Đông Á và Việt Nam – địa chính trị và văn hóa, từ lịch sử đến hiện đại

Sự phát triển của Đông Á và Việt Nam ngoài việc phụ thuộc các yếu tố địa chính trị và văn hóa, còn chịu sự tác động của các yếu tố hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ… Trước những tác động của tình hình thế giới hiện nay, sự ổn định về chính trị và phát triển một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng là điều kiện rất quan trọng, để một nước và nhóm nước có thể cùng nhau xây dựng một cộng đồng vì sự phát triển chung bền vững.

Đông Á và Việt Nam – địa chính trị và văn hóa, từ lịch sử đến hiện đại

Tác giả: PGS,TS Nguyễn Thị Hương,Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Khu vực là khái niệm mở và động, phản ánh quá trình tương tác của các chủ thể thành viên với tư cách là một thực thể địa lý – kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội.

Đông Á hiện đại nằm ở phía Đông châu Á, là một khu vực lớn gồm 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á; diện tích tự nhiên khoảng 11.640 nghìn km², chiếm 15% diện tích Châu Á; dân số khoảng 2,15 tỷ người (chiếm 1/3 dân số thế giới, 40% dân số Châu Á). Đây là một trong những khu vực đông dân nhất thế giới, mật độ dân số khoảng 230 người/km², gấp 5 lần mật độ bình quân của thế giới.

Khu vực Đông Á bao gồm 18 nền kinh tế, chiếm gần 30% tổng thương mại của thế giới, hàng năm thu hút gần 1/3 tổng FDI toàn cầu. Trong đó, có hai nền kinh tế lớn là Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Việt Nam mang thuộc tính của cả hai. Ngoài yếu tố địa lý, thì mối liên hệ về văn hóa, chính trị của Việt Nam với Đông Nam Á và Đông Á đã có hàng nghìn năm lịch sử.

Cội nguồn văn minh lúa nước

Đông Nam Á là vùng nhiệt đới với tính đa dạng cao về động thực vật cũng như cảnh quan địa mạo sinh thái.Hệ sinh thái phổ quát chứ không phải là chuyên biệt nên rất thuận lợi cho làm nông nghiệp và làm nông nghiệp đa canh(1). Điều rất đặc biệt là trong tất cả các nước ở Đông Nam Á, trừ Việt Nam ra, không có một nước nào hội đủ các đặc trưng cơ bản của văn hóa tộc người Đông Nam Á. Đó là các giá trị được thể hiện ởvăn hóa cư trú và đi lại; thiết chế gia đình và xã hội; văn hóa trí tuệ và tâm linh…

Đông Á trong đó có Việt Nam là khu vực có nền văn minh lúa nước điển hình (tư duy, cách thức tổ chức cộng đồng, chế độ chính trị, hệ giá trị văn hóa…). Tuy nhiên Đông Á còn là khu vực gắn với biển đảo và rừng. Do đó, văn hóa lúa nước cũng thể hiện sự đa dạng khi gắn với những điều kiện tự nhiên là đồng bằng, trung du hay vùng núi cao, hình thành nên văn hóa biển, văn hóa rừng. Đây là cơ sở để hình thành nền văn hóa thống nhất trong đa dạng.

Cội nguồn chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa

Châu Á, Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, có vị trí quan trọng trên bản đồ nhân chủng học thế giới. Đây là địa bàn phân bố của đại chủng Môngôlôit với các tiểu chủng: Bắc Á, Đại Dương, Viễn Đông, Nam Á và một số nhóm trung gian. Theo một cách phân loại khác, châu Á có hai tiểu chủng là Bắc Môngôlôit (hay Lục địa) và Nam Môngôlôit, với nhiều nhóm loại hình. Những nghiên cứu của Đông Nam Á học cho biết, loại hình nhân chủng chủ yếu ở Đông Nam Á và bán đảo Đông Dương là loại hình Nam Á và Anhđônêdiêng, có nguồn gốc từ tiểu chủng Môngôlôit phương Nam. Các dân tộc ở Việt Nam đều nằm trong hai nhóm loại hình này của Đông Nam Á.

Sự hình thành bức tranh tộc người của Đông Nam Á là một quá trình lịch sử, quá trình hình thành diễn ra khá phức tạp. Ngày nay thế giới biết đến Đông Nam Á hiện đại (ASEAN) gồm11 nước: Miến Điện, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippine, Brunei, Đông Timo. Xét theo bản đồ văn hóa – tộc người, thì khu vực Đông Nam Á tiền sử – Đông Nam Á cổ đại bao gồm các vùng 11 nước Đông Nam Á hiện nayvà khu vực phía Nam Trung Quốc (Hoa Nam), Đài Loan, châu Đại Dương, Andaman và Nicobar, Đông Bắc Ấn Độ và Madagascar.

Nhiều công trình nghiên cứu trong nước và trên thế giớikhẳng địnhrằngcó một nền văn minh cổ Đông Nam Ákhu biệt với nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Đó là nền văn minh lúa nước có nguồn gốc bản địa với những đặc trưng văn – tộc người(2).Nền văn minh này từ rất sớm, khoảng 15nghìn nămTCN. Trên vùng đất này con người biết trồng cây, làm đồ gốm, đúc đồng vào dạng sớm nhất trên thế giới. Những thành tựu khảo cổ học cho thấy khi khai quật ở các vùng Tây Bắc Thái Lan, miền Bắc Việt Nam, Malaysia, Philippin và phía Bắc của Australia, cho thấy những cư dân nơi đây biết làm các đồ vật đó trước cả Trung Đông, Ấn Độ, Trung Hoa mấy nghìn năm. Nền văn minh Đông Nam Á không phải là hệ quả của việc du nhập từ các nền văn minh khác như Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Đông mà ngược lại, văn minh từ Đông Nam Á lan tỏa đến các vùng khác như Trung Hoa 6nghìnđến 7nghìnnăm trước CN (văn hóa Long Sơn (Lungsan) và văn hóa Ngưỡng Thiều (Yangshao) đều là hệ quả của Văn hóa Hòa Bình).

Phần lớn các nghiên cứu đều khẳng định Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ, cả về chủng tộc, ngữ hệ và bức tranh văn hóa tộc người. Lịch sử, văn hóa các dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển gắn liền với nguồn gốc lịch sử, văn hóa các tộc người ở Đông Nam Á.

Một trong những bằng chứng nổi bật nhất chứng minh các dân tộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có chung một nguồn gốc, là việc các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rất nhiều điểm tương đồng về một nền văn hóa rất phát triển gọi là Văn hóa Hòa Bình ở rải rác các nơi ở Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan,… Những phát hiện mới nêu trênđã làm thay đổi cách suy nghĩ của các nhà khảo cổ học về sự tiến triển của các nền văn minh trên trái đất. Thành tựu này cũng làm thay đổi suy nghĩ về nguồn gốc tộc người và văn hóa của khu vực Đông Nam Á nói chung, của Việt Nam nói riêng. Có những giả thuyết cho rằng có thể người Việt Nam có nguồn gốc bản địa, hoặc  người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Hoa. Nhưng phần lớn các nghiên cứu đều khẳng định, Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ, cả về chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa.

Đông Nam Á là một trong những trung tâm phát sinh chủng tộc (con người và ngôn ngữ), tuy vậy, đâylà khu vực có chữ viết muộn, chủ yếu là vay mượn từ ngữ từ chữ Hán và các văn tự Ấn Độ. Ngữ hệ Đông Nam Á vì thế rất đa dạng và phức tạp, với sự đan xen của hàng chục, hàng trăm ngôn ngữ trong một quốc gia và trong khu vực. Ví dụ, Indonesia có trên dưới 200 ngôn ngữ đang được sử dụng; tiếng Thái không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar… Tiếng Khmer không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Thái Lan và Camphuchia. Việt Nam tồn tại cả ngữ hệ Nam Đảo, ngữ hệ Nam Á. Trong nhiều thiên niên kỷ, chính những quá trình hội tụ và phát tán dân tộc, ngôn ngữ đã dẫn đến sự hình thành những phức hợp nhóm cộng đồng ngôn ngữ mới mà chỉ có trong cơ tầng của nó, người ta mới có thể nhận ra các yếu tố của ngôn ngữ gốc.

Đông Á và Việt Nam – hiện tại, tương lai

Hiện nay, thể chế chính trị của các quốc gia Đông Á hoặc được tổ chức theo mô hình các nước tư bản phương Tây (Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines…; hoặc theo ý thức hệ XHCN, nhưng đều coi trọng quyền lực nhà nước, xây dựng chế độ kinh tế nhiều thành phần. Trước tác động của toàn cầu hóa, một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã có những điều chỉnh khá hiệu quả để giữ vị thế nhất định trong khu vực và thế giới.

Mặc dù có sự khác nhau về thể chế chính trị nhưng các nước Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đều rất quan tâm đến phát triển văn hóa. Singapore, từ năm 1994, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ hài hòa tôn giáo; năm 2003, Chính phủ ban hành Tuyên bố về hài hòa tôn giáo. Nhật Bản, năm 2001, Quốc hội đã ban hành Luật cơ bản chấn hưng văn hóa nghệ thuật; năm 2002, Nội các Nhật Bản ban hành các văn kiện phát triển phương châm cơ bản chấn hưng văn hóa nghệ thuật. Trung Quốc từ khi tiến hành cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng văn minh tinh thần, Chính phủ xây dựng và ban hành các văn bản Quy hoạch quốc gia về phát triển văn hóa, sản nghiệp văn hóa. Hơn nữa, dù lựa chọn mô hình thể chế chính trị khác nhau, nhưng ở hầu hết các quốc gia đều chủ trương và tích cực thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa nền chính trị, đa dạng văn hóa mỗi quốc gia, hợp tác quốc tế về văn hóa.

Tuy nhiên bên cạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa, điều đáng lo ngại nhất hiện nay, là sự bất ổn của khu vực, sự gia tăng căng thẳng và tranh chấp giữa các quốc gia, nhất là vùng biên giới, vùng biển, hải đảo. Vùng biển Đông Á, gắn liền với một khu vực kinh tế sôi động lại có vị trí địa chiến lược quan trọng, đã trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm và điều chỉnh chính sách của Trung Quốc và nhiều quốc gia, tổ chức khác như Mỹ, Nhật Bản, EU, ASEAN. Tình hình trên biển tại Đông Á hiện đang ảnh hưởng đến trật tự vốn đã được xác lập trong khu vực.

Trên thực tế so với một số khu vực khác, khu vực Châu Á, trong đó có Đông Á, tính đa dạng có sự vượt trội so với tính thống nhất. Điều này vừa có mặt tích cực, nhưng cũng đang là trở ngại lớn cho sự phát triển chung của khu vực và từng quốc gia, dân tộc.

Những vấn đề cần được quan tâm của các quốc gia khu vực Đông Á hiện tại, đó là:

Thứ nhất, sự ổn định chính trị, là điều kiện tiên quyết để phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, vừa giữ gìn, phát huy được những giá trị nhân bản, bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia trên con đường hội nhập mà không bị xói mòn trước cơn lốc toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ hai, phát triển văn hóa quốc gia là sức mạnh nội sinh để tạo sức sáng tạo mới của đất nước, tiếp nhận được những tinh hoa của các nền văn hóa khác trong giao lưu quốc tế, nâng cao khả năng hội nhập toàn diện với khu vực và thế giới.

Thứ ba, phát huy được nguồn lực văn hóa của mỗi quốc gia để phát triển bền vững con người và xã hội, đóng góp vào sự nghiệp chung vì hòa bình thịnh vượng của khu vực, quốc tế.

Với Đông Á nói chung, từ mối quan hệ có cội nguồn lịch sử và văn hóa, Việt Nam cũng như nhiều nước hiện đang tiến hành công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập toàn diện, cùng quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa và xây dựng con người. Tuy nhiên, so với liên kết, hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN, thì hợp tác giữa Việt Nam với một số quốc gia Đông Á, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khi mà văn hóa đang trở thành “sức mạnh mềm” tác động cả tích cực và tiêu cực đến các mặt của liên kết, phát triển bền vững như hiện nay, thì vấn đề hợp tác văn hóa giữa các quốc gia và khu vực phải được chú trọng. “Văn hóa và nghệ thuật sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng vì đối thoại hòa bình. Đây là những yếu tố không thể thiếu nhằm tạo dựng một nền móng cho quan hệ đối tác lâu dài và hợp tác đôi bên cùng có lợi, không chỉ giữa các thành viên ASEAN mà còn giữa ASEAN và cộng đồng quốc tế”(3).

——————————

Chú thích:

(1) Từ Chi:Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa – Thể thao, Hà Nội, 1996, tr.622-665.
(2) Phạm Đức Dương: 25 năm tiếp cận Đông Nam Á học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.1.
(3) Phát biểu của ông Lê Lương Minh – Tổng thư ký ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN lần thứ 6 và hội nghị liên quan với các nước đối thoại (Huế 4-2013).

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , , ,