Chỉ like và share thì có cứu được thế giới này?

Thói quen phản biện bằng cú nhấp chuột, có thể khiến cho người ta quên đi cả nhiều nét nghĩa khác của từ “ủng hộ” hay “vận động”.

Tôi bắt đầu một ngày của mình bằng việc mở Facebook và nhận thấy mình được “tag” trong rất nhiều lời kêu gọi cứu lấy Cát Bà.

Vườn quốc gia Cát Bà, Hải Phòng được cho gặp nhiều rủi ro về môi trường, trong những dự án du lịch lớn đang được chuẩn bị cấp phép ở nơi này.

Cũng như bao lần khác, khi bất cứ một phong trào xã hội nào xuất hiện, Facebook của tôi lại ngập tràn những lời kêu gọi như thế. Cứu Sơn Trà, cứu cây xanh, cứu đỉnh Fansipan… Facebook thật kỳ diệu khi luôn tạo cơ hội cho chúng ta tham gia, cho chúng ta cảm giác thấy mình có trách nhiệm, có khả năng cứu lấy thế giới này, bằng một thao tác đơn giản: Bấm like và share.

Nhưng chỉ like và share thì có cứu được thế giới này?

Tôi tự hỏi điều đó, khi nhìn thấy chiến dịch giải cứu cây xanh Hà Nội đã kết thúc với việc những cây xà cừ đã bị chặt hết. Tôi cũng nhìn thấy trên Facebook cuộc giải cứu Sơn Trà khỏi một dự án cáp treo “thành công”, bởi trên thực tế thì hệ thống cáp treo ấy… không có thật. Tôi cũng nhìn thấy rất nhiều người hăng hái với chiến dịch giải cứu Fansipan khỏi cáp treo chỉ để rồi sau đó hào hứng “check-in” cùng cáp treo.

Bởi, ngay sau những ồn ào của một phong trào, sẽ lại có ngay những vấn đề khác cần phản biện bằng cách like và share nhiệt tình.

Like và share để bày tỏ thái độ là một hoạt động thú vị với mỗi người. Điều đó giúp chúng ta cảm thấy mình có giá trị, có đóng góp cho sự tiến bộ. Song, nó cũng khiến chúng ta dễ dàng thỏa mãn, tự hài lòng là đã làm hết sức mình để góp tiếng nói phản biện cho cuộc sống tốt hơn. Hoặc, cũng đôi khi, sau những cơn bão like và share, chúng ta nhận được sự giận dữ hoặc thất vọng của chính bản thân mình. Khi đó, tôi nghĩ khi chưa có like và share, chúng ta đã phản biện như thế nào?

Năm 2003, khi dự án đường Hồ Chí Minh triển khai ở đoạn Hòa Bình – Thanh Hóa, có một vấn đề được đặt ra là con đường đó sẽ phải chạy xuyên qua rừng quốc gia Cúc Phương. Cũng như bây giờ, rất nhiều trí thức, các nhà nghiên cứu, nhà báo đã lo lắng cho số phận của rừng Cúc Phương khi có một con đường cao tốc xuyên qua. Họ đã làm gì?

Khi đó chưa có Facebook, chưa có lực lượng nhân sĩ yêu môi trường đông đảo như hiện nay. Nhưng tinh thần phản biện tích cực thì thời nào cũng có. Chỉ khác ở chỗ, những tiếng nói phản biện ấy được cất lên với một tinh thần khoa học, không phải hô hào lấy được. Họ khuyến nghị, họ lên tiếng về những băn khoăn trên tinh thần xây dựng. Và những khuyến nghị của giới nghiên cứu đươc báo chí phản ánh đã tạo động lực để chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó yêu cầu Bộ giao thông vận tải phải tổ chức để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và báo chí trực tiếp khảo sát thực địa để cùng tìm giải pháp.

Tôi nhớ đã cùng nhiều đồng nghiệp của mình, đi theo nhiều chuyến khảo sát thực địa cùng với các nhà khoa học khác nhau, những cây đa cây đề trong các ngành khoa học từ địa chất, lịch sử, sinh học, kinh tế, nhân chủng học… cùng đánh giá tác động của dự án dưới mọi khía cạnh trước khi các cuộc hội thảo khoa học được tổ chức. Cuối cùng, một phương án được đề xuất là làm cầu vượt xuyên qua rừng Cúc Phương. Đó là phương án cuối cùng được phê duyệt, tạo nên chuỗi cầu vượt liên hoàn hiện nay.

Cái không khí phản biện bây giờ, với like và share đã khác rất nhiều. Các phong trào like và share thường thiếu vắng kết quả nghiên cứu thực địa, thiếu vắng sự đối thoại đa ngành, các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau không thể trao đổi dưới các “status” kêu gọi giải cứu, bởi sự tham gia phần nhiều hung hăng của “cộng đồng mạng” – có cả tình trạng “thầy bói xem voi”.

Phản biện bằng like, và share khiến chúng ta dễ dàng nhìn thấy thành quả là sự chú ý quan tâm của cộng đồng. Nhưng nó cũng khiến cho chúng ta dễ dàng cảm thấy mất mát khi kết quả của sự phản biện ấy không tác động nhiều đến việc ra quyết định dù chúng ta đã làm hết sức mình. Song, chúng ta đã làm gì để việc phản biện hiệu quả hơn ngoài like, và share những góc nhìn giống mình?

Thay vì like và share, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách quan tâm của mình, bằng cách hỗ trợ trực tiếp vào việc tổ chức đánh giá tác động tổng thể của các dự án để đưa ra những khuyến nghị có sức thuyết phục hơn. Chúng ta cần động lực cho sự dấn thân của các nhà nghiên cứu, các nhà báo, để những câu chuyện không dễ dàng chìm đi trong những con sóng tin tức của xã hội hôm nay.

Tôi có một đồng nghiệp, lượt “like” trên Facebook nhiều vô số kể. Nhưng lần nào gặp, anh ta cũng nói về một ước mơ, là sẽ có ngày kêu gọi được một khoản tiền, đủ để anh, và đám học trò nghề báo của anh, chuyên tâm đi vào rừng làm điều tra về những vấn đề môi trường. Ngoại trừ thỉnh thoảng những lúc bỏ tiền túi ra để đi, anh phải viết đủ thứ thượng vàng hạ cám,  bàn chuyện showbiz, bán cả nồi niêu xoong chảo, và thứ gì cũng nhiều “like”. Trong số những người hâm mộ anh, có nhiều doanh nhân nghìn tỷ. Nhưng ước mơ của anh mãi chưa thành sự thật.

Thói quen phản biện bằng cú nhấp chuột, có thể khiến cho người ta quên đi cả nhiều nét nghĩa khác của từ “ủng hộ” hay “vận động”.

Theo PHẠM TRUNG TUYẾN / VNEXPRESS

Tags: , ,