⠀
Ấn tượng không bao giờ phai về sân khấu Nga – Xô viết
Lần đầu ấy, cuối thu đầu đông 1984. Theo cách lãng mạn nhất, tôi, kẻ thầm yêu nước Nga qua văn chương từ lâu, nay đã được thực sự chạm mặt nước Nga như… người tình.
Tác giả: PGS-TS Nguyến Thị Minh Thái.
Khi mặt đã nhìn mặt, tay đã cầm tay sau cái ôm choàng đặc Nga với cô phiên dịch người Nga mắt xanh tóc vàng ở sân bay quốc tế Semeretrevo Moskva vào cái năm xa xôi ấy, tôi vẫn ngỡ mình chiêm bao. Tôi hàm ơn chính mình, đã chọn nước Nga, khi nhớ lại chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời “kí giả kịch trường”, được TBT Tạp chí Sân khấu, thi sĩ Lưu Trọng Lư và thư kí tòa soạn, nhà văn Xuân Trình, hỏi tôi muốn xem sân khấu nào, trong mấy nước XHCN Đông Âu, tôi nói ngay: Liên Xô. Và tôi được cử đi dự cuộc hội ngộ những nhà sân khấu trẻ thế giới tại Moskva và Leningrad năm 1984, cùng nhà viết kịch Lê Duy Hạnh và đạo diễn Huỳnh Nga của thành phố HCM, theo lời mời từ VTO, Hội nghệ sĩ sân khấu toàn Nga-Liên Xô…
Tôi rời Hà Nội chớm thu, sau hàng chục giờ giờ bay, đến Moskva đã đầu mùa đông. Sau cảm giác bồng bềnh như thể đã bay qua suốt mùa thu-Hà-Nội, tôi thấy mình trong đêm-đầu-đông-Moskva, lẫn trong dòng người Nga áo quần muôn màu, đổ đến con ngõ nhỏ mang tên Nhà hát Nghệ thuật Hàn lâm Moskva (gọi tắt MKHAT), xem vở “Ba chị em” của văn hào Nga vĩ đại Sekhov.
Rồi ngôi nhà ba tầng Nhà hát Nghệ thuật Moskva màu sơn xám nâu, có treo những ngọn đèn lồng tứ giác cổ kính, biểu tượng một thế kỉ đã xa của nước Nga, sẽ còn trở lại mãi trong tôi. Bởi nó đã đem lại cho tôi những ấn tượng ban đầu tươi thắm về nền sân khấu Nga Xô viết hiện đại.
Đêm đầu tiên, ngồi trong khán phòng của MKHAT, trước tấm màn nhung in hình cánh chim hải âu tung bay, biểu tượng nghệ thuật của nhà hát, tôi đã tưởng ra mình đang sống trong một giấc mơ sân khấu, và giấc mơ đó đã dài theo tôi suốt chuyến đi. Sao có thể không gọi là giấc mơ, khi tất cả những điều ta hằng mơ về một nền sân khấu tiền tiến và hiện đại, mọi phương diện sân khấu đều được phát triển ở trình độ nghệ thuật cao, các nghệ sĩ sân khấu được thỏa sức sáng tạo trong những điều kiện rộng rãi cởi mở nhất, trước một công chúng sân khấu lý tưởng, đều có thể nhìn tận mắt ở nơi đây-sân khấu Nga Xô viết?
Suốt trong hai tuần lễ ngắn ngủi ở Liên Xô, chúng tôi đã xem hàng chục vở diễn ở Moskva và Leningrad, đủ để hình dung khuôn mặt đích thực của sân khấu Nga hiện đại: một khuôn mặt đẹp hoàn hảo, giàu tính trí tuệ, triết lý và tính nhân bản, chỉ một lần chạm mặt là không thể nào quên…
Moskva trong tuần đầu tôi đến, mùa đông đã thấp thoáng trong gió rét và sương mờ buổi sớm, nhưng mùa thu như quyến luyến chưa muốn dứt áo ra đi, nên rốt cuộc, tôi được hưởng những ngày tàn thu tuyệt đẹp của nước Nga, với sót lại muộn màng của nắng vàng trong vắt và những vòm cây lá vàng rực trong các khuôn viên thành phố. Những buổi tối lạnh dịu, khô ráo ấy, chúng tôi đã lần lượt xem các vở diễn xuất sắc nhất của sân khấu thủ đô Moskva: Ba chị em, Bi kịch lạc quan, Hồi quang, Anna Karenina…trong các nhà hát MKHAT, Tacgan, Manlưi, Tuổi Trẻ…Ấn tượng rực rỡ nhất mà tôi đã hái lượm qua chùm vở diễn này là ấn tượng về sự hoàn chỉnh của những vở diễn sân khấu tổng thể, điều mà đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi đã từng mơ, trong cuộc đối thoại với tôi về nghề đạo diễn, đăng trên Tạp chí Sân khấu Việt Nam 1978. (Theo Nguyễn Đình Nghi, một khi cuộc đời luôn biến chuyển xanh tươi, màu sắc phong nhiêu, thì sân khấu buộc phải có nhiều cách diễn đạt, nhiều loại ngôn ngữ, nhiều hình thái miêu tả. Đặc biệt, khi hình thái tả thực của thể loại kịch đã trở nên hữu hạn trước đời sống, thì sân khấu kịch buộc phải phá tung sự trói buộc của các giới hạn. Nên Nguyễn Đình Nghi đã “mơ đến một sân khấu kịch phức điệu (polyphonicque), như một bản giao hưởng nhiều bè. Sân khấu ấy, có thể mở rộng phạm vi miêu tả hiện thực đến tận cùng).
Mơ ước đó đã hiển thị ở đây, khi mỗi một vở diễn thật sự là một công trình nghệ thuật được cấu trúc bằng sự đồng bộ trọn vẹn, tổng hòa các tài năng sáng tạo vở diễn: tài năng viết kịch của nhà viết kịch, tài năng dàn dựng của nhà đạo diễn, tài năng diễn xuất nhân vật của diễn viên, tài năng thiết kế âm nhạc, mỹ thuật, hóa trang, phục trang…cho vở diễn và cuối cùng, sẽ dẫn đến tài năng thưởng thức của người xem. Và dẫu rằng mỗi vở diễn thể hiện một câu chuyện, một chủ đề sân khấu, một phương pháp dàn dựng và biểu diễn, thể theo phong cách nghệ thuật của từng nhà hát ở Moskva, thì nói như trong Kinh Thánh, mọi con đường đều dẫn đến LaMã, mọi vở diễn đều nhắm tới đích cuối cùng là vẻ đẹp tổng thể, vẻ đẹp rực rỡ, mục đích mỹ học cao nhất của tác phẩm sân khấu Nga Xô viết hiện đại.
Tôi nhìn thấy hai khuôn mặt vở diễn, của cùng một kịch bản văn học Ba chị em ở hai nhà hát MKHAT và nhà hát Tacgan, mà không sao quả quyết khuôn mặt nào khả ái hơn. Xuất phát trên cùng một kịch bản, là hai cách xử lý khác lạ độc đáo của đạo diễn Liubimmov, nhà hát Tacgan và đạo diễn Đexnhixki, nhà hát MKHAT. Đạo diễn Đexnhixki đã đưa Ba chị em lên sân khấu nhà hát MKHAT bằng lối dàn dựng và biểu diễn tả thực truyền thống, tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống Xtanhixlavxki kinh điển. Các nghệ sĩ diễn xuất giản dị, chân thực, rất gần lối diễn tả thực đến chi tiết của điện ảnh. Họa sĩ thiết kế mĩ thuật cũng tả thực: nội thất ngôi nhà ba chị em với bàn ghế giường tủ, gương lược… và khu vườn quanh nhà họ đầy những cây bạch dương thân trắng thanh mảnh, thỉnh thoảng rớt xuống cỏ những chiếc lá bạch dương được làm y như thật, mô phỏng y chang một ngôi nhà vườn kiểu Nga trung lưu thế kỉ 19, để tô đậm ý tưởng vở kịch: cả ba chị em lúc nào cũng chỉ khát khao chuyển nhà đến Moskva, như đến một thế giới mới, từ bỏ không thương tiếc nơi mình đang sống bình yên!
Ở nhà hát Tacgan, đạo diễn Liubimmov tiến hành… phá cách cổ điển. Ông lược bỏ “tàn nhẫn” các chi tiết tả thực của phương pháp đạo diễn nệ thực, để chỉ miêu tả cái lõi của chủ đề kịch bản theo khám phá riêng, với một hình thức vở diễn ước lệ, khoáng đãng, bay bổng, đầy chất thơ. Và hai cách khám phá, dàn dựng đặc sắc ấy của hai vị đạo diễn tài năng đã mang đến cho cả hai nhà hát hai vở diễn trên cùng một kịch bản, đều có chất lượng văn học và chất lượng sân khấu rất cao, luôn đứng trong số vở diễn hàng đầu của hai nhà hát trong mùa kịch đang sôi động ở Moskva. Chúng tôi biết, công việc đưa một kịch bản văn học lên sân khấu bằng nhiều phong cách và cá tính sáng tạo mạnh mẽ, khác thường, độc đáo của nhiều cá tính sáng tạo đạo diễn khác biệt là chuyện rất thường xuyên và rất được khuyến khích trong đời sống sân khấu nước Nga Xô viết…
Song hành với việc dựng kịch bản kinh điển, cả sân khấu Moskva và Leningrat đều hết sức quan tâm đến đề tài hiện đại và nhân vật hôm nay. Vở Hồi quang của Nhà hát Tuổi trẻ Moskva đặt vấn đề đem lại hạnh phúc người già trong xã hội hiện đại Xô viết, và không chỉ thế, những nhà sân khấu Nga còn muốn đưa vấn đề lên qui mô toàn nhân loại. Xu hướng đưa vào thể loại kịch một cách chân thực, sâu sắc và sinh động những vấn đề lớn đặt ra trong xã hội Xô viết hôm nay, đã và đang thành vấn đề “nóng” trong sáng tạo sân khấu Xô viết. Bởi vậy, Hồi quang được công chúng Nga ở thủ đô tiếp đón nồng hậu, trở thành vở kịch nằm trong dòng chủ đạo của nền kịch Xô viết, với nhân vật trug tâm là “người của hôm nay”- của xã hội Xô viết hiện đại. Đây cũng là vấn đề hôm nay đặt ra từ vở kịch chúng tôi xem ở Nhà hát hàn lâm Puskin, Leningrad:vở Chủ tịch thứ 13. Vở diễn gây xúc động tương tự cho chúng tôi như xem Hồi quang. Tôi bỗng liên tưởng đến những vở diễn hiện đại trong dòng kịch chính luận ấy của Nga Xô viết, từng được dàn dựng,biểu diễn ở Việt Nam, gây hấp dẫn lớn cho công chúng Việt những năm 70,80 của thế kỉ XX: Câu chuyện Ierkut, Biên bản một cuộc họp, Một mình với tất cả, Người cha thô bạo, Người đàn bà sau tấm cửa xanh, Điểm nóng…Tôi thoáng nghĩ, giá trị lớn nhất của sân khấu Xô viết qua hai vở diễn này là khả năng nhập cuộc tích cực của nó với đương thời. Sân khấu Xô viết vừa có khả năng đối thoại, với tư cách người đồng hành, lại vừa là người dẫn đường của xã hội hiện đại.
Với tính cách nghề nghiệp của nhà viết kịch, và với tư cách đạo diễn tay nghề cao trong dàn dựng, Lê Duy Hạnh và Huỳnh Nga đều đặc biệt chú ý tới cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, dàn dựng vấn đề trên sàn tập, trong tính cách hiện đại rõ nét và đặc sắc của các nhà viết kịch và đạo diễn sân khấu Nga Xô viết. Còn tôi, thêm một lần hiểu vì sao các nhà sân khấu Xô viết không ngừng nhấn mạnh luận điểm: tính hiện đại phải là linh hồn của kịch bản văn học và vở diễn.
Rồi chúng tôi đến Leningrad bằng xe lửa. Trong tôi vẫn cảm giác như mơ, bởi lên tàu lúc nửa đêm, sau giấc ngủ dài đã thấy Leningrad, kinh thành St-Peterbourg của vua Pie đệ nhất, hiện ra trong sương sớm, với phong thái một thành phố đế vương, và chính là một trung tâm sân khấu lớn, không kém gì Moskva.
Tôi có cảm giác đặc biệt ấm áp và dễ chịu khi tiếp xúc lần đầu với dạng thức sân khấu nhỏ của Leningrad, trong một nhà hát nhỏ mang tính thực nghiệm với chừng 100 chỗ ngồi. Chúng tôi đã xem vở Ngã năm, kể về một nữ nghệ sĩ balê phải giã từ sân khấu giữa lúc nghề nghiệp thăng hoa nhất. Như một truyện ngắn cực xinh, sân khấu nhỏ đưa ta cùng vượt thoát tâm trạng hoang mang của nữ diễn viên, khi sống phần đời còn lại, sau nhiều vấp ngã, đã tìm được tự tin vào chính bản thân mình. Cái không khí riêng tư đậm đặc ấy của sân khấu nhỏ khiến tôi rất ưa thích và hiểu rằng ‘sân khấu có thể nhỏ, nhưng hy vọng giành cho nó lại thật lớn”. Chính vì thế, nó vẫn là sân khấu lớn ở dạng kết tinh đậm đặc nhất. Không phải ngẫu nhiên, trong thập kỉ cuối của thế kỉ XX, mô hình sân khấu nhỏ vào Việt Nam và thành giải pháp tình thế cứu nguy cho sân khấu lớn Việt Nam gặp hồi khủng hoảng, lấy lại được công chúng đã mất. Với tính nén chặt tối giản, và tính thực nghiệm cao, sân khấu nhỏ đã mở ra khả năng mới mẻ và rộng lớn trong việc biểu hiện đời sống và nâng cao kĩ năng nghề đạo diễn và diễn xuất của sân khấu hiện đại Xô viết. Tôi nghĩ, có thể ví sân khấu nhỏ như những truyện ngắn cực xinh của những cây bút bậc thầy…
Tôi thầm cám ơn thời gian ngắn ngủi ở hai thành phố lớn nhất nhì nước Nga Xô viết, đã hái được một chùm xinh nhỏ chi chít những ấn tượng thắm tươi về vẻ đẹp hiện đại của sân khấu Nga Xô viết. Những ấn tượng ấy có thể là do phản quang của hồi ức và kỷ niệm đẹp từ khi tôi chưa từng chạm mặt nước Nga và sân khấu Nga Xô viết. Tôi bỗng thầm quyết định sẽ quay trở lại nước Nga Xô viết để học sau đại học về nghệ thuật sân khấu Nga, biết đâu tôi đã phải lòng sân khấu Nga rồi cũng nên? Tôi cứ nghĩ ngợi mông lung đầy hạnh phúc như thế trong lòng, trên chuyến tầu đêm từ Leningrad trở lại Moskva. Sáng hôm sau, tôi mở to mắt ngạc nhiên vì lần đầu bất ngờ thấy tuyết nhẹ bay loáng thoáng mảnh khảnh, hoa nhỏ trắng xốp bé xíu xiu trên nền trời Moskva mù sương…
Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN (2013)
Tags: Liên Xô, Sân khấu, Văn hóa Nga