Con cháu chúng ta ở đâu trong dòng thác thông tin cuồn cuộn?

Trong thời đại công nghệ tiến rất nhanh, có tác động ngay lập tức với mỗi người, dù người đó là ai, ở đâu, thì giáo dục vẫn phải là cái gốc, là nền tảng để con người có thể vững chãi trong dòng chảy cuồn cuộn đó.

Ảnh: VnExpress.

Ngày nay, những đứa trẻ từ đầu cấp 2 ở nhiều trường Hà Nội hay TP HCM đã thay đổi không tưởng tượng được với nhiều bậc phụ huynh. Lưng gùi ba lô đầy sách vở truyền thống, tay cầm laptop, bọn trẻ trông như một thực tập sinh cổ cồn trắng.

Chỉ cần vài cái click, bọn trẻ đã có thể xem video dạy Toán trên youtube của Eddie Woo hay Blackpenredpen, hay rèn kỹ năng tiếng Anh trên một kênh nào đó, hay thậm chí thì thụt chơi game mà thầy giáo và bạn bè chia sẻ. Dùng máy tính hàng ngày để tra cứu tài liệu, tham gia nhiều nhóm trao đổi, học tập, làm các bài online và tất nhiên, có cả chơi games là điều trở nên dần phổ biến những thế hệ học sinh, sinh viên ngày càng trẻ.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, thời kì vạn vật kết nối, big data. Học sinh ngoài việc học ở trường vẫn có thể được học những thầy cô giỏi ở nơi khác, tiếp cận với những tiến bộ, văn minh nhất của nhân loại.

Thế giới của chúng ta ngày nay có những điều tưởng chừng như chỉ có trong “Aladin và cây đèn thần”. Chỉ cần chạm tay vào con “chuột” và nhấp, rất nhiều thứ hiện ra trước mắt chúng ta. Người sống vắt qua hai thời kỳ thiếu thốn và đủ đầy như tôi cảm thấy sự đổi thay quá kì diệu.

Thời niên thiếu tôi mong ước có sách, có truyện đọc mà không có. Giờ thì bữa tiệc tri thức của cả nhân loại bày ra trước mắt con tôi và các bạn. Món nào chúng ta cũng có thể tìm hiểu để rồi phát hiện ra niềm yêu thích, đam mê của mình ở đâu. Nếu không thích thì “click” sang món khác.

Son Masayoshi, tỷ phú công nghệ Nhật cho rằng hiện nay trung bình mỗi người sở hữu hai thiết bị kết nối internet và 30 năm nữa có thể mỗi người sẽ sở hữu 1000 thiết bị kết nối như tủ lạnh, nồi cơm, bàn ghế… và chỉ cần ngồi một chỗ để điều khiển chúng. Chẳng hạn sữa trong tủ lạnh nhà bạn hết hạn vào ngày mai thì tủ lạnh sẽ tự động gửi đi đơn đặt hàng và sữa mới sẽ được chuyển đến cửa nhà bạn. Theo ông, số lượng robot cũng sẽ vượt quá dân số loài người.

Mới đây, công ty của Elon Musk đã bắt đầu thử nghiệm cấy chip vào não người với mục đích ban đầu là hỗ trợ người bệnh nhập chữ vào máy tính thông qua suy nghĩ.

Giáo dục tư duy đúng đắn

Thế giới sẽ có vô số những thay đổi diễn ra nhanh chóng và kì ảo. Việt Nam làm gì để có thể tham gia, hội nhập và góp phần vào sự đổi thay lớn lao đó?

Chúng ta phải trang bị kỹ năng, kiến thức, tâm thế gì cho con cháu, cho thế hệ tương lai để chúng có thể định vị bản thân trước dòng thác thông tin cuồn cuộn đó? Còn nhiều câu hỏi hơn nữa cần trả lời để tránh tình thế bị động, dạt trôi, hay nhấn chìm.

Ngoài những chiến lược chuyển đổi số, thúc đẩy công nghệ 4.0 tầm quốc gia, tăng cường dạy học, trang bị các kỹ năng về công nghệ, giáo dục tư duy đúng đắn trong nhà trường vẫn là căn cốt tạo ra sự đổi thay theo chiều hướng tích cực cho thế hệ tương lai.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần đầu tư thật lực cho con em mình học giỏi Toán, tiếng Anh, phải biết sử dụng đồ công nghệ và các phương tiện tân tiến nhất mới hợp thời. Điều đó đúng nhưng chưa trúng. Giáo dục tập trung vào đó là phát triển phần thân, phần lá của một cái cây. Còn phần gốc rễ, cốt lõi vẫn phải dạy các em cách nghĩ đúng đắn, cách sống có ý nghĩa và phương pháp tư duy phản biện, đa chiều.

Con người có gốc rễ tư duy đúng đắn, vững vàng sẽ biết phân biệt phải – trái, đúng – sai, biết điều gì nên làm và nên tránh, như người xưa đã nói: “Thành nhân rồi hãy thành công”.

Con người hiểu về ý nghĩa cuộc sống sẽ có khát vọng vươn lên, biết vượt qua cám dỗ, đương đầu với khó khăn, biết sống với tình yêu thương, thương cảm, sẻ chia với con người. Con người được trang bị tư duy phản biện và đa chiều sẽ không ngừng mở rộng hiểu biết, tìm tòi, khám phá, sáng tạo thêm những điều hay, những giải pháp mới.

Trong công tác giảng dạy và cuộc sống thực tế, tình trạng đáng báo động về một bộ phận giới trẻ suốt ngày chỉ biết cúi đầu xuống màn hình, mất kiểm soát, sống lệ thuộc, không màng đến thực tại và mù mờ tương lai.

Khi đối diện với hàng loạt thiết bị mà chỉ cần bấm nút là thế giới ảo đầy cám dỗ hiện ra, con người yếu đuối và thiếu lý trí sẽ bị máy móc điều khiển ngược trở lại mà thôi.

Vì vậy, dễ hiểu vì sao ngày nay có nhiều bạn trẻ bị lạc trôi trong thế giới ảo, không biết thoát ra bằng cách nào, thậm chí vùng vẫy trong bế tắc, không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Nhiều em sống thụ động, không dám đối mặt với khó khăn, thách thức, và rồi chìm đắm với “mạng” như một giải thoát.

Nguyên nhân của tình trạng này là nền giáo dục của chúng ta đang chạy theo phần ngọn khiến phần rễ của các em bị lung lay. Giáo dục đang cố gắng nhồi nhét các công thức, các định luật, các bài học khuôn mẫu, các con số khô khan cho học sinh. Áp lực thành tích, thi đua, điểm số và các thể loại báo cáo khiến thầy và trò bị xoay vần trong vòng xoáy rất khó thoát ra.

Mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục phải là giúp học sinh hiểu mình là ai, muốn gì, khơi dậy những khao khát nào tích cực để mang lại giá trị cho chính bản thân và xã hội. Giáo dục cần cung cấp cho các em nhiều phương pháp và kỹ năng học tập để các em lựa chọn phương pháp nào phù hợp với mình.

Như vậy, để hoàn thành được mục tiêu này, không phải chỉ dạy ngày một ngày hai, coi đó như nội dung phụ, dạy cho có… mà cần coi trọng dạy đan xen song song cùng tất cả các môn học khác.

Cần xây dựng lộ trình tiếp cận và truyền thụ lâu dài, kiên trì trong suốt quãng đời học sinh cho đến khi nào các em tự tin hiểu rõ về mình, hiểu về những cảm xúc và mong muốn của bản thân, định hướng rõ ràng hơn cho tương lai. Giáo dục nên nỗ lực tập trung vào phát triển cá nhân, quan tâm chăm chút cho từng em chứ không nên tạo ra những con người hàng loạt.

Một khi chúng ta trang bị cho các em tư duy gốc rễ và các kỹ năng cần thiết thì các em sẽ vững vàng và tự tin thể hiện giá trị của mình. Lúc đó, dù bủa vây xung quanh các em hàng chục, hàng trăm loại máy móc hay công nghệ thì các em cũng biết lựa chọn và sử dụng một cách thông minh hơn, biết xây dựng những mục tiêu lớn lao và tốt đẹp hơn, ngẩng cao đầu mà tiến lên phía trước chứ không gục mặt vào các loại màn hình đến nỗi mất hết cảm xúc và lý trí.

Cải cách giáo dục Nhật Bản

Câu chuyện cải cách giáo dục ở Nhật Bản là bài học đắt giá và xúc động để chúng ta suy ngẫm và học tập. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật đã họp với hiệu trưởng các trường sư phạm và khóc mà thừa nhận rằng giáo dục Nhật Bản đã sai lầm và tương lai đất nước từ giờ trở đi nằm trong tay các thầy cô.

Ngay cả Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khóc trước tình hình vô cùng nghiêm trọng vì nguồn ngân khố quốc gia rỗng tuyếch, Bộ Tài chính cam kết có thể ưu tiên trả lương cho giáo viên cùng với sự đóng góp của xã hội. Nhật Bản trong đống hoang tàn đổ nát sau chiến tranh đã quyết liệt trong công cuộc đổi mới giáo dục và tạo ra những đổi thay kì diệu nhờ các nhà lãnh đạo đã can đảm dám nhìn thẳng vào sự thật và có sự ưu tiên đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt của toàn xã hội.

Việt Nam giờ đây thuận lợi hơn rất nhiều, tương lai của đất nước là hứa hẹn, nhưng vẫn phụ thuộc vào những thế hệ trẻ, sản phẩm của nền giáo dục nước nhà đang bị các lề lối cũ kỹ và lạc hậu trói buộc.

Đã đến lúc cần tập hợp các chuyên gia giỏi nhất trong nước và quốc tế để tư vấn và lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục tốt nhất, phù hợp nhất cho mỗi cấp bậc. Vì sao chúng ta không thử xem các trường học ở các quốc gia phát triển đã làm gì, dạy gì để phát triển những thế hệ tương lai?

Cần chấn chỉnh lại khâu tuyển sinh và đào tạo sinh viên tại các trường sư phạm nhằm tạo ra đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức, có chuyên môn và phương pháp truyền dạy tốt.

Cần quyết liệt loại bỏ những công việc và thủ tục rườm rà đang quàng cổ giáo viên khiến họ không còn tâm trí và sức lực để suy nghĩ và sáng tạo. Cần mạnh dạn giảm bớt chương trình học nặng nề bắt buộc đối với mọi học sinh và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sinh động, sáng tạo, kích thích trí tò mò, khám phá của các em.

Và tất nhiên, trong hành trình đổi thay của các em, chắc chắn có sự tham gia và ảnh hưởng rất lớn của các bậc phụ huynh và xã hội. Bởi dù nhà trường có dạy rất tốt đi chăng nữa, nhưng khi các em về nhà lại sống trong môi trường bất hạnh, tiêu cực, độc hại thì các em khó có sự phát triển lành mạnh được. Các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rằng họ chính là những người thầy đầu tiên của con mình.

Trong một xã hội mà công nghệ đã tiến rất nhanh, có tác động ngay lập tức với mỗi người, dù người đó là ai, ở đâu, thì giáo dục vẫn phải là cái gốc, là nền tảng để con người có thể vững chãi trong dòng chảy cuồn cuộn đó.

Theo ĐỖ HẢI / VIETNAMNET

Tags: , , ,