Quản trị xung đột lợi ích – vấn đề lý thuyết và thực tiễn Việt Nam hiện nay

Nói đến lợi ích là nói đến quan hệ lợi ích: Lợi ích chung – lợi ích riêng, lợi ích trước mắt – lợi ích lâu dài, lợi ích vật chất – lợi ích tinh thần. Trong từng quan hệ cụ thể, với tính cách là những mặt đối lập, các lợi ích này có quan hệ tương sinh và ngược lại có quan hệ đấu tranh, tương khắc. Các chủ thể lợi ích thường có xu hướng củng cố, gia tăng lợi ích của mình với nhiều cách thức khác nhau, và sự vi phạm lợi ích có thể dẫn đến sự đối kháng và thù địch giữa các chủ thể lợi ích. Xung đột lợi ích đã và sẽ vẫn là vấn đề của xã hội hiện đại. Do đó cần phải tính tới quản trị xung đột lợi ích như là cách duy trì và phát huy vai trò động lực của lợi ích và các quan hệ lợi ích trong xã hội.

Quản trị xung đột lợi ích – vấn đề lý thuyết và thực tiễn Việt Nam hiện nay

Tác giả: TS Hoàng Văn Luân, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014.

1. Xung đột lợi ích

Lợi ích và nhận thức lợi ích tạo thành mục đích hoạt động của các cá nhân, nhóm, cộng đồng. Do đó, nó quyết định tính chất của mối quan hệ giữa các chủ thể hoạt động: hợp tác hay cạnh tranh.

Xung đột lợi ích đã được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau nhưng chủ yếu là góc độ luật học, triết học, khoa học quản lý và chính trị học, có thể được khái quát thành một số quan niệm:

Xung đột lợi ích được hiểu là sự vi phạm, xâm phạm hoặc làm tổn hại lẫn nhau giữa các lợi ích trong một quan hệ nhất định. Đây là quan niệm phổ biến trong tiếp cận Luật học. Mặc dù có những sắc thái cụ thể khác nhau song các nhà nghiên cứu luật đều cho rằng xung đột lợi ích là sự vi phạm, xâm phạm của lợi ích này đối với lợi ích khác.

K. Marx tiếp cận xung đột lợi ích dưới góc độ của đối kháng giai cấp. Trên cơ sở cho rằng sự trao đổi ngang giá của tư bản cố định (c) nên chỉ có lao động sống (v) mới sinh lời (m), K. Marx đi đến kết luận quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chứa đựng xung đột lợi ích và xung đột này không thể điều hòa được. Nó chỉ được giải quyết khi quan hệ chứa đựng nó bị thay thế bằng một quan hệ khác.

Tiếp cận đối kháng về xung đột lợi ích tất yếu dẫn đến yêu cầu thay đổi bản chất của một quan hệ lợi ích và hoặc hệ thống cấu trúc có chứa xung đột lợi ích.

Trong tư duy biện chứng, xung đột nói chung và xung đột lợi ích nói riêng được đề cập ở khía cạnh đấu tranh của các mặt đối lập. Triết học Mác xít cho rằng các mặt đối lập vừa thống nhất vừa đấu tranh lẫn nhau. Hơn nữa, đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối. Tiếp cận sự vật, hiện tượng dưới góc độ đấu tranh của các mặt đối lập (xung đột) như vậy được xem là truyền thống biện chứng( 1).

Với những mức độ khác nhau, song hầu hết các nhà tư tưởng quản lý, tư tưởng chính trị cũng tiếp cận xung đột lợi ích theo khía cạnh này.

Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, F.W. Taylor – nhà tư tưởng quản lý đã tiếp cận xung đột lợi ích từ góc độ quản lý vi mô, cho rằng, xung đột trong quan hệ quản lý giữa chủ và thợ có nguồn gốc từ xung đột lợi ích kinh tế: Người chủ muốn có lợi nhuận cao nên đưa ra những định mức cao, yêu cầu lao động cao đồng thời cắt giảm chi phí tiền công trong khi người thợ lại muốn tăng lương, giảm giờ làm, v.v.. Theo ông, xung đột lợi ích kinh tế giữa chủ và thợ không phải là sự xâm hại, vi phạm lẫn nhau theo kiểu cùng chia một cái bánh lợi nhuận (how to divide the existing profit pie) mà là phụ thuộc lẫn nhau (mutually dependent).

V. I. Lenin cũng đã từng nhận thấy lợi ích của trung nông, lợi của nhà tư bản với lợi ích của Nhà nước Xô viết với tính cách là lợi ích chung tồn tại như xung đột lợi ích nhưng không mang tính đối kháng, thù địch ở trong bối cảnh xã hội Xô viết đương thời.

Mary Packer Follet cũng quan niệm xung đột, trong đó có xung đột lợi ích như là sự khác biệt chứ không phải là sự đối kháng(2). M.P. Follet cho rằng xung độtnày như là lực ma sát vừa có lợi, vừa có hại. Vấn đề cơ bản là nhận biết được khi nào và trong điều kiện nào thì phải duy trì và hoặc loại bỏ nó. Trong một ý nghĩa nhất định, M.P. Follet cho rằng xung đột dẫn đến sáng tạo, làm xuất hiện những giá trị mới(3).

Cùng xu hướng này, L.D. Claxton (2008) quan niệm xung đột lợi ích là tình huống cạnh tranh giữa các lợi ích, kể cả sự cạnh tranh giữa lợi ích cơ sở và lợi ích phái sinh(4).

Lars Bergstrom (1970) cũng tiếp cận xung đột lợi ích không phải theo nghĩa đối kháng (antagonistic), thù địch (hostile) mà theo nghĩa các lợi ích có tính chất không tương hợp hay tương khắc (incompatible). Ông cho rằng: “có sự tồn tại xung đột lợi ích giữa các bên khi và chỉ khi lợi ích của họ không tương thích”(5). Tuy nhiên, quan niệm của Lars Bergstrom về tính không tương thích của các lợi ích trong xung đột lợi ích chỉ đơn giản là tại thời điểm xung đột, các lợi ích này không thể đồng thời được thỏa mãn hay hiện thực hóa(6).

Xung đột lợi ích là trạng thái đấu tranh, tương khắc của các lợi ích với tính cách là những mặt đối lập trong một quan hệ lợi ích nhất định. Xung đột lợi ích có thể dẫn đến sự vi phạm, xâm hại giữa các lợi ích làm mất đi tính thống nhất, tính tương sinh của các lợi ích, qua đó dẫn đến sự đối kháng, thù địch lợi ích.

Như vậy, xung đột lợi ích là một hiện tượng xã hội mang tính tất yếu khách quan và phổ biến. Xã hội càng hiện đại, sự đa dạng trong quan hệ lợi ích càng phong phú và do đó, xung đột lợi ích cũng đa dạng với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Đa dạng xung đột lợi ích đặt ra yêu cầu phân loại, nhận diện từng loại xung đột để có những mục tiêu, mục đích và phương thức quản trị hiệu quả.

Các xung đột lợi ích có thể tồn tại trong một chủ thể nhất định: Lợi ích trước mắt – lợi ích lâu dài, lợi ích vật chất – lợi ích tinh thần nhưng cũng có thể tồn tại ở các chủ thể khác nhau. Xung đột lợi ích giữa các chủ thể khác nhau là những xung đột lợi ích phức tạp nhất, có nguy cơ dẫn đến đối kháng lợi ích. Đây là một đặc trưng của xã hội hiện đại và nếu được quản trị tốt nó tạo ra được động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.

Xung đột lợi ích giữa các chủ thể khác nhau có thể là xung đột lợi ích cá nhân – lợi ích cá nhân, xung đột lợi ích cá nhân – lợi ích nhóm (lợi ích tập thể, lợi ích ngành, lợi ích địa phương, v.v..), xung đột lợi ích nhóm – lợi ích nhóm, xung đột lợi ích cá nhân và/hoặc lợi ích nhóm – lợi ích chung, v.v..

Nhu cầu, lợi ích của con người không có điểm dừng hay không bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn, do đó con người luôn có khát vọng, động cơ thôi thúc hoạt động không ngừng(7). K. Marx từng khẳng định khi nhu cầu đầu tiên được thỏa mãn sẽ đưa tới những nhu cầu mới và coi sự sản sinh ra những nhu cầu mới này là nguồn gốc của các hành vi lịch sử của con người(8).

Hơn nữa, theo K. Marx, các chủ thể, nhất là chủ thể cá nhân luôn có tâm lý ích kỷ, chỉ nghĩ đến và thực hiện lợi ích của mình mà không nghĩ đến lợi ích của chủ thể khác(9). Tính không biết đến mức độ như là bản tính của lợi ích đã dẫn đến tính bản năng vô pháp luật của chủ thể lợi ích(10). Nhận định này về lợi ích và tâm lý của chủ thể lợi ích có tính chủ quan, hiểu theo nghĩa tính chủ thể (subjectivistic) và do đó, nó mang tính tự nhiên (naturalistic) (Lars Bergstrom, 1970)(11) và không xa lạ với con người – một sản phẩm của tự nhiên. Nói cách khác nó mang tính khách quan. Thuộc tính cố hữu này tạo nên tính khách quan của sự cạnh tranh, đấu tranh của các lợi ích trong một quan hệ nhất định hay nói cách khác là cơ sở khách quan của xung đột lợi ích trong xã hội.

Với bản tính đó, trong hoạt động thực tiễn, các chủ thể không ngừng tìm kiếm các cơ hội, điều kiện, các lợi thế, thậm chí, các mánh khóe (K. Marx) để thực hiện và biện hộ cho lợi ích của mình. Điều này thể hiện rõ nhất trong xung đột lợi ích nhóm – lợi ích có tính tổ chức cao, có điều kiện kinh tế, có chuyên gia vận động, gây ảnh hưởng tới dư luận xã hội và các nhà hoạch định chính sách. Với tính chất là cái tất yếu của xã hội, xung đột lợi ích, tự nó, không có gì là sai trái. Vấn đề là phải nhận diện chính xác và quản trị có hiệu quả các xung đột này. Việc bỏ qua các xung đột này trong các quyết định, hành vi hoặc tạo điều kiện để lợi ích khác không thể cạnh tranh, đấu tranh mới là sai trái, lạm dụng chức vụ, thậm chí tham nhũng.

2. Quản trị xung đột lợi ích

Quản trị xung đột lợi ích được xác định là quá trình tác động của nhân tố chủ quan đến các xung đột lợi ích hay cụ thể hơn đến các xu hướng khách quan của sự cạnh tranh, đấu tranh giữa các lợi ích không phải là để triệt tiêu sự cạnh tranh đấu tranh này cũng không phải là để đẩy sự cạnh tranh đó thành đối kháng, thù địch mà tạo ra sự cân bằng năng động giữa các lợi ích – động lực phát triển của xã hội.

Với tính cách là sự đấu tranh, cạnh tranh,tương khắc giữa các lợi ích trong một quan hệ nhất định, một cách tự phát, xung đột lợi ích có thể dẫn đến 2 xu hướng: sự áp đảo, vi phạm tuyệt đối lợi ích của chủ thể khác và/hoặc sự đối kháng, thù địch giữa các chủ thể lợi ích mà biểu hiện điển hình của nó là mâu thuẫn đối kháng giai cấp trong các xã hội có giai cấp đối kháng như K. Marx đã đề cập. Ở một khía cạnh nào đó, cả hai xu hướng này đều dẫn đến triệt tiêu động lực phát triển của xã hội.

Quản trị xung đột lợi ích là một vấn đề phức tạp với nhiều nội dung lớn như mục tiêu, công cụ và phương pháp quản trị. Trong mỗi thời kỳ phát triển xã hội của một quốc gia nhất định đều có mục tiêu cụ thể, để đạt mục tiêu phát triển xã hội ấy, các xung đột lợi ích được quản trị, giải quyết hay ứng xử theo một phương pháp nhất định.

Tiếp cận xã hội tư bản thế kỷ 19, K. Marx nhận thấy mâu thuẫn giai cấp mang tính đối kháng và cản trở sự phát triển xã hội. Với mục tiêu xây dựng một xã hội không có đối kháng giai cấp, K. Marx đã đề xuất công cụ và phương pháp giải quyết mâu thuẫn đối kháng ấy bằng bạo lực và đấu tranh cách mạng. Khi đó, cơ cấu, thể chế cũ bị phá vỡ và thay vào đó là cơ cấu và thể chế mới.

F.W. Taylor  đề xuất phương pháp quản lý theo khoa học để quản trị xung đột, quản lý giữa người sử dụng lao động và người lao động – dưới góc độ con người kinh tế là xung đột lợi ích kinh tế giữa giới chủ và người lao động.

Tiếp cận vi mô doanh nghiệp, Mary Parker Follet cho rằng giải quyết xung đột theo cách áp chế, đem lại phần thắng cho một bên là cách giải quyết xung đột lợi ích dễ nhất nhưng trong lâu dài, cách giải quyết này không đem lại thành công(12).

Mary Parker Follet cũng đề xuất phương pháp quản trị xung đột bằng cách kết hợp (integration) nhu cầu hay lợi ích của hai bên, không làm mất đi hay hy sinh lợi ích của bất kỳ bên nào. Đó là cách giải quyết xung đột không làm mất đi xung đột mà tạo ra thế cân bằng năng động, nhờ nó con người sáng tạo ra những giá trị mới.

Với ý nghĩa đó, M.P. Follet cho rằng cần phải kiến tạo các xung đột và các xung đột kiến tạo này (constructive conflicts) tạo ra xung lực cho sự phát triển. Với mục tiêu tạo ra sự đồng thuận xã hội, tập trung hóa trong hệ thống các nước XHCN trước đây ở một khía cạnh nhất định đã làm mất đi những khác biệt lợi ích với tính cách là xung đột, do đó, hệ thống các nước XHCN này đã rơi vào tình trạng trì trệ, dẫn đến hoặc tan rã hoặc phải cải tổ, đổi mới.

Quản trị xung đột lợi ích cần tới công cụ pháp luật. Xét từ góc độ công cụ quản lý, hệ thống pháp luật là căn cứ xác định các lợi ích hợp pháp và các hành vi thực hiện lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Dư luận xã hội là một trong những công cụ quản lý xã hội nói chung và quản trị xung đột lợi ích nói riêng. Ngoài vai trò giáo dục con người, điều chỉnh hành vi cá nhân và các mối quan hệ xã hội, dự luận xã hội được xem như là thông tin giám sát của người dân và các tầng lớp xã hội đối với các cá nhân, nhóm lợi ích và đặc biệt là việc thực thi chức năng của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, với tính cách là một nguồn tin, dư luận xã hội chỉ phát huy vai trò công cụ của nó khi hệ thống truyền thông đại chúng phát triển. Truyền thông đại chúng phản ánh và truyền tải dư luận xã hội mà nhờ đó, dư luận xã hội mới phát huy vai trò công cụ trong quản trị xung đột lợi ích.

Dư luận xã hội và truyền thông đại chúng giúp cho các chủ thể lợi ích nắm bắt được những xu hướng, hoạt động của các chủ thể khác có liên quan đến lợi của mình, qua đó họ có những động thái phản biện, đối phó để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời góp phần truyền tải thông tin về hoạt động của chủ thể lợi ích và xu hướng của các xung đột lợi ích để các cơ quan nhà nước chủ động có những giải pháp phù hợp, kịp thời; góp phần quan trọng trong việc kiến tạo sự công khai, minh bạch trong quản trị xung đột lợi ích, nhất là đối với quản trị xung đột lợi ích ở khu vực công.

Tiếp cận hiện đại cho thấy, quản trị xung đột lợi ích là quá trình đa chiều: Tác động của các cơ quan nhà nước đối với các chủ thể lợi ích thông qua hệ thống chính sách; sự tham gia vào các quyết định, giám sát, kiểm tra việc thực thi chính sách của các chủ thể lợi ích; sự giám sát, kiểm tra lẫn nhau giữa các chủ thể lợi ích. Ở khía cạnh này, việc tạo ra cơ chế bảo đảm tính hợp pháp của sự tồn tại và hoạt động của các chủ thể hoặc người đại diện của chủ thể lợi ích, cơ chế phản biện chính sách của các chủ thể lợi ích, v.v.. được coi là công cụ cơ sở nhưng quyết định đến hiệu quả quản trị xung đột lợi ích trong xã hội. Lý thuyết xung đột cho thấy cơ chế này sẽ tạo ra đối trọng mà nhờ nó, các chủ thể lợi ích khác nhau quản trị lẫn nhau trong khuôn khổ pháp lý hiện hành. Cơ chế này cũng làm cho các cơ quan quản lý với vai trò người cầm cân nảy mực, thực hiện đúng vai trò điều chỉnh hợp pháp, không thiên vị trong quản trị xung đột lợi ích.

3. Vấn đề quản trị xung đột lợi ích ở Việt Nam

Lịch sử giải phóng dân tộc và phát triển xã hội Việt Nam cận – hiện đại cho thấy việc quản trị xung đột lợi ích khá linh hoạt và đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ của những thời điểm lịch sử cụ thể.

Với mục tiêu giải phóng dân tộc, Việt Nam đã ưu tiên lợi ích dân tộc; lợi ích cá nhân, lợi ích của các giai tầng xã hội được giải quyết trên cơ sở ưu tiên lợi ích dân tộc. Với hiệu quả của công tác truyền thông và phát động các phong trào quần chúng, Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận xã hội, tập trung mọi nguồn lực còn nhiều hạn chế để thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc(13).

Tập trung hóa nhằm tạo lực tổng hợp, đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc được tiếp tục nhưng không còn phù hợp trong giai đoạn xây dựng và phát triển kinh tế sau chiến tranh, dẫn đến sự trì trệ của xã hội. Quan tâm, khuyến khích lợi ích cá nhân thông qua chính sách khoán và sau đó là đổi mới, thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường đã tạo động lực mới, giải phóng sức sáng tạo, đưa Việt Nam ra khỏi khủng hoảng và có những bước tăng trưởng, phát triển mạnh, nhờ đó Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới.

Những năm gần đây, trước bối cảnh suy thoái toàn cầu, tình trạng giảm phát của Việt Nam hiện nay có nhiều nét đặc thù trong đó có vấn đề liên quan đến nhóm lợi ích và quản trị xung đột lợi ích. Khuyến khích lợi ích cá nhân nhằm giải phóng và phát huy tính năng động, sáng tạo của nguồn nhân lực là một yêu cầu khách quan và phổ biến trong các xã hội hiện đại. Ở Việt Nam, việc khuyến khích này còn đạt được mục tiêu nữa là xóa bỏ tâm lý thụ động, ỷ lại như sản phẩm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, việc khuyến khích lợi ích cá nhân và đi liền với nó là chấp nhận và từng bước phát triển cơ chế thị trường đã không đi liền với việc nâng cao năng lực quản lý và hoàn thiện hệ thống pháp luật nên tính ích kỷ của lợi ích cá nhân, kể cả lợi ích nhóm có cơ hội nảy nở. Về điểm này, K. Marx đã sớm chỉ ra:“Lợi ích tư nhân không biết đến tổ quốc, đến tỉnh, đến tinh thần chung, thậm chí đến cả tình yêu quê hương nữa”(14) và “Bởi vì theo bản tính của nó, lợi ích là mù quáng, không biết đến mức độ, phiến diện, tóm lại, là một bản năng vô pháp luật”(15).

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện và tồn tại nhóm lợi ích – tập hợp những cá nhân, doanh nghiệp có chung lợi ích và cùng thực hiện những hoạt động nhằm thực hiện lợi ích của mình. Hoạt động của các nhóm lợi ích làm phá vỡ sự cân bằng – một khía cạnh cơ bản trong mục tiêu quản trị xung đột lợi ích như là điều kiện cần cho sự phát triển. Hệ quả tất yếu không chỉ là các nhóm lợi ích khác không có điều kiện hoạt động mà bản thân các nhóm lợi ích mạnh cũng rơi vào khủng hoảng, kém hiệu quả.Hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản sau một thời gian đạt lợi nhuận cao nhưng do ít có tiếng nói phản biện đã rơi vào trạng thái hoạt động chủ quan và hệ quả là khủng hoảng biểu hiện ở nợ xấu ngân hàng và tồn kho bất động sản lớn.

Như vậy, mục tiêu của quản trị xung đột lợi ích ở Việt Nam hiện nay không chỉ là tạo ra sự cân bằng giữa các lợi ích và nhóm lợi ích mà còn phải tạo ra sự cân bằng năng động trong quản trị xung đột lợi ích mới có thể tạo ra được động lực cho sự phát triển. Ở một khía cạnh cụ thể hơn, Việt Nam cần có một cơ chế để các lợi ích và đặc biệt là nhóm lợi ích hoạt động và cạnh tranh, đấu tranh bình đẳng trước pháp luật.

Trong giai đoạn hiện nay, để thoát khỏi suy thoái và tiếp tục phát triển, Việt Nam cần một hệ thống động lực mới, trong đó thừa nhận sự tồn tại của nhóm lợi ích, tạo cơ chế để các chủ thể lợi ích cạnh tranh và hoạt động bình đẳng trước pháp luật là một trong những động lực cơ bản. Muốn thế, ngoài việc đổi mới thể chế, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, phát huy vai trò của dư luận xã hội và truyền thông đại chúng – những yếu tố cơ bản tạo ra sự công khai, minh bạch về thông tin.

————————–

Chú thích:

(1) Viện Triết học: Lịch sử phép biện chứng, t.IV, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 293-294.
(2), (3), (12) Xem: Marry Parker Follet: Constructive Conflict, Bài tham luận tại hội thảo ở Văn phòng Nhân sự, Hoa Kỳ tháng 1-1925.
(4) Xem L.D Claxtob: A review of conflict of interest, competing interest, and bias for SAGE Publication, Los Angeles, London, New Delhi, Singapore, tr.558.
(5), (6), (11) Xem: Lar Bergstrom, What is a Conflict of interest? Joural of Peace Research, 1970, tr.200, tr.208, tr.202.
(7) Xem: Thuyết phân cấp nhu cầu của A. Maslow, Motivation and personality, Happer and Row, Publisher, Inc, New York, 1954.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.40.
(9), (10), (14), (15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.208-209, 228-229, 229, 228-229.
(13) Xem: Hoàng Văn Luân, Tạp chí Khoa học, Đại học quốc gia Hà Nội, 1999.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,