Đa dạng văn hóa – tiềm năng của sức mạnh mềm Việt Nam

Sức mạnh của một quốc gia trong quá trình tồn tại và phát triển được hình thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố “cứng”, như: tiềm lực kinh tế, khả năng quân sự, vị trí địa lý… và những yếu tố “mềm”, như: văn hóa… Lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam cho thấy, cha ông ta đã thấu hiểu và sử dụng có hiệu quả sức mạnh từ văn hóa để bảo vệ và phát triển đất nước. Trong những nguồn lực tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam, sự đa dạng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ tạo nên sức hấp dẫn to lớn của Việt Nam đối với thế giới bên ngoài, mà còn là nền tảng hình thành nội lực cho sự phát triển của đất nước.

Đa dạng văn hóa – tiềm năng của sức mạnh mềm Việt Nam

Tác giả: ThS Đỗ Thị Vân Hà, Trường Đại học Mỏ – Địa chất.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019.

1. Đa dạng văn hóa với tính cách là sức mạnh mềm của Việt Nam

Sức mạnh mềm là khái niệm được học giả Joseph Nye đưa ra lần đầu tiên vào năm 1990 trong cuốn sách “Giới hạn dẫn đường: bản chất đang thay đổi của sức mạnh Mỹ” (Bound to Lead: The Changing Nature of American Power). Ông khẳng định: “Sức mạnh mềm là khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia”(1). Ý tưởng này được ông phát triển thành một luận thuyết vào năm 2004 trong cuốn “Sức mạnh mềm: Phương tiện để thành công trong chính trị thế giới” (Soft power: The means to success in world politics). Theo đó, khái niệm “sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm” được hiểu: “Quyền lực – theo định nghĩa của từ điển là khả năng ảnh hưởng đến người khác để có thể đạt được điều mong muốn. Nhưng có nhiều hơn một cách để đạt được điều mong muốn. Bạn có thể ép buộc họ bằng đe dọa, hoặc các khoản thanh toán, hoặc có thể thu hút họ để họ muốn những điều mà bạn muốn”(2). Đến năm 2006, Nye đã giải thích rõ hơn về khái niệm này: sức mạnh mềm là khả năng thay đổi hành vi của người khác để có được những gì bạn muốn. Về cơ bản, có ba cách để đạt được điều đó: ép buộc (hình ảnh “cây gậy”), dụ dỗ (hình ảnh “củ cà rốt”) và hấp dẫn (sức mạnh mềm)(3).

Như vậy, sức mạnh mềm của một quốc gia được hiểu là sức hấp dẫn, thu phục, khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác thông qua các phương thức mang tính phi cưỡng chế trong quan hệ quốc tế. Trong các nguồn lực của sức mạnh mềm, văn hóa chính là nguồn lực quan trọng nhất có sức hấp dẫn dài lâu, có khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn mạnh mẽ của một quốc gia đối với các quốc gia khác. Bằng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, bằng sức lôi cuốn của tư tưởng và tâm lý, bằng các hình thức hấp dẫn trong giao lưu và đối thoại văn hóa, bằng giáo dục, nghệ thuật, phim ảnh, truyền thông… các quốc gia sẽ tạo nên sự thu hút của riêng mình, gây ảnh hưởng và xác định vai trò của mình trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam là quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm. Trong lịch sử phát triển của mình, các triều đại phong kiến Việt Nam đã sớm có ý thức tạo lập và phát huy sức mạnh văn hóa của đất nước. Việt Nam đã luôn đối mặt và chiến thắng những kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế (sức mạnh cứng) lớn gấp nhiều lần. Đó chính là biểu hiện của việc vận dụng sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam. Năm 2007, khi trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, J.Nye đã từng nhận định, Việt Nam có tiềm năng về sức mạnh mềm, khi chúng ta có một câu chuyện hấp dẫn trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và một nền văn hóa có sức lôi cuốn các nước phương Tây(4). Có thể thấy, những vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam là nguồn cội quan trọng tạo nên sức mạnh văn hóa Việt nam. Các nhà nghiên cứu đã đề cập tới nhiều nguồn cội của sức mạnh mềm Việt Nam…Và tính đa dạng văn hóa, vốn là một trong những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam là một cội nguồn quan trọng tạo nên sự lôi cuốn ấy.

Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Tính đa dạng là một đặc điểm lâu đời của nền văn hóa Việt Nam, hình thành từ đặc điểm tự nhiên và xã hội của đất nước.

Về mặt tự nhiên, Việt Nam nằm trong vùng chuyển tiếp giữa lục địa Đông Á, Nam Á với lục địa Úc châu, do vậy, tính đa dạng về tự nhiên, về thế giới động thực vật thể hiện rất rõ nét. Ở Việt Nam vừa có bờ biển dài, vừa có núi cao, vừa có đồng bằng châu thổ. Các khu vực tự nhiên từ núi non tới biển đảo tạo ra những môi trường sống rất khác nhau đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nếu coi văn hóa là kết quả, là thể hiện kết quả của sự thích ứng của con người trong môi trường tự nhiên thì từ đa dạng sinh học tới đa dạng văn hóa là mối quan hệ tất yếu. Điều đó cũng có nghĩa là muốn bảo tồn và làm giàu tính đa dạng văn hóa thì phải bắt đầu bằng việc bảo tồn và làm giàu tính đa dạng tự nhiên, đa dạng sinh học.

Về mặt xã hội, từ thời lập quốc với quốc hiệu Văn Lang – Âu Lạc, Việt Nam đã là quốc gia đa tộc người, nói các ngôn ngữ khác nhau thuộc ngữ hệ Môn – Khmer, Tày – Thái(5). Vì là nơi hội tụ của các tộc người bản địa và các tộc người di cư từ phía Bắc xuống, từ Nam Đảo lên, ở Việt Nam đã hình thành các vùng sinh thái tộc người khác nhau, từ đó tạo nên sự đa dạng văn hóa của dân tộc. Mặt khác, Việt Nam nằm trong khu vực ảnh hưởng của nhiều nền văn minh lớn trên thế giới là Ấn Độ, Trung Quốc và phương Tây, người Việt không chỉ biết tiếp thu mà còn biến đổi những tinh hoa văn hóa ngoại lai cho phù hợp với điều kiện của mình. Nền văn hóa Việt Nam, do vậy là một nền văn hóa đa dạng từ nguồn cội ban đầu.

Giao lưu với văn hóa Ấn Độ thông qua con đường du nhập tự nhiên, phi cưỡng chế, người Việt thẩm thấu nhiều giá trị văn hóa của nước này, tiêu biểu là Phật giáo, mà chủ yếu là thiền tông và tịnh độ tông. Ngoài ra, trong quá trình mở mang bờ cõi vào phía Nam, người Việt còn gặp gỡ với văn hóa Ấn Độ thông qua văn hóa của người Chăm, kết quả là tiếp thu được cả về mặt kiến trúc (tháp Chàm) và văn tự (chữ Phạn – Sancrit).

Quá trình giao lưu với văn hóa Trung Hoa diễn ra trong thời gian rất dài thông qua cả hai con đường cưỡng bức và phi cưỡng bức đã tạo nên dấu ấn khá đậm nét trong văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa của riêng mình, đồng thời chủ động tiếp thu văn hoa Trung Hoa để giữ vững độc lập và bản sắc của dân tộc mình. Điều này được thể hiện qua nhiều bình diện khác nhau trong đời sống người Việt, tôn giáo, tâm linh (Phật giáo đại thừa, Đạo giáo) tới thế giới quan (triết lý âm dương ngũ hành, lịch âm), chuẩn mực đạo đức xã hội (ảnh hưởng của Nho giáo) hay kiến trúc, ngôn ngữ, đời sống sinh hoạt hàng ngày (ăn, mặc, ở)….

Có thể nói, chúng ta có một nền văn hóa đa dạng và phong phú, đồng thời có một nền văn hóa chủ lưu làm cơ sở cho các cộng đồng văn hóa thiểu số, đó là văn hóa Việt. Điều này thúc đẩy sự phát triển yếu tố nội sinh của dân tộc, đồng thời tạo nên sức mạnh đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc anh em trong quá trình bảo vệ Tổ quốc. Nó cũng tạo ra sức hấp dẫn, sự lôi cuốn, khả năng chinh phục của văn hóa Việt Nam.

Thứ nhất, tính đa dạng văn hóa thể hiện trong chính hoạt động của nền kinh tế, từ kinh tế truyền thống tới kinh tế nông nghiệp, kinh tế ngư nghiệp, kinh tế ẩm thực, kinh tế du lịch, và các ngành kinh tế khác được công nghiệp văn hóa khai thác. Từ đây, nền tảng của sự đa dạng văn hóa từ xưa của Việt Nam không chỉ cung cấp những điều kiện để phát triển kinh tế, mà còn trên cơ sở đó làm tăng trưởng kinh tế du lịch, công nghiệp văn hóa, tạo nên một hình ảnh Việt Nam mới phát triển mạnh về kinh tế, hấp dẫn về cơ hội đầu tư, thu hút sự khám phá và sản xuất kinh doanh đối với thế giới.

Sự tồn tại đặc thù của các cộng đồng giúp giữ gìn nhiều ngành nghề truyền thống của các cộng đồng. Khi kinh tế của các cộng đồng đó phát triển, năng lực sáng tạo độc đáo của các cộng đồng đó sẽ tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị. Các làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển không chỉ là sinh kế cho người dân mà còn giúp giữ gìn những mạch nguồn văn hóa kết tinh và phát triển từ truyền thống tạo nên những sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế và hàm lượng văn hóa cao. Trên cơ sở đó, các ngành du lịch văn hóa sẽ có chất liệu để khai thác cho sự phát triển của ngành du lịch văn hóa, tạo nên sự hấp dẫn với du khách tới từ những nền văn hóa khác.

Nông thôn Việt Nam, đặc biệt là các làng nghề không chỉ là những cộng đồng kinh tế mà còn là những cộng đồng văn hóa, xã hội. Ở mỗi làng nghề truyền thống luôn có các hoạt động lễ hội, phường hội, những nét văn hóa mang đậm chất dân gian và chứa đựng bề dày lịch sử riêng biệt. Nhiều làng nghề còn là những làng văn hóa cổ với kiến trúc độc đáo, những câu chuyện khác lạ gắn với lịch sử. Chính vì vậy, sự đa dạng của các làng nghề truyền thống sẽ tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Những người nước ngoài tới các làng nghề không chỉ đơn thuần tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh mà còn để tận mắt ngắm nhìn những sản phẩm độc đáo và cách thức tạo ra chúng từ những bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo của các nghệ nhân. Qua mỗi sản phẩm, hiện tượng, họ tìm hiểu và khám phá ra một nền văn hóa phong phú với nhiều tầng lịch sử. Nhiều học giả và du khách nước ngoài thừa nhận, Việt Nam có rất nhiều làng nghề truyền thống là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa vô cùng giá trị, ở đó, con người và tự nhiên luôn gắn kết với nhau. Nếu chúng ta có chiến lược đầu tư, khai thác sự đa dạng, phong phú của các nghề thủ công, các làng nghề truyền thống vào phát triển du lịch văn hóa, thì cùng với các sản vật phong phú, các sản phẩm thủ công độc đáo, các lễ hội, trò chơi dân gian và văn hóa ẩm thực dân gian, du lịch làng nghề sẽ là một sản phẩm du lịch thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Thứ hai, sự tồn tại đa dạng của các cộng đồng văn hóa cung cấp nét độc đáo cho sự gắn kết giữa các cộng đồng dân tộc Việt Nam, cũng như gắn kết giữa dân tộc Việt Nam với bạn bè thế giới. Từ xưa tới nay, đối thoại giữa các nền văn hóa là điều kiện tiên quyết để từng nhóm người, từng dân tộc bộc lộ và phát huy hết những năng lực sáng tạo độc đáo của mình trong quá trình tạo ra các giá trị mới về vật chất cũng như tinh thần. Trong bối cảnh hiện nay, đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh đang là yêu cầu quan trọng bậc nhất để hướng tới sự phát triển bền vững của thế giới. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc giữa các nền văn hóa trên thế giới, nguy cơ đồng dạng hóa các giá trị văn hóa theo một khuôn mẫu.

Sự đa dạng của các nền văn hóa, các cộng đồng văn hóa ở Việt Nam tạo ra môi trường để tăng cường tình đoàn kết, sự gắn bó giữa các cộng đồng. Bản thân nền văn hóa Việt Nam cũng là một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất. Dù là quốc gia đa tộc người, mỗi tộc người có nền văn hóa, nét văn hóa riêng biệt nhưng do yêu cầu chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống và nhu cầu chống giặc ngoại xâm, và do cả sự giao lưu, hội nhập văn hóa, dân tộc Việt Nam vẫn hình thành nên một mẫu số chung, một hệ giá trị chung khá bền vững. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự lập tự cường, tinh thần đoàn kết, lối sống khoan hòa, lối ứng xử linh hoạt, cởi mở, dễ tiếp thu những giá trị mới, tinh thần hòa hiếu…

Sự đa dạng trong thống nhất, thống nhất mà vẫn đa dạng của nền văn hóa Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam. Đa dạng văn hóa là nguồn gốc, là động lực thúc đẩy sự phát triển, không chỉ là sự phát triển kinh tế mà còn làm phong phú hơn đời sống trí tuệ, tinh thần.

Về mặt xã hội, sự tồn tại đa dạng của các nền văn hóa cộng đồng ở Việt Nam là phương tiện hiệu quả để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng. Nhờ vậy, con người Việt Nam dù thuộc tộc người nào, khu vực nào cũng có cảm giác chung là thuộc về cộng đồng Việt Nam. Tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng và sự ổn định xã hội nhờ vậy được duy trì. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, khi sự hội nhập về kinh tế kéo các nước xích lại gần nhau, sự đa dạng về mặt văn hóa trên thế giới được nhận ra là một yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình thế giới. Bởi chấp nhận sự đa dạng văn hóa giúp tăng cường sự đối thoại giữa các nền văn minh, thúc đẩy sự hiểu biết và gia tăng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia. Nhờ vậy, sự đa dạng văn hóa vốn có ở Việt Nam, không chỉ tạo nên một cộng đồng dân tộc đoàn kết mà khi được phát huy và quảng bá ra thế giới còn tạo nên sự hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế, tạo nên hình ảnh về một đất nước độc đáo, hòa bình, một đối tác tin cậy và văn minh, trí tuệ. Sự bảo tồn tính đa dạng văn hóa vốn có ở Việt Nam khi được làm tốt và khi được quảng bá tích cực sẽ giúp lan tỏa hình ảnh một đất nước vị tha và văn minh trong bối cảnh xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc là một trong những vấn đề nổi cộm trên thế giới hiện nay.

Theo UNESCO, một phần không nhỏ các mâu thuẫn, xung đột xảy ra trên thế giới có liên quan tới sự khác biệt về mặt văn hóa. Thu hẹp khoảng cách khác biệt trong văn hóa là việc làm cấp thiết để hướng tới một thế giới an toàn, hòa bình và phát triển. Chính vì vậy, việc chấp nhận sự đa dạng về văn hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự đối thoại giữa các quốc gia trên thế giới, tạo nền tảng để củng cố sự tôn trọng và hiểu biết và cùng phát triển với nhau.

Những quốc gia vốn bản thân đã có một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất như Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi hơn khi hội nhập quốc tế, bởi sự ứng xử linh hoạt và sự tôn trọng khác biệt vốn đã là một phần trong nền văn hóa bản địa sẽ là điểm quan trọng để đưa tới những đối thoại và hợp tác quốc tế thành công. Bạn bè quốc tế khi biết đến một đất nước có nền văn hóa đa dạng mà vẫn đoàn kết và  phát triển, họ có lý do để tin rằng đất nước ấy sẽ là đối tác tin cậy của họ bởi có sự tôn trọng sự khác biệt về văn hóa với các nước khác. Trong bối cảnh mà sự cực đoan, khép kín và thiếu hiểu biết về văn hóa giữa các quốc gia được xem như là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin và hiểu lầm giữa các dân tộc, thì một quốc gia có nền văn hóa đa dạng hẳn sẽ dễ dàng hội nhập vào một thế giới đa dạng, hòa bình và phát triển bền vững như hiện nay.

Thứ ba, về mặt an ninh quốc phòng, đa dạng văn hóa tạo nên nguồn sức mạnh mềm hiệu quả để thúc đẩy và bảo đảm an ninh chính trị cũng như bảo vệ lãnh thổ. Các cộng đồng tộc người sống rải rác trên khắp lãnh thổ đất nước. Vùng biên giới đa số là các cộng đồng dân tộc thiểu số. Mỗi cộng đồng khi bảo tồn được những giá trị văn hóa của cộng đồng mình sẽ tạo nên sự gắn kết bền chặt, phát triển bền vững. Việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số ở cùng khu vực với nhau rất quan trọng, bởi điều đó tạo nên phương thức hiệu quả để bảo đảm an ninh chính trị, toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước.

Thứ tư, về mặt môi trường, sự tồn tại đa dạng của các cộng đồng văn hóa còn giúp bảo tồn cảnh quan môi trường của đất nước. Bởi mỗi cộng đồng tộc người có thế giới quan khác nhau. Họ có những quan niệm riêng biệt về rừng, về nguồn nước, đôi khi là những quan niệm ấy tồn tại dưới hình thức tín ngưỡng. Chính vì vậy, họ góp phần bảo tồn rừng và cảnh quan thiên nhiên, cũng chính là môi trường sống gần gũi nhất của họ. Do vậy, khi những giá trị văn hóa đa dạng của các cộng đồng dân tộc được duy trì, thiên nhiên khu vực đó có cơ hội được bảo tồn sự đa dạng và giàu có vốn có của nó. Đến lượt nó, những giá trị văn hóa ấy có thể trở thành nguồn tài nguyên nhân văn giá trị để tạo nên sự thu hút đối với bạn bè quốc tế. Một đất nước có môi trường trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, giữ được nhiều vẻ nguyên sơ ban đầu vốn là một điểm hấp dẫn lớn đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường trở thành vấn đề nóng của cả thế giới như hiện nay.

Thế giới đang bước vào quá trình phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Quá trình hội nhập tạo nên cơ hội cho việc giao lưu, quảng bá của các nền văn hóa trên thế giới. Nó khiến cho mỗi khu vực trên hành tinh đều đang trở nên đa dạng về mặt văn hóa, và cũng tạo ra không ít xung đột do những va chạm và khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau. Các quốc gia đã nhận ra chìa khóa của sự phát triển hòa bình và ổn định của mỗi quốc gia và của thế giới trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng là sự thấu hiểu, tôn trọng và khoan dung với mọi khác biệt và đa dạng của các nền văn hóa khác. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy được tính đa dạng văn hóa vốn có của Việt Nam hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước ta.

2. Một số giải pháp phát huy vai trò của đa dạng văn hóa trong sức mạnh mềm của Việt Nam

Việc bảo tồn sự đa dạng văn hóa không chỉ tạo nên sức mạnh mềm cho dân tộc mà còn góp phần vào sự đa dạng, phong phú và lợi ích của nhân loại, bởi một thế giới đa dạng về văn hóa mới là môi trường sống tốt đẹp mà loài người hướng tới. Để bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam, biến nó thành nguồn sức mạnh mềm của dân tộc trong bối cảnh hiện nay, cần chú trọng thực hiện những giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cán bộ, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, quy hoạch các dự án phát triển văn hóa là công việc cần được tiến hành tổng thể bởi những người quản lý văn hóa. Do vậy, trước tiên những người này phải nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa; đồng thời hiểu biết cách thức để bảo tồn và phát huy có hiệu quả sự đa dạng văn hóa ấy nhằm tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn cho địa phương và cho đất nước.

Thứ hai, khơi dậy sự chủ động và sức sáng tạo của nhân dân trong việc bảo tồn các di sản văn hóa của các dân tộc, truyền dạy và giới thiệu các di sản văn hóa đó tới thế hệ sau; khuyến khích việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc, phục hồi và phát triển những nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu, những giá trị văn hóa ẩm thực, nghệ thuật và trang phục cổ truyền khác. Hơn ai hết, nhân dân là chủ thể của những sáng tạo văn hóa đa dạng của dân tộc, và chính họ là chủ thể quan trọng thực hiện việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa mà các thế hệ cha ông họ đã sáng tạo và phát triển. Văn hóa được bảo tồn một cách tốt nhất khi nó được duy trì sống động trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Khi đó, sự cuốn hút của một nền văn hóa đa dạng, phong phú mà sống động của Việt Nam sẽ tạo nên sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với bạn bè quốc tế, thu hút họ tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam, tạo thêm cơ hội cho sự phát triển của đất nước, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác… Văn học nghệ thuật là công cụ hữu hiệu trong việc lưu giữ, quảng bá những giá trị văn hóa đa dạng của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, bởi vậy, càng có nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật phản ánh được sự đa dạng, nét đẹp độc đáo của văn hóa Việt Nam thì càng tăng cường củng cố hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp trong mắt người nước ngoài, và do vậy, gia tăng sự hấp dẫn của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

—————————

Chú thích:

(1) Joseph S. Nye: Bound to Lead: the Changing Nature of American Power, Basic Books, New York, Reprint edition, 1991, p.154.
(2) Joseph S. Nye: Soft power: The Means to success in World Politics, Public Affairs, New York, 2004, p.2.
(3) Joseph S. Nye: Think Again: Soft Power, http: foreignpolicy.com/2006/02/23/think-again-soft-power, 2006.
(4) http://dangcongsan.vn.
(5) Phạm Đức Dương: Việt Nam – Đông Nam Á ngôn ngữ và văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.490.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,