Kinh nghiệm nghe nhạc cổ điển: Từ dễ đến khó

Kinh nghiệm thường không áp dụng được cho tất cả nhưng kinh nghiệm nghe nhạc của tôi có thể áp dụng cho số đông: Như làm bài tập toán, bao giờ cũng phải từ dễ đến khó.

>> Các mức độ thưởng thức nhạc cổ điển: Từ bình dân đến bác học
.

Bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Cần Thơ.

Bài hát đó hay nhất khi nào?

Tôi thích nhạc từ bé nhưng gia đình không có một khái niệm nào về việc cho tôi học nhạc. Trường nhạc cả miền Bắc có một ngôi không dành cho những người như chúng tôi. Tôi bắt đầu nghe nhạc qua đài phát thanh, dự thính các chương trình dạy hát của VOV. Tôi hát không hay vì không có giọng của một người đủ tiềm năng trở thành ca sĩ nhưng cũng thuộc bài hát rất nhanh, chỉ một buổi dạy hát của đài là tôi thuộc. Dạo đó, đài dạy những bài như “Quảng Bình quê ta ơi”, “Quảng Bình quê ta”… Đến nỗi mà sau đó có bài “Hà Tây quê lụa” viết về quê tôi mà tôi lại không thấy hay ngay vì nghe rất lạ tai. Kinh nghiệm thứ nhất, bài hát đó hay khi bạn đã quen tai và sẽ chưa hay khi bạn chưa quen tai. Sau này, khi đi học xa về, thấy lại quê hương với những “bờ xôi ruộng mật” và nền văn hóa nông nghiệp trộn lẫn làng nghề, nghe NSND Quốc Hương hát bài “Hà Tây quê lụa”, tôi mới thấy thực sự đó mới là bài hát hay nhất về các vùng đất ở Việt Nam mình. Kinh nghiệm tiếp theo, bài hát chỉ hay nhất khi nó gắn liền với những gì bạn thấy thiêng liêng.

Hè năm 1978, tôi có dịp tới Moskva. Thành phố vì hòa bình này nổi tiếng toàn thế giới bởi có một bài hát trữ tình “Chiều ngoại ô Moskva” rất nổi tiếng của nhạc sĩ Soloviev Sedoi. Đó là bài hát mà cả thế giới hát. Sáng tác từ năm 1957 cho Liên hoan thanh niên thế giới, sau chiến tranh thế giới thứ hai những một giáp, bài hát đến tận lúc đó mới bỗng cho thấy thế giới đã thực sự hòa bình (êm đềm). Trước khi sang Liên Xô năm 1975, chúng tôi đã thuộc bài hát này vì trong chương trình học tiếng để đi du học, nó nằm ở phần ngoại khóa. Thế nhưng, khi cùng đám bạn ra ngoại thành, ngồi trong những lùm cây được cắt tỉa thành những cái tổ cho các đôi uyên ương, cùng chèo thuyền trên những dòng sông nhỏ, tôi bỗng thốt lên bằng tiếng Việt “Chiều thanh vắng là đây, âm thầm gió rì rào” thì lập tức người bạn Nga không quen biết chèo thuyền ngay sát hát bằng tiếng Nga câu hát tiếp theo. Mọi người hợp ca… Đó chính là nơi xuất phát của bài ca và ở đó, người ta thấy nó hay nhất.

Năm 1994, tôi và vợ đi đồng bằng sông Cửu Long làm bài về chung sống với lũ. Chúng tôi không biết bơi và UBND huyện Thủ Thừa cho chúng tôi một ca nô nhỏ với người lái là một bác vừa câm, vừa điếc. Chúng tôi hỏi cán bộ: “Ngập hết à, các anh sẽ làm gì?”. Cán bộ đáp: “Không làm gì. Mà, anh chị yên tâm, bác lái đò rất giỏi”. Chúng tôi táp vào một hộ giàu. Người giàu ở đồng bằng sông Cửu Long đắp nền nhà cao hơn mức nước lũ. Người nghèo sống ở chòi dựng trên các cây gỗ tràm cao lèo khoèo. Thăm hỏi xong, trở ra, bà xã loạng quạng chút ngã bèn vịn cành cây không chịu buông tay. Động tác này khiến chiếc ca nô bị lệch trọng tâm suýt lật. Tôi vùng đứng dậy đỡ bà xã để bà buông tay ra. Ca nô trở lại thăng bằng. Đúng lúc mây đen kéo về ùn ùn. Phía xa có một cây cầu khỉ. Hai bên có làng ấp và một câu hò Nam Bộ cất lên. Lúc đó, tôi mới thấy bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” hay nhất. Báo chí trước đó toàn đưa tin xấu về lũ. Kỳ thực, không có lũ, đồng bằng sông Cửu Long mới nguy.

Sau này, khi được đề nghị độc tấu guitar một bài về Bác Hồ trong một hội diễn lớn của TP.HCM năm 1999, tôi đã chọn bài này mà không chọn bài “Vào lăng viếng Bác” trước đó cũng từng lưỡng lự trong lựa chọn. Để cho nhanh, tôi nhờ học sinh cũ là nhạc sĩ sáng tác kiêm nghệ sĩ guitar chuyển soạn thành một bài tốt cho guitar cổ điển và chơi nó được huy chương, tiền thưởng. Tôi nhường huy chương cho tác giả chuyển soạn và hy vọng anh ấy vẫn còn giữ. Khi tôi tập bài này, cơ quan cho nghỉ 2 tuần. Được 1 tuần, tôi đi làm trở lại. Mọi người hỏi thăm, tôi nói: Đã chơi được theo phần nhạc. Trong tuần tới, điều cần làm là phải chơi được theo phần lời, đúng tới từng chữ. Để làm được thế, phải nghĩ nhiều hơn tập nên không cần nghỉ ở nhà nữa. Vẫn chỉ là tiếng nhạc nhưng chiều sâu từng nốt sẽ nói cho người nghe biết nội dung, tựa như người câm họ vẫn nói được cho những ai hiểu họ.

Nghe nhạc cổ điển có khó không?

Hồi tôi mới vào định cư ở TP.HCM, vợ chồng tôi có đến chào nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi đến với tư cách là nhạc sĩ, giảng viên guitar cổ điển của Nhạc viện Quốc gia Hà Nội còn bà xã thì với tư cách nhà báo viết về văn hóa văn nghệ. Trịnh Công Sơn xem danh thiếp của tôi, bắt tay và nói: “Tôi không rành nhạc cổ điển lắm”. Biết mục đích chuyến thăm của chúng tôi chỉ là để chào hỏi, Trịnh Công Sơn kêu người nhà mua thêm rượu mặc dù tôi nói chúng tôi không biết uống. Hôm đó, chúng tôi nói chuyện khá lâu và sau này, tôi còn có vài dịp gặp lại ông qua điện thoại vì công việc. Tôi phỏng vấn ông về chuyện bản quyền mỗi khi nó lại rộ lên. Ông nói việc bị vi phạm bản quyền là rất bức xúc nhưng các ông không biết kêu ai và hy vọng câu chuyện này sẽ được cải thiện. Tôi viết chỗ này hơi dài là để mọi người tin điều tôi sẽ nói: Không phải ai cũng có thể hoặc không phải ai cũng thích nghe nhạc cổ điển nếu họ không có thời gian dành cho nó.

Tôi có một người bạn audio, lâu lâu anh ấy lại ghé giao lưu. Ở nhà tôi, hầu như chỉ có nhạc cổ điển nên anh ấy cũng có hôm bứt rứt. Nếu không còn gì khác để nghe thì anh ấy cũng nghe và thấy nhạc cổ điển hay. Thậm chí anh ấy cũng ước ao làm chủ được nhạc cổ điển nhưng rồi, anh ấy rất khó rứt khỏi thứ nhạc chân thật, mộc mạc, đơn giản mà người dân phía Nam yêu thích trong các ca khúc. Thậm chí, anh ấy không chịu nổi một ca sĩ hát với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện vì cho rằng kỹ thuật ấy giết chết hồn bài hát. Những người như anh ấy rất khó có thể tiến sâu vào khai thác kho tàng nhạc cổ điển.

Vậy ai sẽ nghe nhạc cổ điển? Những người không khoan nhượng trên đường tới cái đẹp. Bạn không thể hy sinh kỹ thuật để giữ lấy phần hồn hoặc ngược lại, không thể hy sinh phần hồn để đảm bảo kỹ thuật. Bạn phải tìm đến những thứ… được cả đôi đường. Đó là nhạc cổ điển với những người chơi đạt tầm điêu luyện và những tác phẩm đạt tầm mẫu mực. Khi mới học nhạc trên một nhạc cụ nào đó, sư phạm âm nhạc phân loại bài sơ cấp 1, bài sơ cấp 2 nhưng khi đạt tầm Horowitz (thứ 2 thế giới trong danh sách 10 nghệ sĩ piano vĩ đại nhất mọi thời của một bình chọn tin được), ông có thể chơi bài của đại học, cao học, tiến sĩ hay bài của sơ cấp 3 mà thế giới vẫn phải ngã mũ, nghiêng người chào đón bậc kỳ tài. Do ông đã điêu luyện còn tác phẩm nếu là cổ điển (mẫu mực) thì không có loại 2.

Đầu tiên, bạn sẽ nghe các tác phẩm rất đơn giản đã từng chinh phục thế gian như Phiên chợ Ba Tư của Ketelbey, Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ của Mozart, For Elise của Beethoven, Polonez của Oginsky, Etude No3 của Chopin v.v… Có đến hàng trăm tiểu phẩm bất hủ như vừa kể. Sau đó, bạn sẽ lần theo những dẫn dụ của bìa đĩa, book list để đi tìm những tác phẩm của cùng tác giả hay cùng thể loại, cùng người chơi hay cùng nhà xuất bản…

Và một ngày đẹp trời, bạn bỗng trở thành người hoàn toàn tự tin với nhạc cổ điển. Bạn bắt đầu nghe theo bộ sưu tập, dễ thì có các tập khí nhạc mang tên Bốn Mùa của Vivaldi, Haydn và cả chuỗi 12 tác phẩm ứng với 12 tháng của Tchaikovsky “Thời gian trong năm”, các Nocturne (Dạ khúc), Valse, Mazurka, Polonez, Ballade của Chopin…; khó hơn thì có các Suite (tổ khúc) của Bach, các Sonata của Mozart và Beethoven… Khoảng 10 năm nghe nhạc cổ điển mỗi ngày 3 giờ là đủ để bạn có 10 nghìn giờ thâm niên, số giờ đủ để bạn thành người nghe nhạc có đẳng cấp quốc tế. Nghe một ngày 3 giờ không khó, bạn chỉ cần một smartphone và tai nghe loại nhét vào tai là xong.

Nghe nhạc lợi ích gì?

Tôi có hơn 40 năm nghe nhạc chăm chú. Tôi thấy, ở Việt Nam, làm người nghe chăm chú nhiều khi khó hơn làm một nghệ sĩ chơi thạo một nhạc cụ. Bạn luôn ở trạng thái bị động, người cầm cái là người chơi. Bạn phải “phải phép” khi nghe họ chơi đến lúc không còn muốn chơi cho bạn nghe nữa hoặc cho đến khi hết tác phẩm mà họ còn đang cố chơi đến nốt cuối cùng. Nói vậy vì vẫn còn nhiều nghệ sĩ chưa tập được cách thu hút người nghe, họ chỉ chơi theo khả năng của mình mà chưa đặt người nghe lên tầm cao hơn.

Ở các nước có nền âm nhạc phát triển, người nghe nhạc cổ điển rất quan trọng. Khi vở opera Carmen của Bizet ra mắt và bị công chúng quay lưng, Bizet đã chết vì buồn. Chỉ sau này, khi opera được dựng lại thành công thì nó mới trở thành tinh hoa opera thế giới, một trong những vở được dựng thường xuyên nhất dưới nhiều cách. Công chúng ở các nước âm nhạc phát triển có thể chỉ nghe một lần rồi quăng tác phẩm biết bao công sức của nhạc sĩ vào quên lãng tựa như người đọc đọc xong một bài báo xoàng…

Dù thế nào thì người nghe nhạc cổ điển cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển nền âm nhạc đích thực. Nếu mọi người biết nghe và quan trọng là thích nghe thì người biểu diễn sẽ chịu khó lên lịch tập và sẵn sàng biểu diễn với quyết tâm cao. Nhạc sĩ phải sáng tác các tác phẩm mới. Và, nền âm nhạc sẽ chuyển động theo hướng tích cực. Như vậy, người nghe nhạc cổ điển – người tiêu dùng âm nhạc đích thực – sẽ quyết định vận mệnh của nền âm nhạc nước nhà.

Cuộc sống không chỉ có nhạc. Nhưng, là người nghe nhạc cổ điển, bạn cũng sẽ có nhiều điều kiện để tiếp cận với những thứ khác, nhất là hội họa. Chúng tôi có một người bạn làm về hội họa. Anh ấy khuyên treo tranh: “Nhà có trẻ con, nên treo vài bức tranh”. Và, chúng tôi đã theo lời anh, lựa ra vài bức tranh phù hợp sở thích của mình. Thậm chí, tôi thấy, hội họa Việt Nam bây giờ phát triển hơn cả âm nhạc. Hội họa Việt Nam đã vươn ra được với thế giới, gần với tầm mức của thế giới. Qua theo dõi của chúng tôi, các họa sĩ phần lớn đều là những người nghe nhạc, thậm chí nhiều người còn nghe nhạc hơn cả các nhạc sĩ hay bị cuộc sống cuốn theo các giờ dạy kèm, chạy sô, tự trói mình trong không gian nghề nghiệp (nhạc cụ, vocal) mà không vươn ra đại dương âm nhạc nói chung. Họ cần trấn tĩnh lại, thu xếp cuộc sống để dành thì giờ cho âm nhạc nhiều hơn đặng sống và phát triển mãi với nghề.

Theo BÀI CA ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Tags: ,