Giáo dục đại học: Chìa khóa thoát nghèo của miền Tây Nam Bộ

Đồng bằng sông Cửu Long phải được kiến tạo lại mạnh mẽ bằng chính những con người của mảnh đất này, nhưng đã được trao thêm sức mạnh của tri thức và kỹ năng.

Giáo dục đại học: Chìa khóa thoát nghèo của miền Tây Nam Bộ

Tác giả: Trần Hữu Hiệp, Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Luật học.

Anh Toàn, ở Kiên Giang, có hai con đều là sinh viên một trường đại học tư thục. Một cháu chọn cơ sở TP HCM theo sở thích, với định hướng ra trường làm việc tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Cháu còn lại chọn campus Cần Thơ vì muốn học gần nhà, ra trường sẽ ở lại Cần Thơ, làm việc tại Phú Quốc hoặc một tỉnh đồng bằng.

Làm bài toán đơn giản, anh chỉ tốn 50% mức đầu tư khi cho con học tại Cần Thơ, nhờ phí sinh hoạt rẻ hơn và chính sách giảm 40% học phí cho cơ sở Cần Thơ trong hệ thống giáo dục này.

Hiện nay, người học có thể chọn lựa bất kỳ đại học nào ở miền Tây thay vì mất 4-6 năm khăn gói lên TP HCM. Các trường ở đồng bằng sông Cửu Long đào tạo đủ chuyên ngành, từ nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, luật đến y dược, kiến trúc, bách khoa, công nghệ thông tin; thậm chí là những chuyên ngành hiếm như trí tuệ nhân tạo, ngôn ngữ, văn hóa Khmer, ngôn ngữ Nhật, Hàn. Một hệ sinh thái đại học đồng bằng đang hình thành ở vùng trũng giáo dục và đào tạo của cả nước nhiều năm qua.

Trong lịch sử 300 năm mở cõi ở vùng đất mới phương Nam, mãi đến 1966, cơ sở đào tạo đại học đầu tiên mới được thành lập là Viện Đại học Cần Thơ. Nếu như đến đầu năm 2000, toàn vùng chỉ có Đại học Cần Thơ, thì nay đã có 19 trường, 5 phân hiệu đại học phủ gần hết các địa phương trong vùng. Mới đây, bốn trường: Bách khoa, Kinh tế, Nông nghiệp, Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Cần Thơ được thành lập theo mô hình đại học có các trường thành viên. Chỉ riêng TP Cần Thơ đã có sáu trường đại học công lập, hai trường tư thục và hai phân hiệu đại học; Vĩnh Long và Long An mỗi địa phương hai trường.

Tuy nhiên, so với các vùng, miền khác, đồng bằng sông Cửu Long vẫn “còn trũng” về nhân lực. Chỉ số thống kê cho thấy, toàn vùng chỉ có hơn 160,6 nghìn sinh viên, chiếm 8,4% cả nước, đạt khoảng 9,2 sinh viên/1.000 dân, thấp hơn nhiều so bình quân chung cả nước (19,4/1.000 dân). Con số này ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng lần lượt là 35,6 và 33,4.

“Độ trũng” về chất lượng nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được nhận diện từ lâu, nhưng chưa được cải thiện trong bảng xếp hạng các vùng miền, nguy cơ sẽ bị bỏ xa hơn. “Vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản” này có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp nhất trong sáu vùng kinh tế xã hội của cả nước, chỉ chiếm 14,1%, so với bình quân cả nước là 26,1%. Trong khi tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm 4,05% và thiếu việc làm 4,33%, cao hơn bình quân chung cả nước là 3,2% và 3,1%.

Đó có thể là hệ quả của số lượng doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp, mới đạt 3,6 doanh nghiệp/1.000 dân, chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,8); thấp hơn cả Tây Nguyên (3,9), kém xa so bình quân chung cả nước (8,7) và vùng Đông Nam Bộ (19,3).

Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 nêu ra “ba vòng xoáy đi xuống” của vùng đất giàu tiềm năng, nhiều thách thức này là: vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế vùng.

Vòng xoáy ngân sách chính là thiếu đầu tư tương xứng của Nhà nước thời gian dài cho các khâu then chốt trong phát triển vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics. Vòng xoáy lao động là tình trạng thiếu việc làm tại chỗ, người trẻ tuổi bị “đẩy” ra khỏi vùng, lên TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, dẫn đến sự suy giảm trầm trọng số lượng lẫn chất lượng lao động. Kết quả Tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019 chỉ ra, trong 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người đồng bằng sông Cửu Long xuất cư. Và vòng xoáy cơ cấu kinh tế vùng được cho là sự “thiên lệch” trong việc thực thi “sứ mệnh an ninh lương thực”. Cả ba vòng xoáy này đều liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực.

Sự chuyển đổi kinh tế ở các địa phương thời gian qua chưa tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận người dân. Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm là nguyên nhân “đẩy” lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống một cách chông chênh, khiến nhiều người bấp bênh nơi đô thị

Đường lên nào trước “ba vòng xoáy đi xuống”?

Theo tôi, cần sự “chuyển hướng chiến lược” trong tư duy phát triển vùng, từ “khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh” sang “thích ứng thuận thiên”, phục hồi và tăng cường “sức khỏe” cho đồng bằng; lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi trong suốt quá trình phát triển. Cùng với vấn đề phát triển cốt lõi của vùng đồng bằng sông Cửu Long là định vị vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực, phải có những ưu tiên đột phá cho nguồn nhân lực.

Những điểm sáng về một hệ sinh thái đại học ở đồng bằng nêu ở đầu bài cần được phát huy. Nhưng đại học chỉ là một cánh cửa vào đời cho người học. Bên cạnh giáo dục đại học, cần tăng tốc đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội và xây nền về giáo dục phổ thông, mẫu giáo, mầm non.

Con đường thoát nghèo căn cơ của mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương chắc chắn liên quan chặt chẽ với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm.

Cuộc chiến chống lại sức hút vào vùng trũng nhân lực của miền Tây Nam Bộ rất cần được tăng tốc với cách làm hiệu quả hơn. Đồng bằng sông Cửu Long phải được kiến tạo lại mạnh mẽ bằng chính những con người của mảnh đất này, nhưng đã được trao thêm sức mạnh của tri thức và kỹ năng.

Theo VNEXPRESS 

Tags: , , ,