⠀
‘Thời thanh niên sôi nổi’: Một bài ca đi cùng năm tháng
Bài hát “Thời thanh niên sôi nổi” (Песня О Тревожной Молодости) trong phim “Vùng địch hậu”, qua giọng hát của Yury Puzyrev đã nhanh chóng có đời sống riêng của mình, trở thành ca khúc yêu thích của lớp trẻ Xô Viết lúc bấy giờ và cho đến mãi sau này.
Vào ngày 29/10/1918, Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô (Komsomol) được thành lập. Sau khi lãnh tụ V. I. Lenin mất, năm 1924, tổ chức thanh niên này đã được vinh dự mang tên Lenin.
Đã có 160 triệu người được đứng trong hàng ngũ Đoàn Thanh niên Komsomol. Họ đã mang sức trẻ, bầu nhiệt huyết cách mạng của mình để làm nên những kỳ tích trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, xây dựng những Đại công trường như BAM (tuyến đường sắt xuyên Baical-Amur), xây dựng bao làng mạc, thành phố sau chiến tranh…
Với bạn đọc Việt Nam, hình tượng người đoàn viên thanh niên Cộng sản Komsomol nổi tiếng nhất chính là Pavel Corsaghin, nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của N.Ostorovsky, cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên miền Bắc. Lý tưởng sống của Pavel đã tiếp thêm sức mạnh cho lớp trẻ Việt Nam trong những năm tháng xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong cuốn sổ tay của nhiều đoàn viên ngày đó, ở hậu phương hay tiền tuyến, thường chép lời của Pavel, như một tuyên ngôn về lẽ sống: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp giải phóng loài người”.
Một trong những bài hát Liên Xô được hát nhiều nhất ở Việt Nam, từ thập niên 60 đến nay là “Thời thanh niên sôi nổi” (cùng với Cachiusa, Chiều ngoại ô Moskva, Đôi bờ…) chính là được ra đời trong bối cảnh và âm hưởng đó.
Trong đó, tác giả phần nhạc chính là một nữ nhạc sĩ bé nhỏ, đầy tài năng Aleksandra Pakhmutova. Bà cũng đồng thời là tác giả của ca khúc nổi tiếng “Tạm biệt Moskva” đã quen thuộc với khán giả Việt Nam, bài hát khép lại Olympic 1980. Ngoài ra, với những ai yêu âm nhạc Xô Viết đều biết đến một loạt ca khúc nổi tiếng của bà phổ nhạc thơ của chồng, nhà thơ N.N.Dobronravov, như Em không thể nào khác được, Cánh chim hạnh phúc, Chúng ta đã từng trẻ trung làm sao…
Năm 1958, Pakhmutova khi đó mới 29 tuổi, được mời viết nhạc cho bộ phim “По ту сторону” (theo ngữ cảnh của nội dung phim, tạm dịch là “Vùng địch hậu”) của đạo diễn Phyodor Philippov, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Viktor Kin, viết năm 1928 kể về chiến công của các đoàn viên Komsomol thời kỳ nội chiến ở vùng Viễn Đông.
Cùng với nhạc phim, Pakhmutova còn viết 4 ca khúc cho bộ phim này, phổ thơ của nhà thơ Lev Oshanin. Thời điểm bấy giờ, Oshanin 46 tuổi, đã thành danh với 2 tập thơ, và là người viết lời cho Bài hát chính thức của Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, năm 1947.
A. Pakhmutova nhớ lại trong thời gian làm phim: Lev Oshanin đem đến cho bà các bài thơ để phổ nhạc. Nữ nhạc sĩ liền cho ông nghe giai điệu nhạc phim do mình viết. Cả hai dù cố gắng, nhưng không thể ghép được lời vào phần nhạc của Pakhmutova. Lev Oshanin liền viết lại lời mới cho phần nhạc của nữ nhạc sĩ trẻ tuổi. Oshanin nhớ lại: “Tôi muốn viết lời sao cho trong đó hòa quyện âm hưởng của chặng đường cuộc nội chiến, chặng đường kế hoạch 5 năm đầu tiên, và chặng đường của Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Lời bài hát âm vọng về quá khứ, nhưng cũng đưa chúng ta về thực tại, là tiếng nói của lớp đoàn viên Komsomol và lớp trẻ ngày nay”.
Và bài hát đã ra đời như thế. Cũng nói thêm, bộ phim chuyển thể “Vùng địch hậu” không mấy thành công. Nhưng bài hát “Thời thanh niên sôi nổi” trong phim, qua giọng hát của Yury Puzyrev đã nhanh chóng có đời sống riêng của mình, trở thành ca khúc yêu thích của lớp trẻ Xô Viết lúc bấy giờ. Không những thế, bài hát còn có một sức sống mãnh liệt, cho đến tận ngày nay.
Ngày 9/5/2014, tại cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ mừng Ngày chiến thắng, lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc duyệt binh tại địa danh lịch sử này, dàn quân nhạc đã cử “Thời thanh niên sôi nổi” vang lên hùng tráng. Năm đó, nữ nhạc sĩ Pakhmutova tròn 85 tuổi.
“Thời thanh niên sôi nổi” còn được coi là “ngành ca” của Bộ Tình trạng khẩn cấp, kể từ khi tướng Shoigu làm Bộ trưởng (năm 1994). Hiện nay, đại tướng Sergey Shoigu, người con của dân tộc Tuva oai hùng, là Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Hàng năm, tại Lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 9.5, những người lính của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga rầm rập bước qua Lễ đài Quảng trường Đỏ trong tiếng nhạc “Thời thanh niên sôi nổi”.
Một bài hát có sức sống xuyên thế kỷ, mãi được hát, dù ở dưới bất kỳ thể chế nào. Bởi nó là một bài hát của một thế hệ thanh niên làm nên lịch sử. Thời nào, cũng cần những người trẻ như thế.
Tại Việt Nam, bài hát đã được dịch sang tiếng Việt, qua bản dịch của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông cho biết: “Hồi ấy, tôi làm ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài cần có một số bài hát của Nga để phát. “Thời thanh niên sôi nổi” đến với tôi qua bản dịch nghĩa của một người biết tiếng Nga. Từ đó, tôi đã chuyển soạn sang lời Việt và bài hát đã được tốp ca nam của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát trên Đài. Tôi cũng không ngờ bài ca đó lại có sức truyền tụng nhanh, xa, rộng đến thế”.
Theo VIỆT HÙNG / ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Tags: Liên Xô, Cộng sản, Âm nhạc, Văn hóa Nga, Aleksandra Pakhmutova