‘Đắng lòng nghệ sĩ ABC về già neo đơn sống trong nghèo khổ’…

Nghệ sĩ vốn dĩ long lanh trong mắt khán giả. Nhưng ngược đời thay, ở Việt Nam, nhiều nghệ sĩ lại sẵn sàng đi kiếm tìm lòng thương hại…

1. “Công việc sân khấu, đi hát, đi diễn khó khăn quá thì tôi phải tìm cách mưu sinh khác là bán bánh bèo. Đợt trước tôi đi bán cơm nhưng vất vả, ế quá, không lãi lời được. Tôi nấu phải đến 8, 9 món đồ ăn nhưng đem lên bán được có mười mấy đĩa cơm, cực lắm. Tôi phải đi lau từng cái ghế, cái bàn, nước mắt lưng tròng”.

Đó là nguyên văn những chia sẻ của nghệ sĩ hài Duy Phương trong một talkshow có tên “Nhà có khách” được phát sóng gần đây. Và lập tức, chia sẻ này được sử dụng làm chất liệu để truyền thông cho talkshow kể trên. Khá nhiều đầu báo điện tử đã khai thác nó, không chỉ trên trang chính thức mà còn cả trên các trang mạng xã hội của riêng họ như một công cụ hữu hiệu để lôi kéo sự tò mò của khán giả.

Duy Phương không phải là cái tên xa lạ gì với nhiều thế hệ khán giả. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, anh đã là một cái tên đình đám, cátsê đi diễn hàng đêm có khi lên tới cả cây vàng. Cùng thời với anh, có nhiều nghệ sĩ khác nữa. Tên tuổi họ có khi thua kém anh, có khi hơn anh một bậc nhưng đa số đều giữ khoảng lặng khi đã về tuổi xế chiều. Họ xem hào quang đã đi qua là một kỷ niệm. Những gì quý giá nhất họ giữ lại không phải là vật chất, là hoài niệm mà là điều thiêng liêng hơn cả: sự trân trọng trong lòng khán giả. Chính vì thế, họ xem sự xuất hiện khi về chiều của mình, nhất là trong một diện mạo không còn lung linh nữa, chính là sự thiếu tôn trọng những tình cảm mà khán giả đã dày công vun vén cho mình.

Tất nhiên, để có được sự thư thái như những nghệ sĩ kín tiếng ấy, cái rất cần là một đời sống vật chất ổn định. Những nghệ sĩ buộc phải phơi mình ra kể khổ như Duy Phương không có được đời sống vật chất như thế. Khi thiếu thốn, con người ta dễ có hành động thiếu tỉnh táo. Song, điều quan trọng hơn cả chính là lòng tự trọng. Nhiều người đã cố giữ gìn cái tự trọng của mình bất chấp hoàn cảnh khó khăn đến nhường nào. Nhưng có một số không ít lại không thể thắng nổi những thèm muốn nhiều khi tầm thường. Từ đó, họ chấp nhận chường mặt than khổ ngõ hầu kiếm tìm lòng thương hại từ khán giả trót yêu mến mình xưa nay.

Điều đáng nói là đa số những nghệ sĩ bỏ qua cái danh dự nghề nghiệp lẫn cá nhân của mình để kiếm tìm sự thương hại kia đều là những người lúc kiếm ra tiền thì tiêu xài hoang phí. Thậm chí, không ít người còn mê muội món đỏ đen, cá độ, hút chích…

Câu chuyện của một ngôi sao điện ảnh đình đám một thời giờ sống khó khăn ra sao có lẽ độc giả vẫn chưa quên. Chưa quên bởi đơn giản, ngày còn vàng son, anh lẫy lừng quá, được yêu mến quá. Nhưng họ còn chưa quên bởi cứ như cơm bữa, dăm ba tháng lại thấy câu chuyện thân phận của anh xuất hiện trên báo chí một lần. Lần đầu còn nhiều thương cảm. Lần thứ hai còn có đồng nghiệp hỗ trợ, có khán giả thương xót. Lần thứ ba trở đi thì chỉ còn thương hại và chán ngán bởi sự thương hại cuối cùng cũng chai lỳ. Ai cũng đặt ra câu hỏi “Tiền nhiều như thế cuối cùng chui vào lỗ nẻ nào hết rồi?”. Chỉ những người trong giới mới rõ mà thôi. Và khi đã rõ, họ cũng cố né càng xa càng tốt bởi chính hình ảnh gây thương hại đến mòn mỏi đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh cái nghề vốn dĩ được xem là hào nhoáng của mình.

2. Như một trào lưu, không hiểu sao nhiều năm gần đây showbiz Việt hay có những tin bài kiểu như “Xót xa nghệ sĩ ABC về già neo đơn sống trong nghèo khổ” đến vậy. Những bài viết thực sự khai thác nguyên nhân chính của cái khốn khó ấy dường như rất hiếm hoi, dù chúng vô cùng cần thiết cho việc cảnh tỉnh chính lớp nghệ sĩ đang nổi danh hiện nay. Gần đây nhất là nghệ sĩ V.L.V. Nhìn vào cảnh tình của ông lúc này, không ai không thương xót. Nhưng khi được biết ông từng có biệt thự, xe hơi, thậm chí có cả công ty riêng thì cái thương xót kia bỗng trở nên phi lý đến vô cùng.

Một ví dụ rất cụ thể về nghệ sĩ mà người viết được chứng kiến chính là một nghệ sĩ kịch nghệ trẻ tuổi người Nhật. Anh này bình thường vẫn đi diễn các chương trình kịch, sân khấu ở nhiều nơi trong nước Nhật nhưng hễ cứ có ngày rảnh việc, anh lại làm việc như một người chạy bàn ở một quán cafe quen. Người viết đã hỏi anh lý do tại sao lại lựa chọn công việc làm thêm ấy và anh không cảm thấy xấu hổ khi làm việc đó trong tư cách nghệ sĩ hay sao? Câu trả lời nhận được vô cùng đơn giản: “Tôi là nghệ sĩ, có người biết, có người không nhưng cơ bản tôi là một con người. Tôi cần lao động. Công việc nghệ thuật không phải thứ ổn định bất di bất dịch và việc làm thêm ở quán cafe cũng mang lại cho tôi thêm phần thu nhập. Khi rảnh rỗi, tôi làm ở đó, vừa để mình bớt lười biếng, vừa có thêm thu nhập tích lũy”.

Câu chuyện nhỏ ấy có thể khiến chúng ta giật mình. Tại sao một nghệ sĩ đương thời lại cảm thấy thoải mái khi đi làm thêm một công việc hoàn toàn không liên quan tới nghệ thuật, và được xem là phổ thông trong khi trường hợp của Duy Phương lại phải than khổ? Suy cho cùng, Duy Phương vẫn có “vốn” để kinh doanh thêm. Vốn này vừa là nghĩa đen, tức tiền đầu tư (dù nhỏ), và vừa là nghĩa bóng, tức danh tiếng của anh một thời. Tự dưng, người viết nghĩ tới nghệ sĩ Phạm Bằng với tiệm Chí ma phù của gia đình ông trên phố cổ. Gặp ông ở đó khi sinh thời, người ta còn thấy ông vui vẻ niềm nở là khác. Ông chẳng bao giờ cho rằng đó là nỗi khổ. Đơn giản, ông hiểu, niềm tự hào lớn nhất với nghệ sĩ không chỉ là được khán giả yêu mến mình mà còn có thể lao động kiếm ra thu nhập để nuôi nghề ở những giai đoạn nghề khó khăn nhất.

Nhưng, kỳ lạ là cái trào lưu kể khổ kiếm tìm thương hại không chỉ diễn ra với những con người văn nghệ về chiều, không thu nhập, không đất diễn. Nó xảy ra ngay cả với những người đương thời, thậm chí có cơ hội kiếm ra rất nhiều tiền. Bị khán giả chê trách: kể khổ. Bị giới phê bình đánh giá khắt khe: kể khổ. Kể trên sóng truyền hình; kể trên báo; kể bằng lời và kể luôn cả bằng nước mắt.

Như gần đây chẳng hạn, sau khi một bộ phim ra rạp và có nhiều thông tin tranh cãi trái chiều xoay quanh nó, nhân chuyện ấy, một nhà văn lên kể khổ đại ý cho rằng “nền văn nghệ Việt Nam khó mà khá được khi suốt ngày các tác giả, tác phẩm bị “đánh” bởi dư luận, truyền thông”. Cái tư duy “bị đánh” này thực sự không thể chấp nhận được. Những phê bình trong văn nghệ không nên bị xem là “đánh đấm”. Nó chính là những đóng góp để tiến bộ hơn. Và câu chuyện trở nên nực cười nhất khi lồng vào với những kể khổ về nền văn nghệ bị “đánh đập” trong tưởng tượng kia, nhà văn nọ còn hồn nhiên kể chuyện đi bia ôm như thế nào, tiền bo ra sao. Khổ thế thì… khổ quá.

Nhiều người nói vui với nhau, có lẽ đã tồn tại dạng ý thức văn nghệ “ưa bị bạo hành” ở Việt Nam lâu quá rồi. Thực chất thì chẳng ai ưa bị bạo hành cả. Nhưng ai cũng thích sắm vai nạn nhân để câu kéo lòng thương hại của khán giả, ngõ hầu mong họ sẽ sẻ chia và những sẻ chia đó sẽ được cụ thể hóa quy đổi thành những kết quả cả vật chất lẫn tinh thần. Rõ ràng, đấy là một cách hành xử văn nghệ vô cùng yếm thế và nó không thể nào được xem là đại diện cho nền văn nghệ Việt Nam đương thời.

Chỉ gần 1 tháng nữa sẽ là Tết. Chắc chắn sẽ lại xuất hiện thêm những bài ca kể khổ từ giới văn nghệ, đến cả từ những người khổ thật lẫn những người giả khổ. Thái độ văn nghệ này có lẽ đã đến lúc nên bị loại trừ khỏi đời sống văn nghệ lành mạnh. Nghệ thuật vốn dĩ là một nghề đòi hỏi nhiều hi sinh nhưng bù lại, hào quang mà khán giả mang lại cho nghệ sĩ là lớn vô cùng. Chấp nhận con đường nào cũng vậy, người ta phải chấp nhận cả ngọt lẫn đắng trên con đường ấy. Và con đường nghệ thuật thì luôn ngọt lắm đắng nhiều hơn so với nhiều nghề nghiệp khác. Cái nỗi khổ lớn nhất của nghệ sĩ thực ra chỉ là sự cô độc của một tâm hồn mà số đông không bao giờ hiểu được họ, khó có thể đồng điệu được với họ. Còn những vất vả khác, có lẽ nó cũng chẳng hơn những nghề nghiệp nào khác trong xã hội chút nào. Và một khi người hành nghề dùng chính cái nghề của mình để câu lấy sự thương hại, đó là khi họ xem thường cái nghề của mình nhất. Khi người làm nghề coi thường cái nghề của mình, liệu họ có thể kỳ vọng phần còn lại xem trọng nó hay không?

Theo VĂN ĐỨC / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,