Có những người Việt không chịu dùng tiếng Việt

việc sử dụng ngôn ngữ đúng nơi, đúng chỗ là biểu hiện một hành vi văn hóa, chứ không đơn thuần chỉ là một công cụ giao tiếp. Vì thế, dùng ngoại ngữ sai chỗ trước hết là không tôn trọng chính tiếng nói của bản thân mình. 

Có những người Việt không chịu dùng tiếng Việt

Việt Nam đang ở vào thời buổi hội nhập, toàn cầu hóa có khác, tiếng Anh trở nên rất phổ biến, xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, bất kể có phù hợp với hoàn cảnh hay không. 

Thế nên đôi khi trở thành “trớt quớt”, thậm chí gây tác dụng ngược. Nói có sách, mách có chứng, cách đây mấy hôm, tôi phải làm “phiên dịch” bất đắc dĩ cho một chị hàng xóm “kinh doanh” bún thịt nướng ở đầu hẻm nhà tôi.

Số là chị nhiệt tình tham dự một sự kiện được tổ chức để quyên góp giúp đỡ các bệnh nhi ung thư và cảm động ghê lắm khi nhận được một tấm thiệp cảm ơn từ Ban tổ chức vì thấy sự đóng góp của mình tuy chẳng đáng là bao nhưng cũng được ghi nhận một cách trân trọng.

Nhưng thật oái ăm vì lời cảm ơn ghi trong tấm thiệp ấy lại được viết toàn bằng tiếng Anh như thế này: “Thank you for joining…”, khiến chị hàng xóm “trăn trở” mất cả tuần lễ vì “viết toàn tiếng tây, tiếng u gì không, chị không đọc được mà thắc mắc quá, không biết họ nói cái gì…”.

Sau khi hiểu rõ ý nghĩa của những dòng chữ “tiếng tây, tiếng u”, tôi thấy chị hài lòng ra mặt nhưng rồi lại tiếp tục thắc mắc một cách rất chính đáng: “Sao ngộ vậy em, đâu phải hết thảy dân chúng đều biết tiếng tây mà cứ hở chút là xài tiếng tây? Như chị vậy nè, cầm tấm thiệp mà không đọc được cũng tủi lắm chứ! Hay là tại tiếng Việt không sang, phải dùng tiếng tây cho nó sang?”.

Thú thật câu hỏi của chị là câu hỏi khó đối với tôi, biết giải thích với chị thế nào để không bị chị “phản biện” vì quả đúng là thời gian gần đây tôi cũng nghe nhiều người “than thở” là bị “bội thực” tiếng Anh.

Này nhé, ở một số game show ca nhạc đã được Việt hóa sau khi mua bản quyền của nước ngoài mà các thí sinh chỉ toàn hát nhạc nước ngoài khiến người xem dần dần nói lời chia tay vì “chả hiểu các cô, cậu ấy hát cái gì, hình như chỉ toàn hét.

Bộ nhạc Việt không có đủ và không xứng đáng để đem ra thi thố hay sao?”; rồi các vị giám khảo thay vì “tôi bầu chọn em”, hoặc “tôi bỏ phiếu cho em” thì cứ “tôi “vốt” (vote) em”; thêm anh MC pha trò “rất duyên”: “Em thấy anh có “hen sâm” (handsome: đẹp trai) không?”. Khi được hỏi cảm thấy thế nào khi xem những game show ấy, nhiều người chỉ biết lắc đầu…

Bản thân tôi cũng đã có lần “mắt thấy tai nghe” một vị giám khảo là một nữ ca sĩ nổi tiếng trong làng ca hát Việt Nam thốt lên: “I like him” để bày tỏ sự tán thưởng phần trình diễn của một thí sinh nam trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng trong độ tuổi học sinh trung học phổ thông. Có vẻ như nữ ca sĩ ấy cảm thấy mình “đẳng cấp” và “sành điệu” hơn khi nói “I like him” thay vì “Tôi thích em ấy”!

Một anh bạn là giáo viên dạy tiếng Anh thường hay “càm ràm” với tôi là anh rất “dị ứng” với những cô, cậu học trò nhắn tin hay nói chuyện điện thoại với anh mà cứ “OK thầy” thay vì “Dạ, thưa thầy”.

Tôi an ủi anh là hãy thông cảm vì học trò anh toàn làm với người nước ngoài nên nhiều khi chúng quen miệng nói vậy thôi chứ không phải là không kính trọng anh, vả lại anh dạy tiếng Anh thì tất nhiên là hiểu rõ ngữ nghĩa của “OK”, thế là ngay lập tức được anh “lên lớp”: “Nhưng chúng nó phải hiểu là chúng nó đang nói chuyện với thầy giáo người Việt, ở trên đất nước Việt Nam và quan trọng hơn chúng cũng là người Việt mà chả nhẽ không biết dùng từ tiếng Việt để tỏ lòng kính trọng người trên hay sao?”.

Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ toàn cầu, sự cởi mở với tiếng Anh cũng là một trong những biểu hiện cởi mở của hội nhập, của thương mại. Ngay cả nước Nhật trọng hướng nội cũng đang có phong trào học tiếng Anh, để giúp người trẻ năng động hơn, có tầm nhìn rộng hơn.

Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ đúng nơi, đúng chỗ là biểu hiện một hành vi văn hóa, chứ không đơn thuần chỉ là một công cụ giao tiếp. Vì thế, dùng ngoại ngữ sai chỗ trước hết là không tôn trọng chính tiếng nói của bản thân mình.

Theo PHƯƠNG LY / DOANH NHÂN SÀI GÒN

Tags: , ,