‘Cùng nhau đi hồng binh’ – những điều ít biết về một bài ca cách mạng

Là người Việt Nam, có lẽ không ai không biết bài hát “Cùng nhau đi hồng binh”, ít nhất là đã nghe một vài lần:

“Cùng nhau đi hồng binh,
Đồng tâm ta đều bước
Đừng cho quân thù thoát
Ta quyết chí hy sinh…”

Nhưng bài hát được ra đời khi nào, tác giả ra sao thì không phải ai cũng biết. Bài hát ra đời năm 1930 khi Đảng Cộng sản Đông Dương vừa ra đời, đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh với khí thế sục sôi khắp nơi mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Tác giả là Đinh Nhu – một chiến sĩ cách mạng chưa đầy 20 tuổi. Đinh Nhu yêu thích âm nhạc, cầm bút sáng tác từ rất sớm, nhưng chỉ có “Cùng nhau đi hồng binh” được lưu giữ đến ngày hôm nay và chắc chắn muôn đời sau người ta vẫn không thể quên. Với thể hành khúc 1 đoạn đơn, rất tiết kiệm chất liệu và âm hình tiết tấu, lời ca lại biểu hiện đúng ý chí của số đông người Việt lúc bấy giờ, với lời kêu gọi cổ vũ thống thiết nên đã được người nghe tán thưởng, ưa thích.

Đinh Nhu không phải là nhạc sĩ, chỉ yêu thích âm nhạc, có biết võ vẽ chút nhạc lý, nhưng là một thanh niên yêu nước, sớm hoạt động cách mạng, đắm chìm vào dòng thác thời cuộc, sôi sục bầu nhiệt huyết cùng toàn thể dân tộc mà viết nên được một ca khúc để đời. Nhưng bài hát chỉ thực sự lan truyền rầm rộ khi cao trào kháng Nhật Pháp lên đến đỉnh điểm, dẫn đến Cách mạng tháng 8/1945. “Cùng nhau đi hồng binh” được người ta hát ở khắp nơi trong những cuộc biểu tình, mít tinh những ngày tháng Tám ấy. Như vậy là sau 15 năm, bài hát mới thực sự phát huy tác dụng.

Nhưng tác giả Đinh Nhu đã không được chứng kiến những giây phút tráng ca vang lên cùng bước chân rầm rập của đoàn quân biểu tình trong những ngày mùa thu lịch sử năm 1945. Bởi ngày 17/3/1945, anh đã hy sinh trong cuộc nổi dậy phá trại giam Nghĩa Lộ cùng 8 chiến sĩ khác. Trước đó, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Trước sự kiện này, chi bộ trong tù chủ trương thuyết phục bọn cai ngục Pháp thả tù chính trị để cùng hợp tác chống Nhật.

Nhưng chúng đã tỏ ra trù trừ nên chi bộ đã quyết định hành động, không chờ đợi. Ngày 17/3/1945, anh em tù chính trị đã giương cao khẩu hiệu viết bằng chữ Pháp: “Hãy thả ngay chúng tôi ra để chống Nhật” khi viên phó công sứ tỉnh Yên Bái tên là Pélia vào trại giam Nghĩa Lộ trấn an tù nhân. Bọn Pháp không nghe liền bị anh em xông đến quật ngã tên Pélia rồi nhân đà phá rào, chạy khỏi trại giam. Song, chỉ ít phút sau, bọn chúng đã đuổi và bắn chết 9 chiến sĩ cách mạng trong đó có Đinh Nhu. Chúng ném xác 9 người xuống hố phân ngựa phía sau trại giam Nghĩa Lộ rồi lấp đất chôn chung (lần ấy đã có nhiều người chạy thoát, sau này trở thành những đồng chí trung kiên như Vương Thừa Vũ, nhà sử học Văn Tân, Trần Huy Liệu…). Sau này, nhà sử học danh tiếng Trần Huy Liệu đã viết về Đinh Nhu trong hồi ký của ông: “Riêng anh Đinh Nhu khi đã bị quân giặc bắn mù mắt vẫn luôn miệng chửi Pháp…”.

Đinh Nhu cùng 8 liệt sĩ đã được nhân dân Nghĩa Lộ xây dựng tượng đài ngay trên nấm mộ chung. Hôm nay, nơi khám Nghĩa Lộ xưa đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa và được xây dựng rất khang trang, đẹp đẽ. Khói hương luôn nghi ngút quanh năm trên mộ chí của người nhạc sĩ trẻ và 8 đồng đội. Đinh Nhu và bài ca bất hủ của anh cứ mỗi độ thu về lại trỗi dậy sức sống mãnh liệt, đời đời vẫn âm vang chốn núi rừng Nghĩa Lộ và trong tâm tưởng tất thảy mọi người dân đất Việt.

Theo KIỀU THẨM / NĂNG LƯỢNG MỚI

Tags: ,