⠀
Henry Kissinger và nỗi lo sợ về cuộc chiến tranh lạnh Mỹ – Trung Quốc
Bằng cách đồng ý liên minh với Mỹ, phụ thuộc vào công nghệ và đầu tư của Mỹ, chính Mao đã cho Kissinger đòn bẩy để khiến Trung Quốc đi đúng định hướng của Mỹ. Việc Trung Quốc không bị biến thành một nước nửa thuộc địa, phụ thuộc vào Mỹ là do hai yếu tố không mong muốn.
Henry Kissinger là một trong những nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại hiếm hoi của thế kỷ 20 đã thực sự định hình và xác định chính sách đối ngoại của Mỹ và cả phương Tây. Vào thời điểm quan trọng, khi mà Mỹ chịu tác động nặng nề bởi khủng hoảng sau cuộc “Chiến tranh Việt Nam” và cuộc khủng hoảng dầu mỏ, đang trên bờ vực thất bại về địa chính trị, Kissinger là người đã tìm ra lối thoát bằng cách ủng hộ Trung Quốc cộng sản đối lập với Liên Xô cộng sản. Đó là lúc người Mỹ sẵn sàng liên minh không chỉ với Mao Trạch Đông, mà còn với Pol Pot, và Kissinger là người đầu tiên sau Thế chiến thứ hai dám đề xuất và thực hiện liên minh với kẻ thù ý thức hệ để chống lại kẻ thù chung.
Roosevelt đã thực hiện một liên minh tương tự vào năm 1941-1945. Nhiều người Mỹ lúc bấy giờ đã gọi Roosevelt là người cộng sản vì các chính sách đối nội và đối ngoại của ông ta. Không phải ngẫu nhiên mà toàn bộ hệ thống chính sách của Roosevelt, cả về đối nội và đối ngoại, đã bị phá bỏ bởi chính phó tổng thống của ông ta (Truman), người cũng giống như Churchill, có quan điểm tương tự, tin rằng liên minh bắt buộc và tạm thời với Liên Xô để chống lại Đức Quốc xã là quá nhu nhược. Một bộ phận đáng kể trong giới tinh hoa Mỹ tin rằng vào nửa cuối năm 1944, Mỹ và Anh nên hành động độc lập, không cần phải phối hợp với Moskva, không nhượng bộ, thậm chí từ chối tham gia Hội nghị Yalta, và nên kết thúc chiến tranh theo nguyên tắc sở hữu những gì mình chiếm được.
Tất cả các tổng thống Mỹ thời hậu Roosevelt không chấp nhận chính sách linh hoạt của Roosevelt đối với khối Xã hội Chủ nghĩa. Chỉ Kissinger mới có thể thuyết phục Nixon bắt đầu trò chơi với Trung Quốc. Đây là một trong những bước quan trọng nhất trong chuỗi các biện pháp của Mỹ, cho phép họ làm suy yếu Liên Xô và dẫn đến sự sụp đổ vào tháng 12/1991. Hơn nữa, Kissinger luôn gói gọn những quan điểm của mình trong một cái vỏ bọc dễ chấp nhận. Ví dụ, khi cần thuyết phục chính quyền Mỹ về sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc chống lại Liên Xô, Kissinger đưa ra luận điểm rằng Trung Quốc theo chủ nghĩa Mao sẽ từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và chuyển sang con đường chủ nghĩa dân tộc truyền thống dưới cái áo của chủ nghĩa cộng sản.* *Hiện nay, điều này tỏ ra là đúng, nhưng ở thời đại của Mao thì nó hoàn toàn sai. Mao, giống như Lênin, đã xây dựng chủ nghĩa Mác của riêng mình, thích nghi với điều kiện của Trung Quốc, nhưng Mao sẽ không đi chệch khỏi ý tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Đường lối của Kissinger đã chiến thắng, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia tư sản dưới “lá cờ đỏ”. Bằng cách đồng ý liên minh với Mỹ, phụ thuộc vào công nghệ và đầu tư của Mỹ, chính Mao đã cho Kissinger đòn bẩy để khiến Trung Quốc đi đúng định hướng của Mỹ. Việc Trung Quốc không bị biến thành một nước nửa thuộc địa, phụ thuộc vào Mỹ là do hai yếu tố không mong muốn. Thứ nhất, đó là lòng tham của giới tinh hoa Mỹ thời hậu Kissinger, đã cố gắng sử dụng Trung Quốc để tối đa hóa thu nhập của họ. Thứ hai, đó là sự nổi lên của Đặng Tiểu Bình. Chính Đặng đã chịu trách nhiệm trong vụ đàn áp các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Phong trào này gần như đã phát động “perestroika” ở Trung Quốc và gần như trở thành cuộc cách mạng màu đầu tiên trên thế giới. Nếu không có Đặng, và quan trọng nhất là nếu đường lối “Kissingerovsky”, vốn đặt lợi ích quốc gia của Mỹ lên trên hết được bảo toàn, thì Trung Quốc đã không thoát khỏi cái bẫy của Mỹ. Và bây giờ Kissinger, đang đứng một chân trong nấm mồ, cảnh báo giới tinh hoa Mỹ, nếu những thế lực hiện đang cai trị Mỹ vẫn có thể được gọi là tinh hoa (vì nó trông giống rác hơn), thì Chiến tranh Lạnh lần thứ hai với Trung Quốc sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất với Liên Xô, vì tiềm lực kinh tế của Trung Quốc hiện không hề thua kém Mỹ.
Trên thực tế, chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra từ lâu, trước khi Kissinger tuyên bố. Và nó sẽ không phải là quá khó khăn đối với Mỹ nếu giới tinh hoa thời Clinton không bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh, và sau đó là một cuộc chiến tranh hỗn hợp với Nga. LB Nga có nền kinh tế không thể bằng Mỹ, nhưng có khả năng tự cung tự cấp mạnh mẽ, khả năng đó đã được tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2014-2022. Cho đến nay, nền kinh tế Nga đã trở thành một nền kinh tế có khả năng thích ứng mạnh mẽ và linh hoạt nhất với mọi điều kiện phức tạp nhất.
Nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều so với nền kinh tế của Nga, tương đương nền kinh tế Mỹ, nhưng nó lại đang phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và nguồn cung cấp một số nguyên liệu thô chiến lược cũng như việc kiểm soát các tuyến thương mại. Một liên minh Nga-Trung Quốc sẽ cung cấp cho Trung Quốc một cách an toàn những gì họ đang thiếu: tài nguyên, năng lượng và các tuyến thương mại trên đất liền. Liên minh này cũng mang đến cho Nga một thị trường thay thế cho các sản phẩm bị châu Âu từ chối, và cơ hội thay thế bằng hàng hóa Trung Quốc những sản phẩm bị phương Tây trừng phạt mà việc sản xuất ở Nga vẫn chưa sẵn sàng.
Như vậy, thực tế là hiện nay, Mỹ đang tiến hành Chiến tranh Lạnh chống lại Nga và Trung Quốc cùng một lúc, và đây chính là cách mà họ có thể sẽ phải chịu thất bại. Kissinger biết điều này. Khi nói về nguy cơ xảy ra “Chiến tranh Lạnh lần thứ hai”, ông ta đã nói đó sẽ là một cuộc chiến rất nóng. Mỹ đã đầu tư quá nhiều trong việc “ngăn chặn Trung Quốc” và “ngăn chặn nước Nga”, đồng thời họ cũng chưa thể chuẩn bị sẵn sàng để từ bỏ dự án Ukraina cũng như dự án Đài Loan.
Người Mỹ đang tạo ra hết khối này đến khối khác chống Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với hy vọng, giống như trường hợp của Nga, buộc Đài Loan phải chiến đấu với Trung Quốc, gây thiệt hại tài chính cho các đồng minh châu Á của họ. Về cái gọi là “dự án Đài Loan”, nó không giống như trường hợp của Ukraina, quốc gia có biên giới đất liền rất dài với các nước NATO. Trung Quốc hoàn toàn có khả năng phong tỏa Đài Loan. Bắc Kinh đã xây dựng lực lượng Hải quân lớn gấp rưỡi so với Mỹ về số lượng tàu chiến. Trong khi đó, lực lượng viễn chinh của Mỹ và đồng minh sẽ phải hoạt động xa bờ biển của họ, trong khi Hải quân Trung Quốc sẽ hoạt động ngay gần nhà, có sự hỗ trợ rất mạnh của các hệ thống tên lửa bờ biển và không quân từ đất liền. Tất cả những điều này cho thấy lợi thế hoàn toàn thuộc về Trung Quốc. Nhưng Mỹ không thể từ bỏ dự án này, bởi nó sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng họ đã đánh mất ưu thế tuyệt đối trên biển, vốn cho đến nay vẫn tạo thành cơ sở không chỉ về quân sự, mà cả chiến lược chính trị của Washington.
Cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh còn làm cho họ rơi vào tình trạng đối đầu với hai cường quốc hạt nhân cùng một lúc vì CHDCND Triều Tiên chắc chắn sẽ ủng hộ Bắc Kinh vì có cơ hội mở ra cho sự thống nhất hai miền Triều Tiên, và sự thất bại của CHND Trung Hoa sẽ tự động đồng nghĩa với sự hủy diệt của CHDCND Triều Tiên. Đồng thời, Nga – quốc gia có tiềm năng hạt nhân lớn và hiện đại nhất, cũng là đồng minh của Trung Quốc – chính thức đứng ngoài cuộc xung đột, đóng vai trò ngăn chặn các đồng minh hạt nhân của Mỹ (Anh, Pháp và Israel). Chính cuộc chiến này, một cuộc đụng độ quân sự công khai giữa Mỹ và Trung Quốc, là thứ mà Kissinger lo sợ.
Theo HÀ HUY THÀNH / NƯỚC NGA TRẺ FACEBOOK
Tags: Trung Quốc, Mỹ, Quan hệ Mỹ - Trung, Henry Kissinger, Nghiên cứu quốc tế