Góc nhìn Marxist về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trong thời đại AI

Nếu chúng ta muốn trí tuệ nhân tạo cải thiện thay vì thay thế hoặc làm suy thoái công việc của mình, chúng ta phải chuẩn bị để tiếp tục cuộc chiến ngay trong chính quá trình lao động đó.

Tác giả: Mark Allison, giáo sư Anh ngữ trường đại học Ohio Wesleyan University (Mỹ), tác giả cuốn “Chủ nghĩa xã hội lý thuyết: Mỹ học, Chống chính trị và Văn học ở Vương quốc Anh, 1817-1918”.

Nguồn: What a Marxist Classic Can Teach Us About Embracing AI; Mark Allison; Jacobin.com; 7/3/2023.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh. 

Chỉ mới ngày hôm qua, trí tuệ nhân tạo vẫn là chuyện khoa học viễn tưởng. Giờ đây, nó đã báo hiệu một điềm gở cho tương lai công ăn việc làm của chúng ta. AI hứa hẹn sẽ giải phóng người lao động khỏi những khía cạnh chán ngắt trong công việc – hay đe dọa tước đoạt hoàn toàn công việc của họ, điều đó tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Tìm kiếm góc nhìn mang tính lịch sử, chúng tôi đã tiếp cận lý giải cổ điển về sự tiến hóa của quá trình lao động trong chủ nghĩa tư bản, cuốn Tư bản Độc quyền và Lao động 1974 (1974 Labor and Monopoly Capital) của Harry Braverman.

Cuốn sách của Braverman đi xa hơn và nhìn sâu hơn cái mà tựa đề phụ thẳng thừng của nó – “Sự xuống cấp của Công việc trong thế kỷ 21”. Giống như mô hình đã được thừa nhận của ông – mô tả của Marx về sự biến đổi của quá trình sản xuất trong bộ “Tư bản” – Braverman đem lại một khảo sát tỉ mỉ về quá trình tạo ra và tái thiết tổ chức lao động không ngừng trong chủ nghĩa tư bản. Nhưng ông chưa bao giờ quên đi tầm quan trọng của những ảnh hưởng từ loạt biến động liên tiếp này đối với giai cấp công nhân.

Braverman đã phản đối những cách giải thích đơn giản, xem Marx là một nhà tất định luận công nghệ. Đúng hơn là, ông chỉ ra rằng, một sáng chế mới luôn đưa ra nhiều khả năng. Nói dễ hiểu hơn là, các quan hệ xã hội thống trị định hình những khả năng nào được nuôi dưỡng và những khả năng nào bị chiếm đoạt một cách tích cực. Các quan hệ sản xuất tư bản biểu hiện “một mặt là một động lực không ngừng nhằm mở rộng và hoàn thiện máy móc, mặt khác lại làm cho giai cấp công nhân suy yếu”. Động lực này phản ảnh một xu hướng lớn hơn của chủ nghĩa tư bản, xu hướng tách biệt hiểu biết và thực thi -công việc trí óc và công việc chân tay. Kết quả là, một bên là tầng lớp nhỏ các chuyên gia được đào tạo kỹ lưỡng (và được trả lương cao) và bên kia là một đám ngày càng đông hơn những người lao động bị vô sản hóa bị buộc phải làm những công việc không cần đến trí óc.

Braverman đem lại một góc nhìn độc đáo cho nghiên cứu của ông. Ông đã học nghề rèn đồ đồng và sau này tìm được việc làm trong ngành thép, kiếm sống như thợ thủ công trong 14 năm trước khi trở thành đồng sáng lập tờ Chủ nghĩa xã hội Mỹ (American Socialist). Ông dành phần còn lại trong sự nghiệp vào việc xuất bản, chỉ đạo nhà xuất bản tờ báo xã hội chủ nghĩa độc lập nổi tiếng Monthly Review Press cho đến khi mất năm 1976.

Dù ngành rèn mà Braverman được đào tạo đã xuống dốc nhanh chóng, ông vẫn giận dữ trước suy diễn là những phê bình của ông phản ánh sự hoài niệm về một quá khứ xa xôi: “Đúng hơn là, quan điểm của tôi chịu ảnh hưởng bởi hoài niệm về một thời đại vẫn chưa hình thành”. Nền tảng của Braverman trong ngành cũng như sự tham gia của ông vào hoạt động xã hội chủ nghĩa trong nhiều thập kỷ đã khiến ông có sự chuẩn bị độc đáo để nhận trách nhiệm tiếp nối con đường của Marx và mở rộng phân tích về quá trình lao động của bộ “Tư bản” sang thế kỷ 21.

Nhân vật chính trong câu chuyện của “Chủ nghĩa tư bản Độc quyền và Lao động” là kĩ sư – nhà tư bản Frederick Winslow Taylor (1856-1915), người sáng lập lập dị của phong trào quản lý khoa học. Từ thời thơ ấu, Taylor đã có những dấu hiệu rối loạn ám ảnh cưỡng bức cực độ, khi đếm từng bước chân và tìm kiếm những cách hiệu quả hơn để thực hiện những công việc nhàm chán nhất. “Những đặc điểm này phù hợp một cách hoàn hảo với ông ấy trong vai trò khởi xướng của quản lý tư bản hiện đại. Bởi vì những yếu tố gây bệnh thần kinh ở một cá nhân lại là điều bình thường và được xã hội mong muốn đối với hoạt động của xã hội trong chủ nghĩa tư bản”. Braverman nói.

Taylor khẳng định, chừng nào công nhân còn kiểm soát quá trình lao động, họ sẽ không bao giờ chấp nhận thực hiện “một ngày làm việc trung bình” – cái mà ông định nghĩa một cách tự nhiên là khối lượng sản xuất tối đa mà họ có thể thực hiện mà không bị tai nạn. Vì vậy, các nhà tư bản không được dừng lại ở chỗ hài lòng với việc sở hữu phương tiện sản xuất và hàng hóa mà lao động đã sản xuất: Họ cần phải kiểm soát cả bản thân quá trình lao động. Người ta có khuynh hướng nhớ đến Taylor về việc ép người lao động tạo ra năng suất cao hơn bằng cách quy định mọi chuyển động của họ phải tuân thủ theo yêu cầu “khoa học” của ông. Nhưng Braverman cho rằng, thành tựu quan trọng hơn của Taylor là biên soạn một cách có hệ thống những kiến thức về kỹ năng mà trước đây thuộc về người lao động và chuyển giao nó cho cấp quản lý.

Chẳng bao lâu sau, công nhân chỉ còn tham tham gia những công việc chi tiết được đơn giản hóa, bị tách ra khỏi toàn bộ quá trình sản xuất. Trong khi đó, cấp quản lý được hưởng độc quyền bí quyết kỹ thuật mà về mặt lịch sử đã từng là gia sản của những người thợ lành nghề. Sự tách biệt liên tục giữa hiểu biết và thực thi lao động – đặc trưng cho sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản – đã đạt được một nấc thang mới. Quá trình này sau đó lặp lại chính nó trong quản lý, tạo ra một số ít giám đốc điều hành ở góc văn phòng, còn lại là một đội quân trợ lý hành chính và quản lý cấp trung bị suy giảm kỹ năng.

“Tư bản Độc quyền và Lao động” kể một câu chuyện nghiêm túc nhưng không có nghĩa là một câu chuyện vô vọng. Braverman đã phát hiện những dấu hiệu trong giới hạn lịch sử của chủ nghĩa tư bản trong thực tế, rằng công nghệ mới thường xuyên tái kết hợp và tự động hóa các bước của quá trình lao động bị chia nhỏ do sự phân công lao động. Trong bài giảng cuối cùng của ông được trình bày vào mùa xuân năm 1975, Braverman nhấn mạnh “giờ đây công nhân có thể trở thành các bậc thầy công nghệ về quá trình lao động ở cấp độ kỹ thuật và có thể tự mình phân công theo cách hợp lý các nhiệm vụ khác nhau được kết nối với hình thức sản xuất đã trở nên vô cùng tự động và không cần nỗ lực”.

Được giải phóng khỏi sự nô lệ vào các nhiệm vụ lặp lại nhờ tự động hóa, một nhóm người lao động liên kết với nhau có thể tái khẳng định sự thống nhất của quá trình lao động mà các công nhân thủ công từng hưởng thụ ở một mức độ cao hơn.

Dưới hình thức tự động hóa, AI mở ra một khả năng tái kết hợp tương tự dành cho nhiều kỹ năng và khối kiến thức mà sự phân công lao động kiểu tư bản đã nghiền nát trong cuộc tìm kiếm không ngừng sự kiểm soát và hiệu năng của nó. Nếu các dự đoán về việc AI sẽ mở màn cho thời đại nghỉ ngơi toàn cầu là rất lạc quan thì viễn cảnh công nhân được xã hội hóa có thể chỉ thị toàn bộ quá trình lao động với sự hỗ trợ của AI dường như lại ít lạc quan hơn.

Nhưng chúng ta sẽ phải đấu tranh cho điều đó. Chủ nghĩa tư bản đã lợi dụng tiến bộ công nghệ bằng cách sa thải công nhân và đòi hỏi năng suất cao hơn với số ít người lao động không bị sa thải còn lại.

Giới chủ tư bản luôn coi toàn bộ quá trình lao động là một chiến trường và quyết tâm giữ vững sự cai trị của mình. Nếu chúng ta muốn AI cải thiện thay vì thay thế hoặc làm suy thoái công việc của mình, cuốn sách của Braverman cho thấy, chúng ta phải chuẩn bị để tiếp tục cuộc chiến ngay trong chính quá trình lao động đó.

REDSVN.NET

Tags: , , ,