⠀
Áo tứ thân – ‘mốt’ một thời của người phụ nữ vùng Châu thổ Bắc bộ
Áo tứ thân gần gũi, phổ biến trong xã hội xưa, là tiền thân của áo ngũ thân và sau đó là áo dài ngày nay.
Bài viết của tác giả Phạm Thị Mai Hoa, ThS. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Mỗi dân tộc có cách ăn mặc và trang sức riêng, quá trình hình thành và phát triển riêng xuất phát từ những đặc điểm lịch sử, địa lý, kinh tế, phong tục tập quán… Trang phục thể hiện quan điểm thẩm mỹ, lối sống, trình độ của mỗi dân tộc, nhóm người, cá nhân. Đặc biệt, nó thể hiện đặc trưng văn hóa của cả cộng đồng. Chiếc áo tứ thân được thể hiện ở kiểu dáng, chất liệu, màu sắc với sự kết hợp hài hòa hoặc đối lập một cách có ý thức làm tôn vẻ đẹp của người phụ nữ Bắc Bộ. Có thể nói, chiếc áo tứ thân là “mốt” một thời của người con gái châu thổ Bắc Bộ. Chiếc áo ấy trở nên gần gũi, phổ biến trong xã hội xưa, là tiền thân của áo ngũ thân và sau đó là áo dài ngày nay.
Đặt vấn đề
Trang phục thể hiện quan điểm thẩm mỹ, lối sống, trình độ của mỗi dân tộc, nhóm người, cá nhân đặc biệt nó thể hiện đặc trưng văn hóa của cả cộng đồng. Bên cạnh việc tận dụng môi trường tự nhiên để có cái ăn, để tồn tại, con người còn sử dụng trang phục để ứng phó với cái nóng, cái rét, mưa gió… phải lo việc mặc: “được bụng no còn lo ấm cật” (Ca dao Việt Nam). Vì vậy, cũng như chuyện ăn, mặc trong quan niệm của người Việt Nam là một quan niệm thiết thực.
“Nói đến trang phục miền Bắc là nói tới trang phục của người Kinh, mà so với cả nước, sắc thái địa phương được thể hiện tương đối rõ rệt từ Đèo Ngang – Sông Gianh trở ra” (2, tr.53). Dân tộc Kinh cũng như nhiều dân tộc khác cũng có bản sắc và những đặc điểm chung. Với người Kinh ở đồng bằng Nam Bộ, cả nam và nữ mặc bộ bà ba đen thì ở Bắc Bộ, trang phục đàn ông là bộ áo cánh, quần nâu, phụ nữ là áo dài tứ thân, yếm, váy màu đen. Áo dài tứ thân của người phụ nữ Bắc Bộ là một trong những trang phục truyền thống nổi bật của dân tộc Việt – tấm áo cùng người lao động cần cù – người phụ nữ Việt.
Lịch sử “Áo dài tứ thân” của phụ nữ Việt
Cho đến nay, vẫn chưa ai biết rõ nguồn gốc chính xác của chiếc áo tứ thân. Chỉ biết rằng, áo tứ thân hay áo dài tứ thân chính là nét đẹp nổi bật, làm cho người phụ nữ vùng châu thổ Bắc Bộ từ thời xa xưa trở nên duyên dáng hơn, mềm mại hơn. Ngay từ thời nhà Lý (1009 – 1225) ngành dệt may phát triển nên các loại lụa, gấm, vóc, đoạn rất nhiều màu sắc, họa tiết phong phú. Các kiểu dáng, màu sắc trong trang phục cũng hết sức đa dạng từ vua, quan cho đến dân thường. Vua mặc áo màu vàng, quần màu tía. Các quan từ ngũ phẩm trở lên mặc áo gấm; từ cửu phẩm trở lên được mặc vóc. Sĩ phu thường mặc áo dài tứ thân, đầu đội nón chóp, đi dép da. Như vậy, từ thời Lý đã xuất hiện áo dài tứ thân nhưng chủ yếu nam giới mặc. Áo tứ thân được người phụ nữ sử dụng nhiều nhất vào thời Trần thế kỷ XIII và thời Nguyễn. “Căn cứ vào tài liệu còn quá ít ỏi thì từ thời dựng nước tới Lý – Trần (thế kỷ XIII) trang phục của đông đảo nhân dân không có gì thay đổi lớn. Những bộ phận cơ bản của trang phục như các loại khố, váy, áo ngắn, yếm… vẫn không khác gì mấy so với thời Hùng Vương” (2, tr. 27).
Trần Phu trong “An Nam tức sự” đã để lại ít dòng sơ lược về cung cách ăn mặc và trang điểm của phụ nữ thời Trần “Đàn bà thường mặc áo tứ thân màu đen, cổ áo viền màu trắng, cắt tóc rồi buộc túm lên đỉnh đầu, không để tóc mai…” (2, tr. 27). Cũng không ít người có thắc mắc tại sao lại gọi là tứ thân? Vậy “Tên gọi “tứ thân” hay “tư thân”, có lẽ bắt nguồn từ khổ vải hẹp. Phần lưng phải ghép hai khổ vải ở giữa đường sống lưng thành hai thân sau, còn hai thân trước là hai tà áo, khi mặc bỏ buông tay hay thắt hai vạt vào nhau ở trước bụng hay sau lưng”. Có lẽ, do bắt nguồn từ khổ vải hẹp nên áo dài tứ thân được may bằng 4 khổ vải tạo thành.
Áo tứ thân có cấu tạo giống áo cánh, gồm hai vạt trước rộng như nhau, buông thả xuống, không cài khuy. Thân sau mép dọc hai khổ được khâu liền tạo thành sống lưng áo (nối giữa sống lưng) còn hai thân trước là hai tà áo, khi mặc bỏ buông hay thắt hai vạt vào nhau ở trước bụng hay sau lưng.
Với cách cấu tạo như vậy, áo dài tứ thân cho ta cảm giác cân đối, hoàn chỉnh khi nó được mặc trên người cụ thể. Do mặc để làm việc, gồng gánh nên phần vai và khuỷu tay thường bị rách trước nhất, nhưng phần vạt áo vẫn còn tốt “Người ta có sáng kiến thay thế phần vai bị rách bằng cách cắt nối vạt nhưng hai bên hơi so le một chút tạo ra một kiểu áo đổi vai đổi vạt có hai loại cổ áo: cổ tròn, cổ thìa (hình chữ V)”. Hình thức này đã được tồn tại qua nhiều năm tháng, chủ nhân tấm áo nhận thấy vai áo đã sờn rách, vứt bỏ thì tiếc nên đã nghĩ ra cách cắt phần trên, thay không đều mà so le tạo ra sự không nhàm chán, không cân đối nhưng vẫn đối xứng. Khi thay không chênh nhau nhiều về màu vải. Phụ nữ thời xưa đã sáng tạo ra loại áo tứ thân “mốt” thay vai đổi vạt, hấp dẫn thị giác của con người trở thành “mốt” một thời. Người ta vẫn chắp vải khác màu cho hai vai, một phần ngực, lưng liền với ống tay hoặc nối ở phần dưới hai vạt áo. Màu đen dần dần được thay thế bằng màu nâu, nâu non, nâu cánh gián, bã trầu, củ nâu, da lươn, nâu đất và gần về sau này màu sắc càng phong phú hơn như màu xanh, đỏ, vàng, da cam, rơm, hoàng yến, mỡ gà… vị trí màu đậm nhạt tùy vào sở thích của từng người.
Kiểu đổi vai, đổi vạt màu sắc khác nhau chứng tỏ trình độ thẩm mỹ của người Việt khá cao. Với bản chất kín đáo của người Việt xưa, trang phục thời kỳ này được nghiên cứu, tìm tòi cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ với quy luật kín đáo và cố hữu của dân tộc vào việc may mặc. Người ta truyền cho nhau những kinh nghiệm tằn tiện, khéo léo bởi cái sự quan trọng nhất “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”.
Chiếc áo dài tứ thân của cả nam và nữ đều có một vòng đệm cổ gọi là lá sen. Cổ áo dựng lên một đốt ngón tay. Mùa rét mặc 2 đến 3 lớp áo gọi là áo “mớ”. Mỗi lớp áp bên trong chỉ để lộ ra một chút. Sau này, áo dài tứ thân không còn là của riêng người phụ nữ lao động, của tầng lớp nghèo mà trở thành chiếc áo của mọi tầng lớp: những người tiểu thương thành thị, những cô gái bán hoa, bán hàng rong ở Hà Nội, những cô gái nho sĩ… cũng mặc. Chiếc áo dài tứ thân trở thành “mốt” và đến giờ trở thành chiếc áo truyền thống và là nét đẹp của người con gái vùng châu thổ Bắc Bộ.
Bên trong áo tứ thân luôn có áo cánh, trong cùng là áo yếm cổ tròn (cổ xây) gần khít vòng cổ hoặc cổ xẻ với dải bơi chèo dài. Ba chiếc áo này được kết hợp với nhau rất hài hòa về màu sắc và khoe được vẻ đẹp cả ba áo. Mặc áo tứ thân luôn luôn có cái thắt lưng bằng vải lụa màu hay cái “ruột tượng” một cái bao hình ống dài có thể đựng tiền và vài thứ lặt vặt rồi buộc rút hai đầu. “Thắt lưng tuy là bộ phận phụ, nhưng ở nhiều dân tộc, bao giờ cũng được phụ nữ chăm chút, để nó vượt khỏi ý nghĩa thực dụng, thành bộ phận trang sức nổi rõ trên nền màu của váy áo, tạo thêm dáng thon thả “thắt đáy lưng ong” của phụ nữ” (1, tr.57). Trong các lễ hội, đình đám, người phụ nữ còn cầm nón quai thao, chân đi guốc hoặc đi dép cong bằng gỗ, gốc tre như trong câu hát:
“… nho nhỏ cái đuôi gà cao
em đeo cái dải yếm đào
quần lĩnh áo the mới
tay em cầm chiếc nón quai thao
chân em đi đôi dép cao cao…”
(“Chùa Hương” – Nguyễn Nhược Pháp)
Từ những năm 1946 của thế kỷ 20, phụ nữ giàu có thường may áo tứ thân bằng chất lụa mềm. Loại lụa này được ưa thích và sau này là chất liệu the cũng dùng may áo. Ngoài ra, chiếc áo dài tứ thân mệnh phụ phu nhân thì có tay rộng, thân rộng, được trang trí bằng miếng vải trang trí dọc hai bên vạt áo. Ở giữa nẹp áo cài viên ngọc rất to, sau đó là dải vải để buộc. Dưới gấu có họa tiết thủy ba sóng nước. Khi mặc áo này vào tế lễ thường triều không đội mũ mà vấn khăn.
Chiếc áo dài tứ thân với chất liệu khác nhau, màu sắc phong phú và đa dạng, hài hòa chỉ với một kiểu dáng không thay đổi. Điều đó làm nên nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, chiếc áo dài tứ thân không được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày của dân chúng nhưng vẫn hiện diện trong lễ hội, trên sân khấu hay trong giao lưu nghệ thuật trong và ngoài nước. Áo dài tứ thân cũng đã được khai thác với màu sắc, chất liệu mới, có khi đổi vạt, đổi vai, đều được nghiên cứu, thiết kế công phu. Điều đó làm nên nét đẹp truyền thống với vẻ đẹp hài hòa, giản dị của chiếc áo. Nét đẹp ấy được thể hiện qua câu thơ:
“… bắc cầu dải yếm anh sang
nghe thân quen vẫn thấy bồn chồn
vạt áo tứ thân thắt lưng hoa lý
em ơi đã qua bao thế kỷ
câu hát xưa còn đọng đến bây giờ”.
(Dương Trọng Dật)
Kết luận
Khi nói đến Bắc Bộ, nói đến Kinh Bắc, đến những làng dân ca quan họ, người ta đều nhớ đến chiếc áo tứ thân… nhớ đến chiếc nón quai thao, mái tóc “đuôi gà”, cái khăn mỏ quạ,… Đó là những nét đặc trưng trang phục cổ truyền của người phụ nữ châu thổ Bắc Bộ. Hơn nữa, áo tứ thân truyền thống còn là một sáng tạo, một tác phẩm trang phục đã được thử thách qua thời gian. Nó được thể hiện ở kiểu dáng, chất liệu, màu sắc với sự kết hợp hài hòa hoặc đối lập một cách có ý thức. Áo tứ thân đã mang được nét sinh động, phóng khoáng mà vẫn mộc mạc, kín đáo, làm tôn vẻ đẹp của người phụ nữ Bắc Bộ Việt Nam. Ý thức bố cục mỹ thuật không đối xứng đã tạo nên nét đẹp sinh động chứng minh một trình độ thẩm mỹ khá cao của người xưa mà đến nay chúng ta tự hào được thừa hưởng. Áo dài tứ thân trở nên gần gũi, phổ biến trong xã hội xưa, là tiền thân của áo dài “ngũ thân” và cũng là mẹ đẻ của chiếc áo dài như ngày nay.
Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử cùng sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, cách ăn mặc của người phụ nữ Việt đổi thay nhiều, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Những tà áo tứ thân, dải yếm đào hay chiếc nón quai thao với đôi guốc mộc chỉ còn trong hoài niệm… Có thể nói, áo tứ thân vẫn mang trọn nét đẹp giản dị của trang phục người Việt xưa. Có thể nói đây cũng là “mốt” một thời của phụ nữ châu thổ Bắc Bộ xưa. Chúng ta – những công dân của nước Việt Nam có quyền tự hào và có trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa ấy.
————————————-
Tài liệu tham khảo:
1. Hội Văn nghệ Dân gian (2012), Trang phục cổ truyền và hoa văn trên vải các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc.
2. Ngô Đức Thịnh (1994), Trang phục cổ truyền các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc.
3. Đoàn Thị Tình (2006), Trang phục Việt Nam, Nxb Mỹ thuật.
Theo SPNTTW.EDU.VN
Tags: Phụ nữ, Thời trang, Văn hóa Việt