Bên cạnh đó, nhân dân Việt còn tỏ tấm lòng thành kính với những bậc thành hoàng làng, các ông thổ công thổ địa giữ yên bình cho làng xóm bằng những việc cúng tế. Nhưng qua truyện cười, lòng thành tâm của một số người cũng trở nên méo mó, không thuận với chuẩn mực đạo đức của con người. Người Việt có quan niệm trước khi cúng tế thì không được nếm trước các cúng phẩm vì như vậy sẽ là bất kính đối với thần thánh, ấy vậy mà anh chàng trong truyện Con gà nhỏ nỏ có mề, một mặt tỏ tấm lòng thành kính đối với thành hoàng bằng cách bày biện cỗ gà lên cúng nhưng mặt khác, vì tham ăn, không thể chờ được, anh đã ăn mất cái mề gà và khấn một cách lộ liễu, bộc lộ rõ sự tham ăn của mình: “Gà nhỏ nó chẳng có mề, thầy ăn nhanh lên còn để tôi ăn”. Ở truyện cười Nhật Bản cũng vậy, bên cạnh sự sùng bái và thờ phụng của con người đối với thần linh, cũng có những chuyện gây cười bằng những hành động lừa dối thần linh của con người, như Đánh lừa thần linh. Câu chuyện kể về sự láu cá của nhân vật khi rắp tâm đánh lừa thần linh, nhưng ở khía cạnh khác, cũng thể hiện niềm tin của nhân vật đối với thần linh, vì nếu không tin vào sự linh thiêng của thần linh và không tin thần linh có thể giúp vợ mình sinh con dễ dàng thì nhân vật trong truyện cười nói trên đã không phải tốn công đánh lừa thần linh như thế.

Cũng như người Việt, người Nhật tin vào số mệnh, điều này thể hiện rõ trong truyện cười. Họ cho rằng con người luôn chiếu ứng với định mệnh của mình, người ta tin rằng bản thân có thể chữa được bệnh chứ không ai chữa được mệnh, hay cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Con người sống vinh hoa phú quý hay bất hạnh nghèo khổ đều tùy thuộc vào lá bài định mệnh của mình, niềm tin ấy thể hiện qua truyện Thần nghèo rơi xuống của Nhật Bản. Truyện kể về một người nghèo rớt mùng tơi, đã thử đủ mọi cách nhưng vẫn không gặp được chút may mắn nào, nghèo vẫn hoàn nghèo. Có lẽ, nếu không tin vào số mệnh thì người dân Việt đã không tạo điều kiện cho bộ phận thày cúng, thày bói… lợi dụng kiếm tiền (Tín chủ Nguyễn Thị Tẹo, Tài đoán số). Dựa vào những điểm này mà nhiều thày bói, thày cúng phát tài phát lộc, trục lợi cho bản thân.

Qua khảo sát truyện cười, chúng tôi thấy rằng, tín ngưỡng Phật giáo được đề cập nhiều hơn cả so với các tôn giáo khác. Thế giới nhà Phật xuất hiện trong truyện cười hai nước một cách nhẹ nhàng mà thâm thúy, sâu sắc. Các sư, một mặt ăn chay, niệm Phật, nhưng mặt khác lại lén lút ăn những đồ ăn thức uống cấm kỵ với nhà Phật, như trong truyện Mua cá, Con mực Nhổ lông gà (Nhật Bản). Dân gian Nhật Bản cũng mạnh mẽ lên án những người đại diện cho bồ tát nhưng làm xấu đi hình ảnh của mình khi trong họ cũng tồn tại những mặt tính cách không nên có nơi cửa Phật, đó là tính nhỏ nhen, ích kỷ, thói đạo đức giả, tham lam, ăn miếng trả miếng, xỏ xiên lẫn nhau… Điều này được thể hiện qua truyện Nhà sư tham lam, nhà sư trong truyện không giấu nổi cảm xúc của mình, ra mặt ghen tỵ cả với tượng Phật ở chùa, rằng mình có ít quà biếu hơn trong khi mình còn phải ăn để sống mà tượng Phật thì lại không cần. Tương tự, trong truyện cười Việt Nam, sư vẫn ngang nhiên ghẹo gái giữa ban ngày, không từ bỏ những món ăn cấm kỵ như rượu, thịt chó… Các thày lén lút uống rượu, ăn thịt chó và tìm ngôn ngữ đậu phụ thay cho thịt chó nhằm che giấu khi bị chú tiểu bắt gặp, song cuối cùng, vẫn bị vạch mặt (Đậu phụ).

Sự khác biệt

Khía cạnh văn hóa lễ nghi vòng đời được thể hiện nhiều trong truyện cười Việt Nam nhưng lại không thấy trong truyện cười Nhật Bản. Đó là quan niệm khắt khe đặt ra cho các bà mẹ phải kiêng cữ khi mang thai và qua 3 tháng 10 ngày sau khi sinh nở. Chính những tục lệ này đã khiến xảy ra nhiều chuyện nực cười. Những truyện Lâu ngày quá, Của dì dì giữ… đều miêu tả cuộc sống của các bà ở cữ khi sinh con để rồi lâu ngày không ra ngoài, nên vui mừng khôn xiết khi thấy cái ấy vẫn còn nguyên vẹn. Còn chị vợ khác trong thời gian ở cữ phải răn đe chồng khi chồng có ý muốn gạ gẫm em gái của mình khiến người em gái phải mượn câu hát ru cháu để cảnh báo… Truyện sử dụng yếu tố tục, không thấy dạng truyện này trong truyện cười Nhật Bản. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ nền văn hóa đề cao sự thuần khiết của người Nhật Bản.

Tục đi ở rể, kén rể, thách cưới cũng xuất hiện trong truyện cười người Việt xưa. Đây cũng là một khía cạnh thể hiện sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp người trong xã hội. Nhà giàu quyền quý có con gái đẹp đã ra oai kén chồng phải thật thông minh, lanh lợi cho con mình, do vậy anh học trò trong truyện Con cú và cành mai đã được chấp nhận làm rể, tuy gia đình vợ không ưa lắm về dung mạo của anh ta. Một số gia đình khác kén rể với điều kiện anh ta phải thật siêng năng, phải làm công và chịu biết bao vất vả khổ cực từ cha mẹ vợ, như trong truyện Bìm bịp kêu mở ngày. Hay có ông bố vợ oái oăm đến mức đưa ra điều kiện hết sức ngớ ngẩn: ai làm cho ông ta tức giận thì sẽ gả con gái cho. Còn truyện Kén rể lười cũng cười cái điều kiện đặt ra hết sức vớ vẩn của một số nhà giàu hợm hĩnh. Tiếng cười còn thể hiện trong tục thách cưới. Dân gian mượn tiếng cười để đấu tranh cho tình yêu chân thật, tự do. Truyện Con xin chín chục kể về một gã nhà giàu thách cưới 100 quan đối với một chàng học trò nghèo, đả kích sự nghiệt ngã trong tục lệ hôn nhân nhưng ở khía cạnh khác, lại ngợi ca tính nhanh nhạy, thông minh, linh hoạt của chàng học trò nghèo cuối cùng cũng lấy được vợ. Tục đi ở rể cũng được phản ánh trong truyện cười, cũng vì thế mà xuất hiện nhiều cái đáng cười. Truyện Cái ấy thì con xin chịu kể về một chàng ngốc đi ở rể, anh ta máy móc, rập khuôn làm theo lời bố dặn, hễ thấy bố vợ làm gì thì làm nấy để chiếm cảm tình của bố vợ nên tạo ra những cảnh huống đáng cười. Không thấy kiểu truyện chủ đề về kén rể, ở rể, thách cưới… trong truyện cười Nhật Bản mà chúng tôi khảo sát.

Truyện cười người Việt cũng không bỏ qua tục tảo hôn. Người dân Việt xưa đã mượn truyện cười để phê phán tục lệ cổ hủ ấy. Người đọc buồn cười cho anh chồng nhỏ trong Buồng vợ chồng mới cưới, Đôi củ, Con cười cái gì?, Tài ứng đối, Có ai thủng bụng không?… Vì chỉ mới lên 7, lên 10 nên những chàng rể nhỏ tuổi ấy không biết cách phải ứng xử với vợ, với gia đình vợ như thế nào cho phải phép, nhất nhất phải theo sự chỉ dạy của gia đình. Anh chồng nhỏ đêm tân hôn phải trốn không dám ngủ chung với chị vợ (Buồng vợ chồng mới cưới) hay bởi phải tuân theo tục đi lấy vợ sớm mà chồng nhỏ phải thực hiện theo lời dạy của cha một cách máy móc chứ chẳng biết gì. Cha dạy sang bên vợ phải ăn từ từ đôi củ thôi và để chứng tỏ là chồng ngoan, con hiếu thảo, anh chồng bé ăn một cách từ từ đôi củ khoai một lần khiến bố vợ phải can thiệp mà anh ta vẫn không biết sự vụng về trong ứng xử của mình (Đôi củ). Đây cũng là một điểm tạo nên sự khác biệt giữa truyện cười hai nước.

Một nét văn hóa riêng của truyện cười Việt tạo nên nét khác biệt so với truyện cười Nhật Bản đó là tục đặt tên xấu cho trẻ con với niềm tin rằng trẻ sẽ dễ nuôi, sẽ tránh bị ma quỷ hãm hại và không chết yểu. Đây là một phong tục phổ biến của một số vùng miền ở Việt Nam từ xưa và kéo dài cho đến ngày nay. Chính vì cái tên hèm này mà tạo ra vô số những chuyện đáng cười. Truyện Cái tên hèm kể về một nhà ở miền Bắc đặt tên con trai là thằng Cu, thằng Cò, thằng Cứt và tên con gái là cái Hĩm, cái Chôn, cái Đĩ… Vì thế mới có chuyện một hôm cô cả Hĩm gọi cậu em: “Cứt ơi về ăn cơm! Đi đâu để tao phải chờ mãi?”. Thằng Cứt đi vắng, cu em đứng chơi gần đấy, trả lời gọn lỏn: “Cứt đi chơi, không có Cứt chị Hĩm ăn không ngon hay sao mà cứ phải réo mãi?”.

Tục tang lễ cũng xuất hiện trong truyện cười người Việt, cũng chính từ phong tục này mà nảy ra nhiều chuyện đáng cười. Trong một đám tang, em chồng bảo chị dâu không nên khóc dài dòng mà nên khóc vắn tắt để linh hồn người anh dễ siêu thoát, đỡ vướng bận nhân gian, ấy vậy mà bản thân cô em lại khóc dài hơn chị (Khóc vắn tắt). Truyện Ba chàng rể tế bố vợ cũng phô bày hoạt cảnh khóc lóc người chồng, người cha xấu số và bà mẹ rất hài lòng với người con rể nông dân bởi anh kể đúng hoàn cảnh chồng mình lúc còn sống. Đây là đặc điểm xuất hiện ở truyện cười người Việt nhưng không thấy xuất hiện trong truyện cười Nhật Bản mà chúng tôi khảo sát.

Trong đời sống tâm linh, người dân Việt còn đặt niềm tin thờ cúng vào hòn đá thiêng để tìm cuộc sống bình yên, điều này thể hiện qua truyện Hòn đá bạc. Và điều này cũng làm cho truyện cười Việt Nam có nét riêng so với truyện cười Nhật Bản.

Đời sống tinh thần nhân dân Việt xưa vô cùng phong phú, đa dạng, ngoài những phong tục tập quán, còn thấy trong truyện cười các sinh hoạt tao nhã như làm thơ, ca hát… Thể hiện qua các truyện: Anh hai vợ (Đêm khuya gió lặng sóng yên/lái kia có muốn ghé thuyền sang chơi/Muốn sang bên ấy cho vui/Mắc đồn lính gác khó xuôi được đò/Sông kia ai cấm mà lo/Muốn xuôi thì nộp thuế đò mà xuôi/Chẳng buôn chẳng bán thì thôi/Qua đồn hết vốn còn xuôi nỗi gì?), Đi tu mà chẳng trót đời (Đi tu mà chẳng trót đời/ Hóa ra kiếp ếch cho người lột da)… Đây là yếu tố tạo nên nét độc đáo rất riêng của truyện cười Việt so với truyện cười Nhật.

Trong truyện cười Nhật Bản, ta thấy được vai trò, vị trí quan trọng của người con cả trong gia đình Nhật Bản. Thông thường khi mất đi người Nhật Bản sẽ để lại tài sản cho các con nhưng phần của người con cả bao giờ cũng phải nhiều nhất, còn những người khác kém hơn. Thế mà truyện Để lại tài sản lại kể về một người cha chia tiền cho con cái khi ông sắp qua đời có vẻ rất ngược ngạo: 100 đồng ryo cho con cả, 200 cho con thứ và 300 cho con út. Một lối chia tiền kỳ lạ! Tiếng cười bật ra khi biết được đó là ông đang chia phần nợ của mình. Cách chia như vậy thì quá hợp lý, không có gì để bàn cãi. Không thấy kiểu truyện như vậy trong truyện cười người Việt.

Nhưng nhìn chung, truyện cười của người Việt và người Nhật đều chỉ ra, lên án những mặt còn tồn tại của dân gian hai nước, để từ đó uốn nắn con người theo hướng tốt đẹp, lành mạnh. Truyện cười hai nước mang tính giáo dục cao và được thể hiện một cách rõ nét, sinh động. Tiếng cười dân gian đã không bỏ qua một hoạt động nào của nhân dân để giúp khắc phục những yếu điểm, giúp cho con người thoát khỏi những u mê trong nhận thức và hướng tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: , , ,